Công dụng thuốc Dilaudid

Thuốc Dilaudid được bào chế dưới dạng dung dịch uống hoặc viên nén, có thành phần chính là Hydromorphone. Thuốc được sử dụng để giảm đau trong các trường hợp bị đau từ trung bình đến nặng.

1. Công dụng của thuốc Dilaudid

Thuốc Dilaudid thuộc nhóm thuốc giảm đau (có chất gây nghiện), có thành phần chính là Hydromorphone hydrochloride. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén 2mg, 4mg, 8mg hoặc dung dịch uống 5mg/5 ml.

Hydromorphone là 1 chất chủ vận opioid, có tác dụng chính là giảm đau. Cơ chế giảm đau của thành phần này đến từ việc tác động vào não bộ để thay đổi cách mà cơ thể cảm nhận và phản ứng với cơn đau.

Chỉ định sử dụng thuốc Dilaudid:

  • Dùng để giảm đau cho các cơn đau từ trung bình đến nặng, cần dùng thuốc giảm đau opioid khi các phương pháp điều trị thay thế không có hiệu quả.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Dilaudid:

  • Người bệnh bị ức chế hô hấp;
  • Bệnh nhân bị hen phế quản cấp tính hoặc nặng ở những nơi không được theo dõi sức khỏe hoặc không có thiết bị hồi sức;
  • Người bệnh tắc nghẽn đường tiêu hóa, kể cả liệt ruột;
  • Bệnh nhân quá mẫn cảm với Hydromorphone, bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc các thuốc có chứa sulfite,...

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Dilaudid

2.1 Cách dùng

Dùng thuốc đường uống. Người bệnh có thể dùng thuốc kèm với thức ăn hoặc không. Nếu bị buồn nôn khi uống thuốc, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc cùng với thức ăn. Đồng thời, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các biện pháp khác để làm giảm cảm giác buồn nôn như nằm nghỉ khoảng 1 - 2 giờ, ít cử động đầu,... Nếu uống thuốc Dilaudid dạng lỏng, người bệnh nên đo liều lượng cẩn thận bằng các dụng cụ hoặc muỗng đo đặc biệt.

Thuốc giảm đau như Dilaudid sẽ có hiệu quả tốt nếu được sử dụng khi các triệu chứng đầu tiên của cơn đau xuất hiện. Nếu bệnh nhân đợi tới khi cơn đau đặc biệt nghiêm trọng mới sử dụng thuốc thì có thể không còn tác dụng. Đồng thời, nếu bị đau liên tục (ví dụ do ung thư), người bệnh có thể dùng thuốc opioid tác dụng kéo dài theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp đó, thuốc Dilaudid chỉ dùng trong những cơn đau đột ngột khi cần thiết. Ngoài ra, các loại thuốc giảm đau khác như acetaminophen, ibuprofen cũng có thể được chỉ định khi cần thiết.

2.2 Liều dùng

Liều dùng ban đầu:

  • Dung dịch uống Dilaudid: Liều 2,5mg - 10mg thuốc, sau 3 - 6 giờ 1 lần khi cần để giảm đau;
  • Viên nén Dilaudid: Liều từ 2 - 4mg/lần, uống cứ sau 4 - 6 giờ.

Liều dùng khi chuyển đổi từ các thuốc khác sang Dilaudid:

  • Dung dịch uống: Dùng bằng 1/2 liều khởi đầu thông thường cứ sau 3 - 6 giờ;
  • Viên nén: Dùng bằng 1/2 liều khởi đầu thông thường cứ sau 4 - 6 giờ.

Điều chỉnh liều dùng cho các đối tượng đặc biệt:

  • Bệnh nhân suy gan: Bắt đầu điều trị bằng 1/4 - 1/2 liều khởi đầu thông thường tùy mức độ suy gan;
  • Bệnh nhân suy thận: Bắt đầu điều trị bằng 1/4 - 1/2 liều khởi đầu thông thường tùy mức độ suy thận.

Chuẩn liều và duy trì trị liệu:

  • Liên tục đánh giá lại tình trạng bệnh nhân khi dùng thuốc Dilaudid về khả năng duy trì kiểm soát cơn đau và tỷ lệ xảy ra các phản ứng bất lợi và theo dõi sự phát triển của triệu chứng nghiện, lạm dụng thuốc;
  • Nếu mức độ đau tăng lên sau khi ổn định liều lượng, cần xác định nguyên nhân cơn đau. Nếu thấy có những phản ứng bất lợi không thể chấp nhận được, nên xem xét giảm liều dùng thuốc. Cần điều chỉnh liều để đạt được sự cân bằng thích hợp giữa việc kiểm soát cơn đau và các tác dụng phụ liên quan tới opioid;
  • Với cơn đau mãn tính, nên dùng thuốc với liều suốt ngày đêm. 1 liều bổ sung 5 - 15% tổng lượng sử dụng hằng ngày có thể dùng 2 giờ/lần khi cần thiết.

Ngưng sử dụng Dilaudid:

  • Khi 1 bệnh nhân sử dụng Dilaudid thường xuyên và có thể bị phụ thuộc thuốc mà không cần điều trị với thuốc này nữa thì nên giảm liều dần dần khoảng 25 - 50% sau 2 - 4 ngày, đồng thời theo dõi các triệu chứng cai nghiện thuốc. Nếu người bệnh xuất hiện triệu chứng, nên tăng liều lên mức trước đó, giảm dần liều bằng cách tăng khoảng cách giữa các lần giảm hoặc giảm mức độ thay đổi liều. Không nên ngừng thuốc đột ngột;
  • Việc ngưng thuốc Dilaudid đột ngột có thể gây ra hội chứng cai nghiện, đặc biệt nếu bệnh nhân đã dùng thuốc trong một thời gian dài với liều lượng cao. Nên báo ngay cho bác sĩ nếu bệnh nhân có triệu chứng cai nghiện như bồn chồn, lo lắng, khó ngủ, có ý nghĩ tự tử, chảy nước mắt, chảy nước mũi, tiêu chảy, buồn nôn, đổ mồ hôi, đau cơ, đột ngột thay đổi hành vi,...

Quá liều: Triệu chứng quá liều thuốc Dilaudid thường là thở chậm, thở nông, nhịp tim chậm, hôn mê. Nếu người bệnh có triệu chứng quá liều nghiêm trọng, có thể cho họ uống naloxone nếu có, rồi gọi cấp cứu ngay.

Quên liều: Nếu đang dùng thuốc Dilaudid thường xuyên và bỏ lỡ 1 liều thì bệnh nhân nên dùng ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần tới thời điểm dùng liều tiếp theo, bệnh nhân hãy bỏ qua liều đã quên. Không nên dùng gấp đôi liều để bù liều.

3. Tác dụng phụ của thuốc Dilaudid

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Dilaudid là:

  • Thường gặp, không quá nghiêm trọng: Buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, choáng váng, buồn ngủ, đỏ bừng da, khô miệng, đổ mồ hôi,... Một số tác dụng phụ này có thể giảm sau một thời gian dùng thuốc. Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào trong số này vẫn kéo dài hoặc càng thêm trầm trọng, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ. Để ngăn ngừa táo bón, bệnh nhân nên ăn thực phẩm nhiều chất xơ, uống đủ nước, tập thể dục hoặc dùng thuốc nhuận tràng theo chỉ định của bác sĩ. Để giảm nguy cơ chóng mặt và choáng váng, mỗi khi thay đổi tư thế bạn nên thực hiện từ từ;
  • Ít gặp, nghiêm trọng: Ngưng thở khi ngủ, thay đổi tâm trạng như lú lẫn, kích động hoặc ảo giác, đau bụng, khó tiểu, dấu hiệu tuyến thượng thận hoạt động không tốt như chán ăn, sụt cân, mệt mỏi bất thường,... Nên báo ngay cho bác sĩ nếu bệnh nhân bị ngất xỉu, co giật, thở nông, thở chậm, buồn ngủ nghiêm trọng và khó đánh thức,...;
  • Hiếm gặp, phản ứng dị ứng nghiêm trọng: Phát ban, ngứa, sưng ở mặt, lưỡi hoặc cổ họng, khó thở, chóng mặt nghiêm trọng,... Nên gọi cấp cứu ngay khi người bệnh gặp các triệu chứng này.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Dilaudid

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Dilaudid:

  • Trước khi dùng thuốc Dilaudid, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với Hydromorphone, Hydrocodone hoặc bất kỳ dạng dị ứng nào khác;
  • Trước khi dùng thuốc Dilaudid, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bản thân, đặc biệt là: Rối loạn não (khối u, co giật, chấn thương đầu), các vấn đề về hô hấp (ngưng thở khi ngủ, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), bệnh gan, bệnh thận, rối loạn tâm thần (lú lẫn, trầm cảm), tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc chứng rối loạn sử dụng chất kích thích (lạm dụng hoặc nghiện rượu), có vấn đề về dạ dày hoặc đường ruột (táo bón, tiêu chảy, liệt ruột), khó tiểu (phì đại tuyến tiền liệt), bệnh tuyến tụy (viêm tụy), bệnh túi mật, suy giáp, vấn đề về tuyến thượng thận, mắc bệnh cột sống,...;
  • Thuốc Dilaudid có thể khiến bệnh nhân bị chóng mặt hoặc buồn ngủ. Rượu có thể làm tình trạng này càng thêm trầm trọng. Do đó, bệnh nhân không nên lái xe hoặc sử dụng máy móc khi dùng thuốc này cho tới khi có thể thực hiện những việc trên 1 cách an toàn. Bệnh nhân cũng nên tránh sử dụng đồ uống có cồn khi đang dùng thuốc Dilaudid;
  • Thuốc Dilaudid dạng dung dịch lỏng có thể có chứa đường. Nên báo cho bác sĩ nếu người bệnh bị tiểu đường hoặc mắc các vấn đề khác cần phải hạn chế đường trong chế độ ăn uống;
  • Trước khi phẫu thuật, nên báo cho bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc Dilaudid hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác;
  • Người lớn tuổi có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc Dilaudid, đặc biệt là chóng mặt, buồn ngủ, lú lẫn, thở nông, thở chậm;
  • Đối với phụ nữ mang thai, chỉ sử dụng thuốc Dilaudid khi thực sự cần thiết, được bác sĩ cho phép;
  • Thuốc Dilaudid đi vào sữa mẹ và có thể gây tác dụng phụ với trẻ bú mẹ. Do đó, bà mẹ đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

5. Tương tác thuốc Dilaudid

Một số tương tác thuốc của Dilaudid gồm:

  • Các loại thuốc có thể tương tác với thuốc Dilaudid gồm: Một số thuốc giảm đau (butorphanol, nalbuphine, pentazocin), samidorphan, naltrexone;
  • Tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng như thở chậm, thở nông, buồn ngủ, chóng mặt,... nếu dùng thuốc Dilaudid đồng thời với các loại thuốc khác cũng có thể gây khó thở hoặc buồn ngủ. Bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu đang dùng các thuốc khác như: Thuốc giảm đau opioid hoặc thuốc giảm ho khác (codeine, hydrocodone), rượu, thuốc ngủ hoặc thuốc trị lo âu (alprazolam, lorazepam, zolpidem), thuốc giãn cơ (carisoprodol, cyclobenzaprine), thuốc kháng histamin (cetirizine, diphenhydramine);
  • Thuốc Dilaudid có thể ảnh hưởng tới độ chính xác của một số xét nghiệm, bao gồm cả nồng độ amylase/lipase. Bệnh nhân nên thông báo cho bác bác sĩ xét nghiệm khi sử dụng loại thuốc này.

Lưu ý quan trọng người bệnh cần nhớ khi sử dụng thuốc Dilaudid là tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về cách dùng và liều dùng. Đây là biện pháp giúp đảm bảo hiệu quả giảm đau của thuốc và hạn chế tối đa khả năng phát sinh những phản ứng bất lợi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

345 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan