Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm da cơ địa là một bệnh lý dai dẳng gây nhiều khó chịu cho người bệnh và rất hay tái phát, vì thế người bệnh phải thường xuyên dùng thuốc. Các thuốc điều trị viêm da cơ địa thường là dạng thuốc bôi nhưng nếu sử dụng không đúng có thể xảy ra rất nhiều tác dụng phụ.
1. Viêm da cơ địa và các thuốc chữa viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một bệnh thường gặp ở trẻ em, nhiều nhất là ở độ tuổi từ 2 tháng đến 2 năm, gặp ở trẻ nam nhiều hơn nữ. Bệnh viêm da cơ địa liên quan đến yếu tố di truyền, sự rối loạn miễn dịch trong cơ thể, IgE máu tăng cao, hoặc có thể do sự rối loạn sản xuất filagrin, loricin và các chất gắn kết tế bào da làm da dễ mất nước gây khô da.
Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính, tiến triển với nhiều cơn cấp tính xen lẫn các giai đoạn bệnh lui. Yếu tố khởi phát đợt cấp tính có thể do môi trường. Triệu chứng của bệnh là các tổn thương viêm da cấp hoặc mạn tính, ngứa nhiều, cụ thể là:
- Giai đoạn viêm da cấp tính: tổn thương cơ bản là đám đỏ da, sẩn, mụn nước, không có vẩy da. Da phù nề nổi gờ lên cao hơn mặt da thường, chảy dịch, có vảy tiết. Có thể có các vết trầy do gãi, bội nhiễm vi khuẩn, virus, nấm. Bệnh thường khu trú ở vùng lồi của mặt như trán, má, cằm, hoặc có thể lan ra cả thân mình tay chân
- Giai đoạn mạn tính da dày, sẩm màu, ranh giới rõ, lichen hoá các vết nứt đau. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn hõm khoeo, hõm khuỷu, 2 bên cổ, rãnh sau tai, cổ tay, cổ chân.
Các thuốc viêm da cơ địa gồm có thuốc bôi và thuốc uống/tiêm.
Các loại thuốc uống/tiêm bao gồm:
- Các thuốc kháng histamin để giảm ngứa
- Các thuốc kháng sinh để ngăn ngừa bội nhiễm trong giai đoạn cấp tính (dùng ngay cả khi chưa có dấu hiệu bội nhiễm, vì theo 1 nghiên cứu bằng chứng cho thấy rằng có 95% trên da của bệnh nhân viêm da cơ địa có tồn tại tụ cầu vàng)
- Các thuốc Corticoid: Cân nhắc khi sử dụng, khi phải sử dụng chỉ nên sử dụng trong giai đoạn cấp tính với liệu trình ngắn ngày.
Thuốc bôi viêm da cơ địa gồm các thuốc như dung dịch sát khuẩn và giảm dịch tiết (dung dịch eosin 2%, bạc nitrat 0,25 -2%), kem làm ẩm da, thuốc bôi có thành phần corticoid hoặc không corticoid,...
2. Lưu ý khi sử dụng thuốc bôi viêm da cơ địa
Thuốc bôi viêm da cơ địa gồm các thuốc có tác dụng điều hòa miễn dịch ngay tại vùng da tổn thương (gồm 2 loại hai loại chính là: Corticoid và không corticoid) và các thuốc bôi dưỡng ẩm cho da.
2.1. Thuốc bôi viêm da cơ địa có corticoid
Thuốc bôi viêm da cơ địa có thành phần Corticoid là lựa chọn đầu tiên trong điều trị viêm da cơ địa. Thuốc này được sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em. Corticoid được phân loại sử dụng theo hiệu lực của chúng (gồm 7 nhóm mức độ từ ít mạnh nhất đến siêu mạnh) . Loại có hiệu lực yếu (như desonide 0,05%; hydrocortisone 2,5% dạng thuốc mỡ) dùng cho trẻ nhỏ hoặc bệnh nhân mức độ nhẹ. Thuốc bôi viêm da cơ địa nên được dùng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày, một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ và một lần khác trong ngày, bôi trong vòng 2-4 tuần, chỉ nên bôi ở các vùng có triệu chứng.
Nếu tình trạng viêm da cơ địa của bạn ở mức độ trung bình, nên dùng các thuốc bôi corticoid hiệu lực mạnh hơn ( như fluocinolone 0,025%; triamcinolone 0,1%; betamethasone dipropionate 0,05%). Đặc biệt, những bệnh nhân nặng, cấp tính, có thể sử dụng corticoid hiệu lực rất mạnh trong nhiều nhất là 2 tuần. Sau đó dùng duy trì thuốc bôi viêm có hiệu lực yếu hơn cho đến khi không còn tổn thương. Lưu ý, mỗi loại thuốc bôi corticoid phù hợp với từng vùng da khác nhau, không bôi thuốc dành cho vùng da dày như bàn tay, chân lên vùng da mỏng như da mặt. Vì các vùng da mỏng như mặt và các nếp gấp lớn nhỏ là những vùng có khả năng cao bị teo da khi dùng corticoid, vì vậy đối với những vùng da này bạn có thể dùng các thuốc bôi như mỡ desonide 0,05%.
Thuốc bôi viêm da cơ địa có thành phần corticoid có hiệu quả cao tức thời đối với viêm da cơ địa nhưng lại kèm theo nhiều tác dụng phụ nguy hại nếu sử dụng dài ngày như teo da, giãn mạch, nổi mụn, vết rạn da (vân), tĩnh mạch mạng nhện (telangiectasia),viêm da quanh miệng (quanh miệng), phát ban dạng mụn trứng cá hoặc bệnh trứng cá đỏ,... Do vậy, cần có sự tư vấn và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ điều trị, người bệnh không được tự ý sử dụng cũng như thay đổi liều dùng tùy tiện.
2.2. Thuốc bôi viêm da cơ địa không chứa corticoid
Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (TCI) là thuốc không corticoid, thuốc hoạt động trên cơ chế ngăn sự đáp ứng của một số tế bào của hệ thống miễn dịch, làm cho các triệu chứng mẩn đỏ, ngứa và viêm không xuất hiện. Đây là thuốc viêm da cơ địa được dùng nhiều đứng thứ hai sau các thuốc bôi chứa corticoid. Trong nhóm thuốc bôi viêm da cơ địa này 2 loại được dùng nhiều nhất là thuốc mỡ tacrolimus và kem pimecrolimus. Cách dùng: bôi vào vùng tổn thương một ngày hai lần.
Tacrolimus hàm lượng 0,1% dùng cho người trên 15 tuổi, còn tacrolimu hàm lượng 0,03% dùng cho trẻ em hoặc người không dung nạp với loại 0,1%. Nếu bệnh nhân không dung nạp được tacrolimus thì có thể chuyển sang dùng pimecrolimus để thay thế. Lưu ý thuốc mỡ tacrolimus và kem pimecrolimus chống chỉ định ở trẻ dưới 2 tuổi
Sử dụng TCI thay cho các thuốc bôi chứa corticoid trong các trường hợp sau: kháng trị với corticoid, tổn thương ở vùng da mỏng (như da mặt, nếp bẹn, hậu môn), bệnh nhân đã dùng thuốc bôi corticoid liên tục trong thời gian dài hoặc đã có xuất hiện các tác dụng phụ của corticoid. Bôi TCI ngày 2 lần có tác dụng giảm viêm tốt. Hơn nữa, TCI là thuốc được khuyên dùng sử dụng ưu tiên ở giai đoạn ổn định của bệnh với liều dùng 2-3 lần/tuần để ngăn ngừa tái phát. Tác dụng phụ thường gặp nhất của loại thuốc bôi viêm da cơ địa này là đau tại chỗ bôi thuốc, cảm giác bỏng rát hoặc châm chích.
2.3. Các sản phẩm dưỡng ẩm cho da
Các sản phẩm bôi dưỡng ẩm cho da cũng rất quan trọng trong điều trị triệu chứng khô da của viêm da cơ địa. Vì khô da không chỉ là triệu chứng nó còn nằm trong cơ chế gây bệnh và tác dụng phụ khi sử dụng thuốc bôi viêm da cơ địa khác. Làm ẩm da là yếu tố quan trọng giúp giảm triệu chứng và hạn chế tái phát.
Có rất nhiều sản phẩm làm ẩm da bao gồm nhiều dạng như như kem, sữa, mỡ, dầu hoặc dạng tắm. Cách dùng dưỡng ẩm bôi và tắm như sau:
- Thoa dưỡng ẩm lên vùng da khô. Số lần bôi tùy vùng da, tùy theo mùa (ví dụ như thời tiết mùa hè nóng ẩm, thoa từ hai đến ba lần một ngày, mùa đông độ ẩm không khí thấp nên thoa nhiều lần hơn). Tuy nhiên, nên bôi ít nhất 2 – 3 lần mỗi ngày, đặc biệt là lần bôi ngay sau khi tắm. Bạn nên tiếp tục bôi dưỡng ẩm lâu dài ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm.
- Tắm bằng nước ấm vừa, trong thời gian không quá 10 phút. Không nên dùng nước tắm quá nóng, hạn chế dùng các loại sữa tắm có xà phòng có hương thơm.
- Sau khi tắm xong, dùng khăn khô lau nhẹ nhàng, không lau mạnh và thoa ngay dưỡng ẩm lên da .
Viêm da cơ địa là bệnh lý điều trị phức tạp và thường xuyên phải dùng thuốc do bệnh hay tái phát. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn để hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.