Bệnh teo đường mật bẩm sinh và công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới

Bài viết được viết bởi TS. Trần Trung Kiên - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ Gen Vinmec

Teo đường mật bẩm sinh (TĐMBS) là một trong những nguyên nhân của vàng da ứ mật. Bệnh lần đầu tiên được bác sĩ John Thomson miêu tả vào năm 1892. Đây là một trong những bệnh có khả năng đe dọa tới tính mạng và gây ra các biến chứng cao nhất ở trẻ nhỏ.

Teo mật bẩm sinh là là một bệnh viêm và xơ có tiến triển ở các nhánh dẫn mật với đặc trưng là sự tắc nghẽn của dòng chảy axit mật. Hậu quả là dẫn tới bệnh gan ứ mật.

TĐMBS xảy ra ở giai đoạn đầu ở trẻ sơ sinh và có thể điều trị bằng phẫu thuật nối mật-ruột (phương pháp Kasai). Tuy nhiên, có khoảng 50% bệnh nhi sau khi điều trị phẫu thuật cần phải ghép gan, số còn lại có thể cần phải ghép gan từ 5-10 năm sau đó.

Theo một nghiên cứu trên các bệnh nhân TĐMBS ở Việt Nam, có tới 71% và 84% bệnh nhân sau mổ Kasai sống sót sau 1 đến 2 năm. Trong khi đó, tỉ lệ này là 52% và 28% ở nhóm không phẫu thuật. Theo các nghiên cứu, 70%-80% bệnh nhân TĐMBS sau phẫu thuật nối mật-ruột cần phải ghép gan trong giai đoạn trưởng thành do tình trạng tiến triển sẹo ở gan, mất chức năng gan hoặc xơ gan.

Teo đường mật bẩm sinh
Teo đường mật bẩm sinh (TĐMBS) là một trong những nguyên nhân của vàng da ứ mật

Mặc dù bệnh TĐMBS được phát hiện từ lâu, được nghiên cứu và điều trị nhiều, nguyên nhân và cơ chế gây bệnh TĐMBS vẫn còn chưa được xác định rõ ràng. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ nhiễm vi rút, hiện tượng tự miễn dẫn tới việc phá huỷ đường dẫn mật hoặc bất thường về gen. Về mặt di truyền, dường như bệnh không tuân theo cơ chế di truyền theo kiểu Menden do thiếu sự biểu hiện bệnh theo gia đình và không biểu hiện cùng lúc ở trẻ sinh đôi cùng trứng.

Tuy nhiên, y văn trên thế giới có ghi nhận một số trường hợp bệnh TĐMBS có quan hệ gia đình. Điều này gợi ý tới cơ chế di truyền theo thể lặn ở nhiễm sắc thể thường hoặc là sự kết hợp yếu tố gen lẫn các yếu tố khác. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng dạng vi thể chimerism hay là vật chất di truyền được truyền từ mẹ sang con là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng không đồng nhất về kiểu hình và kiểu di truyền phi Menden.

Một nghiên cứu ở bệnh nhân TĐMBS với hội chứng lách thể nhỏ khám phá ra rằng một thay đổi nucleotit ở vị trí c.433G>A ở 5 bệnh nhân là nguyên nhân gây ra sự bất thường về mặt cấu trúc lá lách. Nghiên cứu trên mô hình chuột cho thấy việc bất hoạt gen Hnf1β gây ra các bất thường của túi mật và các ống dẫn mật trong gan dẫn đến biểu hiện vàng da nghiêm trọng.

Với đột phá trong công nghệ giải trình tự gen trong những năm gần đây, nguyên nhân gây bệnh của nhiều bệnh hiếm và không rõ nguyên nhân giờ đã có thể được xác định một cách rõ ràng. Số lượng các biến dị gây bệnh được báo cáo tăng rõ rệt. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp xác định và giải thích về cơ chế gây bệnh.

Gen
Việc giải mã trình tự gen có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp xác định và giải thích về cơ chế gây bệnh

Trong 10 năm trở lại đây, công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) (next generation sequencing-NGS) đã đưa đến một cuộc cách mạng trong hiểu biết của chúng ta về đặc tính di truyền ở người với mức độ chính xác cao, hiệu quả kinh tế và hiệu suất giải trình tự lớn. Ngày nay, NGS đang trở thành một công cụ hữu hiệu trong các hoạt động sàng lọc và chẩn đoán bệnh TĐMBS.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

691 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan