Tác dụng của huyệt Thiếu Xung

Huyệt Thiếu Xung là huyệt vị thứ 9 của Kinh Tâm và được xem là nơi khí huyết thịnh. Huyệt vị này đóng vai trò quan trọng trong tản nhiệt, thanh thần chí,... Nhờ vào đó, các thầy thuốc Đông Y đã áp dụng phương pháp bấm huyệt, châm cứu để giúp người bệnh điều trị một số chứng như: hồi hộp, sốt cao, hôn mê,...

1. Huyệt Thiếu Xung là gì?

Theo Trung Y Cương Mục, Thiếu Xung là một từ ghép, trong đó Thiếu có nghĩa là thiếu âm và Xung có nghĩa là xung yếu (vị trí hiểm yếu, đặc biệt quan trọng)

Như vậy, tên gọi huyệt đạo này mang ý nghĩa là nơi khí huyết thịnh, do đó được gọi là huyệt Thiếu Xung.

Huyệt vị này có xuất xứ từ Giáp Ất Kinh (Hoàng Phủ Mật), ngoài ra nó còn được gọi bằng các tên khác như: Kinh Thỉ hay Kinh Thủy.

Về đặc tính, huyệt Kinh Thủy là huyệt đạo thứ 9 của Kinh Tâm, huyệt Tỉnh của kinh Tâm, thuộc hành Mộc và huyệt Bổ.

Huyệt Thiếu Xung đặc biệt hơn khi nó được sử dụng kết hợp với huyệt Thương Dương theo phương pháp châm Mậu Thích trong bệnh sốt gián đoạn (do phong) hoặc khi cánh tay mới đau.

2. Vị trí của huyệt Thiếu Xung

Huyệt Thiếu xung được xác định ở ngón út phía tay quay, cách phía cuối góc chân móng tay út khoảng 0,1 thốn và nằm trên đường tiếp giáp da gan tay – mu tay.

Đi vào giải phẫu chi tiết hơn, huyệt Thiếu Xung có đặc điểm:

  • Phía dưới da là giữa chỗ bám của gân ngón tay 5, nơi cơ gấp chung sâu các ngón tay và gân ngón út, chỗ cơ duỗi chung của các ngón tay và bờ ngoài của đốt 3 xương ngón tay út.
  • Các nhánh của dây thần kinh trụ chi phối cho vận động cơ.
  • Tiết đoạn thần kinh D1 chi phối vùng huyệt Thiếu Xung.
Tác dụng của huyệt Thiếu Xung
Hình ảnh mô phỏng vị trí huyệt Thiếu Xung

3. Công dụng của huyệt Thiếu Xung

Dựa trên các đặc điểm về vị trí, khi tác động lên huyệt vị này có tác dụng tả nhiệt, khai Tâm khiếu và thanh thần chí.

Nhờ những công dụng đó, huyệt thiếu xung có vai trò trong điều trị một số bệnh như:

  • Điều trị các chứng hồi hộp: những người bệnh có cơ địa dễ bị hoặc tần suất bị hồi hộp quá nhiều có thể áp dụng phương pháp bấm huyệt, châm cứu ở huyệt vị này để cải thiện triệu chứng.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh trúng phong: đây là một căn bệnh xảy ra đột ngột, có thể dẫn đến đột tử hoặc để lại di chứng quá nặng nề như: không cử động được tay chân, méo miệng, cấm khẩu hay liệt toàn thân. Có thể châm cứu phối hợp với các huyệt vị khác như Phối Quan Xung, Thiếu Thương, Thiếu Trạch, Thương Dương và Trung Xung để tăng hiệu quả và chất lượng điều trị trúng phong hôn mê cũng như đờm dãi khò khè (theo sách Châm Cứu Đại Thành).
  • Điều trị phát sốt: châm cứu phối hợp đồng thời với huyệt Khúc Trì để điều trị chứng phát sốt
  • Trị hôn mê: để đạt hiệu quả cao nhất khi điều trị bệnh hôn mê, các y bác sĩ sẽ áp dụng châm cứu đồng thời nhiều huyệt vị với nhau như: huyệt Thiếu Thương, Thương Dương, Đại Đôn, Quan Xung, Thiếu Trạch, Dũng Tuyền, Ẩn Bạch, Lệ Đoài và Túc Khiếu Âm (theo sách Châm cứu học Thượng Hải).
  • Trị nhiệt miệng: người bệnh có thể lựa chọn châm cứu hay bấm huyệt Thiếu Xung kết hợp với huyệt Đại Chung để trị nhiệt miệng một cách hiệu quả.

4. Phương pháp châm cứu, bấm huyệt Thiếu Xung trị bệnh

Hiện tại, các thầy thuốc Đông y sử dụng hai phương thức chính là châm cứu và bấm huyệt để tác động vào huyệt Thuyết Xung nhằm ứng dụng những tác động có lợi của huyệt vị này trong điều trị bệnh.

bấm huyệt Thiếu Xung trị bệnh
Bấm huyệt Thiếu Xung có thể giúp điều trị một số bệnh lý

Châm cứu là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, là tên gọi của hai hình thức khác nhau, bao gồm châm và cứu, trong đó châm là dùng kim châm tác động trực tiếp lên các huyệt đạo bằng cách đâm xuyên qua da vào bên trong cơ thể và cứu là dùng lá ngải cứu khô đốt lên để hơ nóng huyệt. Thông qua cơ chế đả thông kinh lạc nó sẽ giúp cân bằng âm dương và lưu thông khí huyết, từ đó giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, đồng thời có khả năng khắc phục căn nguyên cũng như ngăn ngừa và chữa trị một số bệnh tật.

Còn về bấm huyệt, đây là liệu pháp sử dụng lực bấm của đôi bàn tay, tác động lên vị trí các huyệt đạo có mối liên hệ mật thiết với các đường kinh mạch và tạng phủ, thông qua đó kích hoạt cơ chế tự chữa lành từ bên trong cơ thể, do đó khi bấm huyệt đả thông kinh mạch sẽ giúp thư giãn và giảm căng thẳng, đồng thời hướng đến tác dụng cân bằng năng lượng, giúp thông kinh hoạt lạc từ đó tăng cường sức khỏe từ sâu bên trong.

Các huyệt trên cơ thể nói chung và huyệt Thiếu Xung nói riêng có thể áp dụng phương pháp châm cứu, bấm huyệt để điều trị bệnh.

  • Với phương pháp châm cứu: sau khi khử trùng sạch sẽ kim châm, tiến hành châm sâu từ 0,1 đến 0,2 thốn, ôn cứu từ 5 – 10 phút và cứu từ 2 đến 3 tráng.
  • Với phương pháp bấm huyệt: Xác định vị trí huyệt, sau đó xoa bóp huyệt khoảng 3 phút với lực vừa phải, đồng thời kết hợp với ấn liên tục đến khi cảm thấy hơi đau trướng thì ngừng thực hiện.

Bệnh nhân nhạy cảm với kim châm hoặc sợ kim, phụ nữ có thai, người sức khỏe yếu, người mắc bệnh lý rối loạn đông máu, da chai sẹo hoặc đang bị viêm nhiễm, ... cần được tư vấn kỹ lưỡng trước khi tiến hành điều trị để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Các phương pháp trên cần được thực hiện bởi người có tay nghề cao, dày dặn kinh nghiệm tại các trung tâm điều trị Đông Y uy tín. Người bệnh không nên tự ý thực hiện tại nhà để tránh các tác dụng không mong muốn gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh nên đi khám để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Huyệt Thiếu Xung là huyệt vị quan trọng với cơ thể, được áp dụng để điều trị các bệnh lý khác nhau đặc biệt là các chứng hồi hộp, sốt cao, hôn mê. Khi gặp các vấn đề này bệnh nhân có thể đến Bệnh viện đa khoa Vinmec với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Y Học Cổ Truyền giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan