Nhận biết dấu hiệu sốc phản vệ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sốc phản vệ có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc sau khi dùng thuốc, truyền dịch, thử test, bị ong đốt hay ăn thức ăn lạ. Cần nhận biết dấu hiệu sốc phản vệ sớm để cấp cứu nhanh, kịp thời tránh dẫn tới tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.

1. Dấu hiệu sốc phản vệ lâm sàng

Sốc phản vệ khá đa dạng, thay đổi tùy theo độ nặng của sốc, phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất kháng nguyên hay chất lạ vào cơ thể.

Những dấu hiệu sớm đáng chú ý của sốc phản vệ là: Bồn chồn, khó thở, hốt hoảng, phù nề thanh khí quản, suy tim cấp, nhịp tim nhanh, tay chân lạnh, truỵ mạch,...

Thời gian diễn biến của sốc phản vệ kéo dài từ vài giây đến 30 phút, tốc độ sốc càng nhanh thì tiên lượng càng xấu.

Diễn biến của sốc phản vệ
Sốc phản vệ nặng gây hôn mê, nghẹt thở

2. Diễn biến của sốc phản vệ

Phản vệ được phân thành 4 mức độ như sau (theo hướng dẫn của Bộ Y tế về sốc phản vệ) :

(lưu ý mức độ phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự)

2.1. Nhẹ (độ I): Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mày đay, ngứa, phù mạch.

2.2. Nặng (độ II): Có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:

a) Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.

b) Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.

c) Đau bụng, nôn, ỉa chảy.

d) Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

2.3. Nguy kịch (độ III): Biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau:

a) Đường thở: Tiếng rít thanh quản, phù thanh quản.

b) Thở: Thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.

c) Rối loạn ý thức: Vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.

d) Tuần hoàn: Sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.

2.4. Ngừng tuần hoàn (độ IV): Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Đáng chú ý là những biến chứng muộn diễn ra sau sốc phản vệ có thể gặp như viêm cầu thận, viêm cơ tim dị ứng, suy đa cơ quan. Chính những biến chứng này có thể dẫn đến tử vong.

Có trường hợp sốc phản vệ đã được điều trị, nhưng 1-2 tuần sau đó mới xuất hiện hen phế quản, phù Quincke, mày đay tái phát nhiều lần và đôi khi là những bệnh tạo keo như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm nút quanh động mạch...

Diễn biến sốc phản vệ
Sốc phản vệ có thể biến chứng đến viêm thận

3. Nhận biết sốc phản vệ khi truyền dịch

Khi tiêm truyền tại cơ sở y tế hay truyền dịch tại nhà, bệnh nhân có thể bị sốc dịch truyền, những triệu chứng nhận biết như: Vã mồ hôi, rét run, sắc mặt tái nhợt, khó thở, mạch nhanh...

Khi thấy người bệnh xuất hiện những triệu chứng này thì phải ngừng truyền ngay, thực hiện xử trí ngay lập tức theo phác đồ hướng dẫn xử trí sốc phản vệ (Bộ Y tế) cho bệnh nhân và báo cho bác sĩ phụ trách để tìm nguyên nhân gây sốc và hướng dẫn xử lý.

Nhận biết sốc phản vệ
Cẩn thận sốc phản vệ khi truyền dịch

Trên đây là các dấu hiệu nhận biết sốc phản vệ nói chung và sốc phản vệ khi truyền dịch nói riêng, cần sớm phát hiện và cấp cứu kịp thời trường hợp sốc phản vệ, tránh biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

181.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan