Công dụng của cây cơm cháy

Cây cơm cháy (cỏ liền xương) là một cây dân giã quen thuộc. Cây có giá trị dinh dưỡng cao, được dùng rất nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh. Vậy hiện nay cây cơm cháy chữa bệnh gì và ứng dụng như thế nào trong đời sống, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

1. Công dụng của cây cơm cháy

Cây cơm cháy hay còn gọi là cây cỏ liền xương, cây sóc dịch, cây thuốc mọi, cây hậu ma. Cây cơm cháy nằm trong nhóm thực vật có hoa thuộc họ Adoxaceae.

Có nhiều loại cây cơm cháy khác nhau nhưng phổ biến nhất ở Việt Nam là cây cơm cháy đen (Sambucus Nigra).

Đặc điểm chung của cây cơm cháy:

  • Thuộc loại cây thân xốp. Thân cây hình gần tròn, nhẵn không có lông, màu lục nhạt. Bên trong thân cây rỗng, có tủy trắng; bên ngoài thân có lỗ bì.
  • Lá cây cơm cháy mọc đối xứng nhau, lá mềm kép lông chim, thường có khoảng 5 đến 9 lá chét có mép răng cưa ở viền lá.
  • Hoa cơm cháy màu trắng hoặc màu kem, hay nở vào cuối mùa xuân, mọc thành cụm. Hoa nở vào tầm tháng 5 đến tháng 9.
  • Quả cơm cháy nhỏ, hình cầu, mọng nước, chủ yếu có màu đen hay đỏ, lam đen.
  • Đặc điểm phân bố: cây cơm cháy thường hay mọc ở khu vực ôn đới đến cận nhiệt đới, xuất hiện nhiều ở Bắc bán cầu hơn Nam bán cầu, tập trung ở các vùng rừng núi, bờ khe hay ven sông ven suối.
  • Cây cơm cháy được sử dụng làm cảnh, lá với hoa và quả còn được dùng để làm thuốc chữa bệnh.

Thành phần hóa học trong cây cơm cháy có chứa tanin, acid ursolic, a-amyrin palmitate, stigmasterol và campesterol. Có một vài nghiên cứu về cây cơm cháy đã chứng minh trong cây cơm cháy có chứa hàm lượng các chất dinh dưỡng cao. Theo một số liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong 100g cơm cháy sẽ có đến 73 calo, 18,4g carbohydrate, 7g chất xơ, 0,5g chất béo, 0,66g chất đạm, 79,8g nước và các chất vitamin (A, B, C), khoáng chất khác.

Cũng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng trong vỏ và thịt của quả cơm cháy với những bộ phận khác có độc. Độc tính ở quả cơm cháy sẽ mất đi khi được nấu chín nên cần chế biến làm chín quả khi muốn sử dụng. Các bộ phận của cây cơm cháy tươi (lá, hoa, cành, hạt, rễ, quả mọng) có chứa alcaloid, cyanidin glycosid. Nếu đưa quá nhiều các chất này vào cơ thể sẽ gây tình trạng tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa.

2. Cây cơm cháy có tác dụng gì?

Có thể nói, cây cơm cháy là một loại cây dân gian khá gần gũi với đời sống con người. Tuy vậy nhưng không phải ai cũng biết cây cơm cháy có tác dụng gì và những ứng dụng tuyệt vời của nó trong đời sống hàng ngày.

Như đã nói ở trên, cây cơm cháy là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Ở một số nước như Pháp, Austria, người ta sử dụng dịch chiết hoa cơm cháy để sản xuất siro hoa cơm cháy. Siro này có thể pha loãng với nước làm đồ uống hoặc dùng làm chất tạo mùi cho một số thực phẩm rất an toàn mà lại thơm.

Ở Romania, người dân dùng hoa cơm cháy đem tẩm ướt bằng nước kết hợp với chanh và men bia. Sau 2 đến 3 ngày, hỗn hợp này sẽ lên men tạo thành một loại đồ uống có ga được gọi là socata. Cũng chính điều này đã tạo nên nguồn cảm hứng cho nhãn hàng Coca Cola sản xuất ra Fanta Shokata (đồ uống có nguồn gốc từ hoa cơm cháy). Ở một số nước như Thụy Điển, Italia, Pháp, người ta dùng nước hoa cơm cháy ngâm đường để tạo hương vị cho các loại rượu, làm cho rượu có mùi thơm nhẹ, rất kích thích vị giác.

Không chỉ hoa, lá cơm cháy mà cành của cây cơm cháy cũng được sử dụng trong đời sống hàng ngày như chế ống máng để hút nhựa phong...

Tại Nhật Bản, nước ép từ cây cơm cháy được xếp vào danh sách các chất phụ gia màu tự nhiên. Điều này đã được Luật thực phẩm và vệ sinh phê duyệt, cho phép sử dụng.

Ngoài những ứng dụng trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày, cây cơm cháy còn được dùng như một vị thuốc chữa bệnh rất tốt cho sức khỏe. Theo y học cổ truyền, cây cơm cháy có vị chua, tính ấm. Cơm cháy dùng rất tốt cho pháp điều trị khu phong trừ thấp, hoạt huyết tán ứ.

Các tác dụng của cây cơm cháy thường được ứng dụng nhiều:

  • Điều trị thấp khớp, bị đau do chấn thương
  • Cơm cháy đen được ứng dụng nhiều trong điều trị triệu chứng của bệnh cúm.
  • Nước nấu từ lá cơm cháy có thể dùng tắm cho phụ nữ sau sinh, chườm đắp lên vú bị sưng đau cũng giúp giảm triệu chứng rất nhanh.
  • Điều trị chứng cước khí phù thũng, hoàng đản, phong chấn, viêm phế quản mạn, mụn nhọt ngoài da...
  • Cây cơm cháy còn có tác dụng điều trị thấp khớp, có khả năng nhuận tràng, lợi tiểu...

3. Giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh từ cây cơm cháy.

Dựa trên công dụng của cây cơm cháy mà người ta đưa ra một số bài thuốc điều trị bệnh tương ứng với những tình trạng bệnh lý khác nhau trên cơ thể.

  • Bài thuốc trị vết thương ngoài da, ghẻ lở: dùng 20g lá cơm cháy tươi đem sắc với nước (lưu ý sắc thật đặc), rồi lấy nước sắc đó đem rửa vết thương hay những vết loét trên da liên tục trong 5 ngày sẽ thấy tổn thương phục hồi nhanh hơn.
  • Điều trị mẩn ngứa do dị ứng thời tiết: lấy 30g lá cây cơm cháy nấu với 800ml nước đến khi đặc sánh lại thì dừng. Đợi cho nước lá nguội bớt dùng thoa trực tiếp lên vùng da tổn thương.
  • Bài thuốc hỗ trợ điều trị thấp khớp, phong thấp: sử dụng 20 đến 30g rễ cây cơm cháy rửa sách, sắc với 700ml nước. Dùng uống trực tiếp hàng ngày.
  • Giảm triệu chứng đau nhức: dùng cây cơm cháy (mùa đông dùng rễ cây, mùa hè dùng lá với cành) đem giã nát rồi sao nóng, sau đó chườm vào vị trí đau.
  • Bài thuốc chữa gãy xương: dùng lá, rễ cây cơm cháy giã nát rồi đắp trực tiếp vào chỗ gãy xương, dùng băng để băng cố định lại. Hiệu quả giảm đau rất tốt.
  • Cách giảm triệu chứng bầm tím, giảm đau nhức hay mức độ chấn thương ở người bị ngã: dùng 20g rễ cây cơm cháy giã nát, sao nóng cùng với rượu. Đắp hỗn hợp đó lên chỗ bầm tím, cố định lại bằng băng, sau 3 giờ lại thay 1 lần, cứ đắp ngày 2 lần như vậy sẽ giảm triệu chứng rất nhanh.

Trên đây là những thông tin mà bạn nên biết về cây cơm cháy. Những bài thuốc bắt nguồn từ dân gian truyền kinh nghiệm lại cho nhau chứ vẫn chưa có bằng chứng khoa học cụ thể. Vậy nên hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa khi bạn muốn dùng cây cơm cháy để trị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan