Công dụng thuốc Tebunesin

Thuốc Tebunesin thường được dùng chủ yếu để điều trị các trường hợp ho có đờm liên quan đến các bệnh lý như viêm phế quản, hen phế quản, khí phế thủng,... Trong quá trình điều trị bằng Tebunesin, người bệnh cần thực hiện nghiêm ngặt theo kế hoạch của bác sĩ, tránh tự ý điều chỉnh liều thuốc hoặc ngừng thuốc đột ngột.

1. Thuốc Tebunesin là thuốc gì?

Thuốc Tebunesin thuộc nhóm thuốc tác dụng trên đường hô hấp, được sản xuất bởi Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh – Việt Nam. Thuốc Tebunesin được dùng trong các trường hợp ho có đờm do viêm phế quản, giãn phế quản, khí phế thủng,...

Hiện nay, thuốc Tebunesin được bào chế dưới dạng sirô, đóng gói theo quy cách 1 lọ 30ml, 60ml, 100ml hoặc 125ml. Trong mỗi lọ si rô Tebunesin có chứa các thành phần chính, bao gồm Terbutaline sulfate (1,5mg), Guaifenesin (66,5mg) và các tá dược khác vừa đủ.

2. Thuốc Tebunesin có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của thuốc Tebunesin

Mỗi hoạt chất trong thuốc Tebunesin sẽ giữ một vai trò và chức năng hoạt động khác nhau, cụ thể:

  • Terbutaline sulfate: Giúp làm giãn cơ tử cung và phế quản nhờ cơ chế kích thích có chọn lọc thụ thể beta 2. Ngoài ra, Terbutaline sulfate cũng góp phần làm gia tăng sự giảm thanh thải hệ thống lông chuyển nhầy đối với bệnh phổi tắc nghẽn, nhờ đó giúp các chất nhầy di chuyển dễ dàng hơn. Tác động làm giãn phế quản của Terbutaline sulfate sẽ phát huy khoảng 5 phút sau khi tiêm thuốc dưới da và có tác dụng tối đa sau khoảng 30 phút.
  • Guaifenesin: Mang lại hiệu quả long đờm nhờ khả năng kích thích niêm mạc dạ dày, làm tăng tiết dịch ở đường hô hấp, đồng thời làm giảm độ nhớt dính của dịch nhầy ở phế quản và khí quản. Nhờ cơ chế này mà Guaifenesin có thể làm tăng mức độ hiệu quả của phản xạ ho và tống đờm ra bên ngoài một cách dễ dàng hơn. Guaifenesin rất phù hợp đối với những trường hợp bị viêm nhẹ đường hô hấp trên hoặc cảm lạnh gây ho có đờm đặc quánh khó khạc. Guaifenesin thường được dùng phối hợp cùng các thuốc chống sung huyết mũi, thuốc giãn phế quản, chống ho opiat và kháng histamin.

2.2 Chỉ định sử dụng thuốc Tebunesin

Thuốc Tebunesin thường được bác sĩ kê đơn để làm giảm ho và long đờm do các tình trạng sau:

  • Khí phế thủng.
  • Viêm phế quản.
  • Hen phế quản.
  • Nhiễm trùng cấp đường hô hấp trên và một số bệnh lý liên quan.
  • Bệnh phổi kèm co thắt phế quản.

2.3 Chống chỉ định dùng Tebunesin cho đối tượng nào?

Theo lời khuyên của giới chuyên gia, cần tránh sử dụng thuốc Tebunesin cho các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn hoặc bị dị ứng với Terbutaline sulfate, Guaifenesin hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào có trong thuốc.
  • Chống chỉ định Tebunesin đối với phụ nữ có thai hoặc người mẹ đã nuôi con bú.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Tebunesin

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Tebunesin

Dưới đây là liều dùng thuốc Tebunesin theo khuyến cáo của bác sĩ mà người bệnh có thể tham khảo:

  • Người lớn: Uống từ 10 – 15ml x 2 - 3 lần / ngày.
  • Trẻ em từ 7 – 15 tuổi: Uống từ 5 – 10ml x 2 - 3 lần / ngày.
  • Trẻ em từ 3 – 6 tuổi: Uống từ 2,5 – 5ml x 2 - 3 lần / ngày.
  • Trẻ em dưới 3 tuổi: Uống 2,5ml x 2 - 3 lần / ngày.

3.2 Hướng dẫn sử dụng đúng và hiệu quả thuốc Tebunesin

Thuốc Tebunesin được bào chế dưới dạng sirô, do đó bệnh nhân có thể dùng thuốc bằng đường uống với liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trước khi sử dụng Tebunesin, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân theo khuyến cáo về thời gian dùng thuốc mà bác sĩ đưa ra trước đó.

Nếu trót uống quá liều thuốc Tebunesin và xuất hiện một số triệu chứng đáng chú ý, người bệnh nên ngừng điều trị và đến ngay cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời. Hiện nay, các biện pháp xử trí quá liều thuốc thông dụng, bao gồm rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính, gây nôn, duy trì hydrat hoá và một số cách điều trị hỗ trợ khác.

4. Tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra trong quá trình dùng thuốc Tebunesin

Khi sử dụng thuốc Tebunesin, người bệnh có thể vô tình gặp phải các tác dụng phụ dưới đây:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Đánh trống ngực, run, rung cơ, bồn chồn, vọp bẻ, chuột rút tay chân.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Nổi mày đay, ngoại ban, giảm kali máu, rối loạn hành vi và giấc ngủ.

Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, người bệnh cần nhanh chóng báo cho bác sĩ biết tình hình sức khỏe để sớm có biện pháp khắc phục.

5. Những điều cần lưu ý khi điều trị bằng thuốc Tebunesin

5.1 Bệnh nhân cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Tebunesin?

Để việc điều trị bằng thuốc Tebunesin diễn ra an toàn và mang lại kết quả cao, bệnh nhân cần thận trọng một số điều sau:

  • Các trường hợp mắc bệnh nhiễm độc giáp không kiểm soát, bệnh tim mạch nặng hoặc hạ kali huyết không được điều trị cần cẩn trọng nếu dùng thuốc Tebunesin.
  • Điều trị dọa sinh non bằng Terbutaline sulfate có thể gây phù phổi, nhất là các trường hợp song thai.
  • Dùng thuốc Tebunesin để điều trị bệnh hen có thể gây giảm áp lực oxy, cần theo dõi nồng độ kali trong huyết thanh cho những đối tượng bệnh nhân này.
  • Theo dõi chỉ số đường huyết khi bắt đầu điều trị bằng Terbutaline sulfate cho người mắc bệnh tiểu đường. Những bệnh nhân mắc tiểu đường thai kỳ cũng cần thận trọng, vì thuốc có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm Ketoacid và tăng đường huyết. Nếu cần thiết sẽ phải điều chỉnh liều insulin cho bệnh nhân.
  • Thuốc Tebunesin không làm ảnh hưởng đến khả năng vận hành máy móc và lái xe của người bệnh.
  • Nguy cơ sử dụng thuốc Tebunesin trong thời kỳ mang thai và lúc nuôi con bú vẫn chưa được xác định rõ, vì vậy cần tránh dùng thuốc cho những đối tượng này.

5.2 Tương tác của thuốc Tebunesin với các loại thuốc khác

Thuốc Tebunesin có nguy cơ xảy ra phản ứng tương tác khi dùng chung với các thuốc sau:

  • Thuốc chẹn thụ thể beta không chọn lọc.
  • Các dẫn xuất Xanthine.
  • Thuốc lợi tiểu.
  • Thuốc Steroid.
  • Thuốc Halothane.
  • Thuốc Ipratropium.

Khi đã nắm rõ thông tin về thuốc Tebunesin người bệnh nên tuân thủ theo đúng nguyên tắc sử dụng thuốc đã được bác sĩ kê đơn. Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được giải đáp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan