Nên uống thuốc amitriptylin trong bao lâu?

Amitriptylin thuộc nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng, thường được sử dụng trong các bệnh lý trầm cảm, suy nhược, đau do nguyên nhân thần kinh và chứng mất ngủ kéo dài. Vậy nên uống thuốc Amitriptylin trong bao lâu để thuốc phát huy hiệu quả?

1. Amitriptylin là thuốc gì?

  • Amitriptylin là thuốc chống trầm cảm ba vòng, tác dụng giảm lo âu, an thần. Hiện nay, Amitriptylin không phải là chỉ định đầu tay trong điều trị trầm cảm do nhiều tác dụng phụ và hiệu quả không bằng các thuốc thế hệ mới.
  • Với các đặc tính ức chế tái hấp thu monoamine, serotonin và noradrenalin ở các nơron monoaminergic, thuốc gây kháng cholinergic ở cả thần kinh trung ương và ngoại vi từ đó gây các tác dụng an thần, giảm đau, gây ngủ và không gây nghiện hay lệ thuộc thuốc.
  • Amitriptylin hấp thu nhanh sau khi tiêm bắp 5 - 10 phút và sau khi uống 30 - 60 phút. Sau khi vào hệ tuần hoàn thuốc chuyển hóa ở gan bằng các phản ứng khử N - metyl và hydroxyl hóa; phân bố vào hầu hết các mô trong cơ thể, liên kết mạnh với các protein huyết tương; thời gian bán thải trung bình từ 9 đến 36 giờ.
  • Tất cả các chất chuyển hóa của thuốc được đào thải dưới dạng chất chuyển hóa liên hợp glucuronid hoặc sulfat, số còn lại không được chuyển hóa thì bài tiết qua nước tiểu.

2. Cách sử dụng thuốc Amitriptylin

Amitriptylin được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau

  • Điều trị trong các bệnh lý trầm cảm, trầm cảm nội sinh, loạn tâm thần hưng trầm cảm.
  • Điều trị mất ngủ kéo dài mà các biện pháp không dùng thuốc không có hiệu quả.
  • Các chứng đau do nguyên nhân thần kinh (đau sau Zona).

Thuốc Amitriptylin chống chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Amitriptyline hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân đang sử dụng hoặc sử dụng các thuốc ức chế monoamin oxydase trong thời gian gần đây.
  • Bệnh nhân đang trong giai đoạn hồi phục của nhồi máu cơ tim.

3. Nên uống thuốc Amitriptylin trong bao lâu?

  • Liều khởi đầu 25mg/ lần x 3 lần/ ngày; tăng liều dần đến khi bệnh nhân có đáp ứng. Liều tối đa có thể lên tới 150mg/ ngày. Nếu sử dụng thuốc để điều trị mất ngủ thì bệnh nhân có đáp ứng ngay khi uống thuốc; tác dụng chống trầm cảm thường xuất hiện sau 3 - 4 ngày hoặc có thể sau 30 ngày mới thấy được.
  • Do Amitriptylin có thể gây một số triệu chứng mệt mỏi, ngủ gà, buồn ngủ vào ban ngày, vì vậy trong điều trị mất ngủ bác sĩ sẽ phối hợp với Sulpirid (thuốc chống loạn thận có hoạt tính trung gian giữa tính an thần kinh và chống trầm cảm) để giảm mệt mỏi, tỉnh táo vào ban ngày.
  • Trong điều trị mất ngủ, dùng 25mg Amitriptylin/ lần vào buổi tối, 50mg Sulpirid/ lần x 2 lần/ ngày (sáng, chiều).
  • Nên dùng thuốc Amitriptylin vào 7 - 8 giờ tối để có thể đi ngủ vào khoảng 9 - 10 giờ tối và tỉnh dậy vào khoảng 5 - 6 giờ sáng ngày hôm sau (do chu kỳ bán thải của thuốc kéo dài).
  • Ở liều điều trị thích hợp, thuốc phát huy tác dụng sau 2 - 4 tuần; để duy trì hiệu quả nên sử dụng thuốc Amitriptylin kéo dài ít nhất 3 tháng. Không ngừng thuốc đột ngột, nên giảm liều và ngừng từ từ trong khoảng 2 - 4 tuần. Vẫn tiếp tục giữ thói quen ngủ vào cùng một khung giờ để duy trì hiệu quả điều trị.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Amitriptylin

  • Nếu bệnh nhân có sử dụng các chất ức chế monoamin oxydase thì phải ngưng dùng ít nhất 14 ngày khi điều trị với Amitriptylin.
  • Thận trọng khi dùng thuốc trên bệnh nhân động kinh, bí đại tiểu tiện, bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, suy giảm chức năng gan, các bệnh lý tim mạch, glocom góc đóng, bệnh lý nội tiết (cường giáp, bệnh tuyến giáp),... do nguy cơ nặng nề các bệnh lý phối hợp.
  • Amitriptylin qua được nhau thai và chưa đảm bảo an toàn cho thai nhi, vì vậy phụ nữ mang thai, đặc biệt 3 tháng cuối mang thai không nên sử dụng thuốc.
  • Thuốc bài tiết vào sữa mẹ với lượng đáng kể và có thể gây ảnh hưởng đến trẻ em, phụ nữ đang cho con bú nên cân nhắc ngừng sử dụng thuốc hoặc ngừng cho con bú.
  • Cần theo dõi các triệu chứng của hội chứng an thần kinh ác tính (hội chứng serotonin) trên bệnh nhân sử dụng Amitriptylin bao gồm: Toát mồ hôi, chóng mặt, tăng nhiệt độ, tăng nhịp tim, giãn đồng tử,... Khi phát hiện các triệu chứng bất thường trên cần ngưng thuốc và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

5. Tác dụng phụ của thuốc Amitriptylin

Một số tác dung không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Amitriptylin

Tác dụng phụ thường gặp:

  • An thần quá mức gây buồn ngủ, ngủ gà, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt cả ban ngày.
  • Rối loạn điều tiết, mất định hướng, tăng tiết mồ hôi.
  • Loạn nhịp tim kiểu quinidin, làm chậm dẫn truyền thần kinh tim, tăng co bóp tim, đánh trống ngực, hạ huyết áp tư thế, thay đổi sóng T trên điện tâm đồ, block nhĩ thất.
  • Tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân phụ thuộc vào chỉ số khối cơ thể (BMI) và liều dùng.
  • Rối loạn chức năng tiêu hóa, nôn, buồn nôn, táo bón, khô miệng.
  • Rối loạn chức năng thị giác, mờ mắt, giảm điều tiết, giãn đồng tử.
  • Phản ứng dị ứng gây ngứa, nổi mẩn đỏ, nổi mề đay, phát ban.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Tăng huyết áp.
  • Buồn nôn, nôn nhiều.
  • Cảm giác dị cảm, nổi ngoại ban, phù mặt, phù lưỡi, phù ngoại vi.
  • Hưng cảm, khó tập trung, lo âu, ác mộng, mất ngủ.
  • Bí tiểu, giảm ham muốn và giảm khả năng tình dục ở nam.
  • Tăng nhãn áp, ù tai.

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Sốt, phù toàn thân, có thể ngất.
  • Chán ăn.
  • Giảm các dòng tế bào máu (giảm tế bào bạch cầu ưa acid, tế bào tiểu cầu).
  • Rối loạn chức năng nội tiết gây chứng vú to ở nam giới, sưng tinh hoàn, tăng tiết sữa ở nữ, giảm bài tiết ADH.
  • Rối loạn chức năng tiêu hóa, ỉa chảy, liệt ruột, viêm tuyến mang tai.
  • Tăng phản ứng nhạy cảm với ánh sáng, rụng tóc, nổi ban xuất huyết.
  • Xuất hiện cơn động kinh, rối loạn vận ngôn, các triệu chứng ngoại tháp.
  • Rối loạn chức năng tâm thần gây ảo giác, hoang tưởng.

Tóm lại, thuốc ngủ Amitriptylin là thuốc chống trầm cảm có công dụng tốt trong điều trị mất ngủ. Thuốc phải được kê đơn và theo dõi bắt buộc bởi bác sĩ chuyên khoa, sử dụng thuốc kéo dài ít nhất 3 tháng để đạt hiệu quả và duy trì hiệu quả điều trị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan