Điều trị ung thư đại tràng là điều trị đa mô thức, bao gồm các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp kháng sinh mạch và liệu pháp miễn dịch. Trong đó, phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để trong ung thư đại tràng. Tuy nhiên, sau phẫu thuật bệnh nhân có thể mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến suy nhược. Do đó "Sau mổ ung thư đại tràng nên ăn gì" là câu hỏi được nhiều bệnh nhân quan tâm.
1. Chế độ dinh dưỡng giai đoạn ngay sau phẫu thuật ung thư đại tràng
Ngay sau khi phẫu thuật cắt đại tràng, bệnh nhân được chỉ định nhịn ăn 1 thời gian ngắn để theo dõi lưu thông ruột trước khi được bác sĩ cho ăn uống trở lại.
Trong thời gian này, dinh dưỡng cho bệnh nhân được thực hiện qua đường tĩnh mạch, nhằm cung cấp năng lượng và đảm bảo hậu phẫu ổn định.
2. Thực đơn dinh dưỡng trong giai đoạn bắt đầu ăn trở lại
Khi được bác sĩ cho ăn uống trở lại, bệnh nhân được khuyến cáo bắt đầu với những thức ăn lỏng, dễ tiêu và nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày, phù hợp với sự lưu thông tiêu hoá vừa được tái lập sau thời gian nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Bệnh nhân hậu phẫu cắt đoạn đại tràng thường trong tình trạng mệt mỏi, suy nhược, chán ăn. Do đó, thực hiện một chế độ ăn phù hợp có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp bệnh nhân hồi phục sức khoẻ và nâng cao thể trạng trước khi tiếp tục với các phương pháp điều trị khác (nếu có chỉ định).
Sau mổ ung thư đại tràng, khẩu phần ăn mà bệnh nhân có thể cân nhắc lựa chọn là cháo loãng, súp, nước hầm xương và nước trái cây,... Đây là những thức ăn rất dễ tiêu, phù hợp cho bệnh nhân ở giai đoạn hậu phẫu cắt đại tràng. Bệnh nhân nên chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá no vào 1 bữa bởi vì hệ tiêu hoá lúc này chưa hồi phục hoàn toàn. Nên đa dạng hoá các loại thức ăn trong ngày để đảm bảo cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể 1 cách đầy đủ và cân đối.
Khẩu phần ăn ở giai đoạn này nên hạn chế một số loại thực phẩm như: Sữa, chất xơ ngũ cốc, bánh kẹo ngọt, da và vỏ trái cây, chất béo, thức ăn được chế biến bằng cách chiên và nướng. Cũng nên tránh các loại trái cây hay hạt sấy khô như nho khô, mận khô, hay các loại rau tạo ra khí như bông cải xanh, cải bắp, cải ngọt, cải xoăn và cải brussel.
3. Những lưu ý ở giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật ung thư đại tràng
Thực đơn cho người phẫu thuật ung thư đại tràng ở giai đoạn này không phải kiêng khem quá mức, nhưng cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc nhất định.
Khi cơ thể bệnh nhân dần hồi phục, 1 chế độ ăn uống giàu calo phối hợp đầy đủ các chất protid, glucid, lipid cũng như các vitamin và khoáng chất thiết yếu có thể giúp nâng cao thể trạng một cách nhanh chóng, tăng sức đề kháng cho bệnh nhân.
Các thực phẩm giàu đạm (protid) như cá, thịt nạc, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa,... sẽ cung cấp cho người bệnh các axit amin cần thiết cho giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật ung thư đại tràng. Các loại cá biển như cá thu, cá hồi, cá ngừ,... hay lòng đỏ trứng, ngũ cốc nguyên hạt ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng giàu năng lượng còn giúp bổ sung selen - một nguyên tố vi lượng được biết đến có khả năng phòng chống ung thư.
Các chất béo có lợi như dầu cá, dầu oliu nên được ưu tiên thay thế cho mỡ động vật như mỡ lợn, mỡ bò hay đồ ăn chiên rán.
Bệnh nhân sau mổ ung thư đại tràng cũng cần bổ sung các loại rau xanh, trái cây tươi trong khẩu phần ăn hàng ngày. Chất xơ có trong các thực phẩm này giúp hỗ trợ tiêu hoá, giảm tình trạng ứ đọng phân và giảm nồng độ các chất có hại trong lòng ruột. Ngoài ra, các loại trái cây màu vàng, cam hay các loại rau có màu xanh đậm còn cung cấp beta carotene - tiền chất vitamin A, có ý nghĩa trong việc phòng chống ung thư.
Một lưu ý khác đối với bệnh nhân hậu phẫu cắt đại tràng là cần tránh các thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối, các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, đồ nướng,... hay các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, sa tế,... Thuốc và bia rượu cũng cần tránh đối với bệnh nhân ung thư đại tràng sau mổ vì có thể gây ảnh hưởng đến vết mổ và vì sự liên quan đến nguy cơ ung thư đại tràng.
4. Ung thư đại tràng nên ăn gì?
Kết thúc giai đoạn hậu phẫu ung thư đại tràng, bệnh nhân cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức khỏe cũng như chuẩn bị cho các điều trị khác (nếu có chỉ định).
Bệnh nhân ung thư đại tràng không nên ăn uống kiêng khem quá mức sẽ dẫn tới thiếu hụt dinh dưỡng và không đủ năng lượng, thể chất cho việc điều trị cũng như các hoạt động, công việc thường ngày.
Một số loại thực phẩm tốt cho bệnh nhân ung thư đại tràng có thể kể đến như:
- Rau xanh và trái cây;
- Chất xơ từ ngũ cốc;
- Sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa như phô mai và sữa chua.
Các thực phẩm nên tránh ở bệnh nhân ung thư đại tràng bao gồm:
- Các thực phẩm chế biến sẵn;
- Thức ăn nhiều dầu mỡ;
- Thức ăn, thức uống nhiều đường hoặc có gas.
Ngoài ra, cũng cần tránh hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia ở những bệnh nhân ung thư đại tràng vì có thể làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn và tăng nguy cơ tái phát.
Tóm lại, lựa chọn thức ăn có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư đại tràng nói chung và sau phẫu thuật ung thư đại tràng nói riêng. Một thực đơn hợp lý dành cho người phẫu thuật ung thư đại tràng đóng vai trò quan trọng đối với việc hồi phục thể trạng cho bệnh nhân và nâng cao hiệu quả điều trị.
Khám sàng lọc ung thư đường tiêu hoá là biện pháp khoa học và hiệu quả để phát hiện sớm ung thư đại tràng và đưa ra phác đồ điều trị tốt. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói sàng lọc ung thư đại trực tràng kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng để đem lại kết quả chính xác nhất có thể.
Khi sàng lọc ung thư đại trực tràng tại Vinmec, Quý khách sẽ được:
- Khám CK Nội tiêu hóa (có hẹn);
- Nội soi đại tràng chẩn đoán bằng ống soi mềm (với máy NBI, có gây mê);
- Nội soi đại tràng toàn bộ với máy nội soi NBI có gây mê (Thuốc);
- Nội soi đại tràng toàn bộ với máy nội soi NBI, có gây mê (VTTH);
- Xét nghiệm mô bệnh học thường quy cố định, chuyển, đúc, cắt, nhuộm...các bệnh phẩm sinh thiết (ống tiêu hóa dưới qua nội soi đại tràng, trực tràng);
Để đăng ký sàng lọc ung thư đại trực tràng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.