Công dụng thuốc Savi Day

Thuốc Savi day được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính gồm Paracetamol, Dextromethorphan hydrobromid và Loratadin. Thuốc được sử dụng trong điều trị các triệu chứng của bệnh cảm cúm.

1. Công dụng thuốc cảm Savi Day

Savi Day là thuốc gì? Thuốc Savi Day có thành phần chính gồm Paracetamol 500mg, Dextromethorphan hydrobromid 15mg và Loratadin 5mg. Trong đó, công dụng của từng thành phần như sau:

  • Paracetamol: Là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là loại thuốc có tác dụng giảm đau - hạ sốt hữu hiệu. Paracetamol giúp giảm thân nhiệt ở người bị sốt nhờ tác động lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, tỏa nhiệt do giãn mạch, tăng lưu lượng máu ngoại biên;
  • Dextromethorphan hydrobromid là thuốc giảm ho tác động lên trung tâm ho ở hành não. Dextromethorphan được dùng để giảm ho nhất thời do kích thích nhẹ ở họng và phế quản như cảm lạnh hoặc hít phải các chất kích thích. Hiệu quả Dextromethorphan cao nhất trong điều trị ho mãn tính, không có đờm. Thuốc này thường được sử dụng phối hợp với nhiều thuốc khác trong điều trị triệu chứng các bệnh ở đường hô hấp trên;
  • Loratadin: Là thuốc kháng histamin 3 vòng, có tác dụng kéo dài đối kháng chọn lọc trên thụ thể H1 ngoại biên, không có tác dụng làm dịu trên thần kinh trung ương. Loratadin có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh viêm mũi và viêm kết mạc dị ứng nhờ tác dụng giải phóng histamin. Ngoài ra, Loratadin còn có tác dụng chống ngứa và nổi mày đay liên quan tới histamin.

Chỉ định sử dụng thuốc Savi Day:

  • Điều trị các triệu chứng cảm cúm: Ho, sốt, nhức đầu, nhức xương khớp, đau nhức bắp thịt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mẩn ngứa, chảy nước mắt;
  • Giảm đau, hạ sốt trong các trường hợp đau nhức cơ thể, cảm lạnh, sổ mũi, ho, ớn lạnh.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Savi Day:

  • Bệnh nhân suy hô hấp;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi;
  • Người bị mẫn cảm với thành phần/tá dược có trong thuốc;
  • Bệnh nhân đang dùng hoặc đã sử dụng thuốc ức chế MAO từ 2 tuần gần đây;
  • Người mắc bệnh gan nặng hoặc thiểu năng tế bào gan;
  • Bệnh nhân thiếu hụt men G6PD;
  • Người bệnh nhiều lần thiếu máu, mắc bệnh gan, phổi, tim hoặc thận.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Savi Day

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

  • Người trên 12 tuổi: Dùng liều 1 viên/lần. Nếu cần, có thể uống thêm 1 viên vào buổi trưa và 1 viên vào buổi chiều. Mỗi viên thuốc nên uống cách nhau ít nhất 4 giờ;
  • Người cao tuổi (trên 65 tuổi): Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ;
  • Bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 10ml/phút): Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc cần trên 8 giờ.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Savi Day quá liều, sau 2 - 3 giờ uống liều độc của thuốc, người bệnh có triệu chứng buồn nôn, ói mửa, nhìn mờ, buồn ngủ, rung giật nhãn cầu, tê mê, ảo giác, bí tiểu tiện, mất điều hòa, co giật, suy hô hấp, nhịp tim nhanh, nhức đầu, biểu hiện ngoại tháp, đánh trống ngực, đau bụng,... Khi bị ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể có kích thích hệ thần kinh trung ương, mê sảng và kích động. Sau đó là ức chế hệ thần kinh trung ương, hạ thân nhiệt, sững sờ, mệt lả, thở nhanh và nông, mạch yếu và nhanh hoặc không đều, huyết áp thấp, suy tuần hoàn,...

Nếu giãn mạch nhiều, bệnh nhân có thể bị sốc, cơn co giật nghẹt thở, hôn mê gây tử vong,... Sau 2 - 4 ngày uống liều độc, dấu hiệu thương tổn gan trên lâm sàng có thể xuất hiện. Ngoài ra, người bệnh còn bị tăng aminotransferase huyết tương, tăng nồng độ bilirubin trong huyết tương. Khi thương tổn gan lan rộng thì thời gian prothrombin kéo dài. Một số bệnh nhân có thể bị suy thận cấp.

Cách xử trí bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Cần thực hiện ngay việc gây nôn, rửa dạ dày - ruột, chỉ định sử dụng chất giải độc N-acetylcysteine đường uống hoặc tiêm đúng lúc để đề phòng độc tính trên gan, kết hợp theo dõi phù hợp. Vì than hoạt tính có thể làm ảnh hưởng tới sự hấp thu N-acetylcysteine đường uống nên khi chỉ định dùng than hoạt tính thì sử dụng dạng thuốc N-acetylcysteine tiêm tĩnh mạch để đạt hiệu quả giải độc. Nếu gây nôn không có kết quả hoặc chống chỉ định (do bệnh nhân bị ngất, co giật, thiếu phản xạ nôn) thì có thể rửa dạ dày với dung dịch natri clorid 0,9% và đặt ống nội khí quản nhằm phòng ngừa nguy cơ hít phải dịch dạ dày.

3. Tác dụng phụ của thuốc Savi Day

Khi sử dụng thuốc Savi Day, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Tác dụng phụ của Paracetamol gồm: Ban da, buồn nôn, nôn ói, viêm tụy, loạn tạo máu,... Các triệu chứng thường khá nhẹ. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, giảm huyết cầu toàn thể, chứng mất bạch cầu hạt,... Người bệnh có thể gặp phản ứng quá mẫn như khó thở, nổi mề đay, hạ huyết áp,...;
  • Tác dụng phụ của Dextromethorphan gồm: Mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, đỏ bừng da, nhịp tim nhanh. Ở liều rất cao, bệnh nhân có thể bị ức chế thần kinh trung ương và lú lẫn tâm thần, suy hô hấp;
  • Tác dụng phụ của Loratadin gồm: Mệt mỏi, khô miệng, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, viêm dạ dày), triệu chứng dị ứng (phát ban).

Người cao tuổi và trẻ em sẽ nhạy cảm hơn đối với các tác dụng toàn thân của thuốc Savi Day. Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên và cách xử trí thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Savi Day

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Savi Day là:

  • Không sử dụng thuốc Savi Day để chữa sốt đơn thuần;
  • Không dùng thuốc Savi Day quá 5 ngày để điều trị đau nhức. Nếu không cải thiện triệu chứng hoặc khi bệnh nhân ho kéo dài trên 1 tuần kèm sốt, xuất hiện sốt cao, ban da, nhức đầu dai dẳng, ho kèm đau họng thì cần tham vấn ý kiến bác sĩ;
  • Không sử dụng thuốc Savi Day cùng lúc với bất kỳ thuốc nào khác có chứa Paracetamol vì quá liều có thể gây nguy hiểm tới bệnh nhân;
  • Người bệnh suy thận nặng hoặc thiểu năng tế bào gan cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Savi Day;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Savi Day ở người có thiếu máu từ trước, vì chứng xanh tính có thể không biểu hiện rõ. Đồng thời, uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính của Paracetamol với gan, nên tránh hoặc hạn chế uống rượu khi đang dùng thuốc;
  • Bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về triệu chứng của hội chứng hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng ngoại ban mụn mủ cấp tính khi dùng thuốc Savi Day;
  • Khi dùng thuốc Savi Day, người bệnh tăng nguy cơ khô miệng và sâu răng (đặc biệt là người cao tuổi) nên cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ trong suốt quá trình sử dụng thuốc;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Savi Day ở bệnh nhân bị hen, bị suy giảm hô hấp;
  • Người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Savi Day;
  • Thuốc Savi Day có thể gây chóng mặt, buồn ngủ nên cần thận trọng với người vận hành máy móc, lái xe,...

5. Tương tác thuốc Savi Day

Một số tương tác thuốc của Savi Day gồm:

  • Ở bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu, nếu dùng Paracetamol đều đặn thì có thể làm tăng nhẹ thời gian prothrombin;
  • Phenobarbital làm tăng hoạt tính của các men vi tiểu thể ở gan, làm sản sinh các chất chuyển hóa độc, làm tăng độc tính trên gan của Paracetamol nếu dùng đồng thời Phenobarbital khi đang bị quá liều Paracetamol (dễ gây hoại tử gan);
  • Sử dụng Paracetamol có thể làm sai lệch xét nghiệm định lượng acid uric huyết và xét nghiệm định lượng glucose huyết;
  • Dextromethorphan có tương tác với chất ức chế thần kinh trung ương, thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm, phenothiazin,... nếu sử dụng đồng thời;
  • Tránh dùng đồng thời thuốc Savi Day với các chất ức chế MAO. Nên ngừng sử dụng các chất kháng histamin ít nhất 48 giờ trước khi làm các xét nghiệm trên da bởi thuốc có thể gây sai lệch kết quả.

Bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc Savi Day để đảm bảo được hiệu quả trị liệu của thuốc và giảm đáng kể nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan