Tác dụng của thuốc Urokinase

Thuốc Urokinase là một loại thuốc tiêu huyết khối được dùng trong những bệnh lý gặp phải do huyết khối gây tắc nghẽn, không đủ máu cung cấp cho các mô. Để hiểu rõ về thuốc, cùng tìm hiểu về tác dụng của thuốc Urokinase qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Urokinase là thuốc gì?

Thuốc Urokinase là thuốc gì? Urokinase là thuốc tan huyết khối, khi vào cơ thể giúp hoạt hóa một chất làm tan cục máu đông không mong muốn.

Thuốc được bào chế dưới các dạng như:

  • Bột pha tiêm: 25000 đvqt, 100000 đvqt, 300000 đvqt, 600000 đvqt( đơn vị quốc tế).
  • Bột pha dịch truyền động mạch vành hoặc dùng dịch truyền tĩnh mạch: 250000 đvqt
  • Bột để pha dung dịch, làm thông catheter: 5000 đvqt, 9000 đvqt.

Cơ chế hoạt động của thuốc Urokinase: Urokinase là một protease có hai chuỗi polypeptide được phân lập từ nuôi cấy tế bào thận của người, chứa cả 2 dạng urokinase trọng lượng phân tử cao và thấp. Urokinase trọng lượng phân tử cao là chất hoạt hóa plasminogen mạnh. Urokinase gây ra tác dụng tan huyết khối do tác động trực tiếp trên hệ tiêu fibrin nội sinh để giúp chuyển plasminogen thành plasmin là enzym có tác dụng thủy phân protein. Plasmin phân giải fibrin (thành phần chính cục máu đông), fibrinogen và những protein trợ động khác có trong huyết tương. Plasminogen là thành phần có trong cục huyết khối và cục nghẽn mạch, do đó hoạt hóa chất tan cục máu đông do thuốc Urokinase diễn ra bên trong và cả trên bề mặt huyết khối.

Tác dụng tiêu sợi fibrin của urokinase thường mất đi trong vòng vài giờ.

2. Tác dụng thuốc Urokinase

Nhờ tác dụng tiêu huyết khối của Urokinase nên được sử dụng trong điều trị các trường hợp sau:

  • Nghẽn mạch phổi: Urokinase được chỉ định cho người lớn để giúp làm tiêu cục nghẽn mạch phổi rất lớn, cấp tính, gây tắc dòng máu tới một thùy hoặc nhiều phân thùy của phổi; làm tiêu cục nghẽn mạch phổi kèm theo tình trạng huyết động không ổn định, không duy trì được huyết áp khi không có biện pháp hỗ trợ. Xác minh chẩn đoán huyết khối phổi bằng những biện pháp khách quan như chụp mạch phổi qua một tĩnh mạch ở chi trên, hoặc những phương pháp không xâm lấn như phương pháp chụp cắt lớp phổi.
  • Huyết khối động mạch vành: Được chỉ định để làm tiêu cục huyết khối cấp tính làm tắc động mạch vành trong bệnh lý nhồi máu cơ tim tiến triển.
  • Ống thông tĩnh mạch bị tắc: Thuốc cũng được dùng để làm thông ống thông tĩnh mạch, kể cả ống thông tĩnh mạch trung tâm, bị tắc do máu đông, huyết khối.

3. Cách sử dụng thuốc Urokinase

Thuốc Urokinase được dùng đường tiêm, liều lượng và cách sử dụng tùy thuộc vào từng trường hợp:

  • Đối với người lớn:
    • Thuyên tắc phổi: Điều trị càng sớm càng tốt. Liều điều trị là 4400 đvqt/kg tiêm tĩnh mạch; sau đó duy trì liên tục 4400 đvqt/kg/giờ trong 12 giờ. Cuối liệu pháp, cần bổ sung thêm liệu pháp chống đông bằng truyền tĩnh mạch liên tục heparin, sau đó cần dùng một thuốc chống đông đường uống, cho tới khi thời gian thrombin đã giảm tới mức nhỏ hơn hai lần trị số kiểm chứng bình thường.
    • Huyết khối động mạch vành và nhồi máu cơ tim: Truyền thuốc vào động mạch vành trong vòng 6 giờ từ khi xuất hiện các triệu chứng kèm theo dõi huyết học, đặc biệt cẩn thận về tình trạng loạn nhịp. Trước tiên, cần tiến hành tiêm tĩnh mạch nhanh một liều Heparin 2500 đến 10000 đơn vị. Sau đó truyền dung dịch thuốc đã pha vào động mạch vành với tốc độ 6000 đvqt/phút, trong 2 giờ cho tới liều tối đa 720000 đvqt. Để xác định đáp ứng điều trị, cần chụp mạch nhiều lần cách nhau mỗi 15 phút. Tiếp tục liệu pháp tới khi động mạch mở thông tối đa. Sau khi tưới máu trở lại, nên tiếp tục liệu pháp heparin.
    • Thuyên tắc phổi cấp tính: Liều ban đầu là 4400 đvqt/kg, hòa tan trong 15ml dung môi truyền tĩnh mạch trong 10 phút, sau đó duy trì dùng 4400 đvqt/kg/giờ trong 12 giờ.
    • Bệnh tắc động mạch ngoại vi cấp tính: Hòa tan 500000 đvqt trong 250 ml dung môi được tiêm vào cục máu đông theo hướng dẫn của siêu âm mạch máu, với tốc độ truyền dịch là 4000 đvqt/phút trong 2 giờ. Quá trình này có thể được lặp lại tối đa 4 lần nếu chưa đạt được lưu lượng. Nên tiếp tục truyền dịch với tốc độ là 1000 đvqt/ phút cho đến khi cục máu đông được ly giải hoàn toàn. Thông thường, với liều 500000 Đvqt trong 8 giờ là đủ.
    • Ống thông Catheter tĩnh mạch bị tắc: Dùng bơm tiêm tuberculin với liều 5000 đvqt/ml. Tiêm chậm và nhẹ nhàng vào đầy ống thông. Sau ít nhất mỗi 5 phút, thử hút kiểm tra lại ống thông này bằng bơm tiêm 5 ml. Nếu như ống không thông trong vòng 30 phút, để urokinase trong ống từ 30-60 phút trước khi thử hút lại. Lặp lại liều điều trị nếu khó thông.
  • Trẻ em: Có rất ít kinh nghiệm về việc dùng urokinase ở trẻ em bị bệnh tắc mạch do huyết khối và thường không nên sử dụng Urokinase cho đối tượng này. Tuy nhiên nếu như cần có thể sử dụng cho trẻ em ở mọi lứa tuổi với liệu trình tương tự như người lớn.
  • Đối tượng khác:
    • Người cao tuổi: Nên được sử dụng một cách thận trọng, liều dùng ban đầu cũng giống như ở người lớn nhưng cũng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng.
    • Bệnh nhân suy thận hoặc suy gan cần thiết xem xét giảm liều, đảm bảo nồng độ fibrinogen không giảm dưới 100 mg/dL.

4. Thuốc Urokinase có thể gây ra tác dụng phụ gì?

Khi dùng thuốc Urokinase bạn có thể gặp phải tác dụng phụ sau:

  • Thường gặp: Xuất huyết, bao gồm xuất huyết từ nơi có chấn thương, chảy máu cam, chảy máu lợi, tiểu máu vi thể; Thuyên tắc mạch huyết khối, thuyên tắc mạch, bao gồm cả thuyên tắc phổi; Tăng chỉ số transaminase thoáng qua; Giảm huyết áp, loạn nhịp tim, phù mạch thần kinh mạch, co thắt phế quản, sưng quanh hốc mắt; Phản ứng phản vệ nhẹ như nổi mày đay.
  • Ít gặp: Xuất huyết trong gan; Buồn nôn, nôn, nhức đầu, rét run, vã mồ hôi; Thiếu máu, gây chảy máu mắt.
  • Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn, bao gồm nổi mày đay, khó thở, phát ban; Tiểu máu đại thể.

Khi gặp phải những dấu hiệu của phản ứng phụ tùy vào mức độ bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phục hợp.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Urokinase

Không được dùng thuốc Urokinase trong những trường hợp sau:

  • Mới phẫu thuật trong vòng 10 ngày trước đó, kể cả sinh thiết cơ quan, chọc mạch máu không ép được, bệnh nhân chấn thương nặng, hồi sức tim phổi.
  • Chảy máu đường tiêu hóa nặng xuất hiện trong vòng 3 tháng.
  • Tiền sử bệnh tăng huyết áp (huyết áp tâm trương > 110 mm Hg).
  • Rối loạn chảy máu hoặc chảy máu đang xảy ra.
  • Tai biến mạch máu não trước đây hoặc khối u nội sọ đang hoạt động, đặc biệt chảy máu, hay có phẫu thuật não hoặc cột sống trong vòng hai tháng.
  • Phình mạch tách.
  • Viêm màng ngoài tim cấp tính.

Phải đánh giá cẩn thận toàn bộ tình trạng lâm sàng và tiền sử bệnh lý của người bệnh trước khi bắt đầu liệu pháp urokinase.

Trong khi truyền thuốc urokinase, có thể thực hiện những xét nghiệm về đông máu và/hoặc đo hoạt tính tiêu fibrin. Tuy vậy, kết quả xét nghiệm này không tiên đoán hiệu lực của thuốc hoặc nguy cơ chảy máu. Phải thường xuyên quan sát đáp ứng lâm sàng và phải kiểm tra những dấu hiệu quan trọng như mạch, nhiệt độ, tần số hô hấp và huyết áp. Không được đo huyết áp ở chi dưới để tránh bong cục huyết khối có thể có ở tĩnh mạch sâu.

Đối với những người có bệnh rung nhĩ hoặc những bệnh khác có nguy cơ nghẽn mạch não, khi dùng liệu pháp urokinase có thể nguy hiểm do nguy cơ chảy máu ở vùng bị nhồi máu.

Nguy cơ chảy máu tăng lên khi dùng thuốc nên cần chú ý ở những đối tượng có bệnh lý như viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, phụ nữ mang thai, bệnh mạch não, bệnh võng mạc chảy máu, đái tháo đường, hoặc những khiếm khuyết về cầm máu, kể cả do bệnh gan hoặc thận nặng.

Cần lưu ý ở các vị trí tiêm, rạch da, đặt ống catheter, vì nguy cơ chảy máu cao. Phải ép mạch trực tiếp nơi tiêm ít nhất 30 phút. Nếu chảy máu tự phát nặng thì cần phải ngừng dùng thuốc urokinase ngay.

Thuốc chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ ở phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú. Cho nên, chỉ được sử dụng khi thật sự cần thiết.

Tóm lại, tác dụng của thuốc Urokinase là làm tiêu sợi huyết điều trị trong những trường hợp bệnh lý cấp tính gây ra bởi cục máu đông. Thuốc chỉ được dùng bởi các bác sĩ có kinh nghiệm và cần theo dõi sát những tác dụng phụ có thể xảy ra.

Nguồn tham khảo: drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

488 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan