Công dụng thuốc Stelara

Thuốc Stelara có thành phần chính là Ustekinumab được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm. Thuốc được chỉ định điều trị loét vảy nến mảng bám, crohn, viêm khớp vảy nến,... Cùng nắm rõ công dụng của thuốc Stelara và những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc trong bài viết dưới đây.

1.Thuốc Stelara là thuốc gì?

Thuốc Stelara thuộc nhóm thuốc chống ung thư và tác động vào hệ miễn dịch, có thành phần chính là Ustekinumab 45mg, được sản xuất bởi Baxter/Cilag AG. Stelara được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm, hộp 1 lọ 0.5ml.

2. Công dụng của thuốc Stelara

Thuốc Stelara được chỉ định điều trị những trường hợp:

  • Bệnh vẩy nến thể mảng: Thuốc được chỉ định để điều trị bệnh vẩy nến thể mảng ở mức độ từ trung bình đến nặng ở người lớn không đáp ứng, hoặc chống chỉ định, hay không dung nạp với các liệu pháp điều trị toàn thân khác bao gồm methotrexat (MTX), ciclosporin hoặc quang liệu pháp PUVA (uống psoralen và chiếu tia cực tím A).
  • Bệnh viêm khớp vẩy nến: Ustekinumab phối hợp MTX hoặc dùng đơn độc, được chỉ định để điều trị viêm khớp vẩy nến thể hoạt động ở người lớn có đáp ứng không đầy đủ với DMARD không phải thuốc sinh học đã dùng trước đây.
  • Điều trị viêm đại tràng, bệnh Crohn.

3. Liều dùng và cách xử trí thuốc Stelara

3.1. Liều dùng

Cách dùng: Thuốc Stelara được tiêm dưới da. Nếu có thể, người bệnh nên tránh tiêm vào các vùng da có sang thương vẩy nến. Không lắc bơm tiêm có chứa sẵn thuốc vì lắc quá mạnh có thể làm hỏng thuốc. Không sử dụng thuốc nếu thuốc Stelara đã bị lắc mạnh.

Liều dùng:

Đối với bệnh vẩy nến mảng bám:

  • Tiến hành tiêm Stelara dưới da 45mg ở liều khởi đầu và 4 tuần sau đó tiêm tiếp liều 45mg nữa. Tiếp sau đó cứ 12 tuần thì tiêm một liều. Nếu những bệnh nhân có trọng lượng trên 100kg có thể thay thế bằng liều 90mg.
  • Sau khi tiêm Stelara cần theo dõi kỹ phản ứng của cơ thể, nếu nhận thấy không đáp ứng hoàn toàn với liều 45mg có thể cân nhắc tăng lên thành liều 90mg cách mỗi 12 tuần.
  • Nếu không đáp ứng với liều mỗi 12 tuần thì thay bằng liều 90mg mỗi 8 tuần.

Đối với bệnh viêm khớp vảy nến:

  • Stelara được chỉ định cho người lớn trong điều trị bệnh viêm khớp vảy nến đơn thuần hoặc kết hợp cùng thuốc Methotrexate.
  • Liều dùng khuyến cáo là 45mg ở liều khởi đầu và tuần thứ 4. Sau đó, tiến hành tiêm Stelara dưới da với liều tương tự cách mỗi 12 tuần.

Đối với bệnh Crohn: Thuốc Stelara được chỉ định điều trị cho người lớn mắc bệnh Crohn mức độ vừa và nặng.

  • Liều IV dựa trên trọng lượng ban đầu
    • ≤55 kg: 260 mg IV
    • > 55 kg đến 85 kg: 390 mg IV
    • > 85 kg: 520 mg IV
  • Liều duy trì: Tiến hành tiêm Stelara dưới da liều 90mg 8 tuần sau khi truyền IV ban đầu, sau đó mỗi 8 tuần.

Lưu ý: Quá trình tiêm truyền thuốc Stelara diễn ra trong ít nhất 1 giờ và liều dùng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào trọng lượng cơ thể của người bệnh.

Đối với viêm đại tràng: Chỉ định cho người lớn bị viêm loét đại tràng vừa và nặng

3.2. Xử trí khi quên liều, quá liều thuốc Stelara

Quá liều

Trong trường hợp sử dụng thuốc Stelara quá liều so với quy định và có những biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Bên cạnh đó, người nhà cũng nên mang theo các loại thuốc người bệnh đã và đang sử dụng hoặc sổ khám bệnh để bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Quên liều

Trong quá trình sử dụng Stelara, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ, tránh xảy ra tình trạng quên liều làm giảm hiệu quả điều trị. Nếu trường hợp quên liều thuốc Stelara, hãy sử dụng liều quên khi nhớ ra vào lúc sớm nhất. Nhưng nếu thời gian đã quá gần liều tiếp hãy bỏ qua liều thuốc đã quên và uống liều tiếp theo đúng như kế hoạch. Người bệnh không nên sử dụng gấp đôi liều thuốc Stelara, vì có thể gây ra tình trạng quá liều thuốc. Để khắc phục tình trạng quên liều, người bệnh có thể đặt chuông báo thức hoặc nhờ người thân nhắc nhở.

4.Tác dụng phụ của thuốc Stelara

Trong quá trình sử dụng thuốc Stelara có thể gặp một số tác dụng phụ cụ thể như sau:

  • Thường gặp: Đau đầu, chóng mặt, đau lưng, ngứa, tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, đau nhức tại chỗ tiêm, viêm mũi họng... Những tác dụng phụ này khá nhẹ và không cần phải ngưng điều trị nếu gặp phải.
  • Ít gặp: Zona, viêm mô tế bào, phát ban, nổi mày đay, nhiễm virus đường hô hấp trên, trầm cảm, liệt mặt, sung huyết mũi, vẩy nến mủ, da tróc vảy; phản ứng tại chỗ tiêm (bao gồm chảy máu, tụ máu, chai cứng, sưng và ngứa)
  • Hiếm gặp: Viêm da tróc vảy, sốc phản vệ, phù mạch
  • Cách xử trí tác dụng phụ: Trường hợp gặp phải các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Stelara, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ biết hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

5.Lưu ý khi sử dụng thuốc Stelara

5.1. Chống chỉ định

Không dùng thuốc Stelara đối với các trường hợp:

  • Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc
  • Nhiễm khuẩn thể hoạt động quan trọng như bệnh lao thể hoạt động

5.2. Thận trọng khi dùng thuốc

Trong quá trình sử dụng thuốc Stelara, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Stelara không phải thuốc đặc trị bệnh Crohn. Thuốc chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng của bệnh
  • Khi bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân tiêm liều Stelara đầu tiên tại bệnh viện và sau đó có thể thực hiện tại nhà
  • Không nên sử dụng thuốc Stelara ở những người đang bị nhiễm trùng hoặc có nguy cơ nhiễm trùng
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Stelara
  • Người bệnh sẽ được tiến hành kiểm tra bệnh lao trước khi sử dụng thuốc Stelara
  • Thuốc Stelara là thuốc được kê toa. Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc Stelara khi có chỉ định của bác sĩ

6. Tương tác thuốc Stelara

Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng tới hiệu quả trị liệu hoặc làm gia tăng các tác dụng phụ của một hoặc một vài loại thuốc. Tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng thuốc Stelara kết hợp chất ức chế miễn dịch khác, khi chuyển đổi từ chế phẩm sinh học ức chế miễn dịch khác. Ngoài ra, không nên dùng Stelara cùng vaccin chứa virus/vi khuẩn sống.

Trong quá trình sử dụng thuốc Stelara, người bệnh cần chú ý làm đúng theo những chỉ dẫn của bác sĩ, đọc kỹ các lưu ý trước khi dùng để có thể mang lại hiệu quả điều trị cao nhất, hạn chế tác dụng phụ có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan