Công dụng thuốc Neuronstad

Thuốc Neuronstad là thuốc chống động kinh, được dùng để làm giảm tình trạng động kinh cục bộ và giảm triệu chứng đau thần kinh. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về thuốc qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Neuronstad công dụng gì?

Thành phần chính của thuốc Neuronstad là Gabapentin 300mg, với dạng bào chế là viên nang.

Gabapentin là thuốc thuốc nhóm thuốc chống động kinh, cơ chế hiện tại chưa thực sự rõ ràng. Cấu trúc hóa học của gabapentin tương tự chất ức chế dẫn truyền thần kinh là acid gama-aminobutyric (GABA), nhưng chất gabapentin không tác động trực tiếp lên các thụ thể GABA và không làm thay đổi cấu trúc, giải phóng, chuyển hóa và sự phục hồi GABA.

Sau khi uống Gabapentin hấp thu qua đường tiêu hoá, thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khi uống 2 giờ và đạt nồng độ ổn định trong huyết tương sau 1–2 ngày. Khi được hấp thu Gabapentin sẽ phân bố khắp cơ thể, vào sữa mẹ và Gabapentin hầu như không chuyển hóa trong cơ thể. Sau đó, thuốc được thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng không đổi. Thời gian bán thải của gabapentin trung bình khoảng 5–7 giờ ở người có chức năng thận bình thường. Ở những người bệnh cao tuổi và người bệnh suy giảm chức năng thận, độ thanh thải gabapentin bị giảm.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Neuronstad

Chỉ định:

Thuốc Neuronstad được chỉ định trong các trường hợp sau:

Chống chỉ định:

Thuốc Neuronstad không dùng trong các trường hợp: Mẫn cảm với gabapentin hay bệnh nhân mẫn cảm bất cứ thành phần nào của thuốc.

3. Liều dùng và cách dùng của thuốc Neuronstad

Cách dùng:

Thuốc dùng bằng đường uống. Thời điểm uống thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn, vì gần như thức ăn không ảnh hưởng tới hấp thu. Liều dùng:

Trường hợp động kinh:

  • Người lớn và trẻ em > 12 tuổi: Ngày đầu tiên uống 300 mg x 1 lần. Ngày thứ 2 uống 300 mg/lần x 2 lần. Ngày thứ 3 uống 300 mg/lần x 3 lần. Sau đó liều có thể tăng thêm từng bước 300 mg/ngày, dựa trên đáp ứng của người bệnh và sự dung nạp thuốc của bệnh nhân cho đến khi đạt liều điều trị hiệu quả, liều thông thường là 900–1800 mg/ngày, chia 3 lần. Lưu ý tối đa không quá 2400 mg/ngày. Nên dùng nhiều lần thì khoảng cách dùng thuốc không nên quá 12 giờ. Khi dùng với liều cao có thể chia 4 lần/ngày.

Đối với người bệnh suy thận: Cần chỉnh liều thích hợp dựa vào độ thanh thải creatinine, được khuyến cáo như sau:

  • Độ thanh thải creatinine từ 50-70 mL/phút dùng với liều từ 600–1200 mg/ngày, chia 3 lần.
  • Độ thanh thải creatinine từ 30-49 mL/phút dùng với liều từ 300-600 mg/ngày, chia 3 lần.
  • Độ thanh thải creatinine từ 15-29 mL/phút dùng với liều 300 mg/ngày, chia 3 lần.
  • Độ thanh thải creatinine từ dưới 15 mL/phút dùng với liều 300mg cách ngày một lần, chia làm 3 lần.
  • Thẩm phân máu: Liều ban đầu là 300-400mg, sau đó 200–300 mg sau mỗi 4 giờ thẩm phân máu
  • Trẻ em 6–12 tuổi hay trẻ có cân nặng 30–36kg: Ngày đầu tiên dùng 300 mg x 1 lần/ngày. Ngày thứ hai dùng 300 mg x 2 lần/ngày. Ngày thứ ba 300mg x 3 lần/ngày. Liều thông thường cho trẻ em là 300 mg/lần x 3 lần/ngày. Một số trẻ không dung nạp được phần tăng thêm hàng ngày thì cần kéo dài khoảng thời gian tăng thêm khoảng mỗi tuần.
  • Trẻ dưới 12 tuổi: Hiện chưa có đánh giá về việc sử dụng thuốc Neuronstad cho trẻ em dưới 12 tuổi đang bị suy giảm chức năng thận.

Điều trị đau do nguyên nhân thần kinh:

  • Người lớn: Uống không quá 1800 mg/ngày và chia 3 lần. Hoặc cách dùng khác có thể dùng là tăng dần liều như sau: Ngày thứ nhất dùng 300 mg; Ngày thứ hai dùng 300 mg/lần x 2 lần/ngày; Ngày thứ ba dùng 300 mg/lần x 3 lần/ngày. Tiếp theo tăng thêm tùy đáp ứng và dung nạp thuốc, có thể dùng tới liều tối đa là 1800mg/ngày và chia 3 lần.
  • Người cao tuổi: Khi dùng cần điều chỉnh liều do giảm chức năng thận.

Quá liều và quên liều:

  • Quá liều: Có thể xảy ra và gây ra các triệu chứng như các tác dụng phụ Hầu hết các trường hợp người bệnh bị quá liều đều hồi phục sau khi sử dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ. Có thể loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể bằng thẩm phân máu.
  • Quên liều: Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng khi nhớ ra càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu nhớ ra việc dùng thuốc gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dùng liều kế tiếp vào thời điểm bình thường.

4. Tác dụng phụ của thuốc Neuronstad

Khi sử dụng thuốc Neuronstad ngoài tác dụng điều trị bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn:

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Thần kinh: Vận động mất khả năng phối hợp, rung giật nhãn cầu, cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, phù, buồn ngủ, suy giảm trí nhớ.
  • Đối với trẻ em dưới 12 tuổi: Có thể gặp các vấn đề về thần kinh như lo âu, thay đổi cách ứng xử như hay quấy khóc, cảm giác sảng khoái hoặc trầm cảm, quá kích động, có thái độ chống đối...
  • Tiêu hóa: Cảm giác tiêu, khô miệng, táo bón, đau bụng, ỉa chảy.
  • Phù mạch ngoại biên cũng có thể gặp.
  • Hô hấp: Viêm mũi, viêm họng, viêm phổi.
  • Mắt: Nhìn đôi, giảm thị lực.
  • Cơ xương khớp: Đau cơ, đau khớp.
  • Da: Mẩn ngứa, ban da.
  • Khác: Giảm bạch cầu,iệt dương.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, bạn cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

5. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Neuronstad

Trước khi sử dụng thuốc cần nói với bác sĩ về tiền sử bệnh và tiền sử dị ứng của bản thân.

Thận trọng khi sử dụng thuốc cho một số đối tượng sau:

  • Đối với những người có tiền sử rối loạn tâm thần, người suy giảm chức năng thận và thẩm phân máu.
  • Đối với người lái xe và vận hành máy móc: Gabapentin có tác động lên hệ thần kinh trung ương và có thể gây ra buồn ngủ, chóng mặt hoặc các triệu chứng tương tự khác. Những triệu chứng đó gây ảnh hưởng tới người lái xe và cũng có thể là nguy hiểm tiềm tàng. Điều này đặc biệt hay gặp khi bắt đầu điều trị và sau khi người bệnh tăng liều.
  • Thời kỳ mang thai: Nghiên cứu thấy Gabapentin gây quái thai trên động vật gặm nhấm. Nhưng hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ trên phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc Neuronstad cho người mang thai khi thật sự cần thiết và đã cân nhắc kỹ lợi ích cao hơn so với nguy cơ cho thai nhi.
  • Thời kỳ cho con bú: Khi dùng đường uống gabapentin có thể vào được sữa mẹ. Nhưng tác dụng của thuốc trên trẻ sơ sinh còn chưa rõ, vì vậy chỉ dùng gabapentin ở phụ nữ cho con bú khi thật cần thiết, nên ngừng cho con bú khi dùng thuốc để đảm bảo an toàn.
  • Thuốc có thể gây ra hiện tượng dương tính giả khi xét nghiệm protein niệu ở những bệnh nhân dùng gabapentin.
  • Không nên dừng thuốc Neuronstad một cách đột ngột, vì điều đó có thể làm tăng tần suất các cơn động kinh. Trước khi ngừng thuốc này hoặc chuyển sang sử dụng thuốc chống động kinh khác cần phải giảm liều trong vòng ít nhất 7 ngày.
  • Tương tác thuốc: Thuốc kháng acid làm giảm sinh khả dụng của thuốc gabapentin khoảng 20% do làm ảnh hưởng đến hấp thu thuốc. Phải dùng gabapentin sau thuốc kháng acid ít nhất 2 giờ.

Trên đây là những thông tin về thuốc Neuronstad. Thuốc này là một thuốc kê đơn, nên bạn chỉ dùng khi có chỉ định và nếu có điều chưa hiểu có thể hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan