Tác dụng của thuốc Dextroamphetamine

Thuốc Dextroamphetamine được bào chế dưới dạng viên nang, viên nén hoặc dung dịch uống. Đây là thuốc kê đơn, được sử dụng để điều trị tình trạng tăng động giảm chú ý và chứng ngủ rũ.

1. Dextroamphetamine là thuốc gì?

Dextroamphetamine là những amin không phải catecholamine, có hoạt tính kích thích thần kinh trung ương. Thuốc này được sử dụng trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý. Thành phần này giúp tăng khả năng chú ý, tập trung vào 1 hoạt động và giúp kiểm soát các vấn đề về hành vi. Đồng thời, thuốc cũng giúp người bệnh cải thiện kỹ năng nghe.

Chỉ định sử dụng thuốc Dextroamphetamine:

  • Điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý;
  • Điều trị một số chứng rối loạn giấc ngủ (chứng ngủ rũ).

Chống chỉ định sử dụng thuốc Dextroamphetamine:

  • Người bệnh xơ cứng động mạch tiến triển;
  • Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có triệu chứng;
  • Người bị tăng huyết áp từ trung bình đến nặng
  • Bệnh nhân cường giáp;
  • Người bị quá mẫn hoặc dị ứng với các amin giao cảm;
  • Người bệnh tăng nhãn áp;
  • Người đang trong trạng thái kích động;
  • Người bệnh có tiền sử lạm dụng thuốc;
  • Đang sử dụng hoặc trong vòng 14 ngày sau khi sử dụng các chất ức chế MAOI (có thể gây cơn tăng huyết áp).

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Dextroamphetamine

2.1 Cách dùng

Bệnh nhân uống thuốc Dextroamphetamine cùng hoặc không cùng với thức ăn (tùy theo chỉ định của bác sĩ), thường là 1 - 3 lần/ngày. Liều đầu tiên thường uống khi người bệnh thức dậy vào buổi sáng. Nếu được kê dùng liều nhiều hơn, bệnh nhân hãy uống theo chỉ định của bác sĩ, thường cách nhau 4 - 6 giờ. Dùng thuốc vào cuối ngày có thể gây khó ngủ hoặc mất ngủ.

Nếu sử dụng thuốc Dextroamphetamine dạng lỏng, cần đo liều thuốc cẩn thận bằng thiết bị hoặc muỗng đo đặc biệt. Không nên dùng thìa gia dụng để lấy thuốc vì có thể sẽ lấy không đúng liều lượng.

Bệnh nhân nên sử dụng thuốc Dextroamphetamine thường xuyên để nhận được nhiều lợi ích nhất. Để ghi nhớ, người bệnh nên uống thuốc vào cùng 1 thời điểm mỗi ngày. Đồng thời, trong quá trình điều trị, đôi khi bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tạm thời ngừng thuốc trong một thời gian ngắn để đánh giá về sự thay đổi hành vi và xem có cần tiếp tục dùng thuốc không.

Nếu đột ngột ngừng thuốc Dextroamphetamine, người bệnh có thể gặp các triệu chứng cai nghiện như khó ngủ, mệt mỏi nghiêm trọng, thay đổi tâm thần như trầm cảm. Để ngăn chặn triệu chứng này, bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh giảm liều dùng thuốc từ từ. Bệnh nhân cũng nên báo cho bác sĩ nếu gặp triệu chứng cai nghiện.

Mặc dù có ích nhưng đôi khi thuốc Dextroamphetamine có thể gây nghiện. Nguy cơ này tăng cao hơn nếu bệnh nhân mắc chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Vì vậy, người bệnh không nên tăng liều, tăng tần suất hoặc sử dụng thuốc dài hơn so với quy định. Nên ngừng thuốc đúng cách khi được bác sĩ hướng dẫn.

Khi sử dụng thuốc Dextroamphetamine trong một thời gian dài, có thể thuốc không phát huy công dụng tốt nữa. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng bệnh của mình không cải thiện hoặc ngày càng xấu đi.

2.2 Liều dùng

Liều dùng thuốc Dextroamphetamine tham khảo như sau:

Người lớn:

  • Chứng ngủ rũ: Liều dùng thông thường là 5 - 60mg/ngày, chia làm nhiều lần tùy theo phản ứng của bệnh nhân.

Trẻ em:

  • Chứng ngủ rũ:
    • Trẻ em 6 - 12 tuổi: Tình trạng này hiếm khi xảy ra ở trẻ em dưới 12 tuổi. Nếu có thì có thể sử dụng thuốc Dextroamphetamine. Liều khởi đầu cho trẻ em 6 - 12 tuổi là 5mg/ngày. Liều hằng ngày có thể tăng lên tới 5mg, cách nhau hằng tuần cho tới khi đạt đáp ứng tối ưu;
    • Trẻ em 12 tuổi trở lên: Bắt đầu với 10mg/ngày. Liều dùng hằng ngày có thể tăng thêm từng bước 10mg, cách nhau hằng tuần cho tới khi đạt đáp ứng tối ưu. Nếu xảy ra các phản ứng bất lợi như mất ngủ hoặc chán ăn thì nên giảm liều dùng thuốc Dextroamphetamine;
    • Thời gian dùng thuốc là: Liều đầu tiên dùng sau khi thức dậy, liều bổ sung (1 - 2) dùng sau đó khoảng 4 - 6 giờ;
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý:
    • Trẻ em dưới 3 tuổi: Không dùng thuốc Dextroamphetamine;
    • Trẻ em 3 - 5 tuổi: Bắt đầu với 2,5mg/ngày. Liều lượng hằng ngày có thể tăng lên với khoảng tăng 2,5mg, cách nhau hằng tuần cho tới khi đạt đáp ứng tối ưu;
    • Trẻ từ 6 tuổi trở lên: Bắt đầu với 5mg/lần x 1 - 2 lần/ngày. Liều lượng hằng ngày có thể tăng lên 5mg, cách nhau hằng tuần cho tới khi đạt đáp ứng tối ưu. Chỉ một số trường hợp hiếm mới dùng quá 40mg/ngày.
    • Thời gian dùng thuốc là: Liều đầu tiên dùng sau khi thức dậy, liều bổ sung (1 - 2) dùng sau đó khoảng 4 - 6 giờ;
    • Khi có thể, thỉnh thoảng nên gián đoạn việc sử dụng thuốc Dextroamphetamine để xem các triệu chứng hành vi có tái phát không, có cần tiếp tục điều trị không.

Quá liều: Các triệu chứng quá liều Dextroamphetamine thường gồm bồn chồn, co giật cơ, run, thở nhanh, ảo giác, lúc lẫn, hoảng sợ, hung hăng, đau hoặc yếu cơ, nước tiểu sẫm màu. Các triệu chứng này có thể đi kèm tình trạng mệt mỏi và trầm cảm. Ngoài ra, người bệnh có thể có triệu chứng khác như buồn nôn, ói mửa, đau dạ dày, tiêu chảy, choáng váng, nhịp tim không đều, co giật, hôn mê,...

Khi dùng thuốc Dextroamphetamine quá liều, người bệnh nên báo cho bác sĩ ngay. Việc xử lý ngộ độc thuốc cấp tính chủ yếu là điều trị triệu chứng gồm rửa dạ dày, cho người bệnh uống than hoạt tính, dùng thuốc giải độc và thuốc an thần.

Quên liều: Nếu bỏ lỡ 1 liều thuốc Dextroamphetamine, người bệnh nên uống ngay khi nhớ ra vào buổi sáng. Nếu đến cuối buổi chiều hoặc gần thời điểm dùng liều tiếp theo thì người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên. Bệnh nhân hãy uống thuốc theo lịch trình bình thường, không cần dùng gấp đôi liều thuốc.

3. Tác dụng phụ của thuốc Dextroamphetamine

Khi sử dụng thuốc Dextroamphetamine, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Đau bụng, khô miệng, chán ăn, nhức đầu, sụt cân, chóng mặt, run, nhịp tim nhanh, gặp vấn đề về giấc ngủ (mất ngủ);
  • Hiếm gặp: Kích động, ảo tưởng, nhìn, nghe hoặc cảm thấy có những thứ bất thường;
  • Không rõ tần suất:
    • Nhìn mờ, khó chịu, khó thở, đau ngực, chóng mặt;
    • Cảm giác bất an, tim đập nhanh hoặc mạch nhanh;
    • Đau đầu, có tiếng thình thịch trong tai;
    • Run ở tay/chân/bàn tay/bàn chân;
    • Sưng bàn chân/cẳng chân;
    • Co giật, vặn mình hoặc chuyển động lặp lại không kiểm soát được của mặt, môi, lưỡi, cánh tay hoặc chân;
    • Không ngủ được;
    • Phát ra giọng nói không thể kiểm soát, cảm giác rung không kiểm soát được;
    • Tăng huyết áp;
    • Mệt mỏi, suy nhược bất thường;
    • Cảm thấy mùi vị bất thường hoặc khó chịu;
    • Táo bón, khô miệng, khó tiêu;
    • Phát ban, ngứa da, đỏ da;
    • Khó kiểm soát được sự cương cứng, giảm hứng thú tình dục, mất khả năng tình dục;
    • Giảm cân.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Dextroamphetamine, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn về biện pháp can thiệp điều trị thích hợp nhất.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Dextroamphetamine

Khi sử dụng thuốc Dextroamphetamine, người bệnh cần lưu ý:

  • Trước khi dùng thuốc Dextroamphetamine, bệnh nhân hãy báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với thuốc hoặc với các loại thuốc cường giao cảm khác như amphetamine hoặc lisdexamfetamine hay bất kỳ dị ứng nào khác;
  • Đánh giá sức khỏe tim mạch ở người bệnh đang dùng thuốc kích thích: Trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn đang điều trị bằng thuốc kích thích cần được đánh giá tiền sử gia đình về đột tử, rối loạn nhịp thất. Bên cạnh đó, nên khám sức khỏe để đánh giá sự hiện diện của bệnh tim, cần thăm khám thêm đánh giá tim nếu có phát hiện gợi ý bệnh qua điện tâm đồ và siêu âm tim;
  • Sử dụng chất kích thích có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng rối loạn hành vi và suy nghĩ ở bệnh nhân có rối loạn tâm thần từ trước;
  • Thận trọng khi sử dụng các chất kích thích điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực vì có thể khởi phát 1 giai đoạn hỗn hợp hoặc hưng cảm. Trước khi bắt đầu điều trị, kiểm tra kỹ cho những bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm xem họ có nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực không.
  • Nếu xảy ra triệu chứng loạn thần hoặc hưng cảm khẩn cấp như ảo giác, suy nghĩ hoang tưởng,... thì cần xem xét tác dụng của chất kích thích, có thể nên ngưng điều trị;
  • Bệnh nhân bắt đầu điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý nên được theo dõi về sự xuất hiện hoặc diễn tiến nghiêm trọng của hành vi hung hăng, thù địch;
  • Việc sử dụng amphetamine mãn tính chưa biết có gây ức chế sự tăng trưởng hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng nó có thể gây ra điều này. Do đó, cần thận trọng;
  • Chất kích thích có thể làm giảm ngưỡng co giật ở bệnh nhân có tiền sử co giật, có bất thường trên điện não đồ trước đó. Trong trường hợp bị co giật khi dùng thuốc Dextroamphetamine, người bệnh nên ngừng thuốc;
  • Thuốc Dextroamphetamine sulfat được sử dụng để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý có liên quan tới bệnh mạch máu ngoại vi, gồm cả hội chứng Raynaud. Các triệu chứng thường không liên tục và nhẹ nhưng có thể gây ra di chứng như loét đầu ngón, tổn thương mô mềm. Các triệu chứng thường được cải thiện khi giảm liều hoặc ngưng thuốc;
  • Hội chứng serotonin có thể xảy ra khi kết hợp sử dụng Dextroamphetamine với các thuốc ảnh hưởng tới hệ thống dẫn truyền thần kinh serotonergic như chất ức chế MAOI, chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), triptan, chất ức chế tái hấp thu serotonin norepinephrine (SNRIs), Lithium, thuốc chống trầm cảm ba vòng, Fentanyl, Tramadol, Tryptophan, Buspirone,... Các triệu chứng của hội chứng serotonin có thể là thay đổi trạng thái tâm thần, mất ổn định tự chủ, triệu chứng thần kinh cơ, co giật, triệu chứng tiêu hóa;
  • Ngừng dùng thuốc Dextroamphetamine sulfat và bất kỳ thuốc serotonergic đồng thời ngay lập tức nếu xảy ra triệu chứng của hội chứng serotonin, kết hợp điều trị hỗ trợ. Nếu việc sử dụng đồng thời các thuốc này được đảm bảo về mặt lâm sàng thì hãy dùng thuốc Dextroamphetamine với liều thấp hơn, theo dõi người bệnh về sự xuất hiện của hội chứng serotonin khi bắt đầu hoặc chuẩn độ thuốc;
  • Điều trị bằng chất kích thích có thể gây nhìn mờ;
  • Cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi sử dụng thuốc Dextroamphetamine trong thời kỳ mang thai. Thuốc có thể gây dị tật xương, rò hậu môn, lỗ rò khí quản, nhẹ cân,... ở trẻ em nếu bà mẹ mang thai dùng thuốc trong thai kỳ;
  • Các bà mẹ không nên sử dụng thuốc Dextroamphetamine trong thời kỳ cho con bú vì thuốc này được bài tiết qua sữa mẹ;
  • Người lớn tuổi có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc Dextroamphetamine, đặc biệt là triệu chứng khó ngủ, đau ngực và sụt cân;
  • Thuốc Dextroamphetamine có thể gây tác dụng phụ như nhìn mờ, chóng mặt, gây ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc. Do đó, người bệnh nên thận trọng khi thực hiện các hoạt động này.

5. Tương tác thuốc Dextroamphetamine

Một số tương tác thuốc của Dextroamphetamine gồm:

  • Thuốc ức chế MAO: Sử dụng đồng thời Dextroamphetamine với các thuốc ức chế MAO có thể gây tương tác thuốc nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Dùng các thuốc ức chế MAO cách thuốc này 2 tuần;
  • Thuốc trị ho, cảm lạnh: Một số loại thuốc này có chứa thành phần có thể làm tăng nhịp tim hoặc huyết áp khi sử dụng đồng thời với Dextroamphetamine;
  • Thuốc làm tăng serotonin: Nguy cơ mắc hội chứng serotonin tăng lên nếu người bệnh sử dụng Dextroamphetamine đồng thời với các thuốc làm tăng serotonin.
  • Dextroamphetamine rất giống với amphetamine và lisdexamfetamine. Không sử dụng các thuốc có chứa amphetamine hoặc lisdexamfetamine trong khi dùng Dextroamphetamine;
  • Nước ép hoa quả: Nước ép trái cây có thể làm giảm sự hấp thu của thuốc Dextroamphetamine;
  • Thuốc Dextroamphetamine có thể ảnh hưởng tới kết quả của một số xét nghiệm như nồng độ steroid trong máu và nước tiểu, quét não, bệnh Parkinson. Nên báo cho nhân viên phòng thí nghiệm và các bác sĩ khi bệnh nhân dùng thuốc này.

Khi sử dụng thuốc Dextroamphetamine, bệnh nhân nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn, chỉ định chi tiết của bác sĩ. Điều này đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất và tránh được nhiều phản ứng bất lợi.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe