Công dụng thuốc Vasmetine

Vasmetine thuộc nhóm thuốc chống dị ứng, thường được chỉ định trong các trường hợp quá mẫn do dị ứng nguyên hay các bệnh lý mày đay mạn tính, viêm mũi dị ứng. Vậy các công dụng và cách sử dụng thuốc như thế nào?

1. Vasmetine là thuốc gì?

  • Vasmetine có chứa hoạt chất chính là Acrivastine - là một chất tác dụng ức chế lên thụ thể histamin H1. Thụ thể H1 có mặt ở nhiều loại tế bào như cơ trơn đường hô hấp, mạch máu, bạch cầu ái toan và bạch cầu trung tính,... Trong cơ thể luôn có sự cân bằng giữa 2 dạng hoạt động và dạng không hoạt động của thụ thể này. Histamin giúp ổn định dạng hoạt động của H1 và thuốc kháng histamin làm ổn định dạng không hoạt động.
  • Cơ chế tác dụng của Vasmetine là đối kháng cạnh tranh với thụ thể histamin tại tế bào đích, khiến histamin không gắn được vào thụ thể H1, làm các thụ thể trở về trạng thái không hoạt động, dẫn đến giảm các triệu chứng ngứa, hắt hơi, chảy mũi, phù, co mạch,... trong bệnh lý dị ứng. Thuốc có tác dụng đối kháng mạnh, thời gian tác dụng kéo dài, chọn lọc cao với các thụ thể histamin H1 và không có tác dụng kháng cholinergic.
  • Thuốc hấp thu nhanh qua đường uống, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khoảng 1.5 giờ. Sau khi vào cơ thể phân bố khắp các tổ chức, kể cả hệ thần kinh trung ương (tỷ lệ rất thấp). Vasmetine thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng không chuyển đổi, một số ít thải trừ qua phân (13%).

2. Chỉ định của thuốc Vasmetine

Thuốc Vasmetine được sử dụng trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Điều trị các triệu chứng của viêm mũi dị ứng do thời tiết, viêm mũi dị ứng theo mùa như: Hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, ngứa họng, chảy nước mắt,...
  • Bệnh lý mày đay mạn tính vô căn, mày đay tăng tiết cholin, mày đay do lạnh.
  • Các bệnh lý dị ứng phấn hoa, dị ứng khói bụi, dị ứng thức ăn, dị ứng thời tiết,...

3. Chống chỉ định của thuốc Vasmetine

Không sử dụng thuốc Vasmetine trong các trường hợp sau

  • Dị ứng với thành phần Acrivastine hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi; Bệnh nhân suy giảm chức năng thận mức độ nặng không có chỉ định dùng thuốc Vasmetine.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Vasmetine

  • Không sử dụng thuốc ở những bệnh nhân có các bệnh lý di truyền hiếm gặp như kém hấp thu glucose-galactose, không dung nạp galactose, thiếu hụt men lactase Lapp do trong thành phần thuốc có chứa Lactose.
  • Trong thành phần thuốc có chứa natri starch glycolat, sử dụng thận trọng ở các trường hợp ăn kiêng muối.
  • Bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, bí tiểu, glocom góc đóng, phì đại tuyến tiền liệt, hẹp hay tắc nghẽn môn vị, động kinh, suy giảm chức năng gan, bệnh nhân lớn tuổi cần thận trọng và theo dõi nghiêm ngặt khi sử dụng thuốc Vasmetine do nguy cơ nặng nề các bệnh lý đi kèm.
  • Kiểm tra, đánh giá chức năng thận trước và trong suốt quá trình dùng thuốc đối với bệnh nhân có suy giảm chức năng thận mức độ nhẹ đến trung bình.
  • Chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết ở phụ nữ có thai và đang cho con bú do chưa đảm bảo tính an toàn tuyệt đối cho thai nhi và trẻ bú mẹ.
  • Thuốc có thể gây buồn ngủ nhưng với tỉ lệ rất thấp. Tuy nhiên, các tài xế lái xe, người vận hành máy móc hay người làm việc đòi hỏi sự tập trung tỉ mỉ nên cân nhắc ngừng công việc trong thời gian dùng thuốc để đảm bảo an toàn và hiệu quả làm việc.

4. Tương tác thuốc của Vasmetine

Một số tương tác có thể xảy ra khi phối hợp sử dụng Vasmetine với các thuốc khác như sau:

  • Sử dụng rượu bia hay các thực phẩm có cồn trong thời gian dùng thuốc có thể gây ức chế thần kinh trung ương.
  • Không dùng đồng thời Terfenadin với Vasmetine do nguy cơ làm thay sinh khả dụng của cả hai và tăng độc tính cho cơ thể.
  • Các thuốc KetoconazolErythromycin làm ức chế chuyển hóa Vasmetine ở gan, làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim nghiêm trọng ở tâm thất.
  • Một số tương tác thuốc khác của Vasmetine chưa được báo cáo đầy đủ, vì vậy trước khi sử dụng thuốc nên thông báo với bác sĩ tất cả các thuốc bạn đang sử dụng để đề phòng các tác dụng không mong có thể xảy ra.

5. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng:

  • Vasmetine được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 8mg. Uống nguyên viên thuốc với nước, không tách rời hay bẻ đôi viên thuốc.

Liều dùng:

  • Bệnh nhân từ 12 tuổi đến dưới 65 tuổi: Uống 1 viên (8mg)/ lần x 3 lần/ ngày.
  • Bệnh nhân trên 65 tuổi nếu các chỉ số chức năng gan thận trong giới hạn bình thường thì có thể dùng liều như người lớn. Tuy nhiên, cân nhắc lợi ích và rủi ro khi dùng thuốc cho đối tượng này, chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết và không có các biện pháp điều trị thay thế khác.
  • Chưa kiểm chứng được hiệu quả và tính an toàn của thuốc cho trẻ em dưới 12 tuổi.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy từng đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều dùng Vasmetine khác nhau.
  • Chưa có báo cáo về các trường hợp quá liều Vasmetine, các trường hợp dùng liều cao đến 1200mg/ ngày chỉ xuất hiện triệu chứng buồn ngủ, đau đầu, rối loạn tiêu hóa. Nếu phát hiện biểu hiện bất thường khi sử dụng liều cao thuốc nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
  • Nếu quên một liều, uống lại ngay khi nhớ ra; trường hợp gần đến thời gian uống liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống tiếp theo chỉ định. Không được uống gấp đôi liều Vasmetine đã quên.

6. Tác dụng phụ của thuốc Vasmetine

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc Vasmetine:

  • Khó thở, sưng phù mặt, phù ngoại vi, có thể phát ban do quá mẫn với các thành phần của thuốc.
  • Chóng mặt, ngủ gà, buồn ngủ nhẹ, mệt mỏi.
  • Khô miệng.
  • Mất khả năng phối hợp vận động, rối loạn tâm thần vận động.
  • Co giật, tăng tiết mồ hôi, đau có.
  • Các phản ứng ngoại tháp như: run, bối rối, ù tai, đánh trống ngực, loạn nhịp tim.
  • Rụng tóc.

Tóm lại, Vasmetine là thuốc chống dị ứng được chỉ định trong các trường hợp dị ứng do thời tiết, dị ứng dị nguyên lạ từ môi trường, mày đay mạn tính vô căn,... Thuốc tương đối lành tính, hiệu quả sử dụng cao đặc biệt hiếm khi gây tác dụng phụ là buồn ngủ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan