Công dụng thuốc Pzitam

Pzitam thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần. Với thành phần chính bao gồm Piracetam và Cinnarizin, Pzitam được dùng trong điều trị một số bệnh lý liên quan đến mạch máu não, giúp cải thiện hưng trí.

1. Thuốc Pzitam có tác dụng gì?

Pzitam có thành phần chính là Piracetam hàm lượng 400mg và Cinnarizin hàm lượng 25mg. Tác dụng của từng hoạt chất trong Pzitam cụ thể như sau:

  • Piracetam: Có tác dụng hưng trí bằng cách cải thiện chuyển hóa của tế bào thần kinh.
  • Cinnarizin: Có tác dụng làm giảm co bóp cơ trơn mạch máu. Hoạt chất Cinnarizine khi dùng không gây độc hại và không làm cản trở các chức năng sinh lý quan trọng của cơ thể như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh trung ương.

Pzitam được bào chế dưới dạng viên nang cứng và được chỉ định dùng trong những trường hợp sau:

  • Điều trị suy mạch máu não mãn tính và tiềm tàng do xơ vữa động mạch hoặc tăng huyết áp động mạch.
  • Điều trị đột quỵ và sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở não gây ra ở người bệnh bị loạn trương lực mạch máu.
  • Điều trị nhược não sau chấn thương.
  • Pzitam cũng được dùng trong điều trị bệnh não do hội chứng tâm thần - thực thể với rối loạn trí nhớ và chức năng nhận thức khác, hoặc rối loạn xúc cảm - ý muốn.
  • Điều trị bệnh lý mê đạo để làm giảm các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chóng mặt, ù tai, rung giật nhãn cầu.
  • Điều trị hội chứng Ménière và dự phòng đau nửa đầu hay đau yếu về vận động.
  • Ngoài ra, Pzitam cũng được dùng ở trẻ chậm phát triển trí não để cải thiện quá trình nhận thức của trẻ.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Pzitam

Pzitam được dùng theo đường uống, uống nguyên viên thuốc với nước, không được làm vỡ nang của viên thuốc trước khi uống, có thể uống thuốc lúc bụng đói hoặc no đều được.

Liều dùng Pzitam ở từng nhóm đối tượng được khuyến cáo như sau:

  • Người lớn: 1 - 2 viên/lần, uống 3 lần/ngày, thời gian dùng thuốc từ 1 - 3 tháng.
  • Trẻ em: 1 - 2 viên/lần, uống từ 1 - 2 lần/ngày.
  • Bệnh nhân suy thận từ mức độ nhẹ đến vừa: Điều chỉnh giảm liều hoặc giãn thời gian giữa các lần sử dụng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Pzitam

Pzitam nếu dùng liên tục trong thời gian dài ở người cao tuổi có thể gây tác dụng phụ là hội chứng ngoại tháp. Còn lại, thuốc rất hiếm khi gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, da nhạy cảm với ánh sáng, phản ứng trên da.

Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng Pzitam, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc sớm đến cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe.

4. Một số lưu ý khi dùng Pzitam

  • Không được dùng Pzitam ở người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, người bị suy thận nặng, suy gan, đột quỵ kèm theo xuất huyết, rối loạn chuyển hóa porphyrin, người bị Huntington.
  • Cần thận trọng khi dùng Pzitam ở phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú, người bị bệnh Parkinson, tăng nhãn áp, các vấn đề về di truyền như thiếu hụt lactase, kém hấp thu galactose hoặc glucose. Nhóm đối tượng này cần tránh dùng thuốc cùng với rượu.
  • Pzitam có thể tương tác với các thuốc bao gồm thuốc chống đông máu, giãn mạch, hạ huyết áp, chống trầm cảm ba vòng, ức chế thần kinh trung ương, hormon tuyến giáp. Vì vậy, người bệnh cần thông tin cho bác sĩ về các loại thuốc đang dùng (thuốc không kê đơn hoặc có kê đơn, thảo dược, thực phẩm chức năng) để tránh tương tác trước khi dùng thuốc.

Công dụng của Pzitam là làm hưng trí và giảm co bóp cơ trơn mạch máu ở người bệnh suy mạch máu não mãn tính, đột quỵ, nhược não, bệnh não, bệnh lý mê đạo, ... Ngoài ra, thuốc cũng được dùng ở trẻ chậm phát triển để cải thiện quá trình nhận thức ở trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan