Tác dụng của thuốc Sotalex

Thuốc Sotalex thuộc nhóm tim mạch, thường được sử dụng trong điều trị các bệnh liên quan về tăng huyết áp. Do đây là thuốc kê đơn nên người bệnh cần tuân thủ theo sự chỉ định từ phía bác sĩ chuyên khoa.

1. Sotalex là thuốc gì?

Thuốc Sotalex có chứa thành phần chính là hoạt chất Sotalol, đây được biết đến là một thuốc chẹn beta-adrenergic không chọn lọc.

Cơ chế hoạt động của Sotalol là ức chế đáp ứng với kích thích adrenergic bằng cách chẹn cạnh tranh thụ thể beta2-adrenergic trong cơ tim và thụ thể beta2-adrenergic xuất hiện trong cơ trơn phế quản và mạch máu.

Tương tự như Propranolol, Sotalol cho khả năng chống loạn nhịp đặc trưng của thuốc chống loạn nhịp nhóm II (bao gồm như chẹn thụ thể beta-adrenergic, không có hoạt tính nội tại giống thần kinh giao cảm).

Điểm đánh chú ý của Sotalol không có hoạt tính ổn định màng nhưng như một dẫn chất của metan-sulfonanilid, thay vào đó Sotalol biểu thị những tác dụng điện sinh lý đặc trưng của thuốc chống loạn nhịp nhóm III.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Sotalex

2.1. Chỉ định thuốc Sotale

Thuốc Sotalex 80mg thường được các bác sĩ chỉ định điều trị và dự phòng các đợt tái phát của:

  • Bệnh nhân mắc chứng loạn nhịp nhanh thất nặng có đủ chứng cứ đe doạ tính mạng (tiêu biểu là nhịp nhanh thất kéo dài mà bác sĩ coi là rất nặng).
  • Người được chẩn đoán mắc loạn nhịp nhanh thất nhưng không suy tim, có triệu chứng và gây tàn phế.
  • Bệnh nhân được chẩn đoán bị loạn nhịp nhanh trên thất (rung nhĩ, flutter nhĩ) không có suy tim nhưng thấy cần thiết phải điều trị.

2.2. Chống chỉ định thuốc Sotale

  • Sotalex không phù hợp với người bệnh quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc bệnh nhân mắc chứng hen suyễn.
  • Chống chỉ định thuốc cho bệnh nhân chậm nhịp xoang, hội chứng suy nút xoang (sick sinus syndrome) hoặc block nhĩ thất độ II và độ III.
  • Người mắc hội chứng QT kéo dài bẩm sinh hoặc mắc phải, sốc do tim, suy tim sung huyết không kiểm soát
  • Bệnh nhân được chẩn đoán giảm kali máu (< 4 mEq/lít) ở người bệnh bị rung nhĩ hoặc flutter nhĩ.
  • Tuyệt đối không dùng thuốc khi bệnh nhân chưa điều trị được giảm magnesium hoặc giảm kali huyết huyết ở người bị loạn nhịp thất.
  • Người có chỉ số thanh thải creatinin < 40 ml/phút ở người rung nhĩ hoặc flutter nhĩ.

3. Liều dùng và cách dùng thuốc Sotalex

3.1. Liều dùng thuốc Sotalex

Với người lớn, liều dùng khuyến cáo ban đầu là 80mg, uống 2 lần/ngày. Sau đó, liều dùng nên được điều chỉnh dần dần mỗi 3 ngày để đạt được sự ổn định trong huyết tương và cho phép người bệnh theo dõi khoảng QT.

Về liều duy trì, có thể tăng liều ban đầu (nếu cần thiết) lên đến 240 mg hoặc 320mg, sử dụng thuốc hàng ngày (120–160 mg uống 2 lần/ngày).

Trong trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán mắc rối loạn nhịp tâm thất có khả năng đe dọa tính mạng, lúc này liều dùng có thể tăng lên 480–640mg mỗi ngày.

Với trẻ em, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng.

3.2. Cách dùng thuốc Sotalex

Đây là thuốc được sử dụng qua đường uống, do thức ăn không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, vì vậy ngườu bệnh có thể uống thuốc trước hay sau ăn đều được.

4. Tác dụng phụ thuốc Sotalex

Việc sử dụng thuốc Sotalex có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ sau đây:

  • Ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương khiến người bệnh có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, bồn chồn, nhức đầu, lú lẫn, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.
  • Ảnh hưởng đến hệ tim mạch làm nhịp tim chậm, suy tim sung huyết, đau ngực, đánh trống ngực, điện tâm đồ khác thường, giảm huyết áp, gây loạn nhịp tim, ngất.
  • Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa khiến người bệnh bị tiêu chảy hoặc khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, nôn.
  • Ảnh hưởng đến thần kinh – cơ và xương với dấu hiệu điển hình là yếu cơ, dị cảm.
  • Ảnh hưởng đến hô hấp gây ra khó thở, hen, những vấn đề về đường hô hấp trên.
  • Ảnh hưởng đến da gây ngứa, phát ban.
  • Ảnh hưởng đến huyết học gây chảy máu.

5. Tương tác thuốc

  • Thuốc Sotalex có khả năng tương tác với một số loại thuốc khác như Disopyramide, Procainamide, Quinidine, Digoxin.
  • Thận trọng khi sử dụng chung thuốc chẹn calci như Amlodipine, Verapamil, Diltiazem,...
  • Thận trọng khi sử dụng chung thuốc làm mất catecholamin như Reserpin và Guanethidin.
  • Thận trọng khi sử dụng chung thuốc Insulin và những thuốc uống chống đái tháo đường.
  • Thận trọng khi sử dụng chung thuốc thuốc kích thích thụ thể beta2 như Salbutamol, Terbutalin và Isoprenalin

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Sotalex

  • Khi bắt đầu sử dụng Sotalex hoặc tăng liều phải tiến hành tại bệnh viện. Sau đó các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá đáp ứng của người bệnh trước khi tiếp tục điều trị với liệu pháp kéo dài.
  • Không được dùng cho những người bệnh có giảm magnesi huyết hoặc giảm kali huyết do gia tăng các vấn đề, nguy cơ như gây xoắn đỉnh, tăng quá mức sự kéo dài khoảng QT.
  • Phải theo dõi chặt chẽ khi dùng Sotalex ở những người bệnh đang có hoặc nghi ngờ nhiễm độc do tuyến giáp. Nguyên nhân là do việc ngừng đột ngột chẹn beta – adrenergic có thể thúc đẩy phát triển cơn cường giáp.
  • Vì thuốc cũng có thể che lấp một số dấu hiệu và triệu chứng của giảm glucose huyết cấp nên chú ý thận trọng khi dùng cho người bệnh đái tháo đường, đặc biệt dễ bị hạ glucose huyết.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Sotalex. Trước khi sử dụng, bạn cần thăm khám tại các cơ sở y tế và tuân thủ theo liều dùng, cách dùng của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan