Lợi ích của tắm nước đá?

Có một điều khá kỳ lạ là các vận động viên, những người tập thể dục và các chiến binh thường “nhảy” vào bồn có chứa nước đá sau khi vừa hoạt động thể chất. Họ cho rằng tắm nước lạnh sau một buổi tập cường độ cao hoặc sau khi thi đấu sẽ mang lại nhiều lợi ích. Vậy có nên tắm nước lạnh hay không và lợi ích của tắm nước đá là gì?

1. Các nghiên cứu nói gì về việc tắm nước đá?

Phương pháp tắm nước đá để giảm đau cơ đã có từ nhiều thập kỷ trước. Nhưng một nghiên cứu năm 2017 từ một nguồn tin cậy đã phá vỡ niềm tin đó. Nghiên cứu cho rằng những ý tưởng trước đây về lợi ích của việc tắm nước đá đối với các vận động viên là vô cùng thiếu sót và phương pháp này không có lợi cho việc đau cơ.

Trong khi một nghiên cứu khác lại lập luận rằng việc áp dụng các phương pháp phục hồi tích cực chẳng hạn như dành 10 phút tập thể dục cường độ nhẹ trên xe đạp tại chỗ cũng cho kết quả tốt cho việc phục hồi cơ bắp giống như tắm nước đá (các chuyên gia trong lĩnh vực này vẫn tin tưởng vào việc sử dụng bồn nước đá).

Tiến sĩ A. Brion Gardner, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình của Trung tâm Chỉnh hình cho biết vẫn có những lợi ích khi tắm nước đá. Ông nói: “Nghiên cứu không chứng minh 100% rằng không có lợi ích gì khi tắm nước đá, mà chỉ cho thấy rằng những lợi ích được tin tưởng trước đây là phục hồi nhanh hơn, giảm tổn thương cơ và mô, cải thiện các chức năng khác không chắc chắn mang lại hiệu quả".

Tiến sĩ Thanu Jey, giám đốc Phòng khám Y học Thể thao Yorkville, đồng ý với quan điểm của tiến sĩ A. Brion Gardner. Ông nói: “Sẽ luôn có những nghiên cứu ủng hộ theo hai quan điểm đối lập nhau trong cuộc tranh luận này. Mặc dù, nhiều nghiên cứu chưa đưa ra được kết luận có nên tắm nước lạnh không, nhưng tôi luôn ủng hộ các vận động viên chuyên nghiệp thường xuyên tắm nước đá dưới sự quản lý chặt chẽ”.

Một điều quan trọng cần lưu ý đối với nghiên cứu về việc tắm nước lạnh đó là cỡ mẫu và độ tuổi. Cần có nhiều nghiên cứu hơn và cỡ mẫu của các nghiên cứu cần lớn hơn để xác định lợi ích của việc tắm nước đá một cách chính xác và khách quan nhất.

2. 5 lợi ích tiềm năng của việc tắm nước đá

Một số lợi ích tiềm năng khi áp dụng phương pháp tắm nước đá, đặc biệt là đối với những người tập thể dục nặng hoặc các vận động viên:

2.1. Làm dịu các cơ bị đau và nhức

Theo tiến sĩ A. Brion Gardner, lợi ích lớn nhất của việc tắm nước đá rất có thể chỉ đơn giản là làm cho cơ thể cảm thấy dễ chịu. Ông giải thích: “Sau một buổi tập luyện căng thẳng, ngâm mình trong nước lạnh có thể giúp giảm đau nhức, làm mát cơ bắp.

2.2. Ảnh hưởng tích cực lên hệ thần kinh trung ương

Tiến sĩ Gardner nói rằng tắm nước đá có thể giúp ích cho hệ thống thần kinh trung ương bằng cách hỗ trợ giấc ngủ, tạo cảm thấy dễ chịu và ít cảm thấy mệt mỏi hơn.


Tắm nước đá giúp bạn thư giãn, ngủ ngon hơn
Tắm nước đá giúp bạn thư giãn, ngủ ngon hơn

2.3. Hạn chế phản ứng viêm

Theo tiến sĩ Thanu Jey, lý thuyết về việc làm giảm nhiệt độ cục bộ sau khi tập thể dục giúp hạn chế các phản ứng viêm xảy ra, giảm số lượng tác nhân gây viêm và giúp người tập hồi phục nhanh hơn.

2.4. Giảm ảnh hưởng của nhiệt và độ ẩm

Tắm nước đá có thể làm giảm tác động của nhiệt và độ ẩm. Gardner giải thích: “Tắm nước đá trước một cuộc đua dài trong điều kiện nhiệt độ hoặc độ ẩm cao có thể giúp hạ nhiệt độ cơ thể xuống một vài độ, điều này dẫn đến cải thiện hiệu suất thi đấu”.

2.5. Huấn luyện dây thần kinh phế vị

Một trong những lợi ích chính của việc tắm nước đá đó là huấn luyện dây thần kinh phế vị. Theo chuyên gia sức khỏe Aurimas Juodka, CSCS, CPT: “Dây thần kinh phế vị có liên quan đến hệ thần kinh phó giao cảm và việc rèn luyện nó có thể giúp người tập đối mặt với những tình huống căng thẳng một cách dễ dàng hơn”.

3. Tác dụng phụ và rủi ro khi tắm nước đá

Tác dụng phụ đáng chú ý nhất của việc tắm nước đá là khiến cơ thể cảm thấy rất lạnh, ngoài tác dụng phụ này còn có một số rủi ro khác cần xem xét như sau:

  • Rủi ro chính của việc tắm nước đá khi áp dụng cho những người có sẵn bệnh tim mạch hoặc huyết áp cao: Việc giảm thân nhiệt và ngâm mình trong nước đá sẽ làm co mạch máu và làm chậm dòng chảy của máu trong cơ thể, điều này có thể nguy hiểm khi người đó bị giảm lưu lượng máu, có nguy cơ bị ngừng tim hoặc đột quỵ.
  • Một nguy cơ khác có thể xảy ra đó là hạ thân nhiệt, đặc biệt nếu người tập ngâm mình trong bồn nước đá quá lâu.
  • Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng nên cẩn thận với việc tắm nước đá vì cả hai loại bệnh này đều gây giảm khả năng duy trì thân nhiệt khi thay đổi nhiệt độ một cách khắc nghiệt.

Hạ thân nhiệt là một rủi ro thường gặp của việc tắm nước đá
Hạ thân nhiệt là một rủi ro thường gặp của việc tắm nước đá

4. Mẹo tắm nước đá đúng cách

Một số điều bạn nên biết trước quyết định khi ngâm cơ thể mình vào trong nước đá.

4.1. Nên tắm nước lạnh bao nhiêu độ?

Tiến sĩ Gardner cho biết, nhiệt độ của một bồn nước đá dùng để tắm cần dao động trong khoảng 10–15 °C hoặc 50–59 °F là phù hợp nhất.

4.2. Thời gian thích hợp để tắm nước lạnh là bao lâu?

Dành quá nhiều thời gian trong bồn nước đá có thể gây nhiều hậu quả bất lợi, đó là lý do tại sao bạn chỉ nên giới hạn thời gian tắm nước lạnh không quá 10 - 15 phút.

4.3. Tiếp xúc cơ thể với nước lạnh trước khi ngâm mình

Bạn nên ngâm toàn bộ cơ thể vào bồn nước đá để đạt được hiệu quả co thắt mạch máu tốt nhất. Tuy nhiên, khi bắt đầu, bạn nên ngâm từ bàn chân và cẳng chân trước, sau khi cảm thấy thoải mái thì mới di chuyển về lên phần ngực.

4.4. Lưu ý khi tắm nước đá tại nhà

Nếu bạn quyết định tắm nước đá tại nhà, tiến sĩ Gardner khuyên bạn nên sử dụng nhiệt kế để xác định được nhiệt độ lý tưởng khi cân bằng hỗn hợp đá và nước. Nếu nhiệt độ quá cao (trên 15°C hoặc 59°F), hãy thêm đá dần dần, nếu quá thấp, hãy thêm nước ấm hơn cho đến khi đạt được nhiệt độ mong muốn.


Nên cân bằng hỗn hợp đá và nước để có nhiệt độ tắm phù hợp
Nên cân bằng hỗn hợp đá và nước để có nhiệt độ tắm phù hợp

4.5. Thời gian tắm nước đá

Tiến sĩ Gardner nói: “Tắm nước đá càng sớm ngay sau khi tập luyện hoặc thi đấu sẽ cho lợi ích càng tốt. Nếu đợi đến hơn một giờ sau khi tập luyện, lúc này cảm giác mệt mỏi đau nhức đã được chữa lành và tình trạng viêm nhiễm đã bắt đầu.

Một cách khác để nhận được lợi ích của nước đá đối với vùng cơ bị đau là sử dụng phương pháp chườm lạnh 10-10-10: chườm đá trong 10 phút (không đặt viên đá trực tiếp trên da trần), tiếp theo là bỏ đá ra trong 10 phút và cuối cùng là chườm đá thêm 10 phút nữa.

Khi nói đến tần suất tắm nước đá thì hiện nay các nghiên cứu còn rất hạn chế. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng chỉ có các đợt tắm nước đá ngắn hạn mới tạo điều kiện phục hồi cơ thể nhanh, vì thế nên tránh tắm nước đá lâu dài.

Nếu bạn chọn tắm nước đá như một hình thức phục hồi sau một thi đấu thể thao hoặc một buổi tập cường độ cao, hãy đảm bảo tuân thủ các hướng dẫn được khuyến nghị, đặc biệt là thời gian tắm và nhiệt độ của nước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe