Nếu bạn nhận thấy con yêu có các biểu hiện bất thường khi ở nhà cũng như ở trường học, chẳng hạn như thường xuyên mất tập trung, tăng động thái quá, hay bị xao nhãng và gặp khó khăn khi chú ý đến một vấn đề đang diễn ra. Điều này cho thấy khả năng cao trẻ đang mắc phải bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc chứng rối loạn thiếu tập trung (ADD). Vậy, hai dạng rối loạn này có gì khác biệt nhau?
1. Bệnh ADHD và ADD khác biệt nhau như thế nào?
Chứng rối loạn thiếu tập trung (ADD) là một loại của bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD). Tuy nhiên nó không có các triệu chứng giống như của ADHD, chẳng hạn như di chuyển liên tục hoặc hay cảm thấy bồn chồn. Nhìn chung, ranh giới của sự khác biệt giữa ADHD và ADD thực sự rất mong manh, đôi khi ngay cả bác sĩ cũng có thể chẩn đoán nhầm lẫn các dạng bệnh rối loạn chú ý và gọi chung chúng là rối loạn tăng động giảm chú ý mặc dù bệnh nhân không có biểu hiện của sự quá hiếu động.
Hiện nay, bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) được chia thành các loại, bao gồm:
- ADHD loại không chú ý, hay còn được gọi là ADD
- ADHD loại hiếu động / bốc đồng
- ADHD loại kết hợp
Thực tế cho thấy, các dạng rối loạn này có ảnh hưởng nhiều đến trẻ em và có thể gây ra những trở ngại cũng như khó khăn cho bé trong học tập và hoạt động thường ngày. Nếu con bạn có những biểu hiện bất thường nghi ngờ giữa ADHD và ADD, bạn nên trao đổi với bác sĩ để giúp tình trạng bệnh của trẻ được chẩn đoán chính xác.
2. Nhận biết các triệu chứng của ADHD và ADD
Bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) là một chứng rối loạn thường gặp ở não bộ. Nó có thể làm cản trở đáng kể đến các hoạt động thường ngày của trẻ khi ở nhà cũng như ở trường học. Những đứa trẻ mắc phải chứng bệnh này thường khó chú ý và kiểm soát được hành vi của mình, và đôi khi rất hiếu động.
Trước khi trẻ được chẩn đoán là mắc bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD), các bậc phụ huynh nên chú ý đến việc nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của trẻ, bao gồm:
- Không chú ý: Trẻ bị ADHD thường có các triệu chứng của sự không chú ý như mất tổ chức, gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ, thường xuyên trong trạng thái mơ mộng và không tập trung trong lúc nói chuyện với người khác.
- Tính bốc đồng: Trẻ đưa ra các quyết định mang tính bộc trực, nóng vội mà không nghĩ sâu xa đến khả năng gây hại hoặc ảnh hưởng lâu dài. Ngoài ra, trẻ bị bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) cũng thường hành động nhanh chóng nhằm mục đích có thể đạt được kết quả hay thành tích ngay lập tức. Hơn thế nữa, trẻ còn thường xuyên gây phiền phức đến bạn bè, gia đình và giáo viên.
- Tăng động thái quá: Trẻ có biểu hiện tăng động quá mức, bồn chồn, không thể ngồi yên một chỗ, thích trèo leo, chạy nhảy và nói chuyện liên tục, đặc biệt là trong các tình huống không phù hợp để thực hiện những hành vi trên.
Như đã đề cập ở trên, chứng rối loạn thiếu tập trung (ADD) là một dạng của bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD). Những trẻ mắc ADD mặc dù không có các vấn đề về vận động thái quá hoặc bồn chồn, nhưng thay vì đó chúng có xu hướng gặp khó khăn về chú ý và thường xuyên bị mất tập trung.
Chứng rối loạn thiếu tập trung (ADD) thường gặp nhất ở trẻ em dưới 16 tuổi có từ khoảng 6 triệu chứng không chú ý trở lên và diễn ra trong vòng ít nhất 6 tháng liên tục nhưng không có dấu hiệu của sự tăng động, bao gồm:
- Thiếu tính kỷ luật, tổ chức và không nhớ lời dặn của người lớn
- Không thích thực hiện các nhiệm vụ cần đến sự tập trung trong thời gian dài, chẳng hạn như làm bài tập về nhà
- Không lắng nghi khi người lớn hướng dẫn trực tiếp
- Mất tập trung khi thực hiện các công việc dù ở nhà, ở lớp hay thậm chí những lúc vui chơi
- Thường mắc lỗi do sự bất cẩn
- Không để ý đến các chi tiết
- Hay quên
- Cảm thấy vô cùng khó khăn hoặc phải vật lộn khi làm theo hướng dẫn cho một công việc cụ thể
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh ADHD dạng hiếu động / bốc đồng
Trẻ em mắc chứng ADHD này có rất nhiều năng lượng và vận động không ngừng nghỉ. Dạng bệnh tăng động giảm chú ý này thường được chẩn đoán nếu một đứa trẻ dưới 16 tuổi có từ 5 – 6 triệu chứng liên quan đến sự bốc đồng / hiếu động trở lên và xảy ra trong vòng ít nhất 6 tháng, bao gồm:
- Làm phiền hoặc gián đoạn những người xung quanh bằng cách chen ngang, ngắt lời
- Đưa ra câu trả lời nhanh chóng khi câu hỏi chưa được đọc hết
- Nói liên tục, quá nhiều và không ngừng nghỉ
- Cơ thể cảm thấy bồn chồn không yên
- Hành động vào thời điểm không phù hợp, chẳng hạn như khi giáo viên đang giảng bài
- Không thể yên lặng ngay cả khi chơi một mình
- Di chuyển liên tục, không chịu ngồi yên một chỗ
Đối với dạng ADHD kết hợp, trẻ mắc chứng bệnh này thường có các triệu chứng vừa mất chú ý vừa tăng động hoặc bốc đồng.
Nhìn chung, bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, tuy nhiên nó được xem là một rào cản rất lớn cho sự phát triển về mọi mặt của trẻ trong tương lai. Để có thể phát triển một cách toàn diện, trẻ rất cần đến sự quan tâm và chăm sóc chu đáo từ các bậc cha mẹ. Nếu nhận thấy con có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh ADHD hoặc ADD, bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com