Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sáp paraffin là chất được sử dụng trong vật lý trị liệu và có nhiều tác dụng trong việc điều trị. Tuy nhiên, do khi sử dụng cần đun nóng chảy sáp paraffin nên nhiều người lo ngại đắp lên sẽ gây bỏng da. Vậy việc điều trị bằng ủ nóng sáp paraffin có nguy hiểm không?
1. Paraffin là gì?
Paraffin được sử dụng trong vật lý trị liệu từ nhiều năm nay, đây là một dạng nhiệt nóng trị liệu. Paraffin là một hỗn hợp có nhiều hydrocarbua từ dầu hỏa, chúng được dùng trong điều trị là loại tinh khiết, trung tính, màu trắng và không có độc. Khi sử dụng thường được pha thêm một ít dầu paraffin, vitamin, dầu dưỡng để tăng cường độ dẻo, giúp hỗn hợp không bị giòn gãy.
Paraffin có nhiệt dung cao, nhiệt độ của khối paraffin nóng chảy giảm rất chậm, nên có thể sử dụng như chất trung gian truyền nhiệt cho cơ thể một lượng nhiệt lớn trong thời gian tương đối dài. Do vậy phương pháp nhiệt trị liệu dùng paraffin truyền nhiệt vào tương đối sâu.
Khi ép miếng paraffin nóng vào da sẽ kích thích tăng tiết mồ hôi, nhưng mồ hôi này vẫn còn đọng lại làm cho da luôn ẩm, mềm mại và tăng tính đàn hồi của da.
2. Tác dụng của sáp paraffin
Dầu parafin có tác dụng làm trơn, bên cạnh đó, parafin lỏng còn có tác dụng làm dịu da, sạch da và được dùng làm tá dược cho một số loại thuốc mỡ.
Sáp paraffin được sử dụng tại chỗ trong điều trị giúp:
- Giảm đau
- Tăng tuần hoàn tại chỗ
- Giảm co thắt và tạo sự giãn nghỉ của các cơ.
- Làm mềm da.
- Tăng tiết mồ hôi, đào thải các chất cặn bã ra ngoài.
Do có tác dụng trên nên việc sử dụng sáp paraffin được chỉ định rộng rãi trong các bệnh lý xương khớp, sau chấn thương... Một số bệnh lý có thể điều trị bằng đắp paraffin gồm:
- Đau khớp, đau lưng.
- Viêm gân, viêm cơ, viêm khớp.
- Sau chấn thương, thường sau 48h đầu có thể áp dụng nhiệt nóng trị liệu nếu không còn nóng, đỏ tại vị trí tổn thương.
Một số chống chỉ định:
- Các khối u lành tính và u ác tính trên vùng điều trị.
- Các vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu.
- Các chấn thương mới.
- Vùng da cần điều trị có vết thương, vết loét, bệnh ngoài da, có vết thương hở, vết thương nhiễm trùng...
- Bệnh nhân bị mất cảm giác bên ngoài da.
- Những người già yếu, bị suy nhược cơ thể nặng không chịu được nhiệt nóng trị liệu.
- Các bệnh liên quan tới rối loạn tuần hoàn ngoại biên.
3. Việc ủ nóng sáp paraffin có nguy hiểm không?
Thông thường, việc điều trị bằng ủ nóng sáp paraffin hiện đang được sử dụng rộng rãi trong điều trị một số bệnh. Đây là phương pháp nhiệt nóng trị liệu an toàn và không gây độc hại. Tuy nhiên, khi sử dụng nhiệt nóng trị liệu thì nguy cơ gây bỏng luôn được lưu ý đặc biệt. Với phương pháp dùng paraffin để điều trị bệnh có nguy hiểm hay không là điều rất nhiều bệnh nhân quan tâm. Thông thường, phương pháp này không gây nguy hiểm nhưng còn phụ thuộc vào cách sử dụng của người bệnh.
Việc điều trị bằng paraffin đúng cách sẽ không bị bỏng, bởi vì tình chất của paraffin là khi nóng chảy ở nhiệt độ 52-53 °C tiếp xúc với da thì ngay lập tức lớp paraffin tiếp xúc sẽ đông lại và lớp này giảm nhiệt độ tạo thành một lớp màng ngăn cách giữa paraffin nóng với da nên không gây bỏng và nhiệt được truyền từ từ qua lớp này tới cơ thể. Trái lại nếu sử dụng nước nóng trên 42°C đã có thể gây bỏng do nước không có tính chất như paraffin. Tuy nhiên, có một số trường hợp gây bỏng da do dùng paraffin trên 60 độ C, trường hợp này do paraffin có lẫn nước hoặc bóng nước vỡ ra trên da.
Ngoài ra, khi sử dụng paraffin thông thường không gây dị ứng nhưng nếu paraffin bị nhiễm bẩn thì những chất này là tác nhân gây dị ứng. Trường hợp dị ứng này sẽ xuất hiện các dấu hiệu sau khi ủ nóng paraffin như ngứa, nổi ban đỏ, đỏ, đau...
Vì vậy, cần bảo quản sạch paraffin để tránh nhiễm bẩn. Sử dụng đúng cách paraffin thì sẽ không gây bỏng da và không nguy hiểm. Cách sử dụng paraffin như sau:
- Đắp paraffin: Đổ paraffin nóng chảy vào khay men dày khoảng 3cm, để cho nguội tự nhiên đến khi miếng paraffin đông mềm đều bên trong không còn lỏng, lúc này nhiệt độ miếng paraffin khoảng 43-45 °C nếu dùng không hết thì ủ trong chăn hay trong tủ nhiệt để điều trị sau. Khi dùng thì tách miếng paraffin trong khay ra đắp trực tiếp lên da vùng cần điều trị, lót một lớp nilon bên ngoài rồi phủ chăn ra ngoài để giữ nhiệt. Thời gian đắp mỗi lần 20 phút.
- Nhúng paraffin: Thường dùng cho vùng như ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân nơi khó có thể đắp miếng paraffin. Đổ paraffin nóng chảy vào ca hoặc chậu, lần đầu nhúng nhanh bộ phận cần điều trị vào rồi rút ra ngay, khi đó một lớp paraffin mỏng bám vào da sẽ đông kết ngay và không gây bỏng, tiếp tục nhúng 3-4 lần nữa để lớp paraffin phủ ngoài dày lên như một khối, sau đó dùng khăn ủ khoảng từ 20-30 phút.
4. Những lưu ý khi sử dụng sáp paraffin
Những lưu ý khi sử dụng sáp paraffin như sau:
- Việc sử dụng paraffin để điều trị cần được sự chỉ định của bác sĩ, nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng phương pháp này để điều trị.
- Giữ paraffin luôn sạch sẽ và định kỳ lọc, đun sôi để tránh nhiễm khuẩn và chất bẩn gây dị ứng khi sử dụng.
- Paraffin là chất dễ cháy nên khi đun paraffin cần chú ý không được để paraffin tràn ra ngoài. Để tránh cháy, hỏa hoạn cần đun paraffin cách thủy và chú ý không để tràn paraffin ra khỏi nồi.
- Ở vùng điều trị cần lưu ý xem vùng đó có bị mất cảm giác không và da mới bị tổn thương liền sẹo có nguy cơ bị bỏng cao hơn.
Như vậy, việc ủ nóng paraffin đúng cách và tránh các trường hợp chống chỉ định nhất là trường hợp mất cảm giác nóng lạnh thì rất an toàn, không gây nguy hiểm và bỏng da. Trái lại nếu dùng không đúng cách hoặc paraffin để có lẫn nước và tạp chất thì nó có thể gây bỏng và dị ứng trên da của người bệnh. Vì vậy, để đảm bảo an toàn thì người bệnh nên thực hiện theo chỉ dẫn của các bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.