Đông y trị men gan tăng cao

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Thị Ái Vân - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông

Men gan tăng cao là tình trạng cho thấy gan đang bị tổn thương các tế bào gan. Nếu tình trạng tăng men gan xảy ra kéo dài mà không điều trị sẽ rất dễ xảy ra các biến chứng như xơ gan, ung thư gan.... Vì thế, các bài thuốc đông y chữa men gan tăng cao từ những thảo dược quen thuộc đã mang đến tín hiệu tích cực cho người bệnh.

1. Men gan tăng cao là gì?

Gan là 1 trong những cơ quan quan trọng nhất trên cơ thể, đảm nhiệm các chức năng: sản xuất các yếu tố đông máu, đào thải độc tố, dự trữ vitamin, sản xuất glucose và các chất dinh dưỡng, chuyển hóa cacbohydrat, protein, lipid... Men gan tăng cao là một trong những tình trạng cảnh báo gan đang bị tổn thương.

Các men gan tăng có thể do các tế bào gan đang chịu tổn hại. Để kiểm tra mức men gan, các bác sĩ thường chỉ định thử nghiệm 2 men gan đặc hiệu là ALT và AST. Nồng độ bình thường là ALT 7 - 56 UI/L, AST 5 - 40 UI/L.

Có một số nguyên nhân làm men gan tăng cao là:

  • Sử dụng thuốc: Các thuốc giảm cholesterol và thuốc giảm đau có chứa acetaminophen;
  • Thói quen uống rượu và béo phì làm giảm chức năng gan, tăng men gan;
  • Mắc bệnh viêm gan A, B, C, bệnh gan không do rượu và suy tim;
  • Mắc bệnh celiac, viêm túi mật hoặc tụy, ung thư gan, suy tuyến giáp, viêm gan tự miễn, xơ gan, nhiễm virus Epstein-Barr,...

Người bị men gan cao thường có các triệu chứng mơ hồ như: Hơi đau ở vùng hạ sườn phải, trướng bụng nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, giãn các vi mạch ở cổ và mặt,... thậm chí, một vài trường hợp dù có men gan tăng rất cao nhưng không hề có một triệu chứng lâm sàng nào. Bệnh chỉ được phát hiện vô tình qua kiểm tra sức khỏe.

Còn với các triệu chứng biểu hiện rõ rệt, men gan tăng cao theo đông y thường xếp vào các chứng: Hoàng đản (vàng da), hư lao (mệt mỏi, ăn uống kém, tiêu hóa kém), hiếp thống (đầy tức mạn sườn),...

2. Đông y chữa men gan tăng cao như thế nào?

Nếu thấy men gan tăng nhẹ trong một xét nghiệm máu, bác sĩ thường đề nghị áp dụng các biện pháp tự nhiên để hạ thấp men gan.

2.1 Các cây thuốc điều trị men gan tăng cao

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra 3 loại cây thuốc có tác dụng điều trị men gan tăng cao hiệu quả. Người bệnh kiên trì uống mỗi ngày sẽ có hiệu quả tốt. Các loại dược thảo đó là:

  • Cây diệp hạ châu

Diệp hạ châu còn có tên dân gian là cây chó đẻ mọc hoang ở mọi nơi. Dược tính của cây chó đẻ làm gia tăng hàm lượng Glutathione trong gan, giúp cân bằng men gan. Ngoài ra, nhiều người còn dùng cây chó đẻ để trị gan nhiễm mỡ, viêm gan,...

Bài thuốc nam tốt cho gan, hạ men gan từ cây chó đẻ: Rửa sạch cây, phơi khô làm thuốc dùng dần. Mỗi ngày, bệnh nhân lấy 1 nắm cây diệp hạ châu khô đem nấu nước uống khoảng 2 - 3 ly/ngày cho tới khi men gan ổn định thì ngừng sử dụng.

  • Cây kế sữa

Những người thường xuyên sử dụng rượu bia gây viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, men gan cao nên sử dụng cây kế sữa. Chất silymarin trong cây kế sữa giúp ngăn ngừa các chất độc hại xâm nhập vào tế bào gan, thúc đẩy sự sản sinh các tế bào gan mới và góp phần giải độc gan hiệu quả.

Cách dùng cây kế sữa: Toàn bộ các bộ phận thân, rễ, hoa, lá của cây kế sữa đều có dược tính chữa bệnh. Bạn có thể rửa sạch cây kế sữa, đun với nước để uống hằng ngày, giúp hạ men gan. Dược tính của cây kế sữa tốt nhất là vào mùa xuân - khi cây còn non.

Cây kế sữa
Cây kế sữa là một trong các cây thuốc nam tốt cho gan

*Lưu ý: Không dùng thảo dược này cho phụ nữ có thai và cho con bú.

  • Cây nhân trần

Loại cây này là khắc tinh của bệnh men gan cao, rất tốt cho những người mắc căn bệnh này. Thành phần của cây nhân trần giúp kích thích tiết dịch mật để gan loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, bảo vệ các tế bào gan luôn khỏe mạnh. Vì vậy, nó ngăn ngừa được bệnh gan nhiễm mỡ và men gan cao hiệu quả.

Cách dùng cây nhân trần: Người bệnh có thể dùng cây nhân trần tươi hoặc khô để nấu lấy nước uống như nước trà hằng ngày. Sau một thời gian, bạn nên tới bệnh viện để xét nghiệm lại men gan, nếu thấy lượng men gan đã sử dụng thì nên ngưng dùng thuốc. Không nên lạm dụng cây nhân trần vì sẽ gây những hệ lụy không tốt cho sức khỏe.

2.2 Đông y chữa men gan tăng cao theo từng thể bệnh

Đông y xếp men gan tăng cao thành từng thể bệnh với cách điều trị khác nhau.

2.2.1 Thể thấp nhiệt

Bệnh nhân có triệu chứng: Chán ăn, miệng đắng, bụng trướng, miệng khô nhớt, vùng gan bị đau nhiều, da vàng sạm, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, tiểu tiện vàng, mạch huyền.

Phương pháp điều trị: Thanh nhiệt trừ thấp.

Sử dụng bài thuốc nhân trần ngũ linh tán gồm: 12g phục linh, 6g quế chi, 12g trạch tả, 20g nhân trần, 8g trư linh, 12g bạch truật.

Gia giảm thuốc như sau:

  • Nếu bệnh nhân bị chán ăn, người mệt mỏi, đại tiện phân máu thì thêm bạch truật và đảng sâm;
  • Nếu người bệnh bị lợm giọng, buồn nôn thì thêm 10g trần bì và 10g bán hạ chế;
  • Nếu bệnh nhân bị viêm gan mạn do bệnh tự miễn thì tăng liều đương quy, bạch truật, đảng sâm, cam thảo bắc lên 20 - 30g;
  • Nếu người bệnh bị viêm gan mạn do virus thì thêm 50g diệp hạ châu;
  • Trường hợp người bệnh bị viêm gan mạn do dùng thuốc hay rượu thì tăng liều bạch truật, cam thảo bắc lên 20 - 30g.

2.2.2 Thể can uất tỳ hư

Bệnh nhân có triệu chứng đau tức nặng ở vùng hông sườn phải, ăn kém, miệng đắng, người mệt mỏi, chất lưỡi nhợt nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, đại tiện phân não, mạch huyền.

Phương pháp điều trị: Sơ can kiện tỳ.

Sử dụng bài thuốc Sài hồ sơ can thang gia giảm gồm: 10g đại táo, 8g xuyên khung, 6g chỉ thực, 12g sài hồ, 6g cam thảo bắc, 6g hậu phác, 10g đương quy, 8g bạch thược.

Gia giảm thuốc như sau:

  • Nếu người bệnh bị đau tức nặng vùng gan gây khó chịu thì nên tăng thêm liều 12g bạch thược, 12 cam thảo, 10g xuyên khung, 10g hậu phác, 10g chỉ thực;
  • Nếu bệnh nhân bị viêm gan mạn tính gây ra bởi các bệnh tự miễn thì tăng liều bạch thượng và cam thảo bắc lên 20 - 30g;
  • Nếu người bệnh bị viêm gan mạn tính do virus thì thêm 50g diệp hạ châu (cây chó đẻ), 20g đương quy, 20g đại táo.

2.2.3 Thể can âm hư

Thể bệnh này thường gặp trong viêm gan đang tồn tại hoặc giai đoạn thuyên giảm sau viêm gan mạn tiến triển. Các triệu chứng mà bệnh nhân thường gặp gồm ngủ ít, hồi hộp, sốt từ 37.5 - 38 độ C, lòng bàn tay bàn chân nóng, khô họng, khát nước, hay gắt gỏng, táo bón, lưỡi đỏ, nước tiểu vàng và mạch huyền tế sác.

Phương pháp điều trị: Tư dưỡng can âm.

Sử dụng bài thuốc Nhất quán tiễn gia giảm gồm: 12g mạch môn, 12kg kỷ tử, 12g hà thủ ô đỏ chế, 12g sa sâm, 12g nữ trinh tử, 12g sinh địa, 12g bạch thược.

  • Nếu bệnh nhân bị viêm gan mạn tính do virus thì nên tăng liều bạch thượng lên 20g, kỷ tử lên 30g, thêm 50g diệp hạ châu;
  • Nếu bệnh nhân bị viêm gan mạn tính do rượu thì tăng liều kỷ tử lên 30g.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của các lương y, có thể dùng bài thuốc tam thảo thang để điều trị tăng men gan. Bài thuốc như sau: 15g bạch hoa xà thiệt thảo, 12g cam thảo, 15g hạ khô thảo. Trên cơ sở bài thuốc này, tùy tình trạng bệnh nhân để gia giảm các vị thuốc cho phù hợp.

đông y chữa men gan tăng cao
Bài thuốc Nhất quán tiễn trong đông y chữa men gan tăng cao

3. Một số biện pháp tự nhiên để hạ men gan

Ngoài việc áp dụng các bài thuốc đông y chữa men gan tăng cao, bệnh nhân còn có thể thực hiện theo những hướng dẫn sau để tự hạ men gan một cách tự nhiên:

  • Ăn nhiều rau xanh: Một chế độ ăn nhiều rau xanh sẽ giúp đảm bảo rằng gan của bạn đang nhận đủ vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh, làm giảm sự trữ mỡ trong gan. Bệnh nhân nên ưu tiên rau bina, bắp cải, bông cải xanh,...;
  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ: Các thực phẩm giàu chất xơ giúp phá vỡ cholesterol trong cơ thể và kiểm soát tốt men gan. Những loại thực phẩm này cũng làm tăng lượng dịch mật để tiêu hóa chất béo. Một số thực phẩm giàu chất xơ bạn nên ăn là yến mạch, quả mọng, quả hạch, các loại đậu,...;
  • Tăng lượng vitamin C: Đây là loại vitamin tốt cho hệ thống miễn dịch, hỗ trợ phục hồi các tế bào gan và giảm men gan. Bạn nên tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin C như ổi, cam, quýt, bưởi,... và hạn chế đồ uống có đường;
  • Tăng cường các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Các loại thực phẩm giàu axit béo Omega-3 và vitamin B như hạt dẻ, giàu flavonoid như bơ, củ cải đường,... đều giúp gan hoạt động tốt hơn;
  • Uống đủ nước: Bạn nên uống ít nhất 8 ly nước/ngày vì đây là cách tốt nhất để giúp gan đào thải chất độc một cách hiệu quả. Nên uống nước ngay sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ tối;
  • Bỏ rượu bia: Uống rượu bia là một trong những cách gây tổn hại nặng nề nhất cho gan. Vì vậy, nếu muốn hạ men gan thì bạn nên từ bỏ các loại thức uống có cồn;
  • Giảm cân: Những người bị béo phì có nguy cơ tăng men gan. Giảm cân chính là một biện pháp hiệu quả để kiểm soát men gan. Bạn nên giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 - 23;
  • Tập thể dục thường xuyên: Việc duy trì một lối sống tích cực giúp bạn có được sức khỏe tốt và đảm bảo gan hoạt động hiệu quả. Bạn nên tập luyện ít nhất 30 phút/ngày, tối thiểu 5 ngày/tuần. Một số bài tập lý tưởng là đi bộ, chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ,...;
  • Lưu ý khác: Trao đổi với bác sĩ nếu sử dụng các loại thuốc có thể gây ảnh hưởng tới chức năng gan; kiểm tra các loại hóa dược mà bạn sử dụng, nên chọn loại có ít hóa chất độc hại; tránh xa khói thuốc lá,...

Bên cạnh việc sử dụng các bài thuốc đông y chữa men gan tăng cao, người bệnh cần thay đổi lối sống và thói quen ăn uống theo hướng tích cực, khoa học hơn. Điều này sẽ giúp bạn có được một sức khỏe tốt, giảm tối đa nguy cơ phải đối diện với các bệnh lý nguy hiểm ở gan.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan