Tác dụng của dụng cụ tránh thai Paragard

Nhu cầu tránh thai của chị em là rất lớn, khi đó đa phần sẽ tìm đến các biện pháp thông dụng như bao cao su hoặc thuốc nội tiết. Ngoài các biện pháp này chị em có thể đặt dụng cụ tránh thai Paragard với ưu điểm hiệu quả cao và kéo dài. Vậy Paragard là gì và đặt như thế nào?

1. Paragard là gì?

Paragard là một dụng cụ tránh thai đặt vào tử cung, có kích thước nhỏ, mềm dẻo, hình chữ “T” và được quấn đồng xung quanh, ngoài ra còn bao gồm 2 sợi chỉ mỏng màu trắng gắn vào đầu dưới. Các sợi chỉ là phần duy nhất của Paragard mà chị em có thể cảm nhận được khi nó nằm trong tử cung, tuy nhiên khác với tampon, các sợi chỉ này không kéo dài ra bên ngoài cơ thể.

Paragard không chứa nội tiết tố và lưu ý không có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ phơi nhiễm với HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Dụng cụ tránh thai Paragard được thiết kế để sử dụng trong thời gian tối đa là 10 năm, tuy nhiên phụ nữ có thể ngừng sử dụng Paragard bất kỳ lúc nào bằng cách yêu cầu bác sĩ gỡ nó khỏi cơ thể. Chị em có thể mang thai ngay khi Paragard được loại bỏ, tuy nhiên nếu vẫn không muốn mang thai thì bắt buộc phải sử dụng một phương pháp ngừa thai khác.

2. Tác dụng của dụng cụ tránh thai Paragard

Paragard ngừa thai bằng cách ngăn tinh trùng tiếp cận trứng, ngăn quá trình thụ tinh hoặc làm tổ trong tử cung của hợp tử. Chú ý, dụng cụ tránh thai Paragard không ức chế quá trình rụng trứng mỗi tháng.

3. Đối tượng nên và không nên sử dụng Paragard

Dụng cụ tránh thai Paragard phù hợp cho những đối tượng sau:

  • Mong muốn tránh thai lâu dài với hiệu quả cao;
  • Mong muốn tránh thai liên tục trong thời gian tối đa 10 năm;
  • Vẫn muốn mang thai sau khi ngưng sử dụng;
  • Chấp nhận đặt dụng cụ ngừa thai vào tử cung;
  • Không muốn ngừa thai bằng Hormone.

Những đối tượng không nên sử dụng Paragard:

  • Đang hoặc nghi ngờ đang mang thai;
  • Có vấn đề làm tử cung thay đổi hình dạng như tồn tại khối u xơ lớn;
  • Đang mắc bệnh viêm vùng chậu (PID);
  • Từng bị nhiễm trùng trong buồng tử cung sau khi mang thai hoặc phá thai trong vòng 3 tháng gần nhất;
  • Có nguy cơ nhiễm trùng cao, như suy giảm miễn dịch, có nhiều bạn tình, sử dụng hoặc lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch;
  • Xác định hoặc nghi ngờ ung thư tử cung hoặc cổ tử cung;
  • Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân;
  • Đang bị nhiễm trùng sinh dục không được điều trị;
  • Tiền sử mắc bệnh Wilson (cơ thể rối loạn cách chuyển hóa đồng);
  • Tiền sử dị ứng với đồng, polyetylen hoặc bari sulfat;
  • Đã đặt dụng cụ tránh thai khác trong tử cung.

4. Cách sử dụng dụng cụ tránh thai Paragard

Trước khi đặt Paragard, người dùng hãy thông báo cho bác sĩ những vấn đề sau:

  • Những tình trạng không phù hợp để đặt Paragard (liệt kê ở phần trên);
  • Nhịp tim chậm;
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu;
  • Co giật;
  • Vừa sinh con hoặc đang cho con bú;
  • Bị HIV/AIDS hoặc bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào khác.

Cách đặt dụng cụ tránh thai Paragard:

  • Paragard được bác sĩ đặt trong buồng tử cung một lần duy nhất tại bệnh viện hoặc phòng khám;
  • Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra khung chậu để tìm vị trí chính xác của tử cung. Sau đó, sẽ tiến hành vệ sinh âm đạo và cổ tử cung bằng dung dịch sát trùng, và đo kích thước của tử cung. Bác sĩ sẽ tiến hành trượt một ống nhựa chứa có chứa Paragard vào buồng tử cung, sau đó lấy ống nhựa ra và giữ lại Paragard. Hai sợi chỉ màu trắng sẽ kéo dài vào trong âm đạo, tuy nhiên các bác sĩ sẽ cắt bớt ngắn đủ dài để chị em có thể cảm nhận bằng ngón tay khi kiểm tra;
  • Sau khi đặt Paragard thành công, chị em có thể cảm thấy tử cung hơi co thắt hoặc có cảm giác bị chèn ép, một số khác có thể bị chảy máu âm đạo. Một số phụ nữ sẽ bị ngất xỉu, buồn nôn hoặc chóng mặt trong vài phút sau đó. Bác sĩ có thể yêu cầu chị em nằm nghỉ cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn, sau đó mới đứng dậy từ từ.

Cách kiểm tra dụng cụ tránh thai Paragard

  • Chị em có thể tự kiểm tra xem Paragard có ở đúng vị trí hay không bằng cách cảm nhận sợi chỉ gắn ở đầu dưới Paragard. Chị em nên kiểm tra Paragard 1 lần một tháng;
  • Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách kiểm tra xem Paragard có ở đúng vị trí hay không;
  • Đầu tiên, bạn hãy rửa tay bằng xà phòng và nước. Sau đó đưa ngón tay vào âm đạo để sờ vào 2 sợi chỉ (chú ý không kéo chúng);
  • Nếu cảm thấy sự thay đổi về độ dài của 2 sợi chỉ, không thể sờ thấy sợi chỉ hoặc sờ thấy bất kỳ bộ phận nào khác của Paragard ngoài sợi chỉ, thì có thể dụng cụ Paragard đã không nằm đúng vị trí và do đó không thể tránh thai. Khi đó, chị em cần sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng (như bao cao su hoặc chất diệt tinh trùng) và yêu cầu bác sĩ kiểm tra xem Paragard có còn ở đúng vị trí hay không.

Xử lý khi có thai trong khi sử dụng Paragard:

  • Liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu nghĩ rằng bạn có thể mang thai. Nếu có thai trong khi sử dụng Paragard thì nguy cơ cao đó là thai ngoài tử cung. Những dấu hiệu như chảy máu âm đạo bất thường hoặc đau bụng, đặc biệt là khi trễ kinh, có thể gợi ý thai ngoài tử cung;
  • Thai ngoài tử cung là một tình trạng cần phải phẫu thuật khẩn cấp vì những nguy cơ nghiêm trọng như xuất huyết nội, vô sinh và thậm chí tử vong;
  • Nguy cơ mang thai trong tử cung trong khi sử dụng Paragard vẫn có, tuy nhiên nguy cơ nhiễm trùng nặng, sảy thai, sinh non và thậm chí tử vong trong thời gian mang thai là rất cao. Do đó, bác sĩ có thể cố gắng loại bỏ Paragard, mặc dù việc việc này có thể dẫn đến sảy thai. Nếu không thể loại bỏ Paragard, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của việc tiếp tục mang thai;
  • Nếu tiếp tục mang thai, chị em hãy tái khám với bác sĩ thường xuyên. Đồng thời liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu có các triệu chứng giống như cúm, sốt, ớn lạnh, co thắt tử cung, đau, chảy máu, tiết dịch hoặc rò rỉ chất lỏng bất thường từ âm;
  • Các chuyên gia vẫn chưa rõ liệu Paragard có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến thai nhi hay không nếu nó nằm yên trong suốt thai kỳ.

Bạn vẫn có thể sử dụng Paragard khi đang cho con bú. Tuy nhiên nguy cơ Paragard dính chặt hoặc gây thủng thành tử cung sẽ tăng lên nếu Paragard được đặt trong thời gian đang cho con bú.

Paragard không ảnh hưởng đến quá trình quan hệ tình dục, vì nó được đặt trong tử cung thay vì âm đạo. Đôi khi đối tác của bạn có thể cảm thấy các sợi chỉ và nếu điều này xảy ra, hoặc nếu cảm thấy đau khi quan hệ tình dục, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để được xử trí.

5. Tác dụng phụ khi đặt Paragard

Dụng cụ tránh thai Paragard có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm:

  • Nguy cơ mang thai ngoài tử cung và thai trong tử cung;
  • Nhiễm trùng đe dọa tính mạng: Xảy ra trong vài ngày đầu sau đặt Paragard;
  • Viêm vùng chậu (PID) hoặc viêm nội mạc tử cung, có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng như vô sinh, mang thai ngoài tử cung và đau vùng chậu kéo dài;
  • Dính chặt vào thành tử cung, gây khó khăn cho việc tháo bỏ. Khi đó biện pháp phẫu thuật đôi khi cần thiết để loại bỏ Paragard;
  • Thủng tử cung: Paragard có thể xuyên qua thành tử cung và mất đi tác dụng ngừa thai. Nếu thủng tử cung xảy ra, dụng cụ tránh thai Paragard có thể di chuyển ra ngoài tử cung, gây sẹo bên trong, nhiễm trùng, tổn thương các cơ quan khác, đau hoặc vô sinh và đòi hỏi phẫu thuật để loại bỏ. Đau dữ dội hoặc chảy máu âm đạo trong khi đặt Paragard, đau hoặc chảy máu nặng hơn sau khi đặt hoặc chị em không thể cảm nhận được các sợi chỉ là những dấu hiệu gợi ý thủng. Nguy cơ thủng tử cung tăng lên ở phụ nữ cho con bú;
  • Tụt khỏi tử cung: Paragard có thể rơi ra khỏi tử cung một phần hoặc hoàn toàn, xảy ra ở khoảng 2% trường hợp;
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt;
  • Phản ứng khi đặt hoặc tháo: Một số phụ nữ đã có các phản ứng như chóng mặt (ngất), nhịp tim chậm hoặc co giật, ngay sau khi đặt hoặc tháo Paragard.

6. Những lưu ý sau khi đặt Paragard

Sau khi đặt Paragard, bạn hãy liên hệ với bác sĩ nếu có những vấn đề sau:

  • Nghi ngờ đang mang thai;
  • Đau vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục;
  • Dịch tiết âm đạo bất thường hoặc xuất hiện vết loét ở bộ phận sinh dục;
  • Sốt không rõ nguyên nhân, có biểu hiện giống cúm hoặc cảm lạnh;
  • Phơi nhiễm với các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs);
  • Lo ngại Paragard có thể đã rớt ra khỏi tử cung;
  • Không thể cảm thấy các sợi chỉ của Paragard hoặc cảm thấy chúng dài hơn trước;
  • Sờ thấy bất kỳ phần nào khác của Paragard ngoài 2 sợi chỉ;
  • Xét nghiệm bản thân hoặc bạn tình dương tính với HIV;
  • Chảy máu âm đạo nghiêm trọng, kéo dài trong một thời gian dài hoặc chảy máu khiến chị em lo lắng;
  • Trễ kinh.

Tóm lại, Paragard là một dụng cụ tránh thai đặt vào tử cung, có kích thước nhỏ, mềm dẻo, hình chữ “T” và được quấn đồng xung quanh, ngoài ra còn bao gồm 2 sợi chỉ mỏng màu trắng gắn vào đầu dưới.

Nguồn tham khảo: paragard.com, drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

80 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan