Trypsin là một loại men tiêu hóa quan trọng được tìm thấy trong ruột non. Men trypsin có tác dụng xúc tác cho quá trình phân giải các protein thành những cơ chất nhỏ hơn để có thể hấp thụ vào máu thông qua lớp niêm mạc ruột non.
1. Enzyme trypsin là gì?
Trypsin là một loại enzyme tiêu hóa quan trọng, được tìm thấy trong hệ tiêu hóa của rất nhiều loài động vật có xương sống, cũng là nơi enzyme trypsin thực hiện vai trò thủy phân protein. Trypsin được tạo thành bởi tuyến tụy ở dạng tiền enzyme của nó, có tên là trypsinogen. Sau đó, trypsinogen được hoạt hóa tại ruột non, trở thành dạng hoạt động, có khả năng phân tách chuỗi các protein thành dạng nhỏ hơn để cơ thể hấp thụ được. Quá trình này được gọi là sự phân giải protein bởi trypsin hoặc quá trình trypsin hóa. Các protein khi đã được tiêu hóa hay xử lý với trypsin thì được gọi là các protein "đã được trypsin hóa".
Trypsin được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1876 bởi nhà khoa học Wilhelm Kühne. Men trypsin hiện đang được ứng dụng trong nhiều công trình khoa học, trong công nghệ sinh học và ngay cả trong lĩnh vực y học để điều trị bệnh.
2. Enzyme trypsin có tác dụng gì?
Tác dụng của enzyme trypsin thể hiện chủ yếu ở tá tràng (tức phần đầu của ruột non). Trypsin đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình thủy phân liên kết peptide, giúp phân giải các protein thành nhiều peptide nhỏ hơn. Các peptide sau đó sẽ tiếp tục được thủy phân thành các axit amin bởi những men tiêu hóa khác, để từ đó chúng có thể hấp thụ vào dòng máu thông qua niêm mạc ruột non.
Như vậy, men trypsin được xem là một mắt xích quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Giai đoạn tiêu hóa bởi enzyme trypsin là một bước cần thiết trong việc phân giải và hấp thụ protein, vì protein có phân tử lượng quá lớn để có thể hấp thụ vào máu qua lớp niêm mạc ruột.
Tụy là cơ quan tiết ra trypsin, nhưng ở dạng không hoạt động, đó là trypsinogen. Khi trypsinogen xuống đến ruột, tại đây nhờ có enterokinaza do ruột tiết ra, trypsinogen mới tiếp tục biến đổi thành trypsin (dạng có tác dụng). Tuy nhiên, nếu trypsin vì lý do nào đó mà bị hoạt hóa ngay trong tụy, sẽ gây ra tổn thương tại các cơ quan. Các tổn thương này phải kể đến trước hết là hệ thống mạch máu: Gây giãn mạch, ứ trệ tuần hoàn, dẫn tới phù nề và rối loạn quá trình cung cấp oxy cho tế bào. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, thiểu dưỡng tế bào ngày càng trầm trọng hơn, sẽ dẫn tới hoại tử và xuất huyết. Sự kích hoạt enzyme trypsin là pha đầu tiên của viêm tụy cấp và phù nề được xem là tổn thương xuất hiện trước tiên của viêm tụy.
3. Ứng dụng men trypsin vào điều trị bệnh
Trypsin được dùng cho những bệnh nhân thiếu những enzyme cần thiết cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Trypsin cũng được dùng phối hợp với bromelain và rutin trong điều trị bệnh lý viêm xương khớp.
Một số bệnh nhân sau chấn thương có thể thoa trypsin trực tiếp vào vết thương và vết loét để loại bỏ phần mô chết, đẩy nhanh tốc độ hồi phục và phát triển của mô. Ngoài ra, enzyme này còn được ứng dụng làm sản phẩm thuốc xịt theo toa kết hợp, được sử dụng để điều trị vết loét miệng (sản phẩm này có chứa trypsin, peru balsam và chiết xuất dầu thầu dầu). Trypsin còn được dùng cho một số mục đích sử dụng khác.
Hiện tại trypsin có ở dạng uống và dạng dùng tại chỗ trên da để chữa lành vết thương (theo chỉ định điều trị của bác sĩ). Liều dùng của trypsin có thể không giống nhau đối với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Tuy nhiên, liều lượng nói chung được xác định dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và một số vấn đề khác. Điều trị với men trypsin có khả năng dẫn đến các tác dụng không mong muốn và tương tác với một số thành phần nhất định.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.