Cây củ ấu có lợi thế nào cho sức khỏe?

Cây củ ấu là 1 loại cây được trồng khá phổ biến ở các ao đầm ở nước ta. Cây củ ấu thường được dùng trong chế biến nhiều món ăn, tuy nhiên ít ai biết nó cũng là một vị thuốc với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

1. Cây củ ấu là gì?

Củ ấu thực ra là quả của cây ấu nước, còn có tên khác là ấu trụi, ấu nước, kỵ thực, lãng thực. Tên khoa học của cây củ ấu là Trapa bicornis L., thuộc họ củ ấu (Trapaceace). Cây củ ấu là loài cây sống dưới nước, có thân ngắn và lông ở phía ngoài thân. Cây có 2 loại lá: Lá nổi sẽ có phao ở cuống, hình quả trám, phần mép trên có răng cưa; lá chìm thì phiến lá giảm và xẻ lông chim, tuy nhiên đường xẻ rất nhỏ, khi quan sát chỉ thấy các đường gân. Hoa của cây củ ấu có màu trắng, thường mọc đơn độc hoặc ở kẽ lá. Phần quả hay còn được gọi là củ ấu, có 2 sừng, cao khoảng 35mm, rộng tầm 5cm và phần sừng dài tầm 2cm. Đầu phần sừng có hình mũi tên. Ở bên trong củ ấu có chứa một hạt ăn được. Cây củ ấu được trồng phổ biến ở các ao đầm trong khắp cả nước.

2. Bộ phận dùng của cây củ ấu

Quả củ ấu có thể dùng để ăn, còn vỏ quả và toàn cây thường được dùng để làm thuốc. Phần quả của củ ấu thường được thu hái vào mùa thu hằng năm, còn toàn cây có thể thu hái quanh năm. Sau khi thu hái thì cần đem đi rửa sạch, có thể dùng được cả dạng tươi và dạng phơi khô. Thông thường nếu phơi khô để bảo quản dùng dần thì cần phơi trong bóng râm hoặc nắng nhẹ

Thành phần trong của ấu gồm 48,2g nước, 32,1g chất bột đường, 730 calorie, 3,4g protein, 3,3g đường, 468mg kali, 17,6g canxi, 0,8mg natri, 0,7g sắt, 0,4g kẽm. Theo tài liệu Trung Quốc, trong 100g củ ấu chín có 4,5g albumin; 19,7g chất đường các loại; 0,1g chất béo; 0,19g vitamin B1; 0,06g B2; 1,5mg PP; 13mg C; 0,7mg sắt; 7mg Ca;19mg Mn; 93mg P. Ngoài ra còn có chất AH13, đây là chất được dùng hỗ trợ điều trị chống ung thư.

3. Cây củ ấu có tác dụng gì?

Theo các tài liệu Đông y thì củ ấu có vị ngọt, tính mát. Tác dụng dược lý của củ ấu như theo y học cổ truyền là ích khí kiện tỳ, trừ phiền chỉ khát và thanh thử giải nhiệt lương huyết.

Còn theo y học hiện đại, củ ấu có thể hỗ trợ phòng chống u bướu, ung thư, thích hợp cho người suy nhược, phụ nữ bị kinh nguyệt quá nhiều, hỗ trợ điều trị bệnh trĩ xuất huyết, trừ rôm sảy, chống nóng và giải rượu.

Củ ấu có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Thông thường củ ấu được dùng để luộc ăn hoặc chế thành bột rồi trộn với mật hoặc đường để làm bánh. Khi dùng để chữa bệnh, có thể dùng ở dạng thuốc sắc, sao cháy rồi tán bột hoặc nấu cháo. Tùy thuộc vào từng bài thuốc mà có thể dùng riêng lẻ hay kết hợp với các vị thuốc khác. Về liều lượng, sẽ tùy vào mục đích sử dụng, thông thường liều khuyến cáo là khoảng 10 – 16g dưới dạng thuốc sắc. Khi dùng ngoài thì có thể dùng lên đến 250g/ ngày.

4. Một số bài thuốc từ cây củ ấu

  • Chữa tỳ vị hư suy ở người lớn tuổi: Đảng sâm 10g, bột củ ấu 10g, hoàng kỳ 10g. Sắc đảng sâm và hoàng kỳ lấy nước, bỏ bã, sau đó hòa bột củ ấu và đun sôi cho uống.
  • Chữa lỵ, đại tiện ra máu: Dùng 20g vỏ củ ấu, sắc uống 2 lần trong ngày.
  • Trị mụn nhọt: Vỏ củ ấu sao tồn tính, tán mịn, sau đó thêm tinh dầu thơm và bôi bên ngoài.
  • Trị các tổn thương trên da mặt, miệng môi ở trẻ suy dinh dưỡng: Sử dụng lá cây củ ấu phơi khô tán bột rồi bôi đắp ngoài. Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt giải độc.
  • Chữa khô môi: Sử dụng 50g phần thịt củ ấu tươi, 10g hoàng cầm, 10g cam thảo, 10g câu kỷ tử và 20g địa cốt bì. Các vị thuốc trên cho vào ấm và sắc chung với 600ml nước trên lửa nhỏ. Sắc đến khi nước còn khoảng 300ml thì đạt. Chia thuốc ra làm 2 lần uống/ngày và dùng liên tục với liệu trình kéo dài 1 tuần.
  • Trị các mụn cơm hay mụn cóc: Sử dụng tai, đế và cuống củ ấu giã nát đắp trên trên da. Bài thuốc này có tác dụng thanh nhiệt hóa thấp.
  • Bài thuốc dùng khi huyết nhiệt, kinh nguyệt nhiều: Dùng khoảng 250g củ ấu, nấu chín trong vòng 1 giờ đồng hồ sau đó ép lọc lấy nước. Nên cho thêm chút đường vào khuấy tan rồi chia làm 2 lần uống trong ngày.
  • Chữa viêm loét dạ dày: Sử dụng 30g thịt củ ấu, 100g gạo nếp, 16g hòa sơn, 6g táo đỏ, 10g bạch cập và 20g mật ong. Các nguyên liệu (trừ mật ong) cho vào nồi rồi cho thêm nước và nấu trên lửa nhỏ thành cháo. Khi ăn thì trộn đều với mật ong. Có thể chia ra làm 2 – 3 lần ăn trong ngày.
  • Giải rượu, điều trị say nắng: Chuẩn bị 150 – 230 phần thịt của củ ấu tươi. Bệnh nhân nhai trực tiếp nguyên liệu trên rồi nuốt dần. Trường hợp thấy khó ăn thì có thể giã nát rồi chế nước nguội và uống.

Lưu ý: Người tỳ vị hư nhược, đại tiện tiêu lỏng không nên dùng cây củ ấu dạng sống.

5. Một số món ăn từ cây củ ấu

  • Củ ấu ăn tươi: Củ ấu tươi rửa sạch, bỏ vỏ và ăn sống. Có thể dùng cho các trường hợp say nóng, say nắng, sốt mất nước, khát nước, kích thích hay bồn chồn.
  • Si rô nước ép củ ấu: Sử dụng 250g củ ấu, nấu chín trong 1 giờ và ép lọc lấy nước, sau đó thêm đường, chia 2 lần uống trong ngày. Có thể dùng cho các trường hợp huyết nhiệt, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ xuất huyết hay đau rát hậu môn.
  • Củ ấu luộc chín: Sử dụng củ ấu già 150g luộc chín, bóc bỏ vỏ ăn, dùng mỗi ngày 2 lần. Nên dùng cho các bệnh nhân tỳ hư, tiêu chảy, mệt mỏi và mất sức.
  • Củ ấu bung nhừ: Củ ấu (bóc vỏ) 20 - 30g, thêm nước, đun nhỏ lửa để nấu thành dạng canh cháo. Nên ăn ngày 2 lần. Món ăn này có tác dụng điều trị hỗ trợ cho trường hợp ung thư tử cung và ung thư dạ dày ruột.
  • Bột hồ củ ấu củ mài: Chuẩn bị củ ấu cả vỏ 30g và bột củ mài 30g. Nấu nhừ củ ấu, ép lọc lấy nước, sau đó cho bột củ mài vào và đun chín thành hồ bột. Nên dùng cho trẻ em tiêu chảy mạn tính.
  • Cháo củ ấu: Sử dụng củ tươi bỏ vỏ 30g, gạo nếp 30g và một lượng đường vừa đủ. Nấu thành cháo và ăn 2 lần trong ngày. Món ăn này có thể dùng để chữa tỳ vị hư suy ở người lớn tuổi, ăn uống khó tiêu và viêm ruột.

Bài viết đã giải đáp câu hỏi cây củ ấu chữa bệnh gì. Nếu bệnh nhân muốn sử dụng cây củ ấu để hỗ trợ điều trị bệnh thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để được tư vấn cụ thể về liều lượng và bài thuốc phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan