Công dụng thuốc Xiaflex

Thuốc Xiaflex có hoạt chất chính là enzyme Collagenase chiết xuất từ vi khuẩn Clostridium Histolyticum. Vậy thuốc Xiaflex có tác dụng gì?

1. Thuốc Xiaflex có tác dụng gì?

Xiaflex có hoạt chất chính là Collagenase clostridium histolyticum. Hoạt chất này bản chất là một loại enzyme (gọi là collagenase) chiết xuất từ ​​vi khuẩn Clostridium histolyticum. Enzyme Collagenase phá vỡ collagen tạo nên mô liên kết và mô sẹo.

Thuốc Xiaflex được chỉ định điều trị các bệnh lý sau:

  • Bệnh Peyronie;
  • Chứng co cứng Dupuytren.

Thuốc Xiaflex sản xuất dạng bột đựng trong lọ thuốc dùng 1 lần. Bác sĩ điều trị sử dụng bột để tạo ra dung dịch Xiaflex dùng qua đường tiêm. Đối với chứng co cứng Dupuytren, bác sĩ sẽ tiêm thuốc Xiaflex vào dải xơ trong lòng bàn tay trong khi bệnh nhân Peyronie sẽ được tiêm Xiaflex vào mảng bám trên dương vật.

2. Một số cảnh báo trước khi dùng thuốc Xiaflex

Trước khi điều trị bằng thuốc Xiaflex, bệnh nhân hãy cho bác sĩ điều trị biết nếu bản thân đang có tình trạng chảy máu hoặc rối loạn đông máu.

Xiaflex có thể làm hỏng dây thần kinh, gân hoặc dây chằng ở tay tiêm thuốc. Sau khi vị trí tiêm Xiaflex giảm sưng, bệnh nhân hãy liên hệ với bác sĩ nếu tay vẫn có cảm giác tê, ngứa ran, đau tăng, khó gập ngón tay về phía cổ tay hoặc xuất hiện các cử động bất thường mới hoặc nặng hơn ở bàn tay. Thuốc Xiaflex cũng có thể làm hỏng các mô làm nhiệm vụ cương dương vật ở nam giới, đôi khi cần phải phẫu thuật để điều chỉnh. Vì vậy bệnh nhân hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu dương vật bị bầm tím và sưng tấy, đau khi đi tiểu, tiểu ra máu, các vấn đề rối loạn cương cứng đột ngộ.

Bệnh nhân không nên sử dụng thuốc Xiaflex nếu có cơ địa hoặc tiền sử dị ứng với Collagenase clostridium histolyticum. Đồng thời Xiaflex không nên sử dụng để điều trị bệnh Peyronie ảnh hưởng đến niệu đạo.

Để đảm bảo an toàn khi điều trị bằng thuốc Xiaflex, bệnh nhân hãy thông báo bác sĩ biết nếu bản thân có các vấn đề sau:

  • Rối loạn chảy máu hoặc rối loạn đông máu;
  • Đang dùng thuốc làm loãng máu như Warfarin.

FDA phân loại ảnh hưởng đến thai kỳ của Xiaflex thuộc loại B. Mặc dù ít có khả năng gây hại cho thai nhi, tuy nhiên bệnh nhân nên cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc dự định có thai trong thời gian điều trị bằng Xiaflex.

Chưa rõ khả năng bài tiết vào sữa mẹ của Collagenase clostridium histolyticum hoặc nếu có thì hoạt chất này có gây hại cho em bé bú mẹ bay không. Do đó bệnh nhân hãy cho bác sĩ biết nếu đang cho con bú trong khi sử dụng Xiaflex.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Xiaflex

Đối với chứng co cứng Dupuytren:

  • Bác sĩ sẽ tiêm thuốc Xiaflex trực tiếp vào dải xơ trên bàn tay khiến ngón tay bệnh nhân bị cong vào trong. Liều khuyến cáo cho 1 lần tiêm là 0.58mg thuốc Xiaflex;
  • Bệnh nhân có thể nhận được tối đa 2 mũi tiêm trong cùng một lần điều trị. Nếu có một dải xơ khiến 2 khớp ở cùng một ngón tay bị uốn cong, bác sĩ có thể tiêm 2 mũi Xiaflex vào những vị trí khác nhau trên dải xơ đó hoặc nếu có 2 dải xơ ảnh hưởng làm 2 ngón tay riêng biệt bị cong, bác sĩ có thể tiêm 1 mũi vào mỗi dải xơ.
  • Thông thường, bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ từ 1 đến 3 ngày sau các mũi tiêm Xiaflex. Nếu dải xơ chưa đứt, bác sĩ có thể từ từ kéo thẳng ngón tay để làm hỗ trợ làm đứt dải xơ. Biện pháp này thường được thực hiện sau khi bệnh nhân đã được tiêm thuốc gây tê cục bộ;
  • Nếu ngón tay của bệnh nhân vẫn không thể duỗi thẳng, bác sĩ có thể tiêm Xiaflex lại sau 4 tuần, sau 1 đến 3 ngày bác sĩ sẽ cố gắng kéo thẳng ngón tay của bệnh nhân thẳng trở lại. Mỗi dải xơ có thể được điều trị tối đa 3 lần trong khoảng thời gian 4 tuần.

Đối với bệnh Peyronie:

  • Bác sĩ sẽ tiêm thuốc Xiaflex trực tiếp vào mảng bám (mô sẹo dạng sợi) trên dương vật khiến nó bị cong. Bệnh nhân có thể nhận được tối đa 4 chu kỳ điều trị cách nhau khoảng 6 tuần;
  • Đối với mỗi chu kỳ điều trị, bệnh nhân sẽ được tiêm 2 mũi Xiaflex cách nhau 1 đến 3 ngày. Liều lượng khuyến cáo cho mỗi lần tiêm là 0.58mg thuốc Xiaflex. Sau 1 đến 3 ngày từ lần tiêm thứ 2, bệnh nhân sẽ tái khám lại để bác sĩ cố gắng kéo căng mảng bám bằng tay và giúp làm thẳng dương vật;
  • Nếu góc của đường cong dương vật giảm xuống dưới 15 độ sau bất kỳ chu kỳ điều trị nào, người bệnh sẽ không cần thêm bất kỳ chu kỳ điều trị nào;
  • Bên cạnh tiêm Xiaflex, bệnh nhân nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để kéo dài và làm thẳng dương vật tại nhà hàng ngày trong thời gian 6 tuần;
  • Lưu ý bệnh nhân không nên có bất kỳ hoạt động tình dục nào trong vòng ít nhất 2 tuần sau khi tiêm Xiaflex mũi thứ 2 nếu lần tiêm đầu tiên khiến dương vật bị đau hoặc sưng tấy.

Những việc nên tránh những trước và sau khi tiêm thuốc Xiaflex:

  • Sau khi tiêm Xiaflex để điều trị chứng co cứng Dupuytren, bệnh nhân không được gập hoặc duỗi các ngón tay của bàn tay được điều trị cho đến khi tái khám bác sĩ lần đầu. Việc mở rộng ngón tay có thể khiến thuốc lan ra khỏi vùng điều trị và giảm hiệu quả. Tránh các hoạt động gắng sức cần dùng đến bàn tay được tiêm thuốc cho đến khi được bác sĩ cho phép;
  • Tránh hoạt động tình dục trong thời gian điều trị bệnh Peyronie. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết khi nào là an toàn để quan hệ tình dục.

4. Tác dụng phụ của thuốc Xiaflex

Bệnh nhân cần được điều trị khẩn cấp nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng với Xiaflex như phát ban, đau ngực, khó thở, cảm giác sắp ngất, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Xiaflex có thể làm hỏng dây thần kinh, gân cơ hoặc dây chằng ở tay được tiêm thuốc. Sau khi vị trí tiêm Xiaflex giảm sưng, bệnh nhân hãy gọi cho bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau:

  • Cảm giác tê, ngứa ran;
  • Đau tăng;
  • Khó uốn cong ngón tay về phía cổ tay;
  • Cử động bất thường mới xuất hiện hoặc trở nên tồi tệ hơn ở bàn tay tiêm thuốc.

Xiaflex có thể làm hỏng các mô có vai trò cương cứng dương vật và đôi khi đòi hỏi phải phẫu thuật để điều chỉnh. Bệnh nhân hãy liên hệ với bác sĩ điều trị ngay lập tức nếu có triệu chứng sau:

  • Dương vật bầm tím và sưng tấy;
  • Đau khi đi tiểu, tiểu ra máu;
  • Cương cứng dương vật đột ngột;

Liên hệ với bác sĩ điều trị ngay lập tức nếu bệnh nhân có những tác dụng phụ sau của thuốc Xiaflex:

  • Biểu hiện nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh, nổi mẩn đỏ hoặc sưng tấy;
  • Đau nhức dữ dội, ngứa hoặc kích ứng;
  • Cảm giác sắp ngất (ngay cả khi đang nằm).

Một số tác dụng phụ thường gặp khác của thuốc Xiaflex bao gồm:

  • Sưng, bầm tím, chảy máu hoặc đau vị trí tiêm Xiaflex;
  • Sưng hạch ở khuỷu tay hoặc hạch nách;
  • Da ngứa, đỏ hoặc nóng;
  • Rạn da;
  • Đau vùng dưới cánh tay;
  • Đau ở bàn tay được điều trị;
  • Bầm tím dương vật hoặc bìu, các vấn đề về cương cứng;
  • Dương vật đổi màu da, bầm tím hoặc phồng rộp nơi tiêm Xiaflex.

5. Tương tác thuốc của Xiaflex

Trước khi điều trị bằng Xiaflex, bệnh nhân hãy nói chuyện với bác sĩ và dược về danh sách tất cả các loại thuốc theo toa, không kê toa và các loại thuốc khác đang sử dụng (bao gồm vitamin, thảo mộc và chất bổ sung).

Các loại thuốc có thể tương tác với Xiaflex bao gồm chất thuốc chống đông máu hay làm loãng máu. Tương tác này làm tăng nguy cơ chảy máu và bầm tím khi tiêm Xiaflex. Các thuốc đó bao gồm:

  • Apixaban (Eliquis);
  • Dabigatran (Pradaxa);
  • Dalteparin (Fragmin);
  • Edoxaban (Savaysa);
  • Enoxaparin (Lovenox);
  • Fondaparinux (Arixtra);
  • Rivaroxaban (Xarelto);
  • Warfarin (Jantoven).

Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Xiaflex. Người bệnh trước khi dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để có được kết quả điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

336 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan