Viêm khớp bàn chân: Dấu hiệu và cách điều trị

Viêm khớp bàn chân là bệnh lý thường gặp, tình trạng này không chỉ làm cho bệnh nhân bị đau nhức mà còn gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nhận biết sớm dấu hiệu viêm khớp bàn chân sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn.

1. Viêm khớp bàn chân là gì?

Viêm khớp là một thuật ngữ y khoa chỉ những bệnh lý liên quan đến tình trạng viêm, đau nhức, sưng các khớp trong cơ thể và những mô mềm bao quanh. Trong đó, viêm khớp bàn chân là tình trạng một hoặc nhiều khớp thuộc bàn chân bị tổn thương dẫn tới viêm khớp. Tình trạng này chủ yếu xảy ra là do rối loạn hệ miễn dịch và do bàn chân bị biến dạng cơ học dẫn tới thay đổi mô. Những dấu hiệu nhận biết viêm khớp bàn chân bao gồm:

  • Khớp bàn chân bị đau, đặc biệt là buổi sáng thức dậy.
  • Vùng bàn chân có hiện tượng sưng đỏ, khi đặt tay vào cảm nhận được vùng da nóng hơn so với bình thường.
  • Khớp bàn chân bị cứng, phải xoa bóp từ khoảng 15-20 phút mới có thể vận động được bình thường.
  • Vùng đau lan rộng sang đến khớp chân và trường hợp nặng thì đau lan cả bàn chân.
  • Một số triệu chứng khác kèm theo như sốt, nóng và mệt mỏi.

2. Điều trị viêm khớp bàn chân

2.1. Sử dụng thuốc

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm khớp bàn chân bao gồm:

  • Thuốc giảm đau;
  • Thuốc chống trầm cảm: Nếu cơn đau khớp làm ảnh hưởng tới giấc ngủ, bệnh nhân có thể được yêu cầu sử dụng thuốc chống trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm giúp an thần, hỗ trợ giấc ngủ và giảm đau;
  • Thuốc corticoid: Thuốc corticoid được sử dụng cho bệnh nhân bị viêm khớp bàn chân nặng hoặc có liên quan tới rối loạn miễn dịch, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến,... Thuốc corticoid có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, hạn chế đau do viêm khớp và giảm phản ứng viêm. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà thuốc được sử dụng bằng đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch;
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm: Các loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm như hydroxychloroquine và methotrexate thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm có khả năng làm giảm những rối loạn của hệ thống miễn dịch, hạn chế viêm tiến triển và ngăn ngừa phá hủy khớp;
  • Thuốc sinh học: Thuốc sinh học sẽ được kết hợp sử dụng với thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm nhằm tăng hiệu quả kháng viêm và ngăn phá hủy khớp. Thuốc sinh học có tác dụng điều chỉnh gen và những bất thường trong hệ thống miễn dịch;
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng trong những trường hợp bị viêm khớp bàn chân nhiễm trùng. Tùy thuộc vào loại vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng với hoạt chất và liều lượng khác nhau. Thuốc kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn nhưng không thể giúp giảm sưng hay giảm đau. Vì vậy, một loại thuốc khác sẽ được kết hợp sử dụng.
Viêm khớp bàn chân
Viêm khớp bàn chân là tình trạng một hoặc nhiều khớp thuộc bàn chân bị tổn thương dẫn tới viêm khớp

2.2. Vật lý trị liệu điều trị viêm khớp bàn chân

Vật lý trị liệu là phương pháp nhằm hỗ trợ giảm đau, giảm viêm và cải thiện khả năng vận động. Bệnh nhân bị viêm khớp bàn chân sẽ được hướng dẫn vật lý trị liệu với những bài tập đơn giản hoặc áp dụng những liệu pháp như nhiệt trị liệu, điện trị liệu,...

Vật lý trị liệu có tác dụng làm dịu cảm giác đau khớp bàn chân và hỗ trợ giảm viêm sưng khớp, hạn chế cứng khớp, đồng thời cải thiện chức năng vận động của bệnh nhân. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp tăng cường sức cơ duy trì sức khỏe của hệ cơ xương khớp.

2.3. Nghỉ ngơi và liệu pháp thay thế

Viêm khớp bàn chân ở một số trường hợp người bệnh cần được nghỉ ngơi và nẹp cố định khớp, đồng thời sử dụng những liệu pháp thay thế bao gồm:

  • Nghỉ ngơi: Đối với những trường hợp bị viêm sưng hoặc đau khớp bàn chân, bệnh nhân nên nằm nghỉ tránh vận động và đi lại nhiều. Việc nghỉ ngơi có thể giảm áp lực lên các khớp và mô mềm giúp xoa dịu cơn đau nhức. Đồng thời hạn chế tối đa các tổn thương tiến triển. Khi nghỉ ngơi nên đặt chân cao hơn tim để giảm đỏ và sưng khớp. Ngoài ra, có thể sử dụng nẹp cố định khớp để hạn chế phát sinh cơn đau.
  • Xoa bóp: Chỉ xoa bóp nhẹ nhàng ở các ngón chân và lòng bàn chân. Biện pháp này giúp điều hòa khí huyết, giảm cứng và đau khớp. Ngoài ra, xoa bóp nhẹ nhàng còn giúp hạn chế căng cứng cơ và tăng tính linh hoạt cho bàn chân.
  • Châm cứu: châm cứu có khả năng giảm đau cho bệnh nhân bị viêm khớp bàn chân. Biện pháp này sử dụng những cây kim nhỏ châm vào một số huyệt. Mặc dù châm cứu mang lại hiệu quả cao nhưng cần sử được thực hiện bởi những người có chuyên môn.

2.4. Phẫu thuật điều trị viêm khớp bàn chân

Phẫu thuật trong điều trị viêm khớp bàn chân được chỉ định cho những trường hợp nặng có kèm theo những điều kiện sau:

  • Thất bại trong điều trị bảo tồn.
  • Khớp bàn chân bị phá hủy và không thể hồi phục.

Tùy thuộc và tình trạng của người bệnh được phẫu thuật loại bỏ một phần khớp hoặc thay khớp nhân tạo.

Viêm khớp bàn chân
Một số trường hợp người bệnh viêm khớp bàn chân cần được nghỉ ngơi và nẹp cố định khớp

3. Biện pháp chăm sóc viêm khớp bàn chân

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh cần phải biết cách chăm sóc bàn chân để giảm triệu chứng cũng như hỗ trợ làm tăng hiệu quả cho quá trình điều trị như:

  • Chế độ sinh hoạt hợp lý: Bệnh nhân nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và tránh vận động mạnh, làm việc gắng sức. Ngoài ra, cần ngủ đủ giấc, không sử dụng chất kích thích như rượu bia, hay hút thuốc lá để ngăn ngừa thoái hóa khớp tiến triển và kích hoạt những cơn đau khớp cấp tính.
  • Sử dụng nẹp khi cần: Một số trường hợp bệnh nhân được yêu cầu sử dụng nẹp trong khi ngủ hoặc khi thực hiện một số động tác có thể làm tổn thương tới khớp bàn chân. Biện pháp này giúp cố định các khớp bị viêm và hạn chế đau, giảm tổn thương tiến triển.
  • Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống lành mạnh cho bệnh nhân viêm khớp bàn chân là rất cần thiết. Những nghiên cứu cho thấy các loại thực phẩm lành mạnh có thể hỗ trợ giảm viêm, đau và sưng, ngăn ngừa tổn thương tiến triển, đồng thời điều chỉnh nồng độ acid uric trong máu. Ngoài ra, ăn nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin, canxi còn ngăn ngừa thoái hóa khớp tiến triển, duy trì chất lượng xương. Những nhóm thực phẩm cần bổ sung bao gồm rau xanh, trái cây, các loại trứng, hạt, thịt, cá, các loại đậu, trái cây, sữa và chế phẩm của sữa,...
  • Duy trì vận động: Người bệnh bị viêm khớp bàn chân không nên ngồi yên một chỗ và nằm quá lâu trên giường. Khi khớp bàn chân sưng đau thuyên giảm, người bệnh nên đi lại quanh nhà và tập thể dục với những bài tập vừa sức, cường độ phù hợp như yoga, dưỡng sinh,... Việc duy trì vận động khớp và luyện tập đúng cách có thể làm cho bệnh nhân cải thiện được phạm vi chuyển động của các khớp, tăng sức mạnh cơ bắp, thư giãn khớp xương và tăng khả năng vận động. Ngoài ra, vận động khớp hàng ngày còn giúp hỗ trợ giảm đau và hạn chế cứng khớp.

Tóm lại, viêm khớp bàn chân được chia thành nhiều dạng khác nhau và mức độ nghiêm trọng cũng khác nhau. Hầu hết các loại viêm khớp bàn chân đều có diễn biến phức tạp, triệu chứng nghiêm trọng và phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Do vậy, khi thấy có những dấu hiệu như sưng, đau khớp, nóng đỏ vùng da quanh khớp,... người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan