Công dụng thuốc Furosan

Furosemid là thuốc lợi tiểu dẫn chất sulfonamid, hoạt chất này thuộc nhóm thuốc tác dụng mạnh, nhanh và phụ thuộc liều lượng, thuốc tác động vào nhánh lên của quai Henle, vì vậy Furosemid còn được gọi là thuốc lợi tiểu quai. Furosemid là hoạt chất chính có mặt trong thuốc Furosan.

1. Thuốc Furosan là thuốc gì?

Thuốc Furosan là thuốc gì? Furosan thuốc biệt dược của Công ty Liên doanh Hasan - Dermapharm. Thuốc có thành phần chính là Furosemide, hàm lượng 40mg được bào chế dưới dạng viên nén.

Furosemid có tác dụng ức chế hệ thống đồng vận chuyển Na+/K+/2Cl- ở nhánh lên quai Henle, làm tăng thải trừ những chất điện giải này kèm theo tăng bài xuất nước. Thuốc Furosemid cũng làm giảm tái hấp thu Na+, Cl-, tăng thải trừ K+ ở ống lượn xa. Mất nhiều kali, hidro và clo có thể gây ra kiềm chuyển hóa, bên cạnh đó thuốc làm giảm thể tích huyết tương nên Furosemid có thể gây hạ huyết áp nhưng thường chỉ giảm mức độ nhẹ.

Furosemid còn có tác dụng giãn mạch thận, giảm sức cản ở mạch thận và tăng dòng máu qua thận. Ở bệnh nhân mắc bệnh suy tim sung huyết kèm theo chứng nhồi máu cơ tim cấp, sau khi dùng Furosemid, sức lọc cầu thận sẽ tăng tạm thời nhưng đáng kể, giảm sức cản mạch ngoại biên, tăng lượng máu tĩnh mạch ngoại biên.

Khi dùng liều cao Furosemid ở bệnh nhân suy thận mạn, độ lọc cầu thận có thể tăng tạm thời, tuy nhiên nếu quá trình bài niệu quá mức do thuốc Furosemid làm giảm thể tích huyết tương, có thể xảy ra giảm dòng máu qua thận và giảm tốc độ lọc cầu thận.

2. Công dụng của thuốc Furosan

Thuốc Furosan với hoạt chất là Furosemide, đây là thuốc lợi tiểu được khuyến cáo sử dụng trong tất cả các trường hợp cần lợi tiểu nhanh và hiệu quả cao:

  • Điều trị tình trạng phù trong bệnh suy tim sung huyết, bệnh thận, bệnh lý xơ gan, hội chứng thận hư, bệnh phù phổi;
  • Điều trị phù ngoại biên do tình trạng tắc nghẽn cơ học, suy tĩnh mạch hoặc điều trị tăng huyết áp mức độ từ nhẹ đến vừa;
  • Bệnh lý tăng calci huyết.

3. Liều dùng của thuốc Furosan

Thuốc Furosan được dùng theo đường uống. Nên điều chỉnh liều thuốc Furosan ở bệnh nhân có nồng độ protein trong máu thấp như bệnh nhân suy tim sung huyết gan hoặc suy gan. Khi sử dụng đồng thời furosemid với các thuốc Colestipol, cholestyramin, nên uống các thuốc này cách nhau 2 – 3 giờ.

  • Liều dùng của thuốc Furosan cho người lớn và trẻ em > 12 tuổi:
    • Liều thuốc Furosan khởi đầu là 40 mg/ngày vào buổi sáng, sau đó có thể duy trì hoặc giảm, số lần dùng thuốc Furosan phụ thuộc tình trạng bệnh nhân;
    • Liều thuốc Furosan duy trì là 20 mg/ngày hoặc 40mg, dùng cách nhật, đối với tình trạng phù dai dẳng, có thể tăng liều thuốc Furosan lên đến 80 mg/ngày.
  • Thuốc Furosan điều trị tăng huyết áp: Liều thuốc Furosan 20 – 40mg/lần, 2 lần/ngày. Nếu dùng liều thuốc Furosan 40mg/lần, 2 lần/ngày không đạt được hiệu quả điều trị, bác sĩ nên cân nhắc phối hợp với thuốc điều trị tăng huyết áp khác hơn là tiếp tục tăng liều thuốc Furosan.
  • Điều trị tăng calci huyết ở người lớn tăng nhẹ nồng độ calci huyết: Uống thuốc Furosan liều 120mg/ngày.
  • Liều thuốc Furosan cho trẻ em dưới 12 tuổi: Nên sử dụng dạng bào chế khác phù hợp hơn cho trẻ ở đối tượng này.
  • Đối với người cao tuổi: Furosemid thải trừ chậm hơn ở người cao tuổi, do đó cần chỉnh liều thuốc Furosan để đáp ứng được yêu cầu điều trị.

Lưu ý: Liều dùng thuốc Furosan trên chỉ mang tính chất tham khảo, liều thuốc Furosan cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh, để có liều dùng phù hợp, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

4. Làm gì khi lỡ dùng quá liều thuốc Furosan?

Biểu hiện quá liều thuốc Furosan: Mất cân bằng nước và điện giải với triệu chứng đau đầu, yếu cơ, chuột rút, khát nước, tụt huyết áp, chán ăn, mạch nhanh... Đối với bệnh nhân xơ gan, quá liều thuốc Furosan có thể dẫn tới hôn mê gan.

Xử trí: cho bệnh nhân bù lại lượng nước và điện giải đã mất.

5. Tác dụng phụ của thuốc Furosan

Khi sử dụng thuốc Furosan, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng không mong muốn:

  • Tác dụng phụ của thuốc Furosan rất thường gặp: Mất nước, giảm natri huyết, nhiễm kiềm chuyển hóa, giảm Clo, giảm calci huyết, giảm magnesi huyết, hạ huyết áp, sỏi calci thận ở trẻ em.
  • Tác dụng phụ của thuốc Furosan thường gặp trên chuyển hóa và dinh dưỡng: Giảm thể tích.
  • Tác dụng phụ của thuốc Furosan ít gặp: Thiếu máu không tái tạo, rối loạn dung nạp glucose, tăng acid uric huyết, gout, giảm nồng độ HDL, tăng nồng độ LDL và triglycerid, tăng đường huyết, rối loạn thị giác, nhìn mờ, cảm giác nhìn vàng, điếc (đôi lúc không thể hồi phục), loạn nhịp tim, tăng nguy cơ tồn tại ống động mạch ở trẻ sinh non, khô miệng, khát nước, buồn nôn, rối loạn nhu động ruột, tiêu chảy, táo bón, chuột rút, yếu cơ, giảm sự đi tiểu, đi tiểu không tự chủ, tắc niệu, mệt mỏi, tăng transaminase huyết.
  • Tác dụng phụ của thuốc Furosan hiếm gặp: suy tủy xương (cần ngừng sử dụng thuốc Furosan), tăng bạch cầu ái toan, giảm bạch cầu, rối loạn tâm thần, dị cảm, bối rối, đau đầu, ù tai và mất thính giác có hồi phục hoặc không, viêm mạch máu, huyết khối, shock, viêm tụy cấp, rối loạn chức năng gan, suy nhược, sốt, shock phản vệ, ban da, ngứa, nhạy cảm ánh sáng, hoại tử biểu bì nhiễm độc.
  • Tác dụng phụ của thuốc Furosan không rõ tần suất: nhiễm kiềm chuyển hóa (ở bệnh nhân xơ gan mất bù), rối loạn nước và điện giải, tăng đào thải kali, chóng mặt, ngất, mất nhận thức, ngứa, hồng ban đa dạng, ban xuất huyết, viêm da tróc vảy, ngứa, phản ứng dị ứng, viêm da (nổi mày đay, vết thương bỏng rộp trên da, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính).

Hướng dẫn cách xử trí tác dụng phụ của thuốc Furosan: Kiểm tra thường xuyên điện giải đồ, bổ sung kali hoặc dùng kèm thuốc lợi tiểu giữ kali nếu hạ kali huyết. Giảm liều hoặc ngừng điều trị thuốc Furosan nếu tác dụng phụ ở mức độ trung bình hoặc nặng.

6. Chống chỉ định của thuốc Furosan

Thuốc Furosan chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với furosemid và các dẫn chất sulfonamid;
  • Bệnh nhân vô niệu, suy thận (độ thanh thải creatinin < 30ml/phút/1,73 m2) hoặc suy thận do thuốc gây độc cho thận hoặc gan;
  • Rối loạn điện giải, mất dịch, hạ huyết áp;
  • Sử dụng đồng thời với các chế phẩm bổ sung kali hoặc thuốc lợi tiểu giữ kali;
  • Tiền hôn mê gan, hôn mê gan;
  • Bệnh Addison;
  • Ngộ độc digitalis;
  • Phụ nữ đang cho con bú.

7. Thận trọng khi sử dụng thuốc Furosan

Thận trọng khi sử dụng thuốc Furosan trong những trường hợp sau đây:

  • Nên điều trị tình trạng hạ huyết áp, giảm thể tích máu và bất kỳ rối loạn acid – base nào trước khi sử dụng thuốc Furosan. Hạ huyết áp có thể dẫn đến chóng mặt, ngất hoặc mất ý thức ở bệnh nhân điều trị với thuốc Furosan, đặc biệt ở người cao tuổi;
  • Chỉnh liều thuốc Furosan cẩn thận (để giảm nguy cơ độc thính giác) ở bệnh nhân giảm nồng độ protein huyết (hội chứng thận hư...) và sung huyết gan ở mức độ trung bình;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Furosan trong trường hợp suy gan, suy thận và hội chứng gan thận, đái tháo đường, người cao tuổi, bệnh nhân tiểu tiện khó hoặc có nguy cơ tắc nghẽn đường tiết niệu như phì đại tuyến tiền liệt lành tính, gout, bệnh nhân có nguy cơ té ngã do hạ huyết áp;
  • Cần thường xuyên theo dõi bệnh nhân loạn tạo máu (ngưng thuốc Furosan ngay nếu xảy ra), tổn thương gan, tăng nguy cơ hình thành sỏi calci, sỏi lithi thận ở trẻ sinh non;
  • Trong quá trình điều trị, cần theo dõi chỉ số BUN thường xuyên;
  • Có thể tăng nồng độ creatinin, ure trong huyết thanh, nồng độ Cholesterol và Triglycerid huyết thanh có thể tăng nhưng sẽ trở về bình thường trong vòng 6 tháng sử dụng Furosemid;
  • Thuốc Furosan có thể gây đau đầu, chóng mặt, ngất, hạ huyết áp, giảm tinh thần..., cần cảnh báo cho bệnh nhân lái xe, vận hành máy móc, làm việc trên cao hoặc người đang thực hiện các công việc nguy hiểm khác đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung;
  • Thời kỳ mang thai: độc tính gây quái thai trên sự phát triển phôi thai chưa được xác định rõ trên người. Tuy nhiên không nên sử dụng thuốc Furosan ở phụ nữ mang thai, trừ khi lợi ích vượt hơn hẳn nguy cơ;
  • Thời kỳ cho con bú: Dùng thuốc Furosan trong thời kỳ cho con bú có nguy cơ ức chế bài tiết sữa, nên ngừng cho con bú nếu dùng thuốc Furosan là cần thiết. Furosemid trong thuốc Furosan có thể phân bố vào sữa hoặc ức chế tiết sữa, vì vậy nên thận trọng ở phụ nữ cho con bú.

8. Tương tác thuốc của thuốc Furosan

Tương tác thuốc của thuốc Furosan có thể xảy ra trong quá trình như sau:

  • Sử dụng thuốc Furosan đồng thời với thuốc hạ huyết áp sẽ làm tăng tác động hạ huyết áp. Nên ngừng sử dụng thuốc Furosan hoặc giảm liều trước khi bắt đầu dùng thuốc ức chế men chuyển do furosemid có thể tương tác gây tổn thương thận.
  • Hạ kali huyết do furosemid làm tăng nguy cơ gây độc tim, tránh sử dụng thuốc Furosan đồng thời với pimozide.
  • Tăng nguy cơ loạn nhịp thất khi dùng thuốc Furosan với Amisulpride hoặc Sertindole;
  • Tăng tác động hạ huyết áp khi dùng thuốc Furosan với phenothiazin;
  • Dùng thuốc Furosan với thuốc chống loạn nhịp (amiodaron, disopyramid, sotalol...) làm tăng nguy cơ độc tim (do giảm kali huyết);
  • Tác động của lidocain, tocainid, mexiletine có thể bị đối kháng bởi furosemid;
  • Dùng thuốc Furosan với thuốc Glycosid tim có thể gây hạ kali huyết và rối loạn điện giải, làm tăng nguy cơ độc tim;
  • Tăng tác động hạ huyết áp khi dùng thuốc Furosan với thuốc Thymoxamin hoặc Hydralazin;
  • Dùng thuốc Furosan với thuốc ức chế renin: Aliskiren làm giảm nồng độ huyết tương của furosemid;
  • Dùng thuốc Furosan với thuốc Nitrat làm tăng tác động hạ huyết áp;
  • Furosemid làm giảm đào thải lithi, từ đó làm tăng nồng độ lithi huyết tương, tăng nguy cơ gây độc, vì vậy cần tránh sử dụng đồng thời lithi với thuốc Furosan trừ khi nồng độ lithi trong huyết tương được kiểm soát;
  • Sucralfat có thể làm giảm hấp thu ở đường tiêu hóa của furosemid, nên sử dụng cách nhau 2 giờ;
  • Dùng thuốc Furosan với thuốc điều hòa lipid – khử acid mật sẽ làm giảm hấp thu của Furosemid, nên sử dụng các thuốc này cách nhau 2 – 3 giờ;
  • Dùng thuốc Furosan với thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) làm tăng nguy cơ độc thận, Indomethacin và Ketorolac có thể đối kháng tác dụng của hoạt chất furosemid.
  • Dùng thuốc Furosan có thể làm tăng nguy cơ gây độc thần kinh thính giác gây ra bởi Aminoglycosid, Polymyxin hoặc Vancomycin. Ngoài ra, Furosemid còn có thể làm giảm nồng độ vancomycin huyết tương sau phẫu thuật tim;
  • Tác động hạ glucose huyết của thuốc trị đái tháo đường bị đối kháng bởi hoạt chất furosemid, vì vậy có thể cần tăng liều insulin;
  • Thuốc chống động kinh: thuốc Furosan làm tăng nguy cơ hạ natri máu (carbamazepin), giảm tác dụng lợi tiểu (phenytoin);
  • Dùng thuốc Furosan với thuốc ức chế thần kinh trung ương (clopromazin, diazepam, clonazepam, halothan, ketamin) làm tăng tác dụng hạ huyết áp.

Thuốc Furosan với hoạt chất là Furosemide, đây là thuốc lợi tiểu được khuyến cáo sử dụng trong tất cả các trường hợp cần lợi tiểu nhanh. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn và tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ tư vấn, hạn chế nguy cơ tác dụng phụ không mong muốn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan