Công dụng thuốc Risperdal 1mg

Risperidone là một hoạt chất chống loạn thần, được sử dụng phổ biến trong điều trị tâm thần phân liệt. Risperdal 1mg là sản phẩm chứa hoạt chất Risperidone. Vậy cần sử dụng Risperdal 1mg như thế nào?

1. Risperdal 1mg là thuốc gì?

Risperdal 1mg bào chế ở dạng viên nén bao phim chứa hoạt chất Risperidone hàm lượng 1mg. Ngoài ra, sản phẩm này còn có dạng bào chế khác như Risperdal 2mg hoặc dung dịch siro uống Risperdal 1mg/ml. Hoạt chất Risperidone thuộc nhóm đối kháng có chọn lọc monoaminergic với những đặc tính riêng biệt. Hoạt chất trong thuốc Risperdal 1mg có ái lực cao với thụ thể 5-HT2 của Serotonin và thụ thể D2 của Dopamin. Đồng thời, Risperidone có khả năng gắn kết với thụ thể alpha1-adrenergic, liên kết yếu hơn với thụ thể H1 Histamin và alpha2-adrenergic và hoàn toàn không có ái lực với các thụ thể cholinergic.

Risperidone đối kháng mạnh với Dopamin tại thụ thể D2 nên cải thiện hiệu quả các triệu chứng dương tính của tâm thần phân liệt. Bên cạnh đó nó còn ít gây ức chế các hoạt động về vận động hay chứng giữ nguyên tư thế so với các thuốc an thần kinh kinh điển khác. Tác dụng đối kháng Dopamine và Serotonin của Risperdal 1mg khi đạt trạng thái cân bằng sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ ngoại tháp, đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị với các triệu chứng âm tính và triệu chứng rối loạn cảm xúc ở người bị tâm thần phân liệt.

2. Chỉ định và chống chỉ định của Risperdal 1mg

Risperdal 1mg được chỉ định điều trị trong các bệnh lý sau:

  • Loạn thần, đặc biệt là tâm thần phân liệt cấp và mạn tính;
  • Điều trị ngắn ngày cho các đợt hưng cảm cấp tính mức độ từ vừa đến nặng;
  • Chứng tự kỷ kèm rối loạn hành vi ở trẻ 5-11 tuổi.

Bên cạnh đó, sản phẩm Risperdal 1mg không được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người dùng quá liều nhóm Barbiturat, các sản phẩm có chứa thuốc phiện hoặc rượu;
  • Tiền căn từng dị ứng với Risperidone hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc Risperdal 1mg.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Risperdal 1mg

3.1. Liều lượng

Liều điều trị của Risperdal 1mg trong bệnh tâm thần phân liệt:

  • Người lớn: Khởi đầu với Risperdal 2mg ngày đầu tiên, sau đó tăng lên 4mg từ ngày thứ hai. Liều duy trì cần điều chỉnh tùy theo đáp ứng của từng người bệnh, đa số cảm thấy đáp ứng với liều Risperidon mỗi ngày từ 4 đến 6 mg;
  • Người cao tuổi: Khởi đầu với Risperdal 1mg 1⁄2 viên x 2 lần/ngày, sau đó tăng lên 1 – 2mg x 2 lần/ngày.

Liều điều trị các đợt hưng cảm cấp tính:

  • Người lớn: Khởi đầu với Risperdal 2mg, 1 lần/ngày, sau đó điều theo đáp ứng của người bệnh. Liều Risperidon mà hầu hết người bệnh cảm thấy tốt hơn là từ 1-6mg, mỗi ngày uống 1 lần;
  • Người cao tuổi: Liều khởi đầu là 1⁄2 viên Risperdal 1mg x 2 lần uống mỗi ngày, sau đó điều chỉnh tăng dần thành 1 đến 2 mg, 2 lần/ngày tùy theo mức độ đáp ứng của bệnh nhân.

Chứng mất trí nhớ Alzheimer:

  • Người lớn (bao gồm cả người cao tuổi): Liều khởi đầu của Risperidone là 0.25 mg x 2 lần/ngày, sau đó điều chỉnh theo đáp ứng của từng trường hợp. Đa số bệnh nhân cảm thấy tốt hơn ở liều 0.5 mg x 2 lần/ngày, số ít cần dùng Risperdal 1mg x 2 lần/ngày.
  • Cần lưu ý là thời gian điều trị bằng Risperdal 1mg cho chứng Alzheimer không kéo dài quá 6 tuần.

Risperdal 1mg không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, trường hợp tự kỷ kèm rối loạn hành vi ở trẻ 5-11 tuổi có thể sử dụng với liều lượng phụ thuộc cân nặng như sau:

  • Trẻ cân nặng < 50kg: Khởi đầu: 0.25mg x 1 lần/ngày, có thể tăng 0.25 mg mỗi ngày theo đáp ứng điều trị. Liều duy trì thông thường của Risperidone là 0.25-0.75 mg x 1 lần/ngày;
  • Trẻ cân nặng ≥ 50kg: Liều khởi đầu 1⁄2 viên Risperdal 1mg x 1 lần/ngày, có thể tăng 0.5mg mỗi ngày tùy theo bệnh nhân. Liều duy trì từ 0.5-1.5mg mỗi ngày một lần;
  • Thời gian sử dụng thuốc Risperdal 1mg cho trẻ rối loạn hành vi không vượt quá 6 tuần;
  • Trẻ dưới 5 tuổi không nên điều trị các rối loạn hành vi bằng Risperdal 1mg.

3.2. Cách dùng

  • Risperdal 1mg sử dụng bằng đường uống, chia làm 1-2 lần/ngày;
  • Risperdal 1mg có thể uống lúc no hoặc đói do thức ăn không ảnh hưởng đến mức độ hấp thu qua đường tiêu hóa của Risperidon.

3.3. Quá liều Risperdal 1mg và cách xử trí

Biểu hiện khi dùng quá liều Risperidon:

  • Dấu hiệu thường gặp là buồn ngủ, an thần kinh, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp;
  • Một số dấu hiệu quá liều khác bao gồm kéo dài khoảng QT, co giật, thậm chí ngừng tim ngừng thở.

Xử trí quá liều Risperdal 1mg:

  • Đảm bảo thông khí và cung cấp đủ oxy. Sau đó có thể tiến hành rửa dạ dày (nếu người bệnh mất ý thức cần đặt nội khí quản trước) và sử dụng than hoạt;
  • Tình trạng suy giảm ý thức, co giật hoặc loạn trương lực cơ vùng đầu cổ trong quá liều Risperdal 1mg làm tăng nguy cơ hít sặc khi kích thích nôn;
  • Theo dõi điện tâm đồ liên tục để phát hiện loạn nhịp do ngộ độc Risperidone. Khi xử trí loạn nhịp không được sử dụng Disopyramid, Procainamid và Quinidin vì nguy cơ kéo dài khoảng QT cao hơn do cộng hưởng tác dụng của Risperdal 1mg. Bên cạnh đó, tác dụng chẹn alpha adrenergic của Bretylium cộng hướng với hoạt chất Risperidone làm tăng nguy cơ hạ huyết áp. Do đó, không sử dụng các thuốc trên để xử trí loạn nhịp do ngộ độc Risperdal 1mg;
  • Risperidon không có thuốc giải độc đặc hiệu, do đó đa phần biện pháp điều trị chỉ là hỗ trợ và điều trị triệu chứng;
  • Điều trị hạ huyết áp và suy tuần hoàn bằng biện pháp truyền dịch và/hoặc sử dụng thuốc cường giao cảm. Tuy nhiên, không dùng Epinephrin và Dopamin vì khả năng kích thích beta sẽ làm hạ huyết áp nghiêm trọng hơn do tác dụng chẹn alpha của Risperidone;
  • Trường hợp ngộ độc Risperdal 1mg và có triệu chứng ngoại tháp nặng có thể sử dụng các thuốc kháng cholinergic.

4. Một số lưu ý khi sử dụng Risperdal 1mg

  • Có thể hạn chế nguy cơ hạ huyết áp thế đứng và ngất trong quá trình sử dụng Risperdal 1mg bằng cách điều chỉnh liều khởi đầu 1 mg x 2 lần/ngày cho người lớn bình thường, 0.5mg x 2 lần/ngày cho người cao tuổi, suy nhược, suy thận, suy gan và người có nguy cơ cao hạ huyết áp;
  • Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch (như xơ cứng động mạch nặng, suy tim, rối loạn dẫn truyền), bệnh mạch máu não hoặc có yếu tố nguy cơ gây hạ huyết áp (như mất nước, giảm tuần hoàn máu, sử dụng thuốc hạ huyết áp) và tiền sử động kinh, co cứng cơ hoặc hội chứng Parkinson cần khởi đầu và duy trì Risperdal 1mg liều thấp hơn so với bình thường;
  • Risperdal 1mg có thể gây rối loạn khả năng phán đoán, suy nghĩ và chức năng vận động. Do đó người bệnh không nên lái xe hay vận hành máy móc khi chưa loại trừ các tác dụng không mong muốn nêu trên;
  • Bệnh nhân đái tháo đường hoặc có nguy cơ đái tháo đường (như béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường...) cần theo dõi sát glucose huyết khi sử dụng Risperdal 1mg;
  • Bệnh nhân mắc hội chứng Parkinson hoặc sa sút trí tuệ khi sử dụng các thuốc chống loạn thần (bao gồm Risperdal 1mg) có nguy cơ tăng nhạy cảm với các thuốc này;
  • Cần đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc Risperdal 1mg cho người từng bị co giật;
  • Thận trọng khi chỉ định cho người cao tuổi bị sa sút trí tuệ uống Risperdal 1mg vì nguy cơ hít sặc vào phổi;
  • Risperdal 1mg điều trị cho trẻ em đòi hỏi phải theo dõi cân nặng;
  • Phụ nữ mang thai và đang cho bú khuyến cáo không sử dụng Risperdal 1mg.

5. Tác dụng phụ của thuốc Risperdal 1mg

Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc Risperdal 1mg:

  • Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ;
  • Biểu hiện hội chứng Parkinson do Risperdal 1mg như cử động chậm chạp hoặc suy yếu, căng cứng cơ bắp kèm các biểu hiện khác như run rẩy khi nghỉ, tăng tiết nước bọt, mất biểu cảm trên khuôn mặt;
  • Đau đầu;
  • Viêm phổi, viêm phế quản;
  • Dấu hiệu cảm lạnh thông thường, viêm xoang, nhiễm trùng tiết niệu;
  • Tăng cân, tăng cảm giác thèm ăn;
  • Khó chịu, trầm cảm, lo lắng, bồn chồn;
  • Chóng mặt.

6. Tương tác thuốc của Risperdal 1mg

Các thuốc có thể làm giảm tác dụng của Risperdal 1mg:

  • Kháng sinh Rifampicin;
  • Carbamazepine, Phenytoin hay các thuốc trị động kinh;
  • Phenobarbital.

Các thuốc có thể làm tăng tác dụng của Risperdal 1mg:

  • Quinidine;
  • Thuốc chống trầm cảm như Paroxetine, Fluoxetine;
  • Thuốc chẹn beta giao cảm;
  • Phenothiazin;
  • Cimetidine, ranitidine;
  • Itraconazole và ketoconazole;
  • Thuốc điều trị HIV như ritonavir;
  • Verapamil;
  • Sertraline, Fluvoxamine, thuốc điều trị trầm cảm và chống loạn thần khác.

Risperdal 1mg là thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn thì người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

76.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan