Công dụng thuốc Paesonazol 40

Paesonazol 40 thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, có thành phần chính Esomeprazol, thường được chỉ định trong các trường hợp bị trào ngược dạ dày- thực quản, viêm thực quản hoặc loét dạ dày- tá tràng.

1. Paesonazol 40 là thuốc gì?

Thuốc Paesonazol 40 có thành phần chính esomeprazol là chất ức chế bơm proton làm giảm tiết acid dạ dày bằng cách ức chế chuyên biệt enzym H+-K+- ATPase tại thành tế bào của dạ dày. Esomeprazol là đồng phân S của omeprazol, được proton hoá và biến đổi thành chất ức chế có hoạt tính trong môi trường acid ở tế bào thành, dạng sulphenamide tự do. Do tác động chuyên biệt trên bơm proton, esomeprazol ngăn chặn bước cuối cùng trong quá trình sản xuất acid, từ đó làm giảm nồng độ acid dạ dày.

Về dược động học, esomeprazol được hấp thu nhanh sau khi uống và đạt nồng độ đỉnh sau 1-2 giờ. Thức ăn có thể làm chậm và làm giảm độ hấp thu của esomeprazol nhưng không làm thay đổi tác dụng lên độ acid dạ dày. Esomeprazol liên kết chủ yếu với protein huyết tương, chuyển hoá mạnh ở gan và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu và phân dưới dạng chất chuyển hoá.

Thuốc Paesonazol 40 thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

Các chống chỉ định của thuốc Paesonazol 40 gồm có:

  • Bệnh nhân mẫn cảm với esomeprazol hay các dẫn chất benzimidazol hoặc bất cứ thành phần nào của Paesonazol 40;
  • Phối hợp với Nelfinavir.

2. Liều sử dụng của thuốc Paesonazol 40

Paesonazol 40 nên được uống nguyên viên và trước khi ăn ít nhất 1 giờ, không được nhai hay nghiền. Tuỳ thuộc vào đối tượng và mục tiêu điều trị mà liều dùng của Paesonazol 40 sẽ có sự khác biệt, cụ thể như sau:

  • Hội chứng trào ngược dạ dày- thực quản: Dùng liều 40mg/ ngày trong 4 tuần. Có thể kéo dài thêm 4 tuần đối với bệnh nhân không lành bệnh sau 4 tuần điều trị.
  • Ngăn ngừa xuất huyết do loét dạ dày với bệnh nhân điều trị kéo dài: Dùng 40mg x 1 lần/ ngày trong 4 tuần. Sau khi tiêm tĩnh mạch ngăn ngừa tái phát xuất huyết do loét dạ dày.
  • Hội chứng Zollinger Ellison: Liều khởi đầu khuyến cáo là 40mg x 2 lần/ ngày. Liều lượng có thể được chỉnh riêng và điều trị tiếp tục dựa trên chỉ định lâm sàng. Dựa trên các dữ liệu lâm sàng, đa số bệnh nhân có thể kiểm soát với liều từ 80-160mg Esomeprazol mỗi ngày. Với liều trên 80 mg/ngày nên chia 2 lần uống.
  • Người cao tuổi: Không cần chỉnh liều.
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan nhẹ và vừa. Liều esomeprazol cho bệnh nhân suy gan nặng không quá 20mg/ ngày
  • Bệnh nhân suy thận: không cần chỉnh liều ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận nhưng cần điều trị thận trọng với người suy thận nặng vì kinh nghiệm sử dụng thuốc ở bệnh nhân này còn hạn chế.
  • Trẻ em trên 12 tuổi: điều trị trào ngược dạ dày- thực quản, uống 40 mg x 1 lần/ ngày trong 4 tuần. Khuyến cáo điều trị thêm 4 tuần đối với bệnh nhân thực quản không lành hoặc ở bệnh nhân có triệu chứng dai dẳng

Khi dùng liều cao 2400mg (gấp 120 lần liều khuyến cáo) có thể gây ra các triệu chứng quá liều đa dạng như nhầm lẫn, lơ mơ, nhìn mờ, tim nhanh, buồn nôn, toát mồ hôi, đỏ bừng, nhức đầu và khô miệng. Hiện nay chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho esomeprazol vì esomeprazol liên kết mạnh với protein huyết tương nên không thể được loại bỏ dễ dàng bằng phương pháp thẩm tính. Khi quá liều xảy ra, chủ yếu là dùng biện pháp điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Paesonazol 40:

Ở một số bệnh nhân khi sử dụng thuốc Paesonazol 40 có thể gặp các tác dụng phụ như:

  • Đau đầu, chóng mặt, ban ngoài da;
  • Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, khô miệng;
  • Mệt mỏi, mất ngủ, buồn ngủ, phát ban, ngứa, dị cảm;
  • Rối loạn thị giác;
  • Hiếm gặp: Sốt, toát mồ hôi, phù ngoại biên, mẫn cảm với ánh sáng, rụng tóc, phản ứng quá mẫn;
  • Kích động, trầm cảm, lú lẫn, ảo giác;
  • Nhiễm khuẩn hô hấp;
  • Tăng men gan, viêm gan, vàng da, suy chức năng gan;
  • Rối loạn vị giác, viêm miệng;
  • Chứng vú to ở nam;
  • Đau cơ, đau khớp, loãng xương, gãy xương
  • Viêm thận kẽ;
  • Ban bọng nước, hội chứng Steven- Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, viêm da;
  • Làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở đường tiêu hoá.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Paesonazol 40

Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc Paesonazol 40 gồm có:

  • Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiêu hoá khi dùng thuốc ức chế bơm proton như Paesonazol 40 có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng với tác nhân salmonella và campylobacter.
  • Esomeprazol có thể làm giảm hấp thu vitamin B12 nên cần thận trọng ở bệnh nhân giảm thể trọng hoặc có nguy cơ giảm hấp thu vitamin B12 trong điều trị dài hạn.
  • Hạ huyết áp có thể xảy ra ở bệnh nhân điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton như esomeprazol dài hạn trong ít nhất 3 tháng và hầu hết ở 1 năm. Trong hầu hết các trường hợp hạ huyết áp sẽ được cải thiện khi bổ sung magnesi và ngưng PPI.
  • Đối với bệnh nhân dự kiến được điều trị kéo dài hoặc dùng PPIs với Digoxin hoặc các thuốc có thể gây giảm kali huyết (như thuốc lợi tiểu) thì bác sĩ nên cân nhắc đo nồng độ magnesi trước khi bắt đầu điều trị PPI và kiểm tra nồng độ magnesi định kỳ trong suốt quá trình điều trị.
  • Thuốc ức chế bơm proton đặc biệt dùng liều cao trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ gãy xương hông, xương cổ tay và xương cột sống, xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ khác được ghi nhận. Bệnh nhân bị loãng xương nên được chăm sóc theo các hướng dẫn lâm sàng, nên bổ sung đủ hàm lượng vitamin D và canxi.
  • Sự đáp ứng triệu chứng với việc điều trị bằng esomeprazol không ngăn chặn được sự xuất hiện khối u dạ dày ác tính. Viêm teo dạ dày đôi khi được ghi nhận qua sinh thiết dạ dày ở bệnh nhân điều trị dài hạn bằng esomeprazol.
  • Sử dụng thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ tiến triển nhiễm trùng (như viêm phổi cộng đồng).
  • Chưa có nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng Esomeprazol trên phụ nữ mang thai do đó chỉ sử dụng Paesonazol 40 khi thật cần thiết.
  • Chưa biết esomeprazol có bài tiết qua sữa mẹ hay không do đó không nên dùng esomeprazol khi đang cho con bú.
  • Esomeprazol ít có khả năng ảnh hưởng đến việc lái xe hay sử dụng máy móc. Các phản ứng bất lợi như chóng mặt (ít gặp), nhìn mờ (hiếm gặp) khi phát hiện ở bệnh nhân dùng Paesonazol 40 thì không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.

5. Các tương tác thuốc với Paesonazol 40

  • Esomeprazol làm tăng pH dạ dày ảnh hưởng đến sinh khả dụng của các thuốc hấp thu phụ thuộc độ pH như ketoconazol, muối sắt và Digoxin.
  • Dùng đồng thời Esomeprazol với các thuốc gây cảm ứng CYP2C19 và CYP3A4 như Rifampicin làm giảm nồng độ esomeprazol.
  • Có thể làm tăng nguy cơ hạ magnesi huyết khi dùng Esomeprazol cùng với các thuốc cũng gây hạ magnesi như lợi tiểu thiazid hoặc lợi tiểu quai. Kiểm tra nồng độ magnesi trước khi bắt đầu dùng thuốc ức chế bơm proton và định kỳ sau đó.
  • Không dùng đồng thời Esomeprazol với Atazanavir vì có thể làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương và làm giảm tác dụng kháng virus.
  • Dùng đồng thời các thuốc ức chế bơm proton và Clopidogrel làm giảm nồng độ trong huyết tương của chất chuyển hoá có hoạt tính của Clopidogrel.
  • Sucralfat có thể ức chế hấp thu và giảm sinh khả dụng của esomeprazol. Do đó nên dùng các thuốc ức chế bơm proton ít nhất 30 trước khi dùng sucralfat.
  • Dùng esomeprazol với Tacrolimus có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh của tacrolimus.
  • Dùng đồng thời esomeprazol với Diazepam làm giảm chuyển hóa và tăng nồng độ Diazepam trong huyết tương
  • Paesonazol 40 có chứa thành phần đường vì vậy những bệnh nhân gặp các vấn đề di truyền hiếm gặp không dung nạp fructose, glucose- galactose cần thận trọng khi sử dụng thuốc này.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Paesonazol 40, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng. Lưu ý, Paesonazol 40 là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, gây biến chứng nặng nề.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan