Công dụng thuốc Sionara

Sionara là một loại thuốc được dùng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý viêm xương khớp cho người lớn. Để sử dụng thuốc một cách an toàn và đạt hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất thì người dùng cần nắm rõ những thông tin về thuốc trước khi được kê đơn.

1. Sionara là thuốc gì?

Sionara là một dược phẩm do Alembic Pharmaceuticals Limited, Ấn Độ sản xuất và đăng ký.

Sionara thuộc nhóm thuốc giảm đau hạ sốt, nhóm chống viêm không steroid, điều trị bệnh Gút và các bệnh xương khớp với thành phần chính là hoạt chất Celecoxib hàm lượng 200mg. Thuốc được chỉ định điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và các bệnh viêm xương khớp ở người lớn.

Thuốc được bào chế dạng viên nang cứng và đóng gói theo quy cách hộp lớn chứa 10 hộp nhỏ x 1 vỉ x 10 viên, hộp 3 vỉ x 10 viên và hộp 1 vỉ x 10 viên với mỗi viên có chứa 200mg Celecoxib và các tá dược khác vừa đủ.

2. Công dụng thuốc Sionara

2.1. Tác dụng thành phần thuốc Sionara

Hoạt chất celecoxib là một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được dùng để điều trị bệnh viêm khớp. Celecoxib phong bế enzym tạo prostaglandin (là hóa chất góp phần gây viêm khớp dẫn đến đau, nóng, sưng đỏ khớp), làm giảm nồng độ prostaglandin. Từ đó giúp giảm viêm và giảm sưng đỏ, nóng, đau đi kèm. Celecoxib khác với các NSAID khác là celecoxib ít gây viêm loét dạ dày, ruột và không làm cản trở đông máu.

2.2. Chỉ định dùng thuốc Sionara

Celecoxib được dùng để điều trị chứng viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm xương khớp ở người trưởng thành.

2.3. Chống chỉ định

Thuốc Sionara 200mg không được dùng đối với một trong những trường hợp dưới đây:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với Celecoxib hoặc các thành phần khác có trong công thức thuốc.
  • Người có phản ứng dị ứng với các Sulfamid.
  • Bệnh nhân có tiền sử nổi mày đay, bị bệnh suyễn hoặc có phản ứng dị ứng sau khi dùng Aspirin hay các thuốc chống viêm không steroid khác.
  • Người bị viêm loét dạ dày tá tràng đang tiến triển hoặc bị chảy máu dạ dày ruột.
  • Bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh mạch não, bệnh mạch ngoại biên.
  • Bệnh nhân bị suy tim sung huyết độ II – IV.
  • Suy thận nặng có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/ phút.
  • Suy gan nặng với albumin huyết tương dưới 25g/ l.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Sionara

Thuốc được bán theo đơn và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Do đó, người bệnh nên dùng thuốc đúng cách và theo đúng liều lượng được bác sĩ kê đơn để đảm bảo an toàn, hạn chế tác dụng phụ, mang lại hiệu quả và tránh tình trạng quá liều.

Cách dùng:

  • Thuốc được dùng theo đường uống trực tiếp với nước sôi để nguội hoặc nước lọc đã qua tinh lọc. Thuốc nên uống sau bữa ăn 30 phút để tránh gây kích ứng, ảnh hưởng đến dạ dày.
  • Người bệnh nên uống nguyên viên, không được bẻ nhỏ hay nghiền nát hoặc phân tán thuốc có thể làm ảnh hưởng đến thành phần thuốc.
  • Không được uống thuốc cùng với bia, rượu, cà phê, nước hoa quả, nước có gas, nước ngọt... vì có thể làm giảm công dụng của thuốc.

Liều dùng:

  • Bệnh viêm xương khớp: Uống 100mg x 2lần/ngày hoặc 200mg x 1 lần/ngày.
  • Viêm khớp dạng thấp: Uống 100-200mg x 2 lần/ngày.

Lưu ý: Liều dùng trên chỉ có tính tham khảo, liều dùng cụ thể sẽ căn cứ vào tình trạng của bệnh nhân và mức độ diễn tiến của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp.

4. Tác dụng phụ thuốc Sionara

Thuốc Sionara 200mg có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh khi sử dụng như:

  • Thường gặp: Nhức đầu, choáng váng, rối loạn tiêu hóa, táo bón, viêm ruột, viêm dạ dày, viêm phế quản, phản ứng dị ứng, thiếu máu, viêm gan, vàng da.
  • Hiếm gặp: phù mạch, phản vệ.

Những tác dụng phụ này của thuốc thường nhẹ và qua đi khi ngưng dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng và kéo dài hoặc gặp các dấu hiệu bất thường không được đề cập đến ở trên. Thì người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn và hướng dẫn cách xử trí tác dụng phụ kịp thời và hiệu quả.

5. Tương tác thuốc

Thuốc Sionara có thể tương tác với những loại thuốc khác khi sử dụng đồng thời. Tương tác thuốc xảy ra có thể là đối kháng hoặc hiệp đồng, nhưng đều làm ảnh hưởng đến tác dụng và hiệu quả điều trị bệnh của thuốc.

Do đó, để tránh tương tác thuốc thì người bệnh nên báo với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng, kể cả thuốc điều trị bệnh hay thảo dược, thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe... Để từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng thuốc thay thế phù hợp hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Sionara có thể tương tác với một số loại thuốc như: Aspirin, Lithium, Fluconazol, Warfarin. Vì thế không sử dụng Sionara với các loại thuốc này để tránh tương tác thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình điều trị bệnh.

6. Lưu ý và thận trọng

Khi điều trị bệnh bằng thuốc Sionara 200mg để đạt được hiệu quả tốt và an toàn nhất thì người bệnh cũng cần lưu ý:

  • Thuốc chỉ được dùng khi có sự chỉ định và kê đơn của bác sĩ có chuyên môn. Vì thế, người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý tính toán, thay đổi liều lượng của thuốc, ngưng thuốc đột ngột, bỏ dở liệu trình dùng thuốc khi chưa có chỉ định.
  • Cần chú ý đề phòng khi dùng thuốc ở bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim, mất nước, bị phù, hen suyễn, mắc bệnh tim mạch, có bất thường trong xét nghiệm chức năng gan.
  • Nên theo dõi sát sao các biến chứng loét tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, thủng đường tiêu hóa.
  • Cần lưu ý trước khi dùng thuốc cho người già, trẻ em dưới 18 tuổi, người bị suy thận hoặc suy gan, người bị nhược cơ, viêm loét dạ dày, hôn mê gan...
  • Đối với phụ nữ đang mang thai thì cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc để được tư vấn và chỉ định phù hợp.
  • Phụ nữ đang cho con bú thì cần cân nhắc nguy cơ và lợi ích cho cả mẹ và bé trước khi dùng thuốc. Chỉ nên dùng thuốc khi thật sự cần thiết và phải tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, nếu có thể thì nên ngưng cho con bú khi dùng thuốc.

7. Cách xử lý quên liều, quá liều

Quên liều: Thông thường, thuốc có thể dùng cách 1-2h so với quy định nên nếu quên uống 1 liều thuốc thì người bệnh nên uống bổ sung ngay khi nhớ ra. Còn nếu liều quên gần với thời gian uống liều kế tiếp thì uống liều kế tiếp theo đúng kế hoạch mà bỏ qua liều quên. Không được dùng gấp đôi liều hoặc chồng liều để tránh tình trạng quá liều hoặc làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc.

Quá liều: Những loại thuốc được kê đơn thì cần dùng theo chỉ định, kê đơn của bác sĩ và theo hướng dẫn của nhà sản xuất, không được tự ý tăng liều lượng của thuốc để tránh tình trạng quá liều. Khi dùng quá liều và có những biểu hiện nghi ngờ thì cần dừng uống thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ hoặc trực tiếp đưa người bệnh tới các trung tâm y tế gần đó để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

8. Cách bảo quản thuốc

Nên bảo quản thuốc ở nơi khô ráo có nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, tránh ẩm và tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào. Để thuốc tránh xa tầm nhìn và tầm với của trẻ nhỏ, vật nuôi trong gia đình.

Hãy thu gom và tiêu hủy bao bì thuốc, thuốc không còn sử dụng, hết hạn sử dụng theo tư vấn của bác sĩ, nhà sản xuất và công ty xử lý rác thải của địa phương. Lưu ý là không được vứt thuốc vào toilet hay xả dưới vòi nước sinh hoạt hàng ngày của gia đình.

Toàn bộ những thông tin về thuốc Sionara được cung cấp và chia sẻ trong bài viết này chỉ mang tính tham khảo, không hề nhằm mục đích chẩn đoán hay điều trị y tế chuyên nghiệp. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ có chuyên môn để đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất và an toàn nhất.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

129 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan