Liều và lịch tiêm vắc-xin ung thư cổ tử cung

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin, Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi-rút HPV. Hơn 99% ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của vi-rút HPV týp sinh ung thư. Tuy nhiên, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, đã có vắc-xin phòng ngừa những tuýp HPV sinh ung thư phổ biến nhất là HPV 16 và 18.

1. Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là tổn thương ác tính phát triển tại cổ tử cung dưới nhiều dạng như chồi, sùi, loét, polyp hoặc thâm nhiễm, dễ chảy máu.

Ung thư xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi và phát triển bất thường một cách không kiểm soát. Ung thư cổ tử cung có thể là dạng xâm lấn tại chỗ hoặc lan rộng đến các cơ quan khác của cơ thể. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ và là bệnh ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trên toàn thế giới. Mỗi ngày, tại Việt Nam có thêm 14 ca mắc mới và 7 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung (theo thống kê của HPV Information Centre).

Theo các nghiên cứu, có hơn 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung do vi-rút gọi là Human papillomavirus (HPV) thuộc tuýp nguy cơ cao. Vi-rút HPV có hơn 100 tuýp, trong đó khoảng 15 tuýp có khả năng gây ung thư, phổ biến nhất là HPV 16 và 18 (gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn cầu), kế đến là tuýp 31 và 45.

2. Phòng ngừa ung thư cổ tử cung bằng cách nào?

Hiện nay, việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung đối với chị em phụ nữ là rất quan trọng. Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung cho chị em đó là:

  • Chích ngừa ung thư cổ tử cung bằng vắc-xin để ngăn chặn sự lây nhiễm vi-rút HPV nguy cơ cao và giáo dục sức khỏe, ngăn ngừa lây nhiễm;
  • Tầm soát định kỳ bằng tế bào CTC (còn gọi là tế bào CTC – âm đạo) và xét nghiệm HPV nhằm phát hiện sớm tuýp nguy cơ cao hay tổn thương bất thường để có biện pháp điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, sau khi tiêm chủng HPV, chị em vẫn cần phải duy trì việc khám sức khỏe và kết hợp với tầm soát ung thư định kỳ để có thể sớm phát hiện và phòng ngừa các triệu chứng của mọi loại bệnh phụ khoa. Nếu phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung có thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên nếu để bệnh tiến triển ở những giai đoạn muộn thì khả năng tử vong cao.

3. Liều và lịch tiêm vắc-xin ung thư cổ tử cung như thế nào?

Tiêm ung thư cổ tử cung mấy mũi
Vắc xin phòng ngừa HPV được chỉ định tiêm cho nữ giới từ 9 – 26 tuổi

Hiện nay, tại Việt Nam vắc-xin phòng ngừa HPV theo khuyến cáo của nhà sản xuất được chỉ định tiêm cho nữ giới từ 9 – 26 tuổi, bất luận đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Đây là thời điểm mà hiệu lực của vắc-xin HPV đạt cao nhất.

Với nữ giới dưới 40 tuổi, đã có quan hệ tình dục và có con vẫn có thể tiêm phòng HPV. Nhưng hiệu quả của vắc-xin sẽ không đạt được như mong muốn.

Do vậy, các chị em nên đi tiêm vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt. Vắc-xin này sẽ có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm. Tuy nhiên, vắc-xin này không có tác dụng đối với những người bệnh đã mắc ung thư cổ tử cung.

Vậy chích ngừa ung thư cổ tử cung có mấy loại? Cần phải tiêm ung thư cổ tử cung mấy mũi? Hiện nay có 2 loại vắc-xin phòng ngừa vi rút HPV được sử dụng tại Việt Nam gồm: Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ).

2 loại vắc-xin này có một số điểm khác nhau cơ bản về số lượng chủng vi-rút HPV có thể phòng ngừa, đối tượng, lịch tiêm cũng như tác dụng phòng ngừa.

Vắc xin Gardasil:

  • Phòng 4 tuýp HPV đó là 6, 11, 16 và 18;
  • Độ tuổi tiêm cho nữ giới từ 9 tuổi đến 26 tuổi;
  • Vắc-xin này cần phải tiêm 3 mũi chống ung thư cổ tử cung: Mũi 1 là ngày tiêm mũi đầu tiên; mũi 2 là 2 tháng sau mũi đầu tiên; mũi 3 là 6 tháng sau mũi đầu tiên.

Vắc-xin Cervarix:

  • Phòng 2 tuýp HPV (16 và 18);
  • Độ tuổi tiêm cho nữ giới từ 10 tuổi đến 25 tuổi;
  • Vắc-xin này cũng cần phải tiêm 3 mũi chống ung thư cổ tử cung: Mũi 1 là ngày tiêm mũi đầu tiên; mũi 2 là 1 tháng sau mũi đầu tiên; mũi 3 là 6 tháng sau mũi đầu tiên.

4. Một số lưu ý khi tiêm vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Tiêm ung thư cổ tử cung mấy mũi
Trước khi tiêm phòng HPV, bạn nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung
  • Trước khi tiêm phòng HPV, bạn nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung trước để đảm bảo an toàn tiêm chủng;
  • Tiêm phòng ngừa ung thư cổ tử cung đủ 3 mũi, và nên tiêm theo đúng lịch trình để đảm bảo hiệu lực của thuốc;
  • Nếu muộn so với lịch tiêm, bổ sung ngay mũi tiếp theo sớm nhất có thể. Không nhất thiết phải tiêm lại từ đầu.

Chỉ định tiêm với các đối tượng phụ nữ có các đặc điểm sau:

  • Là người khỏe mạnh;
  • Cơ thể chưa bị phơi nhiễm virus HPV;
  • Trong vòng 4 tuần không chích vắc xin nào và không sử dụng thuốc ức chế miễn dịch như như corticoid, thuốc chống thải ghép...;
  • Không cần làm xét nghiệm Pap trước khi chích.

Chống chỉ định tiêm trong các trường hợp sau:

  • Đang mắc các bệnh cấp tính nặng;
  • Không nên tiêm vắc-xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung trong thời gian mang thai hoặc dự tính sẽ có thai trong vòng 6 tháng sắp tới và cho con bú. Trường hợp đang trong thời gian tiêm phòng HPV mà phát hiện có thai thì thai phụ cần phải dừng tiêm. Sau khi sinh con xong mới tiêm những mũi tiếp theo, nhưng thời gian hoàn tất cả 3 mũi tiêm không được quá hơn 2 năm;
  • Phụ nữ có tiền căn quá nhạy cảm với nấm men hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc chích ngừa.

Tác dụng phụ sau khi tiêm chủng:

  • Vắc-xin phòng ngừa HPV có tác dụng phụ tại chỗ như sưng, nóng, đỏ, đau ở vết thương vừa tiêm;
  • Bên cạnh đó, có trường hợp xuất hiện triệu chứng nổi mẩn hay ngứa, nhưng chúng sẽ giảm dần và mất hẳn trong thời gian ngắn;
  • Sau khi chích phòng ngừa vi-rút HPV, chị em cần ở lại theo dõi tại địa điểm tiêm trong 30 phút và tiếp tục theo dõi các ngày sau đó tại nhà.

Việc tiêm phòng vi-rút HPV không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Vì thế chị em cần tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Cần phải thực hiện quan hệ tình dục an toàn để giúp phòng tránh ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiêm vắc-xin ung thư cổ tử cung uy tín, đáng tin cậy. Hiện có 2 loại vắc-xin đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới và được cấp phép lưu hành tại Việt Nam cũng như tại Vinmec là: GardasilCervarix. 2 loại vắc-xin này có một số điểm khác nhau cơ bản về số lượng chủng vi-rút HPV có thể phòng ngừa, đối tượng tiêm, lịch tiêm cũng như tác dụng phòng ngừa.

Quy trình tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung tại Vinmec như sau:

  • Khám và tư vấn trước khi tiêm: Bác sĩ khám sàng lọc sức khỏe, hỏi về tiền sử sức khỏe, tình trạng dị ứng, đã quan hệ tình dục hay chưa. Đồng thời, bác sĩ cũng tư vấn nguồn gốc xuất xứ, tác dụng của từng loại vắc xin và chọn vắc xin phù hợp với thể trạng, độ tuổi, nhu cầu của từng khách hàng.
  • Tiêm ngừa: Vắc xin được đảm bảo dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin tối ưu (kho lạnh, tủ lạnh chứa vắc xin có bộ phận cảnh báo nhiệt độ quá dải nhiệt độ cho phép...).
  • Theo dõi sau tiêm ngừa: Khách hàng được theo dõi tối thiểu 30 phút sau khi tiêm đảm bảo an toàn, có thể kiểm soát được tác dụng phụ (nếu có).
  • Xây dựng được phần mềm nhắc lịch tiêm chủng tự động giúp khách hàng có thể kiểm tra được lịch sử tiêm và kế hoạch tiêm qua máy tính, điện thoại.

XEM THÊM:

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

207.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan