Công dụng thuốc Tzide

Thuốc Tzide thường được bác sĩ chỉ định để điều trị cho các tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra do vi khuẩn kỵ khí. Trong quá trình sử dụng thuốc Tzide, người bệnh cần thực hiện theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ khuyến nghị để hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ, đồng thời giúp bệnh tình nhanh khỏi hơn.

1. Thuốc Tzide là thuốc gì?

Tzide thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, kháng nấm, kháng vi-rút và chống nhiễm khuẩn. Thuốc Tzide dùng theo đơn của bác sĩ, chủ trị các tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra bởi vi khuẩn kỵ khí, chẳng hạn như nhiễm khuẩn huyết, ổ bụng, phụ khoa,...

Thuốc Tzide được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và đóng gói theo quy cách hộp gồm 10 vỉ x 10 viên. Trong mỗi viên nén Tzide có chứa hoạt chất chính là Tinidazol hàm lượng 500mg cùng các tá dược khác vừa đủ.

2. Thuốc Tzide công dụng là gì?

2.1. Công dụng của thuốc Tzide

Hoạt chất chính Tinidazol trong thuốc Tzide là dẫn chất của Imidazol, có tác dụng kháng nguyên sinh động vật đơn bào và kháng một số vi khuẩn kỵ khí, bao gồm:

  • Trichomonas vaginalis;
  • Giardia lamblia;
  • Entamoeba histolytica;
  • Bacteroides melaninogenicus;
  • Bacteroides fragilis;
  • Peptostreptococcus spp;
  • Veillonella spp;
  • Peptococcus spp;
  • Eubacterium spp;
  • Clostridium spp;
  • Fusobacterium spp;
  • Bacteroides spp.

Tác dụng chống nhiễm khuẩn của thuốc Tzide dựa trên cơ chế thâm nhập vào tế bào của các vi sinh vật, sau đó ức chế quá trình tổng hợp DNA hoặc phá hủy chuỗi DNA của chúng. Ngoài ra, thuốc Tzide cũng được sử dụng để dự phòng và điều trị cho các tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, đường mật, áp xe và các trường hợp nhiễm khuẩn kỵ khí như hoại tử sinh hơi hoặc viêm cân mạc hoại tử.

2.2. Chỉ định sử dụng thuốc Tzide

Thuốc Tzide thường được bác sĩ chỉ định sử dụng kết hợp cùng một số loại kháng sinh khác để điều trị và dự phòng các tình trạng nhiễm khuẩn sau:

  • Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn hậu phẫu thuật dạ dày, đại tràng và phụ khoa;
  • Điều trị nhiễm khuẩn ổ bụng như áp xe hoặc viêm màng bụng;
  • Điều trị nhiễm khuẩn phụ khoa như viêm cơ nội mạc tử cung, viêm nội mạc tử cung và áp xe vòi buồng trứng;
  • Điều trị nhiễm khuẩn hô hấp như áp xe phổi, viêm màng phổi phù hoặc viêm phổi;
  • Điều trị nhiễm khuẩn da hoặc mô mềm;
  • Điều trị viêm loét lợi cấp;
  • Điều trị viêm âm đạo không đặc hiệu;
  • Điều trị tình trạng nhiễm Amip cư trú tại gan hoặc ruột;
  • Điều trị nhiễm Giardia hoặc Trichomonas sinh dục tiết niệu.

2.3. Chống chỉ định sử dụng thuốc Tzide

Không sử dụng thuốc Tzide cho các đối tượng sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn hoặc có tiền sử dị ứng với hoạt chất Tinidazol hay bất cứ thành phần dược chất nào khác trong thuốc;
  • Chống chỉ định sử dụng thuốc Tzide cho đối tượng bị rối loạn tạo máu hoặc có tiền sử rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp;
  • Không dùng Tzide cho bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực thể;
  • Phụ nữ đang mang thai 3 tháng đầu hoặc trong thời kỳ nuôi con bú không nên dùng thuốc Tzide khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

3. Liều lượng và hướng dẫn sử dụng thuốc Tzide

3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Tzide

Liều lượng sử dụng thuốc Tzide thường được bác sĩ khuyến cáo dựa trên độ tuổi và tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân, cụ thể:

  • Dự phòng nhiễm khuẩn hậu phẫu thuật: Uống duy nhất liều thuốc 2g (4 viên) khoảng 12 giờ trước khi phẫu thuật (dành cho người lớn).
  • Điều trị nhiễm khuẩn kỵ khí: Uống liều đầu 2g/ ngày, sau đó giảm xuống 1g/ lần/ ngày hoặc 500mg x 2 lần/ ngày (dành cho người lớn).
  • Điều trị viêm loét lợi cấp: Uống liều duy nhất 2g/ lần (dành cho người lớn).
  • Điều trị viêm âm đạo không đặc hiệu: Uống liều duy nhất 2g/ lần. Sau đó điều trị 2 ngày liên tiếp với 2g/ lần/ ngày (tổng liều 4g) để đẩy nhanh hiệu quả điều trị.
  • Điều trị nhiễm Giardia: Uống liều duy nhất 2g (dành cho người lớn) và 50 – 75mg/ kg thể trọng/ lần (đối với trẻ em).
  • Điều trị nhiễm Trichomonas sinh dục tiết niệu: Uống một lần liều 2g (người lớn) và 50 – 70mg/ kg/ lần.
  • Điều trị nhiễm Amip ở ruột: Uống liều 2 g/ lần/ ngày trong vòng 2 – 3 ngày (người lớn) và uống liều 50 – 60mg/ kg/ lần trong 3 ngày liên tiếp đối với trẻ em.
  • Điều trị nhiễm Amip ở gan: Đối với người lớn, tổng liều thuốc có thể thay đổi từ 4,5 – 12g dựa trên mức độ độc lực của Entamoeba histolytica. Bệnh nhân có thể cần điều trị kết hợp với phương pháp rút mủ để đẩy nhanh hiệu quả điều trị. Việc điều trị bằng Tzide cho người lớn có thể kéo dài từ 3 – 6 ngày. Đối với trẻ em, liều điều trị nhiễm Amip gan sẽ là 50 – 60mg/ kg/ ngày/ lần và uống trong 5 ngày liên tiếp.

3.2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Tzide

Thuốc Tzide được dùng bằng đường uống cùng với nước lọc với lượng vừa đủ. Khi uống, người bệnh nên nuốt nguyên viên thuốc, tránh nghiền hoặc nhai nát vì điều này có thể ảnh hưởng đến công dụng điều trị.

Thuốc Tzide được dùng với liều duy nhất hoặc uống sau bữa ăn để không ảnh hưởng đến dạ dày. Bệnh nhân nên tuân thủ chặt chẽ theo khuyến cáo của bác sĩ về liều lượng cũng như cách dùng thuốc sao cho đúng để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.

3.3. Cách xử trí tình trạng quá liều thuốc Tzide

Khi dùng quá liều thuốc Tzide so với chỉ định, bệnh nhân có thể gặp phải các phản ứng tương tự như Disulfiram. Khi gặp phải các dấu hiệu bất thường về thần kinh, người bệnh cần ngừng điều trị bằng thuốc Tzide ngay và báo cho bác sĩ để có biện pháp xử trí.

Việc điều trị quá liều thuốc Tzide thường tập trung vào điều trị các triệu chứng và áp dụng những phương pháp hỗ trợ khác. Mặc dù đa phần các phản ứng giống Disulfiram đều tự hết và không gây đe dọa đến tính mạng người bệnh, tuy nhiên đôi khi một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim nặng.

Trong xử trí quá liều Tzide, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành hỗ trợ hô hấp bằng oxygen hoặc hỗn hợp 5% carbon dioxyd và 95% hỗn hợp oxygen. Ngoài ra, các biện pháp duy trì tuần hoàn như dùng huyết tương hoặc dung dịch điện giải cũng có thể được áp dụng.

4. Các tác dụng phụ khi dùng thuốc Tzide

Theo nghiên cứu cho thấy, có khoảng 3% số người dùng thuốc Tzide gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý, bao gồm:

  • Tác dụng phụ thường gặp: Đau bụng, buồn nôn, ăn mất ngon, viêm tĩnh mạch huyết khối, thay đổi vị giác tạm thời.
  • Tác dụng phụ ít gặp: Tiêu chảy, nôn ói, nhức đầu hoặc chóng mặt.
  • Tác dụng phụ hiếm gặp: Sốt, phản ứng dị ứng, viêm miệng, giảm bạch cầu có hồi phục, bệnh lý thần kinh ngoại biên, phát ban da, ngứa, ngoại ban, viêm miệng, đau khớp, nước tiểu sẫm màu, mất điều hoà hoặc co giật.

Khi xuất hiện bất kỳ phản ứng phụ nào được đề cập ở trên, bệnh nhân cần dừng sử dụng thuốc và báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp khắc phục.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Tzide

5.1. Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Tzide?

Trong quá trình sử dụng thuốc Tzide, bệnh nhân cần lưu ý một số điều dưới đây:

  • Khi cảm thấy có dấu hiệu chóng mặt, mất điều hoà vận động hoặc ý thức u ám, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc ngay.
  • Những đối tượng mắc bệnh thần kinh ngoại biên hoặc thần kinh trung ương nghiêm trọng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Tzide.
  • Cần tránh uống rượu trong quá trình dùng thuốc Tzide vì nó có thể gây phản ứng giống Disulfiram với các triệu chứng như tim đập nhanh, nôn ói, co cứng bụng hoặc đỏ bừng.
  • Thuốc Tzide có khả năng vượt qua hàng rào nhau thai và ảnh hưởng xấu cho thai nhi, do đó tuyệt đối không sử dụng thuốc này trong 3 tháng đầu thai kỳ. Hiện nay cũng chưa có các báo cáo cụ thể về tác hại của thuốc Tzide trong giai đoạn sau của thời kỳ mang thai, vì vậy bệnh nhân cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
  • Thuốc Tzide bài tiết qua đường sữa mẹ, vì vậy cần tránh sử dụng thuốc cho phụ nữ đang nuôi con bú và chỉ nên cho trẻ bú mẹ ít nhất 3 ngày sau khi ngừng thuốc.
  • Thuốc Tzide có nguy cơ gây nhức đầu và chóng mặt, vì vậy người hay vận hành máy móc hoặc lái xe cần thận trọng khi sử dụng thuốc.
  • Bảo quản thuốc tại nơi khô thoáng trong bao bì kín, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
  • Không dùng thuốc Tzide đã quá hạn sử dụng.

5.2. Tương tác với các thuốc khác

Thuốc Tzide có thể tương tác khi dùng chung với các thuốc sau:

  • Thuốc Cimetidin khi dùng chung với Tzide có thể gây ức chế chuyển hoá hoạt chất Tinidazol ở gan, dẫn đến giảm thải trừ và làm tăng độc tính lên gan.
  • Thuốc Rifampicin khi dùng phối hợp với Tzide có thể làm tăng chuyển hoá hoạt chất Tinidazol ở gan, đồng thời tăng thải trừ và gây giảm tác dụng điều trị của thuốc.
  • Thuốc chống đông đường uống bị giảm công dụng khi dùng chung với Tinidazol.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Tzide. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Tzide theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan