5 nguyên nhân táo bón theo Y Học Cổ Truyền cần biết

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Hanh - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông.

Táo bón (Tiện bí) chỉ chứng chất thải tích ở đường ruột quá lâu, thời gian bài tiết quá dài, từ 4 đến 7 ngày mới đại tiện một lần. Táo bón có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Vậy nguyên nhân gây bệnh dựa trên góc nhìn của Y Học Cổ Truyền có khác gì với Y Học Hiện Đại? Cùng tìm hiểu sự khác nhau đó trong bài dưới đây.

1. Tổng quan về về bệnh táo bón

Táo bón là tình trạng đi đại tiện khó khăn, phân khô rắn, thời gian đi đại tiện kéo dài hoặc vài ngày mới đi một lần. Đây là một hiện tượng rối loạn tiêu hóa thường gặp, thường diễn ra và kết thúc trong vòng vài ngày nhưng nếu kéo dài thì có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang có vấn đề

2. Nguyên nhân táo bón trong Y Học Hiện Đại

2.1 Táo bón do nguyên nhân thực thể

Táo bón do nguyên nhân thực thể chiếm 5-10% tổng số nguyên nhân và được chia làm 2 nhóm:

2.2 Táo bón do nguyên nhân cơ năng

Một số nguyên nhân táo bón cơ năng thường gặp như:

  • Ăn ít chất xơ
  • Lười vận động
  • Thói quen nhịn đi ngoài
  • Uống không đủ lượng nước cần thiết
  • Ăn kiêng
  • Yếu tố tâm lý
táo bón theo y học cổ truyền
Táo bón theo y học cổ truyền có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

3. Nguyên nhân gây táo bón theo Y Học Cổ Truyền

Trong Y Học Cổ Truyền, nguyên nhân gây bệnh hay còn gọi là thể bệnh, theo đó, dựa vào mỗi thể bệnh mà bác sĩ Đông y sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với thể bệnh đó. Bệnh táo bón được chia ra làm 5 thể bệnh chính:

3.1. Vị Trường thực nhiệt

Đây là thể bệnh hay gặp nhất, thường có biểu hiện như: táo bón lâu ngày, phân rắn khô, bụng trướng đầy, ấn vào thấy đau, mặt đỏ mình nóng, về chiều thường hâm hấp, ra nhiều mồ hôi, miệng lưỡi lở loét, hôi miệng, lưỡi khô, rêu lưỡi vàng dày nhớt hoặc vàng khô, mạch Trầm thực hoặc Hoạt thực.

3.2. Can Tỳ khí trệ

Biểu hiện thường gặp ở người có tinh thần uất ức, hay trong trạng thái căng thẳng. Bệnh lâu ngày, ợ hơi liên tục, ngực bụng đầy chướng, phụ nữ khi đến kì kinh nguyệt thấy vú căng và đau, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Trầm hoặc Huyền.

táo bón theo y học cổ truyền
Can Tỳ khí trệ là biểu hiện thường gặp ở người có tinh thần uất ức, hay trong trạng thái căng thẳng

3.3. Tỳ Phế khí hư

Biểu hiện: táo bón kéo dài, phân mềm hoặc rắn, muốn đi đại tiện nhưng bài tiết khó khăn, rặn mãi không ra, cố rặn thì ra mồ hôi, thở gấp, khi đại tiện xong sẽ thấy mệt mỏi cực độ, nói không ra hơi, bụng không trướng đau, có lúc đại tràng sa xuống, mặt mũi nhợt nhạt, móng tay móng chân không tươi. Chất lưỡi trắng nhợt, rêu trắng mỏng, mạch Hư nhược.

3.4. Tỳ Thận dương hư

Biểu hiện: Lâu ngày không đại tiện, mặt mũi xanh sạm, chân tay lạnh, mình mát, ưa nóng, sợ lạnh, tiểu tiện trong dài, tiểu đêm nhiều, tiểu không hết bãi, chất lưỡi trắng nhợt, rêu trắng nhuận, mạch Trầm trì.

3.5. Huyết hư

Biểu hiện thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh nở, những người thiếu máu hoặc người già, táo bón kéo dài, bài tiết khó khăn, thường vài tuần mới đi một lần, thể trạng gầy còm, miệng khô họng khát, sắc mặt nhợt, môi và móng tay móng chân trắng nhợt, dễ bị đau đầu, chóng mặt. Lưỡi nhợt hoặc đỏ khô, mạch Tế hoặc Tế sác vô lực.

Trên đây là 5 nguyên nhân táo bón theo Y Học Cổ Truyền mà mọi người cần lưu ý. Khi xảy ra tình trạng táo bón kéo dài cần được thăm khám và hỏi bệnh kĩ nhằm xác định đúng nguyên nhân để được điều trị hợp lý, điều trị đúng người, đúng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo:

  • Sách “Chẩn đoán phân biệt chứng trạng trong Đông y” (Viện nghiên cứu Trung Y - NXB Hồng Đức”
  • “ Chẩn đoán phân biệt chứng hậu trong Đông y” ( Viện nghiên cứu Trung Y - NXB Hồng Đức)
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan