Viêm khớp vô căn vị thành niên (JIA)

Viêm khớp vô căn vị thành niên là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tất cả các tình trạng viêm khớp vô căn ở trẻ em và thanh thiếu niên. Viêm khớp vô căn vị thành niên thường gây ra đau và viêm khớp ở bàn tay, đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay và / hoặc cổ tay. Tuy nhiên, nó cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác.

1. Khái niệm về viêm khớp vô căn vị thành niên (JIA)

Giống như người lớn, trẻ em có thể bị viêm khớp. Viêm khớp vô căn vị thành niên (JIA) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tất cả các tình trạng viêm khớp vô căn ở trẻ em và thanh thiếu niên. Viêm khớp vô căn vị thành niên thường gây ra đau và viêm khớp ở bàn tay, đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay và / hoặc cổ tay. Tuy nhiên, nó cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác.

Viêm khớp vô căn vị thành niên (JIA) đề cập đến một số rối loạn mãn tính khác nhau liên quan đến tình trạng viêm khớp, có thể gây đau khớp, sưng khớp, nóng, cứng và mất khả năng vận động của khớp. Các dạng khác nhau của JIA có các đặc điểm khác nhau, chẳng hạn như vị trí của các khớp bị ảnh hưởng và tình trạng viêm các bộ phận khác của cơ thể ngoài khớp. Viêm khớp vô căn có thể kéo dài trong một thời gian giới hạn, chẳng hạn như vài tháng hoặc vài năm, nhưng trong một số trường hợp, nó là một bệnh kéo dài suốt đời, cần điều trị khi trưởng thành.

Hầu hết viêm khớp vô căn vị thành niên thường xảy ra hơn ở trẻ em gái, nhưng một dạng bệnh JIA liên quan đến tình trạng viêm ở dây chằng và gân gắn vào xương thì lại phổ biến hơn ở trẻ em trai. JIA toàn thân, một dạng JIA hiếm gặp có biểu hiện sốt và phát ban, ảnh hưởng đến trẻ em trai và gái như nhau. Trẻ em thuộc mọi chủng tộc và nguồn gốc dân tộc đều có thể mắc bệnh.

2. Nguyên nhân của viêm khớp vô căn vị thành niên

Viêm khớp vô căn vị thành niênbệnh tự miễn. Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch, vốn có chức năng chống lại những tác nhân có hại như vi trùng và vi rút, bị nhầm lẫn và tấn công các tế bào và mô của chính cơ thể. Điều này khiến cơ thể tiết ra các hóa chất gây viêm tấn công màng hoạt dịch. Bao hoạt dịch bị viêm có thể khiến khớp cảm thấy sưng, đau, nóng, đỏ và khó cử động.

Từ “vô căn” có nghĩa là không rõ, và các nhà nghiên cứu không chắc tại sao viêm khớp vô căn lại xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Họ tin rằng những đứa trẻ mắc JIA có một số gen nhất định được kích hoạt bởi vi rút, vi khuẩn hoặc các yếu tố ngoại lai khác. Nhưng không có bằng chứng cho thấy thức ăn, chất độc, dị ứng hoặc thiếu vitamin gây ra bệnh.

Viêm khớp vô căn vị thành niên là một trong các căn bệnh tư miễn ở trẻ vị thành niên
Viêm khớp vô căn vị thành niên là một trong các căn bệnh tư miễn ở trẻ vị thành niên

3. Triệu chứng của viêm khớp vô căn vị thành niên

Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp vô căn vị thành niên bao gồm:

  • Đau, sưng, nóng, đỏ hoặc cứng khớp; có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi thức dậy hoặc bất động ở một tư thế quá lâu.
  • Cảm thấy rất mệt mỏi hoặc suy nhược.
  • Nhìn mờ hoặc khô mắt, mắt có sạn.
  • Phát ban da.
  • Sốt cao.
  • Mất cảm giác ngon miệng.

4. Phân loại viêm khớp vô căn vị thành niên

Có 7 loại viêm khớp vô căn vị thành niên.

  • Viêm khớp vô căn vị thành niên Oligoarticular: đây là dạng phổ biến nhất và nhẹ nhất, ảnh hưởng đến bốn hoặc ít khớp, điển hình là những khớp lớn (đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay). Dạng này được coi là dai dẳng nếu các triệu chứng kéo dài trong 6 tháng hoặc lâu hơn, và kéo dài hơn nếu có 5 khớp trở lên sau 6 tháng mắc bệnh. Một dạng viêm mắt được gọi là viêm màng bồ đào mãn tính có thể xuất hiện ở trẻ em mắc dạng JIA này, chiếm khoảng 50%.
  • Viêm khớp vô căn vị thành niên đa khớp - yếu tố thấp khớp âm tính: đây là loại phổ biến thứ hai, khoảng 25% trẻ em, ảnh hưởng từ 5 khớp trở lên, trong 6 tháng đầu tiên thường ở cả hai bên (hai đầu gối, hai cổ tay, v.v.), có thể ảnh hưởng đến các khớp lớn và nhỏ. Các xét nghiệm về yếu tố dạng thấp đều âm tính. Một số trẻ bị viêm màng bồ đào mãn tính.
  • Viêm khớp vô căn vị thành niên đa khớp - yếu tố dạng thấp dương tính: viêm từ năm khớp trở lên trong 6 tháng đầu của bệnh. Các xét nghiệm tìm yếu tố dạng thấp, một dấu hiệu cho bệnh tự miễn, cho kết quả dương tính. Bệnh có xu hướng xảy ra ở trẻ em gái mười tuổi và thiếu niên, và về cơ bản nó giống như bệnh viêm khớp dạng thấp ở người lớn.
  • Viêm khớp vô căn vị thành niên vảy nến (PsA): Các triệu chứng ở khớp và phát ban có vảy sau tai và / hoặc trên mí mắt, khuỷu tay, đầu gối, rốn và da đầu. Các triệu chứng ngoài da có thể xảy ra trước hoặc sau khi các triệu chứng khớp xuất hiện. Móng tay bị rỗ và viêm da (sưng ngón tay hoặc ngón chân) cũng là dấu hiệu của bệnh. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp, thường là cổ tay, đầu gối, mắt cá chân, ngón tay hoặc ngón chân.
  • Viêm khớp vô căn vị thành niên liên quan đến viêm cột sống: Dạng JIA này liên quan đến cả viêm khớp và viêm cột sống, thường ảnh hưởng đến hông, đầu gối, mắt cá chân và bàn chân, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến ngón tay, khuỷu tay, xương chậu, ngực, đường tiêu hóa (bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng) và thắt lưng (viêm cột sống dính khớp). Viêm cột sống xảy ra khi tình trạng viêm ở dây chằng hoặc gân bám vào xương. Dạng này phổ biến hơn ở trẻ trai; thường xuất hiện ở độ tuổi từ 8 đến 15. Một số trẻ em bị các đợt viêm màng bồ đào cấp tính trước khi bị viêm khớp.
  • Viêm khớp vô căn vị thành niên toàn thân: ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể (khớp, da và các cơ quan nội tạng), xảy ra ở khoảng 10% trẻ em bị JIA. Các triệu chứng thường bắt đầu bao gồm sốt cao (39°C hoặc cao hơn) kéo dài ít nhất hai tuần và phát ban. Trong nhiều trường hợp, các khớp bị viêm không lâu sau khi hết sốt. Ở các dạng nặng, tình trạng viêm có thể xuất hiện ở các cơ quan như lách, các hạch bạch huyết, gan và các lớp niêm mạc của tim và phổi. JIA toàn thân ảnh hưởng đến trẻ em trai và trẻ em gái với tần suất ngang nhau.

  • Viêm khớp vô căn vị thành niên không biệt hóa: Các triệu chứng không trùng khớp hoàn toàn với bất kỳ loại nào, nhưng tình trạng viêm xuất hiện ở một hoặc nhiều khớp.

Các triệu chứng JIA cũng có thể tự xuất hiện và biến mất. Các giai đoạn viêm nhiễm nhiều và các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn được gọi là đợt bùng phát. Một đợt bùng phát của bệnh có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tháng.

viêm khớp vô căn vị thành niên
Viêm khớp vô căn vị thành niên có nhiều loại khác nhau

5. Điều trị viêm khớp vô căn vị thành niên

Không có cách chữa khỏi viêm khớp vô căn vị thành niên nhưng có thể làm bệnh thuyên giảm (giảm triệu chứng, bệnh ít hoặc không hoạt động). Điều trị sớm và tích cực là yếu tố chính để kiểm soát bệnh càng nhanh càng tốt. Điều trị viêm khớp vô căn ở trẻ em và thanh thiếu niên tập trung vào việc giúp trẻ duy trì mức độ hoạt động thể chất và xã hội bình thường. Để đạt được điều này, các bác sĩ có thể sử dụng kết hợp các chiến lược điều trị để giảm đau và sưng, duy trì vận động và sức mạnh của khớp, đồng thời ngăn ngừa biến chứng.

Các mục tiêu của điều trị viêm khớp vô căn vị thành niên là:

  • Làm chậm hoặc ngừng viêm.
  • Giảm các triệu chứng, kiểm soát cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Ngăn ngừa tổn thương khớp và các cơ quan.
  • Bảo tồn chức năng khớp và khả năng vận động.
  • Hạn chế biến chứng hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.
  • Đạt được sự thuyên giảm (giảm triệu chứng, bệnh ít hoặc không hoạt động).

Các biện pháp điều trị JIA khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng. Nhưng dù là loại nào thì cũng cần một kế hoạch toàn diện bao gồm thuốc men, các liệu pháp bổ sung và thói quen sống lành mạnh.

5.1 Thuốc kiểm soát hoạt động của bệnh

DMARD (Disease-modifying antirheumatic drugs) là loại thuốc có tác dụng điều chỉnh tiến trình của bệnh, làm giảm các triệu chứng đau, cải thiện chức năng khớp và giảm thiểu tổn thương khớp tiềm ẩn bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch để nó không tấn công các khớp.

  • Các DMARD truyền thống đã được sử dụng lâu nhất và có tác dụng ức chế miễn dịch trên diện rộng. Các loại thuốc này có sẵn ở dạng thuốc viên hoặc thuốc tiêm. Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất cho JIA là methotrexate. Các tác dụng phụ của methotrexate có thể bao gồm buồn nôn, giảm bạch cầu, các vấn đề về gan và tăng nhẹ nguy cơ nhiễm trùng. DMARD có thể được dùng kết hợp với NSAID và được sử dụng để làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp vô căn.

  • Các DMARD sinh học là loại thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học, nhắm mục tiêu vào các bước hoặc các chất nhất định trong quá trình viêm và có thể hoạt động nhanh hơn các thuốc DMARDs truyền thống. DMARD sinh học có thể giúp giảm viêm toàn thân và ngăn ngừa tổn thương khớp, bao gồm thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF), chẳng hạn như Etanercept, Adalimumab, Golimumab và Infliximab. Các thuốc sinh học khác hoạt động để ngăn chặn hệ thống miễn dịch theo những cách khác nhau, bao gồm Abatacept, Rituximab, Anakinra và Tocilizumab. Chúng có thể được sử dụng với DMARD và các loại thuốc khác. Tất cả các loại thuốc sinh học đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

5.2 Thuốc làm giảm các triệu chứng

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) và thuốc giảm đau có tác dụng làm giảm triệu chứng sưng đau nhưng không thể làm giảm tổn thương khớp hoặc thay đổi quá trình của JIA. Những loại thuốc này sẵn có mà không cần kê đơn. Các tác dụng phụ bao gồm khó chịu ở dạ dày và ít thường xuyên hơn là các vấn đề về thận và gan.
  • Corticoid. Các loại thuốc như prednisone, methylprednisolone có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng sưng đau cho đến khi một loại thuốc khác có hiệu lực. Chúng cũng được sử dụng để điều trị tình trạng viêm ở các cơ quan khác.
Thuốc làm giảm các triệu chứng
Một số loại thuốc có thể làm giảm các triệu chứng viêm khớp vô căn

5.3 Phẫu thuật

Nhờ những tiến bộ trong điều trị, bao gồm cả thuốc sinh học mà nhiều trẻ em sẽ không bao giờ cần phải phẫu thuật. Nhưng đối với những trẻ không thể kiểm soát bệnh sớm, phẫu thuật có thể giúp giảm bớt bệnh và phục hồi chức năng khớp.Các bộ phận bị hư hỏng của khớp được thay thế bằng vật liệu nhân tạo kim loại, gốm hoặc nhựa. Thay khớp háng và đầu gối là phổ biến nhất, và nhiều cuộc phẫu thuật có thể được thực hiện trên cơ sở bệnh nhân ngoại trú. Có những phẫu thuật khác có thể cải thiện chức năng khớp và chất lượng cuộc sống nhưng yêu cầu cắt ít hơn nhiều so với thay khớp. Ví dụ, với nội soi khớp, một ống soi nhỏ có gắn camera được đưa vào khớp qua một vết rạch nhỏ. Điều này giúp bác sĩ phẫu thuật kiểm tra các khớp của trẻ và thực hiện các thủ thuật, chẳng hạn như loại bỏ một miếng sụn lỏng lẻo. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ đánh giá và xác định xem phẫu thuật có phải là lựa chọn tốt hay không. 5.4 Các biện pháp khác

  • Tập thể dục thường xuyên rất quan trọng vì nó thúc đẩy cả sức mạnh cơ bắp và sự linh hoạt của khớp, sẽ giúp giảm bớt cứng và đau khớp. Tốt nhất là các hoạt động ít tác động và thân thiện với khớp như đi bộ, bơi lội, đi xe đạp và yoga, nhưng trẻ em nếu bệnh được kiểm soát tốt có thể tham gia vào bất kỳ hoạt động yêu thích nào nếu được bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu chấp thuận. Bơi lội là một lựa chọn tuyệt vời vì nó giảm thiểu căng thẳng lên các khớp.
  • Vật lý trị liệu và các dụng cụ hỗ trợ. Trẻ bị JIA có thể gặp khó khăn khi giữ thăng bằng và các kỹ năng vận động yếu hơn, hoặc khả năng di chuyển và phối hợp các nhóm cơ lớn kém. Tham gia các liệu pháp vật lý và vận động thường xuyên có thể cải thiện sự phối hợp và cân bằng, giúp duy trì hoạt động và thực hiện các công việc hàng ngày một cách dễ dàng, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ. Các nhà trị liệu thể chất sẽ dạy và hướng dẫn trẻ thông qua các bài tập tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt, thực hiện các thao tác trên cơ thể và có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ.
  • Ăn uống lành mạnh cá, trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và dầu ô liu nguyên chất là những thực phẩm giúp giảm tình trạng viêm. Trẻ em bị JIA nên tránh ăn các loại thực phẩm có thể gây viêm nhiễm như thực phẩm nhiều chất béo, đường và thực phẩm chế biến sẵn. Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp trẻ duy trì trọng lượng cơ thể thích hợp.
  • Bổ sung đầy đủ canxi trong chế độ ăn uống là rất quan trọng vì trẻ em bị viêm khớp vô căn vị thành niên có nguy cơ phát triển xương yếu do bệnh, sử dụng corticosteroid, giảm hoạt động thể chất và sức nặng.
  • Cân bằng hoạt động với nghỉ ngơi. Khi JIA hoạt động và các khớp cảm thấy đau, sưng hoặc cứng, điều quan trọng là phải cân bằng hoạt động nhẹ với nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi giúp giảm viêm và mệt mỏi có thể đi kèm với cơn bùng phát. Nghỉ giải lao trong ngày sẽ bảo vệ khớp và duy trì năng lượng.
  • Liệu pháp nhiệt. Cứng khớp ảnh hưởng đến nhiều trẻ em bị viêm khớp vô căn vị thành niên, đặc biệt là vào buổi sáng. Các phương pháp điều trị bằng nhiệt, chẳng hạn như miếng đệm nhiệt hoặc tắm nước ấm, hiệu quả nhất để làm dịu các khớp cứng và cơ mệt mỏi. Chườm lạnh là tốt nhất cho cơn đau cấp tính, có thể làm tê các khu vực bị đau và giảm viêm.
  • Sản phẩm bôi ngoài da. Các loại kem, gel hoặc miếng dán có thể làm dịu cơn đau ở khớp hoặc cơ.
  • Liệu pháp thư giãn. Có nhiều cách khác nhau để thư giãn và ngừng tập trung vào cơn đau. Chúng bao gồm thiền định, hít thở sâu và thực hành hình dung, hoặc nghĩ về những nơi yên bình hoặc những kỷ niệm hạnh phúc. Trẻ em bị JIA áp dụng các biện pháp như nghe nhạc, tô màu hoặc vẽ, đọc sách để giảm bớt đau đớn, đặc biệt là trong thời gian ngắn.
  • Xoa bóp và châm cứu cũng có thể giúp giảm đau và giảm bớt căng thẳng hoặc lo lắng.
  • Chất bổ sung bao gồm curcumin, một chất được tìm thấy trong nghệ và chất bổ sung dầu cá omega-3, có thể giúp giảm đau khớp và cứng khớp. Bổ sung canxi và vitamin D có thể giúp xương chắc khỏe. Tuy nhiên bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ uống vì một số chất có thể gây ra tác dụng phụ và tương tác với các loại thuốc khác.

  • Kiểm soát cảm xúc. Trẻ em và thanh thiếu niên mắc JIA có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn vì đang sống chung với một căn bệnh mãn tính. Do đó, trẻ cần có gia đình và bạn bè hỗ trợ tinh thần trong thời gian khó khăn. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên ủng hộ trẻ tham gia vào tổ chức xã hội để giúp trẻ được vận động và hoạt bát hơn. Nhà trị liệu và tâm lý học cũng có thể giúp trẻ JIA đối phó với những cảm xúc khó khăn và dạy trẻ các chiến lược đối phó với cảm xúc tiêu cực.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: niams.nih.gov, arthritis.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

920 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Medialeczan
    Công dụng thuốc Medialeczan

    Thuốc Medialeczan là thuốc giảm đau, hạ sốt thuộc nhóm chống viêm không Steroid. Thuốc có thành phần chính là Acetaminophen 325mg và Ibuprofen 200mg. Để biết thêm thông tin về công dụng cũng như chỉ định dùng thuốc Medialeczan ...

    Đọc thêm
  • thuốc ailaxon
    Công dụng thuốc Ailaxon

    Thuốc Ailaxon thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, nhóm chống viêm không steroid, thuốc điều trị gút và các bệnh xương khớp. Thuốc Ailaxon là thuốc gì, liều dùng và lưu ý khi sử dụng sẽ được cung cấp ...

    Đọc thêm
  • Khớp gối phát ra âm thanh khi vận động là bệnh gì?
    Khớp gối phát ra âm thanh khi vận động là bệnh gì?

    Chào bác sĩ, Chân của em ở khớp gối khi gập chân và duỗi chân có phát ra âm thanh kêu giữa các sụn - không có hiện tượng đau nhức. Nhưng khi em đi lại thì ở ngay mắt ...

    Đọc thêm
  • Kosarin Capsule
    Công dụng thuốc Kosarin Capsule

    Kosarin Capsule là thuốc thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, nhóm thuốc chống viêm không chứa Steroid, thuốc điều trị Gout và các bệnh xương khớp. Kosarin Capsule có thành phần chính là Glucosamine sulfate, hàm lượng 250mg, được ...

    Đọc thêm
  • Sifasolone
    Công dụng thuốc Sifasolone

    Thuốc Sifasolone được sản xuất bởi Công ty Tianjin Pharma Jiaozuo Co. Thuốc được bào chế dưới dạng bột đông khô pha tiêm được dùng theo đường tiêm bắp hoặc tiêm tại chỗ viêm.

    Đọc thêm