Bài viết được thực hiện bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Với những ưu điểm vượt trội như không gây nhiễm tia xạ, hình ảnh thu được tạo ra có dạng đa phẳng, độ phân giải cao, chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging) được ứng dụng nhiều trong lâm sàng, đặc biệt là các bệnh lý vùng mặt - cổ với cấu trúc giải phẫu phức tạp. Vậy quy trình chụp cộng hưởng từ vùng mặt – cổ không tiêm thuốc đối quang từ như thế nào?
1. Đại cương
Chụp cộng hưởng (MRI) từ vùng đầu – mặt cổ là phương pháp có giá trị cao trong khảo sát xương, phần mềm vùng đầu- mặt- cổ.
Hình ảnh có được sau chụp MRI có độ sắc nét và tương phản rõ ràng đặc biệt trong các chỉ định khảo sát mô mềm. Thông qua các thuật toán dựng hình, MRI có khả năng tái tạo hình ảnh 3D để giúp bác sĩ quan sát cơ quan khảo sát thực tế và rõ ràng hơn.
Đối với vùng mặt – cổ có cấu trúc giải phẫu phức tạp với nhiều mô cơ vùng mặt, nhiều cơ quan cảm giác quan trọng như ở vùng mặt gồm: nhãn cầu, mũi, xoang mũi...; các cơ quan vùng cổ gồm: khí quản, thực quản, tuyến giáp... được liên kết với nhiều cấu trúc giải phẫu thần kinh – mạch máu phức tạp.
Trong một số bệnh lý như chấn thương, viêm nhiễm, tổn thương u, chỉ định chụp cộng hưởng từ vùng mặt – cổ không tiêm thuốc đối quang từ có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán, giúp xác định rõ vị trí, kích thước, mức độ, cũng như tiên lượng điều trị các bệnh lý vùng mặt và cổ.
2. Chỉ định chụp cộng hưởng từ vùng mặt – cổ không tiêm thuốc đối quang từ
- Chấn thương vùng mặt – cổ;
- Viêm, nhiễm trùng vùng mặt – cổ;
- Khảo sát vị trí, kích thước và bản chất khối u vùng mặt – cổ;
- Đánh giá dị dạng vùng mặt - cổ trước khi can thiệp phẫu thuật.
3. Chống chỉ định
- Bệnh nhân được cấy ghép các thiết bị điện tử có kim loại như: máy tạo nhịp tim, cấy điện cực ốc tai, các thiết bị tiêm liên tục dưới da...;
- Các dị vật kim loại trong cơ thể;
- Các dụng cụ cấy ghép bằng kim loại nội sọ, hốc mắt, mạch máu;
- Bệnh nhân đang trong tình trạng nặng đang sử dụng các thiết bị hỗ trợ.
- Hội chứng sợ bóng tối, hội chứng sợ không gian hẹp.
4. Quy trình chụp cộng hưởng từ vùng mặt – cổ không tiêm thuốc đối quang từ
4.1 Chuẩn bị trước khi tiến hành
- Người thực hiện: bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh và kỹ thuật viên chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.
- Thiết bị: máy cộng hưởng 1.5 Tesla hoặc lớn hơn.
- Thuốc: có thể sử dụng thuốc hỗ trợ an thần trong những trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng sợ bóng tối, hội chứng sợ không gian hẹp.
- Bệnh nhân: có thể ăn nhẹ, không nhất thiết phải nhịn ăn trước khi chụp. Hướng dẫn và giải thích những việc cần phải làm trước khi bắt đầu chụp phim. Bệnh nhân tháo bỏ những vật dụng chống chỉ định.
4.2. Các bước tiến hành chụp cộng hưởng từ vùng mặt – cổ không tiêm thuốc đối quang từ
4.2.1 Tư thế của bệnh nhân
- Nằm ngửa trên bàn chụp cộng hưởng từ;
- Định vị đầu thu tín hiệu;
- Điều chỉnh bàn chụp vào khoang máy và định vị vùng cần khảo sát.
4.2.2. Các chuỗi xung được lựa chọn
- Chụp định vị ban đầu;
- Chuỗi xung T2 mặt cắt ngang, độ dày mỗi lớp cắt 3mm;
- Chuỗi xung T2 mặt cắt ngang, độ dày mỗi lớp cắt 3mm và kèm theo xóa mỡ;
- Chuỗi xung T2 mặt cắt đứng ngang, độ dày mỗi lớp cắt 3mm, có thể kèm xóa mỡ hoặc không xóa;
- Chuỗi xung T1 mặt cắt ngang, 3mm;
- Diffusion echo-planar-imaging hoặc Diffusion HASTE theo mặt cắt ngang, độ dày mỗi lớp cắt từ 3 hoặc 4 mm,
4.3. Đọc kết quả phim cộng hưởng từ không có thuốc đối quang từ
- Phim chụp phải đạt được những yêu cầu hiện hình rõ các cấu trúc giải phẫu vùng mặt – vùng cổ trên các chuỗi xung được lựa chọn;
- Phát hiện vị trí, kích thước, mật độ của tổn thương;
- Bác sĩ thuộc chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh là người đọc tổn thương, mô tả trên máy tính có lưu trữ phim chụp;
- In phim và kết quả chẩn đoán;
- Tư vấn thêm chuyên môn về kết quả và đề nghị xét nghiệm kiểm tra nếu cần.
5. Theo dõi trong và sau khi chụp cộng hưởng từ
- Trong quá trình chụp cộng hưởng từ: theo dõi sát sinh hiệu (mạch, huyết áp, nhịp thở), tri giác và các dấu hiệu thần kinh khu trú của bệnh nhân.
- Sau quá trình chụp cộng hưởng từ: có thể cho bệnh nhân nằm nghỉ 15 phút theo dõi nếu trong quá trình chụp có bất thường (bệnh nhân bị kích thích, sinh hiệu thay đổi) hoặc chuyển về đơn vị cấp cứu theo dõi tiếp.
6. Tai biến và hướng xử trí
Một số bệnh nhân mắc hội chứng sợ bóng tối, sợ khoảng kín có thể sợ hãi và kích động. Kỹ thuật viên hoặc bác sĩ cần hướng dẫn và động viên an ủi người bệnh hoặc có thể sử dụng thuốc an thần trong trường hợp có chỉ định.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình đảm bảo an toàn cộng hưởng từ