Ai không nên tiêm vắc-xin phòng cúm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Sử dụng vắc - xin phòng cúm mùa mang lại hiệu quả lớn và không có gì phải bàn cãi. Với mùa cúm 2019 - 2020, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) và Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng (Advisory Committee on Immunization Practices - ACIP) của Hoa Kỳ khuyến cáo vắc - xin phòng cúm thường niên được sử dụng cho tất cả mọi người từ đủ 6 tháng tuổi trở lên.

Nhưng với sự phát triển của kĩ thuật chế tạo vắc - xin hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại vắc - xin phòng cúm khác nhau của các nhà sản xuất khác nhau, khiến một số người không khỏi băn khoăn khi có nhu cầu sử dụng vắc – xin. Lựa chọn giữa các loại vắc - xin đã được cấp phép sao cho phù hợp với chỉ định, lứa tuổi, Các loại vắc - xin phòng cúm hiện có thể lựa chọn bao gồm:

  • Vắc - xin phòng cúm bất hoạt (inactivated influenza vaccine - IIV)
  • Vắc - xin phòng cúm tái tổ hợp (recombinant influenza vaccine - RIV)
  • Vắc - xin phòng cúm sống giảm độc lực (live attenuated influenza vaccine - LAIV) dạng xịt đường hô hấp (nasal spray)

Một số loại vắc - xin sẽ không nên hoặc không được dùng (chống chỉ định) trong những trường hợp người sử dụng có các tình trạng bệnh lý nền nhất định và với một số ít người sẽ hoàn toàn không nên sử dụng bất kì loại vắc - xin phòng cúm nào.

1. Đối tượng KHÔNG NÊN tiêm vắc-xin phòng cúm

Những người không nên sử dụng vắc - xin phòng cúm đường tiêm:

  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi, vì chúng còn quá nhỏ để tiêm phòng cúm.
  • Những người dị ứng hoặc có tiền sử dị ứng mức độ nặng, đe dọa tính mạng với vắc - xin phòng cúm hoặc với bất kì thành phần nào có trong vắc - xin. Các thành phần có trong vắc - xin có thể bao gồm gelatin, kháng sinh, hoặc các thành phần khác.

Những người nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng vắc - xin phòng cúm đường tiêm: nếu thuộc một trong các tình huống dưới đây, hãy tham vấn bác sĩ chuyên khoa để bác sĩ quyết định xem liệu có thể sử dụng vắc - xin hay không, và lựa chọn loại vắc - xin thích hợp nhất:

  • Nếu có tiền sử dị ứng với trứng hoặc với bất kì thành phần nào có trong vắc - xin. Hãy thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng dị ứng của bản thân.
  • Nếu đã từng mắc hội chứng Guillain - Barré (Guillain - Barré Syndrome - GBS), bởi một số người có tiền sử mắc hội chứng Guillain - Barré không nên sử dụng vắc - xin phòng cúm. Nếu đã từng bị hội chứng Guillain - Barré, hãy thông báo cho bác sĩ biết.
  • Nếu cảm thấy trong người không khỏe, hãy thông báo cho bác sĩ biết về các triệu chứng đang biểu hiện.

2. Vắc - xin phòng cúm dạng xịt đường hô hấp

Influenza
Mọi người nên tiêm loại vắc-xin phù hợp với độ tuổi

Những người có thể sử dụng vắc - xin phòng cúm dạng xịt đường hô hấp:

  • Vắc - xin phòng cúm dạng xịt đường hô hấp được phê chuẩn để sử dụng cho những người khỏe mạnh không mang thai, trong độ tuổi từ 2 tới 49 tuổi.

Những người không nên sử dụng vắc - xin phòng cúm dạng xịt đường hô hấp:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên.
  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Những người có tình trạng dị ứng mức độ nặng, đe dọa tính mạng với vắc - xin phòng cúm hoặc với bất kì thành phần nào có trong vắc - xin.
  • Trẻ em trong độ tuổi từ 2 tới 17 tuổi mà đang điều trị với aspirin hoặc các thuốc có thành phần chứa salicylate.
  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu.
  • Những người có tiếp xúc gần hoặc chăm sóc cho người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng cần được ở trong môi trường bảo vệ (nếu đã sử dụng vắc - xin phòng cúm dạng xịt đường hô hấp thì hãy tránh tiếp xúc trong 7 ngày kể từ thời điểm sử dụng).
  • Trẻ em trong độ tuổi từ 2 tới 4 tuổi mà mắc hen phế quản, hoặc có tiền sử từng bị khò khè trong 12 tháng trước đó.
  • Những người đã sử dụng thuốc kháng virus cúm trong vòng 48 giờ trước đó.

Những người nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng vắc - xin phòng cúm dạng xịt đường hô hấp: nếu thuộc một trong các tình huống dưới đây, hãy tham vấn bác sĩ chuyên khoa để bác sĩ quyết định xem liệu có thể sử dụng vắc - xin hay không, và lựa chọn loại vắc - xin thích hợp nhất:

  • Những người từ 5 tuổi trở lên mắc hen phế quản.
  • Những người có các bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng nặng liên quan tới cúm. Các bệnh lý nền này bao gồm: bệnh phổi mạn, bệnh tim mạch (ngoại trừ tăng huyết áp đơn độc), bệnh thận, bệnh gan, rối loạn thần kinh và thần kinh cơ, rối loạn huyết học, hoặc rối loạn chuyển hóa (chẳng hạn như đái tháo đường).
  • Những người đang mắc bệnh cấp tính mức độ trung bình trở lên, có hoặc không có sốt.
  • Những người mắc hội chứng Guillain - Barré sau khi sử dụng vắc - xin phòng cúm trước đó.

3. Đối tượng nên được ưu tiên tiêm phòng cúm

Những đối tượng cần ưu tiên tiêm phòng cúm bao gồm:

  • Trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi (59 tháng)
  • Người từ 50 tuổi trở lên
  • Những người bị bệnh phổi mãn tính (bao gồm cả hen suyễn) hoặc bệnh tim mạch (trừ tăng huyết áp đơn thuần), thận, gan, thần kinh, huyết học hoặc rối loạn chuyển hóa (bao gồm cả đái tháo đường)
  • Những người bị ức chế miễn dịch do bất kỳ nguyên nhân nào, bao gồm ức chế miễn dịch do thuốc hoặc do nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV)
  • Phụ nữ sẽ mang thai trong mùa cúm và phụ nữ 2 tuần sau khi sinh
  • Những người sống trong viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn khác
  • Những người bị béo phì với chỉ số khối cơ thể [BMI] => 40
  • Nhân viên y tế
  • Người chăm sóc trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn từ 50 tuổi trở lên hoặc mắc bệnh tật có nguy cơ làm tình trạng bệnh cúm nặng hơn hoặc xảy ra biến chứng.
  • Người lớn từ 50 tuổi trở lên vì nhóm này có nhiều khả năng mắc các bệnh mãn tính khiến họ có nguy cơ cao mắc bệnh cúm nặng.
Vacxin cúm dạng xịt
Vắc-xin cúm dạng xịt mũi

4. Cân nhắc đặc biệt về dị ứng trứng

Người bị dị ứng trứng có thể được chủng ngừa bằng các loại vắc-xin cúm phù hợp với độ tuổi đã được khuyến nghị (IIV, RIV4 hoặc LAIV4). Những người có tiền sử dị ứng trứng nghiêm trọng (có triệu chứng khác ngoài phát ban sau khi tiếp xúc với trứng) nên được tiêm vắc-xin tại các cơ sở y tế để được nhận biết và kiểm soát các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Dị ứng trứng gà
Người bị dị ứng trứng có thể được chủng ngừa bằng các loại vắc-xin cúm phù hợp

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm vắc - xin cúm Vaxigrip (0,25ml và 0,5ml) của hãng GSK (Bỉ). Những ưu điểm khi tiêm, vắc-xin tại Vinmec bao gồm:

  • Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe.
  • Tư vấn về vắc - xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin.
  • 100% khách hàng tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
  • Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
  • Phòng tiêm chủng thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh.
  • Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt để đảm bảo chất lượng.
  • Bố mẹ sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan