Nhiễm Cytomegalo virus ở bà mẹ mang thai

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thanh Hà - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Cytomegalo virus (CMV) là virus thuộc nhóm herpes gây ra các bệnh lý nhiễm trùng ở người. Theo điều tra ở Mỹ, khoảng 1/3 sản phụ bị nhiễm lần đầu tiên khi mang thai sẽ truyền CMV sang cho thai nhi. Nếu một phụ nữ đã bị nhiễm CMV từ trước khi mang thai thì nguy cơ truyền CMV sang cho thai nhi khi mang thai khoảng 1%.

1. Nhiễm Cytomegalo virus ở bà mẹ mang thai có nguy hiểm không?

Nhiễm Cytomegalo virus rất phổ biến ở người và thường không gây hại. Một cuộc điều tra ở Mỹ cho thấy cứ trong 100 người trưởng thành tính đến khi 40 tuổi sẽ có khoảng từ 50 đến 80 người bị nhiễm CMV (50 – 80%). Sau khi bị nhiễm cơ thể sẽ mang loại virus này suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên nếu người mẹ bị nhiễm CMV khi mang thai sẽ có thể truyền virus qua thai nhi gây ra hội chứng nhiễm CMV bẩm sinh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi và trẻ sau sinh.

2. Người bị nhiễm Cytomegalo virus sẽ có biểu hiện như thế nào?

Hầu hết người lớn và trẻ em khỏe mạnh khi nhiễm CMV đều không có biểu hiện gì và thậm chí không biết mình đã bị nhiễm CMV. Một vài người có thể có biểu hiện giống như cảm cúm khi nhiễm CMV như sốt, đau họng, mệt mỏi và sưng các hạch. Đây cũng là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau nên nhìn chung hần hết hết mọi người đều không biết mình đã bị nhiễm CMV.

Tuy nhiên ở người có hệ thống miễn dịch (hệ thống giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh) bị suy yếu như:

  • Đang mắc bệnh ung thư,
  • Đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch,
  • Người được ghép tạng,
  • Người bị nhiễm HIV.

Khi bị nhiễm CMV hoặc CMV đã có sẵn trong cơ thể, virus có thể chuyển sang trạng thái hoạt động gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

nhiễm cytomegalo virus
Nhiễm Cytomegalo virus rất phổ biến ở người và thường không gây hại

3. Lây nhiễm Cytomegalo virus ở sản phụ diễn ra như thế nào?

Cytomegalo virus có mặt trong hầu hết các dịch cơ thể, bao gồm nước bọt, nước mắt, nước tiểu, dịch tiết sinh dục, cũng như trong tạng ghép. Người mẹ trong quá trình mang thai có thể nhiễm CMV nguyên phát, tái phát, hoặc tái hoạt và từ đó lây sang cho thai nhi, sự lây truyền này được cho là qua đường nhau thai. Trong các trường hợp trên, tỷ lệ lây nhiễm cho thai nhi là cao nhất nếu mẹ nhiễm CMV nguyên phát trong quá trình mang thai, tỷ lệ này có thể lên đến 40-45%. Nhiễm CMV nguyên phát hay nhiễm trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ sẽ làm tăng mức độ nặng ở trẻ sơ sinh bị nhiễm.

Khi mẹ nhiễm, virus sẽ xâm nhập vào trong bạch cầu và theo bạch cầu để xuyên qua nhau thai. Ở những phụ nữ có huyết thanh dương tính với virus cytomegalo trước khi mang thai, sự tái hoạt CMV vẫn có thể đưa đến nhiễm CMV bẩm sinh. Tỷ lệ truyền CMV cho thai nhi ở những sản phụ đã có miễn dịch trước khi mang thai chỉ vào khoảng 1% so với 40% ở những sản phụ nhiễm trong lúc đang mang thai và biến chứng gặp phải ở trẻ thường cũng nhẹ hơn.

Nói cách khác, những trường hợp nhiễm Cytomegalo virus bẩm sinh ở mẹ đã có miễn dịch với CMV trước khi mang thai có thể là do mắc phải một dòng CMV mới. Bên cạnh sự lây truyền qua tử cung, việc nhiễm virus này còn có thể xảy ra trong giai đoạn Cytomegalo virus chu sinh do tiếp xúc với dịch tiết sinh dục khi sinh.

Nhiễm virus cytomegalo sau sinh có thể xảy ra do tiếp xúc với sữa mẹ, chế phẩm máu, hay ghép tạng. Trẻ đủ tháng nhiễm CMV từ sữa mẹ thường không biểu hiện triệu chứng do có kháng thể từ mẹ truyền sang. Ngược lại, những trẻ sinh cực non đa phần đều có biểu hiện triệu chứng sau nhiễm CMV từ sữa mẹ do trẻ không được nhận đủ lượng kháng thể từ mẹ truyền sang, trong khi hệ miễn dịch của trẻ còn chưa phát triển. Những trường hợp nhiễm CMV này thường biểu hiện triệu chứng giống nhiễm trùng huyết, bao gồm những triệu chứng hô hấp (ví dụ: viêm phổi), gan lách to, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng tế bào lympho. Có thể hạn chế nguy cơ lây truyền CMV ở trẻ thiếu tháng bằng cách tiệt trùng sữa mẹ theo phương pháp pasteur, dùng những chế phẩm máu đã điều chỉnh giảm số lượng bạch cầu và sử dụng máu hoặc sữa từ những người cho âm tính với CMV.

4. Nhiễm cytomegalo virus khi mang thai có dùng thuốc điều trị được không?

Nếu sản phụ được xác nhận dương tính với virus cytomegalo, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm nhằm kiểm tra xem thai nhi đã bị nhiễm virus này chưa bằng cách chọc ối và xét nghiệm nước ối thu được hoặc kiểm tra bằng cách siêu âm xem trẻ có các dấu hiệu bị nhiễm trùng hay không?

Để điều trị cytomegalo virus, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus acyclovir hoặc valacyclovir.

Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nghiên cứu vắc-xin phòng virus cytomegalo cũng như phương pháp ngăn chặn sự lây truyền CMV từ mẹ sang con.

nhiễm cytomegalo virus
Nếu sản phụ nhiễm virus cytomegalo, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm

5. Các biện pháp phòng ngừa nhiễm Cytomegalo virus

Cytomegalo virus là một loại virus gây bệnh nguy hiểm, việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa là hết sức cần thiết. Theo đó, các biện pháp phòng ngừa như sau:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ với người nhiễm virus cytomegalo;
  • Rửa tay ngay sau khi sau khi thay tã, lau dịch mũi... cho trẻ;
  • Rửa tay ngay sau khi cho trẻ đi vệ sinh, gói cẩn thận và vứt các miếng tã bẩn và khăn giấy sau khi dùng;
  • Không sử dụng chung đồ dùng với người nhiễm virus cytomegalo.

Nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

6. Khi nào thì cần chỉ định xét nghiệm nhiễm Cytomegalo virus trong khi mang thai?

Thai phụ sẽ được chỉ định xét nghiệm nhiễm Cytomegalo virus khi:

  • Hầu hết sản phụ khi nhiễm CMV đều không có triệu chứng, tuy nhiên một vài sản phụ có những triệu chứng giống như bị cảm cúm. Khi có những triệu chứng như vậy sản phụ nên xét nghiệm CMV.
  • Tiếp xúc với người bệnh đã bị nhiễm CMV.
  • Siêu âm phát hiện có bất thường ở thai nhi. Những biểu hiện thường gặp trong trường hợp thai bị nhiễm CMV bẩm sinh gồm: tật đầu nhỏ, não úng thủy (giãn não thất), thai chậm phát triển trong tử cung, canxi hóa trong hộp sọ, canxi hóa trong bụng, gan to, phù thai, thiểu ối hoặc đa ối v.v... tuy nhiên cần lưu ý là các biểu hiện trên không phải lúc nào cũng dự báo được tình trạng tổn thương ở thai nhi. Độ nhạy của việc đánh giá thai nhi bằng siêu âm (khả năng phát hiện số trường hợp bất thường trong tổng số các trường hợp bất thường) chỉ đạt khoảng từ 30 – 50%.
  • Sản phụ có hệ miễn dịch kém.
  • Nếu bạn được xác định là nhiễm CMV lần đầu tiên trong quá trình mang thai, cần phải xét nghiệm tình trạng nhiễm CMV cho con của bạn ngay sau khi sinh càng sớm càng tốt.
  • Việc đưa xét nghiệm thường quy để phát hiện tình trạng nhiễm CMV ở sản phụ vẫn đang còn nhiều tranh cãi.

Nhiễm Cytomegalo virus ở bà mẹ mang thai rất nguy hiểm, vì thế các thai phụ cần thăm khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm thường quy theo chỉ định của bác sĩ để sớm phát hiện tình trạng bất thường. Từ đó có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

880 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan