Tác dụng với sức khỏe của ba kích?

Ba kích là một vị thuốc Y Học Cổ Truyền được nhiều người biết tới, đặc biệt là các đấng mày râu, bởi nó được cho là có tác dụng tăng cường sinh lý ở nam giới.

1. Ba kích là gì?

Ba kích còn được nhân dân một số nơi gọi với tên khác như là cây ruột gà, ba kích thiên, hay sáy cáy (Thái), thao tày cáy (Mán), chầu phóng sì (Tày), chổi hoàng kim, chày kiằng đòi (Dao). Tên khoa học của cây ba kích là Morinda officinalis How, thuộc họ cà phê (Rubiaceae).

Rễ cây ba kích có hình trụ tròn hoặc hơi dẹt, cong queo, mỗi đốt dài 3 cm trở lên, đường kính 0,3 cm trở lên. Mặt ngoài rễ ba kích có màu nâu xám hoặc nâu nhạt, có nhiều vân dọc và ngang, có nhiều chỗ nứt sâu tới lõi gỗ. Mặt cắt qua rễ ba kích có phần thịt dày màu tím xám hoặc màu hồng nhạt, ở giữa là lõi gỗ nhỏ màu vàng nâu.

Ở nước ta, cây ba kích thường mọc hoang ở ven rừng, trên đồi rậm giữa các bụi bờ, bãi hoang. Cây ba kích được tìm thấy nhiều nhất ở Quảng Ninh, Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Bộ phận dùng làm thuốc của cây ba kích là phần rễ, có thể đào lấy quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa thu đông. Rễ ba kích sau khi đào về được rửa sạch đất cát, loại bỏ rễ con, sau đó đem phơi khô tới khi không dính tay, đập nhẹ cho bẹp, rồi tiếp tục phơi đến khô hoặc sấy nhẹ đến khô.

Một số cách bào chế dược liệu ba kích trong Y Học Cổ Truyền:

  • Ba kích nhục: Lấy phần rễ ba kích sạch đồ kỹ hoặc luộc qua rồi rút bỏ lõi gỗ khi còn nóng, sau đó cắt đoạn, phơi khô;
  • Diêm ba kích nhục: Lấy rễ ba kích sạch đem trộn với nước muối cho đều, sau đó đồ kỹ, rút lõi gỗ, cắt đoạn phơi khô. Tỷ lệ pha trộn như sau 100kg ba kích thì dùng 2 kg muối và lượng nước vừa đủ hòa tan, lọc trong;
  • Chích ba kích: Lấy cam thảo giã dập, đem sắc lấy nước, bỏ bã rồi cho ba kích sạch vào đun tới khi mềm xốp có thể rút lõi gỗ. Sau đó rút bỏ lõi gỗ rồi cắt đoạn, phơi khô. Tỷ lệ pha trộn như sau 100kg ba kích thì dùng 6kg cam thảo.

Theo nghiên cứu hiện đại cho thấy trong rễ ba kích có chứa thành phần hóa học chính là các hợp chất anthranoid như là: Tectoquinon, 1 – hydroxyl – 2, 3­ dimethyl – anthraquinon,...

Ngoài ra trong rễ ba kích còn có antraglycozid, các hợp chất iridoid như asperulosid, morofficialosid; đường glucose, fructose, sucrose và fructo-oligosaccharides, nhựa, acid hữu cơ, morindin, phytosterol, ít tinh dầu.

Trong rễ ba kích tươi có chứa vitamin C, nhưng sau khi bào chế thì không còn nữa.

Ba kích
Ba kích là một vị thuốc Y Học Cổ Truyền được nhiều người biết tới

2. Ba kích có tác dụng gì?

Theo nghiên cứu hiện đại cho thấy, ba kích có tác dụng sau:

  • Oligosacarit trong ba kích có thể bảo vệ DNA của tinh trùng người khỏi bị phá hủy bởi H2O2, đây chính là một trong những thành phần quan trọng của ba kích trong điều trị vô sinh. Các nhà nghiên cứu cũng chứng minh rằng ba kích là một loại thuốc thảo dược tự nhiên có thể được sử dụng để giúp tăng cường chức năng sinh sản;
  • Các hợp chất anthraquinone trong ba kích là chất ức chế tiềm năng của sự tái hấp thu xương vì vậy ba kích có khả năng chống loãng xương;
  • Khi bào chế với muối có thể làm tăng khả dụng sinh học của các hoạt chất có trong ba kích;

Theo Y Học Cổ Truyền, ba kích có tính hơi ôn, vị cay, ngọt, đi vào kinh gan, thận. Ba kích có công dụng làm ấm thận dương, mạnh gân cốt, chống viêm, trừ thấp, giảm đau.

Trong Y Học Cổ Truyền, vị thuốc ba kích thường được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh như liệt dương, di tinh, dạ con lạnh gây không có thai, kinh nguyệt không đều, hay bị lạnh và đau bụng dưới, phong thấp tê đau.

Liều dùng của vị thuốc ba kích thường từ 3g đến 9g dưới dạng thuốc sắc, nó thường được sử dụng phối hợp với một số vị thuốc khác.

Kiêng kỵ khi sử dụng vị thuốc ba kích:

  • Những người có tướng hỏa quá thịnh, có chứng âm hư hỏa vượng, táo bón, tiểu đỏ không dùng ba kích;
  • Người có triệu chứng miệng đắng, mắt đau, mắt mờ, bứt rứt, khát nước, bệnh tim không được dùng ba kích.
Ba kích
Ba kích có thể giúp điều trị đau lưng, chân yếu, tê mỏi

3. Một số bài thuốc từ ba kích

Bài thuốc điều trị liệt dương, xuất tinh sớm ở nam, chứng vô sinh ở nữ do thận dương hư:

  • Sử dụng ba kích 12g, ngũ vị tử 6g, nhân sâm 8g (nếu không có nhân sâm, có thể thay bằng đảng sâm với lượng gấp đôi), thục địa 16g, long cốt, nhục thung dung, cốt toái bổ, mỗi vị 12g, tán thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn, mỗi lần uống 12g, mỗi ngày 2 – 3 lần.
  • Hoặc dùng ba kích thiên, đảng sâm, thỏ ty tử, phúc bồn tử, mỗi vị 12g, hoài sơn 24g, thần khúc 12g, tán thành bột mịn luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 12g, ngày 2 – 3 lần.

Bài thuốc điều trị người cao tuổi đau lưng, chân yếu, tê mỏi:

  • Sử dụng bài thuốc Kim cang hoàn: Ba kích, xuyên tỳ giải, đỗ trọng, thỏ ty tử, lượng bằng nhau, lộc thai 1 bộ, nhục thung dung, tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 8g, ngày uống 2 – 3 lần với nước ấm.
  • Hoặc dùng ba kích 10g, nhân sâm 4g, thục địa 10g, thỏ ty tử 6g, bổ cốt toái 5g, tiểu hồi hương 2g, sắc với 600ml nước cho tới khi còn 200ml, chia uống 3 lần trong ngày.

Bài thuốc trị chứng đau tê xương khớp (Ba kích khu tý thang):

  • Sử dụng ba kích 12g, đỗ trọng 12g, xuyên tục đoạn 12g, ngưu tất 12g, tang ký sinh 10g, sơn thù 8g, hoài sơn 16g, sắc uống.

Tóm lại, ba kích là vị thuốc bổ dưỡng trong Y Học Cổ Truyền với nhiều công dụng chữa bệnh khác nhau. Khi dùng tùy theo yêu cầu, có thể tiến hành chích rượu, chích muối ăn, chích cam thảo để sử dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan