Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có xu hướng ngày một tăng, nhưng hiện còn tồn tại rất nhiều nhận thức sai lầm về chứng bệnh này. ADHD có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc. Tuy nhiên, chỉ định dùng thuốc điều trị ADHD không giống nhau ở từng bệnh nhân.
1. Thế nào là rối loạn tăng động giảm chú ý?
Rối loạn tăng động giảm chú ý, hay còn được gọi là ADHD, là một dạng rối loạn tâm thần thường gặp ở trẻ em và thậm chí ở người lớn. ADHD là sự kết hợp của các vấn đề khó chú ý, hiếu động thái quá và hành vi bốc đồng. ADHD có thể làm cho các mối quan hệ xã hội của người bệnh không ổn định, giảm hiệu suất học tập và làm việc, lòng tự trọng thấp và các vấn đề sức khỏe khác.
Nếu không dùng thuốc điều trị ADHD kịp thời, các triệu chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi, học tập, lao động, cảm xúc và xã hội. Các hành vi phổ biến của ADHD bao gồm:
- Hiếu động quá mức.
- Mất ổn định cảm xúc.
- Có hành vi chống đối.
- Khó khăn khi phối hợp.
- Khó tập trung, chú ý.
Ở người lớn, các triệu chứng của ADHD không rõ ràng như ở trẻ em; trạng thái hiếu động có thế giảm nhưng người bệnh vẫn có những cơn bốc đồng, khó chú ý, bồn chồn, nóng tính, thường xuyên căng thẳng, quản lý thời gian kém, tổ chức kế hoạch kém, tâm trạng thay đổi thường xuyên,...
2. Tại sao bị rối loạn tăng động giảm chú ý
ADHD là một rối loạn sinh học não bộ, chưa được xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, ADHD có thể bắt nguồn từ một gen liên quan đến việc sản xuất dopamine, chất hóa học liên quan đến khả năng kiểm soát và duy trì sự chú ý. Không như nhiều người vẫn lầm tưởng, ADHD không liên quan đến cách nuôi dạy con cái, chơi trò chơi điện tử, ăn nhiều đường,... Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị ADHD như:
- Di truyền.
- Môi trường sống: Ví dụ như tiếp xúc với chì trong thời thơ ấu.
- Các vấn đề trong quá trình trưởng thành: Các vấn đề xảy ra với não bộ cũng làm tăng nguy cơ mắc ADHD.
Nguy cơ mắc ADHD sẽ tăng lên nếu người bệnh có:
- Một thành viên trong gia đình bị ADHD hoặc một rối loạn sức khỏe tâm thần nào đó.
- Mẹ sủ dụng thuốc lá, bia rượu hoặc dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.
- Sống trong môi trường độc hại (như tiếp xúc với chì).
- Là trẻ sinh non.
3. Vai trò của thuốc trị ADHD
Thuốc điều trị bệnh ADHD không giúp chữa khỏi hoàn toàn ADHD nhưng có vai trò làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, dùng thuốc ADHD đôi khi gây ra các tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Với hầu hết người mắc ADHD, thuốc là một phần thiết yếu trong quá trình điều trị. Trước khi dùng thuốc điều trị bệnh ADHD, cần đánh giá cẩn thận tình trạng, làm ro chẩn đoán, xác định các vấn đề về tâm lý của người bệnh. Lựa chọn thuốc điều trị cần chú ý đến tác dụng không mong muốn của thuốc, đánh giá giữa lợi ích và rủi ro. Các thuốc ADHD có tác động trực tiếp đến một số chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và norepinephrine.
Người bệnh thường được dùng thử thuốc để tìm ra thuốc có hiệu quả và phù hợp nhất, thường bắt đầu với liều thấp nhất và tăng dần trong 3 - 7 ngày cho đến khi thấy được hiệu quả lâm sàng.
4. Thuốc điều trị ADHD
Mặc dù không có cách chữa ADHD triệt để, nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp kiểm soát triệu chứng và giảm tối đa ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Cách chữa ADHD phổ biến và hiệu quả là kết hợp giữa dùng thuốc và liệu pháp hành vi. Các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong ADHD bao gồm:
4.1. Thuốc kích thích thần kinh trung ương
Norepinephrine là chất dẫn truyền thần kinh trung ương thường bị thiếu hụt ở người mắc ADHD, cùng với các chất khác là dopa và dopamine. Các thuốc trị ADHD chứa chất kích thích, hay còn gọi là thuốc kích thần, được sử dụng để kích thích các tế bào não sản xuất chất dẫn truyền thần kinh bị thiếu hụt. Các thuốc kích thần chính được chỉ định trong điều trị ADHD là:
- Amphetamines: Là thuốc ADHD được dùng dưới dạng uống, những thành phần tương tự Amphetamines là dextroamphetamine hoặc lisdexamfetamine.
- Methamphetamine: Ngoài công dụng làm giảm các triệu chứng của ADHD, Methamphetamine còn gây ra các tác dụng không mong muốn khác là giảm sự thèm ăn, tăng huyết áp.
- Methylphenidate: Cơ chế hoạt động của Methylphenidate là giúp não tái hấp thu hormone norepinephrine và dopamine. Methylphenidate được dùng dưới dạng viên uống hoặc dán dưới da.
4.2. Thuốc điều trị ADHD không chứa chất kích thích
Thuốc điều trị ADHD không chứa chất kích thích hay còn gọi là thuốc không kích thần, thường được chỉ định trong trường hợp thuốc kích thần không phát huy tác dụng, không phù hợp với tiền sử bệnh, người bệnh không có khả năng đáp ứng điều trị hoặc phải chịu tác dụng không mong muốn quá lớn từ thuốc kích thần. Các thuốc không kích thần trong điều trị ADHD bao gồm:
- Atomoxetine: Cơ chế tác dụng của thuốc là giúp kéo dài thời gian hoạt động của hormone có lợi norepinephrine trong não. Atomoxetine được chỉ định với liều lượng 1 lần/ ngày. Trong một vài trường hợp, Atomoxetine gây tác dụng bất lợi trên gan như vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, bụng mềm. Do đó, nếu người bệnh có tiền sử bệnh gan hoặc xuất hiện các triệu chứng kể trên trong thời gian dùng thuốc cần thông báo ngay với bác sĩ.
- Clonidine: Thuốc được chỉ định để làm giảm hiếu động, bốc đồng và mất tập trung. Ngoài ra, Clonidine còn có công dụng hạ huyết áp. Do đó, nếu người bệnh có các vấn đề liên quan đến huyết áp thấp, bác sĩ cần thận trọng khi chỉ định.
- Guanfacine: Là thuốc thường được chỉ định để điều trị tăng huyết áp. Ngoài ra, Guanfacine còn giúp cải thiện các vấn đề về trí nhớ, hành vi, hiếu động liên quan đến ADHD.
Tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị bệnh ADHD
Hầu hết, thuốc ADHD đều có thể có tác dụng không mong muốn, tuy nhiên những tác dụng này thường không nghiêm trọng và có thể được điều chỉnh bằng cách giảm liều hoặc thay đổi thời gian uống thuốc.
Các thuốc kích thần có thể gây khó ngủ, chán ăn, sụt cân, cáu gắt, tăng lo lắng. Các tác dụng không mong muốn hiếm gặp hoặc nghiêm trọng của thuốc trị ADHD là các vấn đề về tim ở trẻ bị dị tật tim.
Do đó, việc dùng thuốc điều trị bệnh ADHD cần được theo dõi kỹ lưỡng, đặc biệt là trong những tuần đầu sử dụng. Nếu thuốc không hiệu quả hoặc gây ra những tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh liều hoặc lựa chọn thuốc khác. Ngoài ra, có thể kết hợp dùng thuốc ADHD với các liệu pháp khác để nâng cao hiệu quả như: Thay đổi chế độ ăn, thực hiện lối sống lành mạnh, thay đổi cách giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình,...
Để có cách chữa ADHD hiệu quả và an toàn, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý thay đổi liệu trình dùng thuốc vì có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng. Thậm chí, có thể làm nặng thêm các triệu chứng của ADHD, gây khó khăn cho việc điều trị và kéo dài thời gian dùng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.