Công dụng thuốc Gomlami

Gomlami thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus và kháng nấm. Hiện nay thuốc được kê đơn dùng trong điều trị các bệnh viêm gan, xơ gan và ghép gan... Việc dùng thuốc bắt buộc phải có sự chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

1. Thành phần và công dụng thuốc Gomlami

Thành phần chính của thuốc Gomlami gồm có:

  • Lamivudine 100mg;
  • Các loại tá dược vừa đủ theo hàm lượng;
  • Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén, bao phim, đóng hộp 1 vỉ x 10 viên; 2 vỉ x 10 viên hoặc 3 vỉ x 10 viên.

Với thành phần và hoạt chất trên, thuốc Gomlami được chỉ định cho những bệnh lý sau: Viêm gan siêu vi B mạn tính, Men gan ALT huyết thanh cao, suy giảm miễn dịch, xơ gan còn bù và mất bù, bệnh gan dạng viêm... Sẽ tùy theo từng tình trạng bệnh lý, độ tuổi và sức khỏe hiện tại mà bác sĩ sẽ cân nhắc liều dùng sao cho phù hợp nhất với bệnh nhân.

Hiện thuốc Gomlami dùng được cho cả người lớn và trẻ em.

2. Liều dùng thuốc Gomlami

Người bệnh có thể tham khảo liều dùng sau đây:

Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:

  • Liều thuốc khuyến cáo: 100mg x 1 lần/ ngày.

Trẻ em dưới 12 tuổi:

  • Liều dùng 3mg/ kg x 1 lần/ ngày, (tối đa 100mg/ ngày)

Tham khảo liều dùng đề nghị:

Nhiễm HIV:

Người lớn và thiếu niên 16 tuổi trở lên:

  • Cân nặng ≥ 50kg: 150mg Lamivudine và 300mg Zidovudine, cách 12 giờ 1 lần.
  • Cân nặng < 50kg: 2mg Lamivudine/ kg thể trọng và 4mg Zidovudine/ kg thể trọng, cách 12 giờ/ lần.

Thiếu niên 12 tuổi trở lên đến 16 tuổi:

  • Cân nặng ≥ 50kg: 150mg Lamivudine và 300mg Zidovudine, cách 12 giờ/ lần.
  • Cân nặng < 50kg: Chưa có tư liệu đầy đủ để chỉ dẫn liều dùng.
  • Trẻ em từ 3 tháng đến 12 tuổi: 4mg Lamivudine/kg, cách 12 giờ/ lần, tối đa tới liều 300mg Lamivudine mỗi ngày.

Liều điều trị viêm gan siêu vi B mạn tính:

  • Người lớn: 100mg, ngày uống 1 lần.
  • Trẻ em trên 2 tuổi: 3mg/ kg, ngày uống 1 lần, tối đa 100mg/ ngày.
  • Bệnh nhân suy thận: Phải giảm liều theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ và dùng theo đúng chỉ định để có được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất.

3. Dùng thuốc Gomlami quá liều và quên liều nên xử lý thế nào?

Gomlami nằm trong danh mục thuốc kê đơn, vì thế để đạt được hiệu quả cao trong điều trị thì bệnh nhân nên uống thuốc đủ lượng và đúng liều theo chỉ định. Khi xảy ra tình trạng quên hoặc quá liều nên xử lý theo hướng dẫn sau:

  • Quên liều thuốc: Dùng Gomlami ngay khi nhớ ra nếu thời gian quên chưa quá lâu. Trường hợp thời gian quên liều quá xa, gần đến thời gian uống liều kế tiếp bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên và dùng thuốc ở những liều sau như bình thường. Tuyệt đối không dùng bù liều Gomlami.
  • Quá liều thuốc: Khi xác định quá liều Gomlami thì nên trao đổi ngay với bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn về cách xử trí. Ngoài ra, trong thời gian này nếu cơ thể xuất hiện những phản ứng bất thường cần tới cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra kịp thời. Bởi quá liều là trường hợp nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng nếu không được can thiệp sớm.

Trong quá trình dùng thuốc Gomlami để điều trị thì bệnh nhân nên hạn chế tối đa trường hợp quên liều, quá liều. Nếu điều này thường xuyên diễn ra có thể làm thời gian điều trị bệnh kéo dài hơn và không đạt được kết quả điều trị như mong muốn.

4. Những tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc Gomlami

Một vài trường hợp bệnh nhân trong quá trình sử dụng thuốc Gomlami có thể xuất hiện những tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng với những biểu hiện thường thấy như:

  • Thường gặp: Nhức đầu, mất ngủ, khó chịu, người có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, trầm cảm, chán ăn, đau bụng và khó tiêu...
  • Ít gặp: Trường hợp hiếm có thể xuất hiện viêm tụy, giảm tiểu cầu và tăng bilirubin huyết.

Khi gặp những phản ứng phụ, điều cần làm là thông báo cho bác sĩ, dược sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại để nắm rõ tình hình cũng như đưa ra phương án xử lý phù hợp. Trong trường hợp đặc biệt, bệnh nhân có thể cần ngừng dùng thuốc hoặc đổi sang sản phẩm khác có tác dụng tương tự.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu những phản ứng phụ có thể xảy ra, người bệnh nên chú ý tới một vài vấn đề sau:

  • Không nên dùng Gomlami cho người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Thuốc Gomlami chỉ nên dùng đúng liều, đủ lượng, không tự ý tăng hoặc giảm liều khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Người bị suy gan, suy thận nên cần thận trọng khi dùng Gomlami.
  • Không nên kết hợp dùng nhiều loại thuốc kháng sinh trong thời gian này.
  • Hạn chế tối đa uống rượu, bia, sử dụng chất có cồn, đồ uống chất kích thích trong quá trình dùng thuốc Gomlami.
  • Trẻ nhỏ và người già là đối tượng hay gặp phản ứng phụ, do đó cần hết sức lưu ý khi dùng Gomlami.
  • Nghiêm cấm sử dụng thuốc Gomlami cho phụ nữ đang mang thai và nuôi con bú. Bởi thành phần trong thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cũng như thai nhi.

Một lưu ý nhỏ khác là sau khi ngưng sử dụng Lamivudin, người bệnh có nguy cơ bị tái phát viêm gan siêu vi B mãn tính. Vì thế nên theo dõi định kỳ trên lâm sàng và đánh giá thử nghiệm chức năng gan trong huyết thanh trong khoảng thời gian 4 tháng để tìm bằng chứng viêm gan siêu vi tái phát.

Trên đây là những thông tin về công dụng thuốc Gomlami, trước khi dùng thì người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn và tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ. Việc dùng thuốc đúng liều lượng, chỉ định sẽ mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

21 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan