Tác dụng và lưu ý khi dùng thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần là những loại thuốc thường được dùng để điều trị một số triệu chứng về tâm thần như ảo giác, ảo tưởng, lo lắng và kích động, hoang mang... Vậy cụ thể thuốc chống loạn thần là gì, tác dụng và cần lưu ý những gì khi sử dụng?

1. Thuốc chống loạn thần là gì?

Thuốc chống loạn thần là các loại thuốc được sử dụng trong điều trị chứng tâm thần phân liệt. Đôi khi, các thuốc này cũng được dùng để điều trị các bệnh tâm thần khác như rối loạn lưỡng cực, trầm cảm hoặc lo âu nghiêm trọng.

Thuốc chống loạn thần được chia thành hai nhóm là các thuốc chống loạn thần điển hình (thuốc chống loạn thần thế hệ 1) và thuốc chống loạn thần không điển hình (thuốc chống loạn thần thế hệ thứ 2 - SGA).

Các loại thuốc điều trị loạn thần hoạt động bằng cách ngăn chặn dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh trong não.

2. Tác dụng thuốc chống loạn thần

Các loại thuốc chống loạn thần không chữa được chứng loạn thần, nhưng thường có tác dụng hiệu quả trong việc làm giảm và kiểm soát nhiều triệu chứng trong chứng tâm thần phân liệt, bao gồm:

  • Ảo tưởng và ảo giác.
  • Kích động, lo lắng nghiêm trọng.
  • Lời nói không mạch lạc, suy nghĩ lộn xộn.
  • Hoang mang.
  • Có hành vi gây rối hoặc hành vi bạo lực.
  • Hưng cảm.

Các thuốc này không thể loại bỏ các triệu chứng tâm thần phân liệt mà nó chỉ có thể khiến người bệnh không cảm thấy khó chịu và dễ dàng sinh hoạt như bình thường.

3. Các loại thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần được chia thành hai nhóm đó là thuốc chống loạn thần điển hình (thế hệ 1) và thuốc chống loạn thần không điển hình (thế hệ 2).

3.1. Thuốc chống loạn thần điển hình (thế hệ 1)

Thuốc chống loạn thần điển hình (thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất) chủ yếu hoạt động bằng cách ức chế thụ thể dopamine 2 (thuốc chẹn dopamine-2).

Thuốc chống loạn thần điển hình có thể gây ra các tác dụng phụ đáng kể, đặc biệt là một số tác dụng phụ liên quan đến rối loạn nhận thức và ngoại tháp.

Một số thuốc loạn thần thế hệ 1 bao gồm: Benperidol, Clorpromazine, Flupentixol, Fluphenazine, Haloperidol, Levomepromazine, Pericyazine, Perphenazine, Pimozide, Promazine, Sulpiride, Trifluoperazine, Zuclopenthixol.

3.2 Thuốc chống loạn thần không điển hình (thuốc chống loạn thần thế hệ 2)

Các loại thuốc chống loạn thần thế hệ thứ 2 chẹn các thụ thể dopamin có tính chọn lọc hơn so với thuốc chống loạn thần thế hệ 1. Đồng thời, thuốc chống loạn thần thế hệ thứ 2 cũng làm giảm khả năng xảy ra các tác dụng tác dụng không mong muốn ngoại tháp (vận động).

Một số loại thuốc điều trị loạn thần thế hệ thứ 2 như: Amisulpride, Aripiprazole, Clozapine, Risperidone, Olanzapine, Quetiapine, Paliperidone và Clozapine. Trong đó, Clozapine là loại thuốc hoạt động hơi khác với các loại thuốc khác thuộc nhóm thuốc trị loạn thần thế hệ thứ 2.

Nói tóm lại, cách dùng thuốc chống loạn thần thế hệ thứ 1 hay thế hệ thứ 2 là do bác sĩ chỉ định dựa vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Người bệnh có thể phải thay đổi thuốc vài lần để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất với cơ thể, bởi mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau với từng loại thuốc.

Nếu bạn đã dùng thuốc trong vài tuần mà rất khó để kiểm soát các tác dụng phụ hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định một loại thuốc khác phù hợp hơn.

4. Tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần có hại không? Việc sử dụng thuốc chống loạn thần có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm:

  • Cứng và run người: Các triệu chứng này có thể giảm bằng cách giảm liều thuốc. Tuy nhiên, nếu phải dùng liều cao bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng cholinergic để điều trị run rẩy.
  • Bồn chồn khó chịu
  • Rối loạn vận động muộn.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Buồn ngủ và chậm chạp.
  • Tăng cân
  • Nguy cơ bị tiểu đường cao hơn
  • Táo bón
  • Khô miệng
  • Nhìn mờ

Không phải tất cả các loại thuốc điều trị loạn thần sẽ có các tác dụng phụ này. Các thuốc thế hệ mới hoặc không điển hình ít gây ra tác dụng phụ vận động hơn nhưng vẫn có thể mắc phải. Tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để được điều trị hiệu quả.

5. Tương tác thuốc

Các thuốc chống loạn thần có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác. Nó có thể tương tác với thuốc chống trầm cảm ba vòng, vậy nên không được sử dụng cùng nhau.

Một số thuốc điều trị loạn thần có thể gây buồn ngủ, nên các bác sĩ sẽ cẩn thận khi kê đơn chung với thuốc benzodiazepin vì sẽ gây buồn ngủ. Để tránh tương tác thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả của các loại thuốc đang dùng bạn cần nói cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng để bác sĩ chỉ định thuốc chống loạn thần đúng.

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc chống loạn thần

Để sử dụng thuốc chống loạn thần an toàn và đạt được hiệu quả tốt nhất người dùng cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Dùng thuốc trị chứng loạn thần theo đúng chỉ định, kê đơn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tùy tiện mua thuốc về dùng hay bỏ dở liệu trình dùng thuốc khi chưa có chỉ định.
  • Một số loại thuốc điều trị loạn thần có thể ảnh hưởng đến tim, vì thế nếu bạn bị bệnh tim hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim cần phải kiểm tra tim thường xuyên trong quá trình dùng thuốc.
  • Không dùng thuốc trị loạn thần cho người lớn tuổi bị mất trí nhớ vì có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong.
  • Thuốc có thể gây tác dụng phụ buồn ngủ, vì thế không lái xe hay vận hành máy móc khi dùng thuốc.
  • Thuốc chống loạn thần có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh, vú phát triển ở cả nam và nữ giới. Vì thế, nếu gặp bất kỳ vấn đề nào trong các vấn đề này cần báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn và chỉ định phù hợp.
  • Thuốc chống loạn thần có thể gây ảnh hưởng đến thai kỳ, vì thế phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai thì cần tư vấn ý kiến của bác sĩ chuyên môn để được bác sĩ tư vấn tốt nhất.
  • Thuốc có thể truyền qua sữa mẹ, vì thế đối với phụ nữ cho con bú nếu sử dụng thuốc thì nên ngưng cho con bú để tránh ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.

Hy vọng thông qua những thông tin trong bài viết này đã giúp mọi người biết được tác dụng, cách dùng và một số lưu ý khi dùng thuốc chống loạn thần. Từ đó, biết cách sử dụng thuốc an toàn và đạt hiệu quả khi được bác sĩ chỉ định dùng thuốc.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan