Tại sao phải tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Kể từ khi văc xin ra đời loài người đã thực sự có được một loại vũ khí siêu hạng, sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Và để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất, cần tiêm vắc-xin đúng lịch với đủ liều lượng được quy định.

1. Vai trò của vắc-xin

Vắc-xin (tên tiếng Anh: Vaccine) là chế phẩm có tính kháng nguyên, được dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động để làm tăng sức đề kháng của cơ thể với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.

Tiêm chủng là phương pháp sử dụng vắc-xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu, giúp chống lại các căn bệnh truyền nhiễm. Hiện đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh.

Việc tiêm chủng có vai trò rất lớn đối với xã hội. Đó là:

1.1 Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm

Có khoảng 85 - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu, bảo vệ cơ thể không bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, họ sẽ không bị tử vong hoặc gặp di chứng do bệnh dịch gây ra.

Nhờ có vắc-xin, hằng năm có khoảng 2,5 triệu trẻ em trên thế giới không bị tử vong do bệnh truyền nhiễm;

thủy đậu với trẻ em
Bệnh thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm ở trẻ, có thể phòng bệnh bằng cách tiêm chủng vắc-xin

1.2 Giúp phát triển nguồn lực

Vắc-xin góp phần quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực. Nguyên nhân vì nhờ tiêm vắc-xin, những người được tiêm chủng đều phát triển khỏe mạnh, không bị di chứng, dị tật do các bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường, góp phần thúc đẩy nguồn nhân lực khỏe mạnh cho các quốc gia;

1.3 Vắc-xin góp phần xóa đói giảm nghèo

Vắc-xin là giải pháp giúp người được tiêm chủng luôn khỏe mạnh, không bị tấn công bởi bệnh truyền nhiễm , từ đó giảm chi phí chăm sóc y tế. Bên cạnh đó vắc xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.

2. Tiêm chủng bắt buộc đối với 10 bệnh truyền nhiễm

Theo Thông tư 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, có hiệu lực từ 01.01.2018: Cần thực hiện tiêm vắc-xin bắt buộc trong chương trình mở rộng cho trẻ sơ sinh đến khi trẻ 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh là: Bệnh lao, ho gà, bạch hầu uốn ván, viêm gan virus B, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản B, Rubella và một số bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b (Hib) gây ra.

Trong đó, 2 loại vắc-xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho trẻ sơ sinh là vắc-xin viêm gan B tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc-xin lao chỉ định tiêm 1 lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh.

Nếu chưa tiêm đúng lịch thì cần được tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó, nhưng cần đảm bảo phù hợp với đối tượng, hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bệnh ho gà điều trị ở nhà được không? Hướng dẫn chăm sóc bệnh ho gà ở trẻ em
Trẻ mắc bệnh ho gà do không được tiêm chủng vắc-xin

Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch cần phải sử dụng vắc-xin bắt buộc đối với 8 bệnh là: Bại liệt, ho gà, bạch hầu, Rubella, sởi, tả, bệnh dạiviêm não Nhật Bản.

Các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh thuộc diện bắt buộc phải tiêm nhằm duy trì miễn dịch cộng đồng. Nguyên nhân vì nếu vẫn còn những người không được tiêm chủng thì bệnh vẫn có thể tiếp tục lưu hành trong cộng đồng, có thể lây cho người chưa có miễn dịch, nhất là những người chưa đủ tuổi tiêm chủng hoặc có chống chỉ định tiêm chủng.

3. Vì sao phải tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch?

Mỗi loại vắc-xin được đưa vào sử dụng đều đã trải qua nhiều nghiên cứu về tính an toàn, hiệu lực, lịch tiêm, liều lượng và đường tiêm theo quy định. Để phòng bệnh hiệu quả, mỗi người cần được tiêm vắc-xin đúng lịch và đủ liều. Nguyên nhân vì:

  • Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ.
  • Khi bùng dịch, những người chưa được tiêm chủng có xu hướng đổ dồn đi tiêm, dẫn tới tình trạng khan hiếm vắc-xin, gây nhiều hệ lụy không tốt về mặt xã hội. Đồng thời, việc tiêm chủng ngay tại thời điểm dịch bùng phát cũng có thể không bảo vệ được cơ thể trước nguy cơ mắc bệnh, vì tiêm phòng phải đủ thời gian và đủ liều cơ thể mới tạo được kháng thể đủ để phòng chống bệnh đó.

Thực tế cũng có trường hợp trẻ em hoặc người lớn trong quá trình tiêm chủng bị sốt, viêm, mắc các bệnh cấp tính nên không đảm bảo điều kiện tiêm chủng khi khám sàng lọc trước tiêm. Hoặc, họ cũng có thể bận đi du lịch, về quê,... nên không thể thực hiện tiêm chủng theo đúng lịch hẹn.

Với các trường hợp này, nếu không tiêm phòng đúng theo lịch hẹn thì nên thực hiện tiêm lại càng sớm càng tốt ngay sau thời gian ghi trong lịch hẹn hoặc khi sức khỏe hồi phục. Việc tiêm bù ngay sau đó vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể sau khi tiêm phòng, không làm mất tác dụng của liều tiêm trước. Tuy nhiên, tuân thủ đúng phác đồ tiêm sẽ có hiệu quả bảo vệ tốt hơn.

Tiêm chủng, tiêm phòng, tiêm vacxin tại vinmec
Tiêm chủng tại Vinmec là sự lựa chọn của các bậc cha mẹ

Tiêm vắc-xin đúng lịch và đủ liều là giải pháp tốt để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì vậy, cả trẻ em và người lớn cần tuân thủ phác đồ tiêm chặt chẽ, chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan