Tìm hiểu về vị thuốc thạch hộc

Thạch hộc đã được sử dụng cho mục đích y học trong ít nhất 2.000 năm, bằng chứng là nó đã được ghi chép trong Thần Nông Bản Thảo Dược được viết từ 2300 đến 2780 năm trước (thời Chiến Quốc). Nghiên cứu cho thấy rằng vị thuốc thạch hộc sở hữu những thành phần dược chất phong phú và cân đối có thể sử dụng trên lâm sàng trong điều trị nhiều bệnh rối loạn như viêm họng mãn tính, bệnh đường tiêu hóa, bệnh về mắt, đái tháo đường, viêm khớp.

1.Vài nét về cây thạch hộc

Đây là một thành viên thuộc chi lan hoàng thảo, là một loại thảo dược quý hiếm và bộ phận làm thuốc chính là thân cây. Thạch hộc được thu hoạch quanh năm, đặc biệt là vào mùa thu, được làm khô bằng lửa hoặc dưới ánh nắng mặt trời, cắt nhỏ và dùng sống.

Cây thạch hộc là loại cây thảo dược sống lâu năm. Phần thân cây cao 10 - 60cm và dày khoảng 1,3cm, có rãnh dọc, núm hơi dày, gốc hẹp. Lá cây chùm ngây có hình thuôn dài hoặc hình elip, dài từ 6 đến 12cm, rộng từ 1 đến 3cm, hai mặt nhẵn. Hoa của nó dạng cụm có từ 1 đến 4 hoa, đường kính đến 8cm, cánh hoa có lớp màng màu trắng pha chút tím nhạt và đỉnh màu tím. Quả hình thuôn dài. Thời gian nở hoa từ tháng 4 đến tháng 7.

Có khoảng 1000 loài thạch hộc trên thế giới. Nó thường mọc trên đỉnh vách đá dựng đứng ở các loại hình rừng kín thường xanh và rừng cây lá rộng ẩm trên núi đá vôi, nhờ đó mà cây này tiếp xúc với hơi ẩm của sương và mưa cũng như ánh sáng mặt trời quanh năm.

Nó có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Châu Á, Úc và các đảo Thái Bình Dương. Ở Việt Nam thạch hộc được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc, còn ở miền nam cây sẽ mọc ở vùng núi cao từ 1000 m trở lên.

thạch hộc
Hình ảnh cây thạch hộc

2.Thành phần hóa học của thạch hộc

Thân cây thạch hộc chứa các alkaloid 0,3% và các thành phần được phân lập bao gồm dendrobine, nobilonine, 6-hydroxydendrobine, dendramine, dendroxine, 6-hydroxydendroxine, 4-hydroxydendroxine, dendrine, 3-hydroxy-2-oxydendrobine.

Người ta cũng báo cáo rằng có 5 gốc amoni bậc bốn được phân lập, bao gồm N-methyldendrobinium, N-isopentenyldendrobinium, dendrobine N-oxide, và N-isopentenyl-6-hydroxydendroxinium. Ngoài ra, nó vẫn chứa nobilomethylene, denbinobin, β-sitosterol và daucosterol.

3.Cách sơ chế thạch hộc

Thân một số loài trong chi Lan hoàng thảo được thu hoạch vào tháng 6-10, cắt bỏ gốc rễ, lá, rửa sạch, rồi đem qua hơi nước rồi phơi hay sấy khô. Có 3 cách sơ chế thạch hộc làm thuốc: chế biến tươi, chế biến khô và phong đấu.

Bảo quản thạch hộc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc và ánh nắng trực tiếp.

4.Công dụng của thạch hộc dược liệu

4.1 Công dụng của thảo dược thuộc chi Lan hoàng thảo

Các công dụng chữa bệnh của chi lan hoàng thảo đã được ghi lại trong một số tác phẩm y học cổ đại nổi tiếng như Thần Nông Bản Thảo Dược.

  • Thúc đẩy sự tiết dịch vị để hỗ trợ tiêu hóa và dẫn đến tăng nhu động ruột giúp hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên với liều lớn, nó dẫn đến liệt cơ ruột.
  • Nó có một số tác dụng giảm đau và hạ sốt, tương tự như phenacetin nhưng có tác dụng yếu hơn.
  • Tăng cường khả năng thực bào của đại thực bào ở chuột.
  • Polysaccarite trong thạch hộc có thể phục hồi chức năng miễn dịch bị ức chế ở chuột do hydrocortisone gây ra.
  • Nước sắc từ dược liệu này có thể ngăn chặn và điều chỉnh sự phân hủy trong thủy tinh thể. Nó có tác dụng điều trị và làm chậm quá trình bệnh đục thủy tinh thể do galactose gây ra ở chuột.
Đục thủy tinh thể phải điều trị thế nào?
Thạch hộc có tác dụng trong điều trị bệnh đục thủy tinh thể

4.2 Một số tác dụng của thạch hộc

Thạch hộc dược liệu đứng đầu trong danh sách 9 loại thảo dược quý hiếm của Trung Hoa gọi là “Đại tiên thảo Trung Hoa”. Tác dụng và chức năng của thạch hộc là thúc đẩy quá trình bài tiết dịch trong cơ thể, ích vị, dưỡng âm và thanh nhiệt, bổ thận và phổi. Thạch hộc có các lợi ích sức khỏe như sau:

  • Bổ âm và sinh tân dịch. “Từ điển Dược phẩm Trung Quốc” cho rằng thạch hộc nuôi dưỡng khí và dịch trong phổi và dạ dày, giúp điều trị nhiều loại bệnh do âm hư trong cơ thể.
  • Tăng cường thể lực. Thạch hộc giúp bổ thận sinh tinh, bổ dạ dày và tăng cường sức lực. Và nó rất giàu polysaccarite giúp tăng cường chức năng miễn dịch.
  • Bổ tỳ và dạ dày. Thạch hộc là loại thuốc thường được sử dụng để điều trị đau dạ dày và vùng thượng vị. Một số nghiên cứu cho thấy rằng thạch hộc có khả năng ức chế vi khuẩn Helicobacter pylori gây bệnh thường gặp trong các bệnh dạ dày, như viêm dạ dày, loét dạ dày...
  • Bổ gan và mật. Dược liệu này có tác dụng lợi mật tốt, được nhiều nhà thảo dược khuyên dùng. Do đó, nó thường được sử dụng như một loại thuốc điều trị các bệnh gan mật, chẳng hạn như viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật.
  • Giảm lượng đường trong máu. Từ lâu vị thuốc thạch hộc được dùng điều trị bệnh tiểu đường nhờ khả năng dưỡng âm, thanh nhiệt. Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng nó không chỉ tăng cường hoạt động của insulin, mà còn giúp làm giảm và đưa lượng đường trong máu trở lại bình thường.
  • Cải thiện thị lực. Thạch hộc cũng được coi là một trong những loại thuốc bổ mắt trong mắt của các thầy thuốc cổ đại vì đặc tính bổ dưỡng và cải thiện thị lực. Thạch hộc có tác dụng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh đục thủy tinh thể do tuổi già.
  • Kéo dài tuổi thọ. Thần Nông Bản Thảo Dược đánh giá rằng đây là một loại thuốc hiệu quả giúp giảm cân và kéo dài tuổi thọ. Thạch hộc chứa nhiều nguyên tố vi lượng, có liên quan mật thiết đến sức khỏe và tuổi thọ của con người, có tác dụng chống lão hóa toàn diện hơn so với các loại thảo mộc khác.

5.Một số đơn thuốc mẫu có chứa thạch hộc

Thạch hộc được dùng trong các bệnh âm hư do sốt, khô miệng, ho, đau dạ dày và chậm tiêu, ho khan do khô phổi, mắt mờ, đau thắt lưng và đầu gối. Liều dùng thạch hộc dược liệu là từ 6g đến 15g dạng khô hoặc 12g đến 30g thảo mộc tươi ở dạng thuốc sắc. Bên cạnh đó, thạch hộc cũng có sẵn ở nhiều dạng khác, chẳng hạn như thuốc viên, chiết xuất, bột, trà...

  • Bài thuốc điều trị viêm dạ dày: Thạch hộc, mạch môn, hoa phấn, bạch biển đậu, trúc nhự tươi, mỗi vị 12g; bắc sa sâm lông, giá đậu tươi 16g. Dùng 1 thang/ 1 ngày.
  • Bài thuốc điều trị suy nhược cơ thể sau khi nhiễm khuẩn sốt cao: bạch truật 10g, ngọc trúc 8g, ô mai 6g, ma hoàng 4g; mỗi vị sắc 12g: thạch hộc, mạch môn, tang diệp, sa sâm. Dùng 1 thang/ 1 ngày.
  • Bài thuốc điều trị đau lưng gối, ù tai, hoa mắt, chóng mặt: Thạch hộc 12g, mạch môn 12g, thiên môn 12g, thục địa 12g, kỷ tử 12g; a giao, hạt tía tô, bạc hà, ngưu bàng tử, mỗi vị 8g. Dùng 1 thang/ 1 ngày.
  • Bài thuốc điều trị suy nhược thần kinh, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, khó ngủ, ù tai, hay quên: Thạch hộc 12g, câu đằng 16g, long cốt 16g, kỷ tử 12g, sa sâm 12g, mạch môn 12g, hạ khô thảo 12g, mẫu lệ 12g, trạch tả 8g, địa cốt bì 8g, cúc hoa 8g, táo nhân 8g. Dùng 1 thang/ 1 ngày.
Phương pháp điều trị viêm dạ dày
Viêm dạ dày có thể sử dụng đơn thuốc có chứa thạch hộc để điều trị

6.Tác dụng phụ và chống chỉ định của vị thuốc thạch hộc

Thạch hộc có độc tính rất thấp, có thể xem là không độc với liều lượng thông thường. Tuy nhiên, dùng quá liều thạch hộc có thể gây co giật. Bên cạnh đó, trên lâm sàng người ta đã từng báo cáo rằng nó đã gây ra viêm da dị ứng.

Theo quan điểm của Y Học Cổ Truyền Trung Quốc, thuốc thạch hộc không nên dùng cho các trường hợp: giai đoạn đầu của bệnh cảm mạo, tỳ vị hư hàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan