Tác dụng của thuốc Flurazepam

Thuốc điều trị lo âu Flurazepam hay còn gọi là Flurazepamum có tác dụng điều trị ngắn hạn chứng mất ngủ. Có thể sử dụng thuốc Flurazepam cho người lớn và trẻ em trên 15 tuổi. Trước khi sử dụng Flurazepam, bạn nên tìm hiểu thật kỹ các thông tin về thuốc cũng như tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng. Điều này có thể giúp bạn tránh một số tác dụng phụ không mong muốn do thuốc gây ra.

1. Flurazepam là thuốc gì?

Thuốc Flurazepam còn có tên gọi khác là Flurazepamum, chứa thành phần chính là flurazepam dihydroclorid. Thuốc Flurazepam có bản chất là 1 loại thuốc ngủ thuộc nhóm benzodiazepin.

Thuốc được điều chế ở 2 dạng:

  • Dạng viên nang (muối dihydroclorid) khối lượng mỗi viên 15 mg hoặc 30 mg.
  • Dạng viên nén (muối monohydroclorid) khối lượng mỗi viên 15 mg hoặc 30 mg.

2. Thuốc Flurazepam có tác dụng gì sau khi sử dụng?

Thuốc Flurazepam có tác dụng điều trị chứng mất ngủ. Khi sử dụng thuốc bạn có thể ngủ nhanh và lâu hơn, hạn chế thức giấc vào ban đêm, từ đó giúp cải thiện giấc ngủ của bạn.

Thuốc Flurazepam thuộc nhóm thuốc ngủ hoặc thuốc an thần. Thuốc hoạt động bằng cách tác động lên não bộ của bạn để tạo cảm giác êm dịu. Loại thuốc này có tác du điều trị chứng mất ngủ ngắn hạn, do đó bạn chỉ được sử dụng trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tuần hoặc ít hơn. Tuy nhiên trong trường hợp tình trạng mất ngủ của bạn kéo dài và ngày càng nặng hơn, bạn cần báo ngay với bác sĩ điều trị của mình để có biện pháp xử trí.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Flurazepam

Thuốc Flurazepam được sử dụng qua đường uống, bạn có thể uống thuốc kèm với thức ăn hoặc không tùy theo yêu cầu của bác sĩ. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn dùng thuốc trước khi ngủ. Liều lượng sử dụng thuốc Flurazepam ở mỗi người là khác nhau. Bởi liều dùng được tính dựa trên cân nặng, tuổi tác, tình trạng sức khỏe của người bệnh, khả năng đáp ứng của cơ thể với quá trình điều trị.

Thuốc Flurazepam có thể gây ra tình trạng mất trí nhớ tạm thời. Tuy nhiên, khả năng xuất hiện điều này là rất thấp. Nhiều bác sĩ khuyên rằng bạn không nên sử dụng loại thuốc này nếu bạn không ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, nếu không thuốc có thể làm bạn tăng nguy cơ mất trí nhớ tạm thời.

Nếu bạn sử dụng thuốc Flurazepam trong một thời gian dài với liều lượng cao, bạn có thể xuất hiện các phản ứng cai thuốc. Với các biểu hiện thường là buồn nôn, nôn, đau bụng, run rẩy, mặt đỏ, căng thẳng,... Khi cơ thể xuất hiện một trong các triệu chứng trên bạn cần ngưng sử dụng thuốc ngay, đồng thời liên hệ với bác sĩ của mình để có chỉ định giảm liều thuốc Flurazepam dần dần.

Trước khi sử dụng thuốc bạn này tìm hiểu thật kỹ các thông tin của thuốc để biết rằng thuốc có bất kỳ tác dụng phụ nào không. Do đây là loại thuốc điều trị ngắn hạn, do đó khi bạn sử dụng Flurazepam trong một thời gian dài chúng có thể sẽ không còn hoạt động tốt.

Thuốc Flurazepam có thể gây ra tình trạng nghiện thuốc, tuy nhiên xác suất xuất hiện là rất ít. Để tránh khả năng này có thể xảy ra bạn nên dùng thuốc đúng theo quy định của bác sĩ. Nguy cơ nghiện thuốc tăng cao đối với người sử dụng đã từng sử dụng ma túy hoặc lạm dụng rượu quá nhiều.

Nếu tình trạng bệnh của bạn vẫn còn tồn tại sau 7 đến 10 ngày điều trị hoặc ngày càng trở nên xấu hơn, bạn cần thông báo cho bác sĩ điều trị của mình. Sau khi ngừng thuốc bạn có thể khó ngủ trở lại. Tuy nhiên, chúng chỉ xuất hiện một vài đêm đầu tiên sau đó sẽ biến mất, đây là dấu hiệu hoàn toàn bình thường.

4. Bạn cần phải làm gì nếu lỡ bỏ quên một liều thuốc Flurazepam?

Trong trường hợp bạn lỡ bỏ quên một liều thuốc Flurazepam, hãy uống bổ sung thuốc càng sớm càng tốt. Nếu thời gian uống bù thuốc quá gần với thời gian uống liều tiếp theo bạn nên bỏ liều đã mất và tiếp tục sử dụng thuốc như bình thường. Bạn tuyệt đối không được tự ý gấp đôi lượng thuốc để bù cho liều đã quên. Điều này có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng của quá liều.

5. Một số tác dụng phụ của thuốc Flurazepam

Các tác dụng phụ của thuốc Flurazepam gây ra xuất hiện với tần suất khác nhau:

  • Thường gặp: Mất thăng bằng, ngã, hoa mắt, chóng mặt, lảo đảo và buồn ngủ.
  • Ít gặp: Mất phương hướng, hôn mê, đau đầu, ngất, đau dạ dày, ợ nóng, nôn, buồn nôn, táo bón, ỉa chảy, bồn chồn, lo âu, bực tức, hồi hộp, đánh trống ngực, đau khớp, rối loạn sinh dục tiểu tiện, đau nhức người,...
  • Hiếm gặp: Số lượng bạch cầu và bạch cầu hạt giảm, mặt đỏ, đổ mồ hôi, khả năng tập trung giảm, bỏng rát mặt, nhìn mờ, huyết áp tụt, hụt hơi, nổi ban ở da, ngứa, khô miệng, tiết nước bọt nhiều, trầm cảm, nói lắp, lú lẫn, đắng miệng, bồn chồn, kích động, ảo giác,... Một số chỉ số xét nghiệm tăng như SGOT, SGPT, phosphatase kiềm, bilirubin trực tiếp và toàn phần.

6. Những lưu ý khi bạn sử dụng thuốc Flurazepam

  • Không nên sử dụng thuốc Flurazepam cho trẻ em dưới 15 tuổi do chưa có tài liệu chứng minh về độ an toàn của thuốc dành cho nhóm đối tượng này.
  • Người có tiền sử nghiện thuốc, suy chức năng gan và thận hay đang mắc bệnh về đường hô hấp, yếu cơ nên thận trọng khi sử dụng thuốc Flurazepam
  • Sau khi sử dụng, cơn buồn ngủ có thể kéo dài đến ngày hôm sau do đó những người làm việc với máy móc, điều khiển xe hoặc những công việc yêu cầu sự tập trung cao cần lưu ý.
  • Các thành phần của thuốc Flurazepam sau khi chuyển hóa có thể đi qua nhau thai và gây hại cho trẻ sơ sinh. Chính vì vậy, các mẹ bầu khi sử dụng lâu dài các benzodiazepin có thể làm xuất hiện triệu chứng cai thuốc ở trẻ hoặc phản ứng phụ thuộc thuốc.
  • Thuốc Flurazepam được sử dụng khá phổ biến để điều trị ngắn hạn chứng mất ngủ. Trong quá trình sử dụng thuốc bạn không nên sử dụng các đồ uống có cồn và chất ức chế hệ thần kinh trung ương khác. Bạn nên sử dụng đúng liều lượng mà bác sĩ quy định để tránh xuất hiện các phản ứng quá liều. Hãy đọc kỹ hướng dẫn đi kèm và chỉ định của bác sĩ trước khi dùng thuốc Flurazepam để có thể sử dụng thuốc một cách an toàn.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Flurazepam, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Flurazepam là thuốc kê đơn, bạn tuyệt đối không được tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

481 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan