Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân trong U Lympho

Bài viết của Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương - Bác sĩ Huyết học – Ung thư - Trung tâm Ung bướu - Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cùng bác sĩ nội trú Nguyễn Đình Du - Khoa Nội trú ghép tế bào gố- Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec

Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là phương pháp lấy tế bào gốc của chính người bệnh ghép lại cho người bệnh. Các tế bào gốc hỗ trợ và giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm phòng tránh những biến chứng đe dọa tính mạng. Cùng tìm hiểu ghép tế bào gốc tạo máu tự thân trong U Lympho qua bài viết sau.

1. Chỉ định ghép tế bào gốc tự thân trong u lympho

1.1. Chỉ định ghép tế bào gốc tự thân trong u lympho không Hodgkin

Cách này thường được chỉ định cho người dưới 65 tuổi. Phải có tiêu chuẩn đáp ứng với hóa chất trong đợt điều trị tấn công từ đầu hay sau khi tái phát điều trị cứu vãn trước khi ghép.

Thời điểm chỉ định ghép là tùy từng thể như sau:

  • U lympho không Hodgkin thể tiến triển: chỉ định ghép tế bào gốc tự thân với u lympho không Hodgkin tế bào B lớn lan tỏa, u lympho tế bào T thể ngoại vi, u lympho tế bào lớn biệt hoá. Chỉ định ghép tự thân khi kháng với điều trị từ đầu hoặc sau khi tái phát điều trị hàng 2 (second line) có đáp ứng hoá chất hoặc ghép ngay sau khi lui bệnh đợt đầu nếu thuộc nhóm nguy cơ cao.
  • U lympho không Hodgkin tế bào vùng rìa: Chỉ định ghép tự thân ngay sau khi điều trị tấn công đạt lui bệnh.
  • U lympho không Hodgkin tế bào T: Sau điều trị đáp ứng với hóa chất hàng 1 (first line) hoặc sau tái phát điều trị cứu vãn hàng 2 (second line) có đáp ứng với hóa chất.
  • U lympho không Hodgkin thể âm thầm: U lympho thể nang, U lympho tế bào dạng lympho và plasmo. U lympho tổ chức lympho liên quan màng nhày. U lympho tế bào lympho nhỏ, U lympho thể vùng rìa lách: Chỉ định cho các trường hợp tái phát điều trị cứu vãn còn đáp ứng.

1.2. Bệnh Hodgkin

Người bệnh trong độ tuổi dưới 60 tuổi. Chẩn đoán xác định bệnh Hodgkin. Thời điểm chỉ định ghép các người bệnh kháng thuốc hoặc sau tái phát.

Bệnh Hodgkin
Bệnh Hodgkin cần được chẩn đoán chính xác để có phác đồ điều trị phù hợp

2. Điều trị trong ghép tế bào gốc tạo máu tự thân trong U Lympho

Điều trị u lympho cần được thực hiện tại cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về ung thư – huyết học, do các bác sĩ được đào tạo chuyên ngành huyết học ung thư và có kinh nghiệm điều trị hóa chất/ghép tế bào gốc tạo máu thực hiện, trong điều kiện có phòng cách ly đủ tiêu chuẩn, hồi sức huyết học, có đủ chế phẩm máu và các thuốc điều trị chuyên khoa.

Mục đích điều trị: Tiêu diệt tối đa tế bào ác tính để đạt được lui bệnh hoàn toàn, sau đó tiến tới khỏi bệnh bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu.

Nguyên tắc điều trị: Điều trị hóa chất theo phác đồ tiêu chuẩn, liệu trình điều trị chia làm nhiều đợt: Tấn công, củng cố, duy trì. Phối hợp ghép tế bào gốc khi người bệnh đạt lui bệnh hoàn toàn. Phối hợp với các thuốc điều trị nhắm đích.

Trong đó phương pháp ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi trên thế giới, được coi là phương pháp có thể chữa khỏi bệnh u lympho.

Ghép tế bào gốc: Quy trình ghép tế bào gốc tự thân gồm các bước

  • Dùng thuốc kích thích số lượng tế bào gốc trong máu.
  • Phân tách và sàng lọc tế bào gốc từ máu.

Điều trị ung thư liều cao (điều trị chuẩn bị ghép). Trong giai đoạn điều trị chuẩn bị ghép, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị hoặc xạ trị liều cao, hoặc kết hợp cả 2 phương thức, để tiêu diệt tế bào ung thư.

Truyền tế bào gốc. Tế bào gốc sẽ được truyền vào tĩnh mạch bệnh nhân, di chuyển đến tủy xương và tạo ra các tế bào máu mới. Truyền sau khi kết thúc điều kiện hóa 24 giờ. Nếu truyền tươi tế bào gốc nguồn gốc từ tủy xương hoặc máu ngoại vi: Tốc độ truyền 40-50 giọt/phút nếu truyền tế bào gốc bảo quản âm sâu: Truyền càng nhanh càng tốt sau khi rã đông.

Sau ghép, bệnh nhân cần được chăm sóc và giám sát chặt chẽ để theo dõi quá trình cơ thể đáp ứng với tế bào ghép cũng như xử trí kịp thời các biến chứng của tác dụng phụ. Biến chứng liên quan đến truyền tế bào gốc tự thân và hướng xử lý

Biến chứng chảy máu - những người bệnh có nguy cơ chảy máu là: Giảm tiểu cầu nặng, tiền sử mới phẫu thuật, viêm bàng quang chảy máu. Với người bệnh có nguy cơ cao, khối tế bào gốc tủy xương nên được cô đặc và rửa để loại heparin hoặc sử dụng ACD (acid citrate dextrose) thay thế heparin khi bảo quản.

Xử trí: Trung hoà heparin: 1mg protamine có thể trung hoà được khoảng 100 đơn vị heparin, liều tối đa là 50mg và tốc độ truyền không được quá 5mg/ phút.

  • Sốt - Do nhiễm trùng khối tế bào gốc: sốt cao, có thể có sốc nhiễm khuẩn, xử trí cấy bệnh phẩm lấy từ túi tế bào gốc và điều trị kháng sinh phổ rộng ngay từ đầu cho đến khi cấy máu âm tính hay cho đến khi xác định nguyên nhân gây bệnh. Do các cytokin được tiết ra trong quá trình thu gom, xử lý và bảo quản: Sốt mức độ nhẹ không kèm rét run, huyết áp tụt hay những triệu chứng gợi ý nhiễm trùng. Nên truyền hết khối tế bào gốc, xử trí hạ sốt.
  • Quá tải dịch: Tránh biến chứng quá tải dịch bằng cách truyền chậm và cho thêm lợi tiểu.
  • Độc chất bảo quản tế bào gốc (DMSO) Biểu hiện: Nôn, buồn nôn, mẩn ngứa, đau đầu, thay đổi huyết áp và nhịp tim, xử lý bằng cách truyền chậm tế bào gốc. Nếu huyết áp tụt cần phải tăng truyền dịch muối với tốc độ nhanh, cân nhắc cho dopamine.
Sốt sau ghép tế bào gốc
Người bệnh có thể sốt khi truyền tế bào gốc vào cơ thể

3. Theo dõi sau ghép tế bào gốc tự thân

Chăm sóc người nhận ghép: Chăm sóc toàn diện theo dõi xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu hàng ngày, các xét nghiệm chức năng gan, thận 3 ngày/lần.

Chống nhiễm khuẩn, nhiễm nấm: Người bệnh nằm trong phòng vô khuẩn. Sử dụng kháng sinh dự sinh phòng khi bạch cầu trung tính dưới 0,5G/L. Khi người bệnh có sốt: sử dụng kháng sinh phổ rộng và mạnh phối hợp, điều chỉnh kháng sinh theo kháng sinh đồ.

Sử dụng thuốc kích bạch cầu (G-GSF): Khi số lượng tuyệt đối bạch cầu trung tính dưới 0,5G/L.

  • Dinh dưỡng: Đảm bảo vô trùng và vệ sinh dinh dưỡng tuyệt đối.
  • Truyền chế phẩm máu: dựa trên xét nghiệm của người bệnh.

Đánh giá người bệnh để ra viện, người bệnh không sốt, không cần dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Không cần truyền tiểu cầu hay ít hơn 1 lần/2 tuần. Số lượng tuyệt đối bạch cầu trung tính (ANC) > 1G/L.

4. Biến chứng sớm và muộn của ghép tự thân

4.1 Biến chứng sớm

  • Tác dụng phụ của G-CSF: Đau cơ, đau xương và đau đầu...
  • Hóa chất của phác đồ điều kiện hóa có thể gây: Chảy máu phế nang lan tỏa, viêm phổi kẽ đặc biệt ở người bệnh điều kiện hóa bằng bleomycin/carmustine và tia xạ toàn thân. Viêm loét miệng, nôn, tiêu chảy. Tăng bilirubin và men gan không có triệu chứng, viêm tắc tĩnh mạch trên gan đặc biệt ở người bệnh điều trị busulfan. Suy thận cấp trước thận, độc thận, viêm thận kẽ. Suy tim, loạn nhịp tim (thường do cyclophosphamide).
  • Biến chứng do giảm bạch cầu trung tính và tiểu cầu.

4.2 Biến chứng muộn

Hiếm xảy ra, bao gồm: Xơ phổi ở những người bệnh điều trị busulfan và carmustine. Suy tuyến sinh dục ở những người bệnh điều kiện hóa bằng tia xạ toàn thân hoặc busulfan. Có thể có rối loạn sinh tủy thứ phát ở giai đoạn muộn sau ghép.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan