Thuốc gây mê liệu có tác dụng phụ với trẻ nhỏ?


Hỏi

Chào bác sĩ,

Bé gái nhà con năm bé được 2 tuổi đã trải qua 2 lần phẫu thuật và có gây mê. Lần 1 thì bé phẫu thuật Amidan, lần 2 thì ở hậu môn bé có cục u nên cũng phải phẫu thuật. Thời gian phẫu thuật 2 lần ấy chỉ cách nhau 2 tháng thôi ạ. Ngày nhỏ bé nhà con rất nhanh nhẹn và thông minh, nhưng sau khi phẫu thuật đến hiện tại là được 4 năm rồi mà nhiều lúc bé vẫn lừ đừ. Bé ngại giao tiếp và hay bị sợ, sống kiểu nội tâm nữa. Bác sĩ cho con hỏi thuốc gây mê liệu có tác dụng phụ với trẻ nhỏ không ạ? Chân thành xin bác sĩ cho con lời khuyên và hướng giải quyết cho bé nhanh khỏi. Con cảm ơn bác sĩ !!!

Nguyễn Thị Linh (1997)

Trả lời

Chào bạn,

Với câu hỏi “Thuốc gây mê liệu có tác dụng phụ với trẻ nhỏ?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Rất vui vì bạn luôn đồng hành cùng bé yêu. "Gây mê có làm mất trí nhớ hay không” không chỉ là mối quan tâm lo lắng của riêng bạn. Đây là vấn đề luôn được bệnh nhân cũng như gia đình e ngại. Gần như trong tất cả các trường hợp khám tư vấn gây mê trước mổ bác sĩ gây mê đều được đặt câu hỏi về vấn đề này. Các trường hợp mất trí nhớ sau mổ (Postoperative Cognitive Dysfunction- POCD) đã được nhắc đến từ hơn 100 năm trước và nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên 20 năm nay.

Nhiều giả thuyết được đặt ra nhưng đến nay vẫn chưa được chứng minh và còn nhiều bàn cãi. Biểu hiện của POCD cũng đa dạng và mang tính chung chung như thường có biểu hiện quên chuyện linh tinh, làm việc hay lẫn lộn, khó tập trung, mất khả năng thực hiện nhiều việc cùng lúc... Các nhà khoa học ghi nhận POCD thường gặp ở người già, tần suất cao nhất sau phẫu thuật tim mạch. Các yếu tố nguy cơ bao gồm nghiện rượu, trình độ học vấn thấp, tiền căn đột quỵ, xơ vữa động mạch ngoài mạch vành, tiểu đường, có khiếm khuyết thần kinh trước đó. Đáng ngạc nhiên là không có bằng chứng về việc lựa chọn gây mê hay gây tê cũng như độ sâu của gây mê làm thay đổi nguy cơ POCD.

Theo Kirk Hogan (trường Y tế công đại học Wisconsin, Madison): “Những sự thay đổi trong khả năng tư duy sau phẫu thuật thường nhỏ, hầu như không có biểu hiện gì và không ảnh hưởng đến nhận thức". Trở về trường hợp con bạn, bé năm nay hẳn đã được 6-7 tuổi, không hề có các yếu tố nguy cơ đã kể trên đây. Hai phẫu thuật bé đã trải qua 4 năm trước không phức tạp, thời gian mổ hẳn không quá 30 phút mỗi lần. Như vậy thời gian phơi nhiễm với thuốc mê không dài nên khả năng bé bị tác dụng phụ của gây mê rất rất thấp và bản thân bác sĩ không nghĩ đến.

Bé mới bước vào những năm đầu của học đường. Không biết bé đã đến lớp được bao lâu và các biểu hiện "lừ đừ, không nhanh nhẹn, ngại giao tiếp, hay bị sợ, sống nội tâm" có xuất hiện từ khi bé mới đi học hay không? Bởi vì thay đổi môi trường có thể gây stress cho bé, làm thay đổi tính tình và hành vi của bé nhất là đối với các bé quen ở nhà, ít giao tiếp với người lạ. Quan trọng hơn cả là bạn nên đưa bé đến các chuyên gia tâm lý trẻ em càng sớm càng tốt để được kiểm tra, tư vấn và phát hiện sớm các bất thường.

Nếu bạn còn thắc mắc về ảnh hưởng của thuốc gây mê tới trẻ nhỏ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hoài Nam - Bác sĩ gây mê - Đơn nguyên Giảm đau - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

15 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan