Thông tin về thuốc Imitrex

Imitrex là thuốc tác dụng lên hệ mạch máu, thường được chỉ định trong điều trị đau nửa đầu, đau do co mạch ở vùng đầu mặt,... Vậy thành phần của thuốc, công dụng, cách dùng và một số lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?

1. Imitrex là thuốc gì?

Imitrex có thành phần chính là Sumatriptan - một chất chủ vận chọn lọc của các thụ thể mạch máu 5-hydroxytryptamine-1 (5HT1d), các thụ thể này khu trú chủ yếu trên các mạch máu sọ não và gây co mạch; không có tác dụng trên các tuýp phụ khác của thụ thể 5-HT (5HT2 đến 5HT7).

Cơ chế tác dụng chính của thành phần Sumatriptan chưa được xác định rõ ràng; Trên động vật thí nghiệm, thuốc gây co thắt chọn lọc động mạch cảnh, ức chế hoạt tính của dây thần kinh tam thoa (dây thần kinh mặt số V). Dựa vào tác dụng này Imitrex dùng để chống lại cơn đau nửa đầu ở người.

Tùy từng dạng bào chế mà Imitrex có thời gian hấp thu khác nhau, ở dạng viên nén, thuốc bắt đầu tác dụng sau 30 phút uống; ở dạng dung dịch xịt mũi với liều 20 mg/0,1 ml tác dụng sau 15 phút, ở dạng tiêm dưới da thì tác dụng sau 10 -15 phút tiêm.

Sau khi vào hệ tuần hoàn thuốc phân bố nhanh và rộng khắp các mô trong cơ thể, có thể qua được hàng rào máu não, qua nhau thai và bài tiết vào sữa mẹ. Ở bệnh nhân khỏe mạnh thuốc được chuyển hóa ở gan, bài tiết hoàn toàn sau 10-24 giờ qua đường phân và nước tiểu.

2. Chỉ định của thuốc Imitrex

Thuốc Imitrex được chỉ định điều trị trong các trường hợp bệnh lý sau đây:

  • Cơn đau nửa đầu có hoặc không có triệu chứng báo trước. Các triệu chứng báo trước có thể gặp như buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh,...
  • Đau nửa đầu dữ dội mà không đáp ứng với các điều trị khác trước đó.
  • Đau nửa đầu kịch phát mạn tính do mạch máu ở mặt.

3. Chống chỉ định của thuốc Imitrex

Không sử dụng thuốc Imitrex trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Sumatriptan hay bất cứ thành phần tá dược nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh co thắt mạch vành, tăng huyết áp chưa được kiểm soát hay các bệnh lý mạch máu ngoại biên.
  • Bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA).
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng gan nặng, trẻ em dưới 18 tuổi không có chỉ định dùng thuốc Imitrex.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Imitrex:

  • Bệnh nhân được chẩn đoán đau nửa đầu phải loại trừ do các bệnh lý thần kinh ác tính nặng nề khác hay các dấu hiệu sớm của tai biến mạch máu não, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
  • Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng nhất thời như đau ngực, cảm giác ngực bị chèn ép giống như cơn đau thắt ngực. Không sử dụng liều tiếp theo nếu có các biểu hiện trên.
  • Bệnh nhân có nghi ngờ bệnh lý cơ tim thiếu máu cục bộ, bệnh nhân nghiện thuốc lá hoặc dùng thuốc thay thế có chứa nicotin (đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh và nam giới trên 40 tuổi) không nên sử dụng Imitrex.
  • Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân động kinh do nguy cơ hạ thấp ngưỡng gây co giật.
  • Cân nhắc khi sử dụng trên nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lý động mạch vành như tiểu đường, hút thuốc lá, thừa cân, tăng cholesterol máu, hội chứng Wolff-Parkinson-White,...
  • Imitrex có thể qua được nhau thai và sữa mẹ, do đó phụ nữ có thai và đang cho con bú nên cân nhắc sử dụng, chỉ dùng thuốc khi không có biện pháp điều trị thay thế khác.
  • Thuốc sử dụng để điều trị cơn đau đầu đã khởi phát, không giúp làm ngăn ngừa cơn tái phát hoặc làm giảm tần suất cơn.

4. Liều dùng và cách dùng Imitrex

Cách dùng Imitrex:

  • Imitrex được bào chế dưới dạng viên uống, dung dịch xịt mũi hay thuốc tiêm dưới da. Tùy mục đích và đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cách dùng khác nhau.
  • Không được dùng thuốc ở đường tiêm tĩnh mạch do nguy cơ co thắt mạch vành.
  • Ở dạng viên uống, nên uống nguyên viên, không bẻ vụn hay nghiền nát thuốc, có thể uống Imitrex cùng với thức ăn để giảm kích ứng dạ dày.

Liều dùng Imitrex:

  • Imitrex dạng viên uống trực tiếp: Liều khởi đầu 25mg, 50mg, 100mg/ lần/ ngày tùy thuộc vào mức độ cơn đau nửa đầu; Liều thứ 2 dùng ít nhất 2 giờ sau liều đầu tiên (nếu cơn đau chưa được cải thiện); Liều tối đa 200mg/ ngày.
  • Imitrex dạng xịt mũi: Liều khởi đầu xịt 5mg, 10mg, 20mg/ lần/ ngày vào mỗi bên mũi; Liều thứ 2 dùng ít nhất 2 giờ sau liều đầu tiên (nếu cơn đau chưa được cải thiện); Liều tối đa 40mg/ ngày.
  • Imitrex dạng bột hít qua đường mũi: Liều ban đầu 11mg vào mỗi lỗ mũi bằng dụng cụ hít chuyên dùng 1 lần/ngày. Liều thứ 2 dùng ít nhất 2 giờ sau liều đầu tiên (nếu cơn đau chưa được cải thiện); Liều tối đa 44mg/ ngày.
  • Trong cùng một cơn hạn chế tối đa sử dụng liều thứ 2 nếu không có chỉ định của bác sĩ, có thể phối hợp với các thuốc giảm đau khác như Paracetamol, Aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid khác.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, đối với từng trường hợp cơn đau cụ thể của bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng và cách dùng Imitrex khác nhau.

5. Tương tác thuốc của Imitrex

Một số tương tác có thể xảy ra khi sử dụng phối hợp Imitrex với các thuốc khác như sau:

  • Không phối hợp với các chất ức chế MAO (Isocarboxazid, Linezolid, Xanh Methylen, Selegiline,...) hoặc sử dụng cách nhau ít nhất 14 ngày.
  • Phối hợp với các dẫn chất Ergot (cựa lúa mạch), Sibutramine, thuốc điều hòa serotonin có thể làm thay đổi sinh khả dụng của thuốc.
  • Phối hợp Imitrex với các thuốc chống trầm cảm (Citalopram, Duloxetine, Fluoxetine,...); thuốc rối loạn tâm thần; thuốc gây nghiện,... làm thay đổi hiệu quả tác dụng của cả hai.
  • Rượu bia và các thực phẩm có cồn dùng chung với Imitrex làm tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa, viêm loét, thủng dạ dày.
  • Một số tương tác thuốc khác chưa được chứng minh cụ thể, do đó trước khi sử dụng thuốc để điều trị đau nửa đầu người bệnh nên thông báo cho bác sĩ tất cả các bệnh lý hay thuốc đã sử dụng trong thời gian gần đây.

6. Tác dụng phụ của thuốc Imitrex

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Imitrex:

  • Phản ứng dị ứng gây phát ban, ngứa, sưng mặt, môi, lưỡi, họng, khó thở,...
  • Đau bụng thượng vị đột ngột, loét, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa.
  • Nặng nề hơn tình trạng đau đầu.
  • Chóng mặt, buồn ngủ.
  • Cơn đau ngực nghiêm trọng giống với cơn đau thắt ngực.
  • Rối loạn nhịp tim, nhịp tim không đều, thở dốc, thở hụt hơi.
  • Tê, ngứa ran ở bàn chân, yếu cơ, tím tái ở vùng thấp cơ thể, chuột rút do thiếu tuần hoàn lưu thông.
  • Đột ngột tê, yếu một bên cơ thể, lơ mơ, ngất.
  • Hội chứng Serotonin làm kích động, ảo giác, sốt, tăng nhịp tim, buồn nôn, tiêu chảy, mất phối hợp, ngất xỉu,...
  • Co giật, loạn trương lực cơ, run.
  • Rung giật nhãn cầu, rối loạn thị lực, nhìn đôi, mất thị lực.
  • Hội chứng Raynaud.
  • Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ.

Như vậy, Imitrex là thuốc kê đơn điều trị đau nửa đầu khi các phương pháp điều trị khác không đáp ứng. Imitrex cho hiệu quả giảm đau nhanh nhưng cũng gây ra hàng loạt phản ứng phụ nguy hiểm, cần sử dụng đúng chỉ định về liều lượng và cách dùng do bác sĩ chỉ định.

Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, drugs.com, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

140 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan