Trang chủ Bệnh Đau thắt ngực (thắt tim): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Đau thắt ngực (thắt tim): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Đau thắt ngực (thắt tim)

Xuất hiện các cơn đau thắt ngực là dấu hiệu điển hình nhất của bệnh thiếu máu cơ tim (còn bệnh động mạch vành). Động mạch vành có vai trò cung cấp máu để nuôi cơ tim. Khi các chức năng của hệ mạch vành bị suy yếu, lưu lượng máu đến cơ tim bị giảm, dẫn đến xuất hiện các đau thắt ngực ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Người bệnh thường mô tả các cơn đau bằng cụm từ đau thắt tim, họ sẽ có cảm giác bị đè nặng ở vùng trước ngực, khó thở và cảm giác như bị ai đó siết chặt lồng ngực. Đi kèm với cảm giác đau thắt ngực là tình trạng tiết mồ hôi nhiều, lạnh tay chân, buồn nôn thậm chí là nôn.

Nguyên nhân bệnh Đau thắt ngực (thắt tim)

Một số nguyên nhân gây đau thắt ngực do tổn thương mạch vành, có thể kể đến:

  • Triệu chứng cơn đau thắt ngực thông thường là dấu hiệu của các bệnh mạch vành nên khoảng 90% cơn đau có nguyên nhân bắt nguồn từ tắc nghẽn do xơ vữa động mạch vành. Các mảng xơ vữa tích tụ (chủ yếu là cholesterol, chất béo,...) gây hẹp mạch vành. Đến mức độ nhất định, lượng máu đến nuôi cơ tim không còn đủ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim và xuất hiện triệu chứng các cơn đau thắt ngực. Khi huyết khối hình thành trong lòng động mạch do các mảng xơ vữa bị nứt đột ngột sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
  • Co thắt khu trú hoặc lan tỏa các động mạch vành.
  • Rối loạn chức năng vi mạch vành

Nguy cơ đau thắt ngực sẽ tăng lên khi người bệnh có những thói quen, bệnh lý kèm theo sau:

  • Hút thuốc lá
  • Thừa cân béo phì
  • Đái tháo đường
  • Cao huyết áp

Tuy nhiên, các tổn thương mạch vành không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến các cơn đau thắt ngực, một số nguyên nhân khác ít phổ biến hơn:

  • Bóc tách động mạch chủ;
  • Phì đại cơ tim;
  • Viêm màng ngoài tim;
  • Viêm khớp sụn sườn;
  • Đau cơ sau khi vận động;
  • Những bệnh về đường tiêu hóa như ợ nóng, loét dạ dày, trào ngược dạ dày, hội chứng ruột kích thích…

Đường lây truyền bệnh Đau thắt ngực (thắt tim)

Triệu chứng của đau thắt ngực

Đau thắt ngực còn được chia thành 4 loại khác nhau, và đi kèm các triệu chứng sau:

Đau thắt ngực ổn định

Loại này là phổ biến nhất, thường xuất hiện ở phía sau xương ức và có thể lan rộng đến cánh tay, lưng và các vùng khác. Triệu chứng thường xuất hiện khi bệnh nhân hoạt động gắng sức, chẳng hạn như khi đi bộ,leo cầu thang, do tim cần cung cấp nhiều oxy hơn để hoạt động. Rất may mắn, cơn đau thắt ngực ổn định có thể được dự đoán trước và giảm đi sau khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giãn mạch.

Đau thắt ngực không ổn định

Các cơn đau trong trường hợp này thường mạnh mẽ hơn, kéo dài hơn với tần suất tăng dần và tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong khoảng thời gian ngắn. Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm vì chúng không chỉ gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim cấp mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời. Thậm chí, khi được cấp cứu kịp thời, khả năng để lại di chứng nghiêm trọng cũng rất cao.

Đau thắt ngực Prinzmetal

Loại này hiếm gặp, thường xuất hiện đột ngột vào giữa đêm trong khi người bệnh đang ngủ. Các cơn đau thường kéo dài từ 30 phút và thường trở nên nghiêm trọng, tuy nhiên, sau khi sử dụng thuốc điều trị, có thể giảm các cơn đau.

Đau thắt vi mạch máu

Cơn đau trong trường hợp này kéo dài hơn và thường khiến tim bị tổn thương nghiêm trọng hơn so với các loại đau thắt ngực khác. Triệu chứng đi kèm thường bao gồm hơi thở ngắn, khó ngủ, mệt mỏi, thiếu năng lượng và thường xuất phát từ căng thẳng, tình trạng tâm lý căng thẳng...

Triệu chứng đau thắt ngực do bệnh mạch vành

Triệu chứng đau thắt ngực do bệnh mạch vành gắn liền với các đặc điểm sau:

  • Đau như bị người khác bóp nghẹt, cảm giác như đang bị thắt chặt hoặc chịu áp lực nặng nề. Đau bắt đầu ở phía sau xương ức và lan rộng lên cằm, lan xuống vai trái và thậm chí có thể trải dài xuống cánh tay trái.
  • Cơn đau thắt ngực thường có tính chất quy luật, có xu hướng tăng khi hoạt động gắng sức, tình trạng cảm xúc mạnh hoặc khi tiếp xúc với nhiệt độ rất lạnh, và thường kéo dài từ 3 đến 15 phút.
  • Cơn đau giảm nhẹ khi nghỉ ngơi hoặc sau khi sử dụng nitroglycerin, một loại thuốc được sử dụng để giảm triệu chứng đau thắt ngực.

Khi cả ba đặc điểm này đều xuất hiện, chúng được gọi là "cơn đau thắt ngực điển hình." Nếu chỉ có hai trong số ba tiêu chuẩn này, chúng được xem xét là "cơn đau không điển hình." Nếu chỉ có một hoặc không có đặc điểm nào xuất hiện, thì nguyên nhân của triệu chứng có thể không phải liên quan đến vấn đề về động mạch vành.

Triệu chứng đau thắt ngực khi bị nhồi máu cơ tim

Nguy cơ nguy hiểm nhất của đau thắt ngực chính là nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim nhưng không xuất hiện triệu chứng đau ngực, chẳng hạn như phụ nữ, người bị đái tháo đường, người cao tuổi (khoảng trên 60 tuổi).

Khi có cảm giác giữa ngực bị đau thắt, căng tức và nặng nề, kèm theo các triệu chứng sau thì nên tìm đến sự hỗ trợ của y tế vì rất có khả năng nó là triệu chứng của nhồi máu cơ tim:

  • Cảm giác đau và khó chịu lan ra các vùng khác như cánh tay, lưng, cổ, hàm, vùng dạ dày.
  • Khó thở.
  • Buồn nôn, nôn mửa, hoặc ợ nóng.
  • Tăng tiết mồ hôi hoặc làm lạnh da.
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Chóng mặt hoặc mất ý thức ngất xỉu.

Việc nhận biết và xử lý kịp thời những triệu chứng này rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe tim mạch và tăng cơ hội cứu sống trong trường hợp có nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực có nguy hiểm không?

Đau thắt ngực là biểu hiện cảnh báo phổ biến nhất về tình trạng tim mạch, đặc biệt là về sự xuất hiện của nhồi máu cơ tim. Bệnh tim mạch trở nên đáng lo ngại hơn hết khi xuất hiện các cơn đau thắt ngực không ổn định.

Khi các triệu chứng đau thắt ngực tiến triển và trở nên nghiêm trọng, thời gian đau kéo dài hơn 15 phút và không giảm đi sau khi dùng thuốc và nghỉ ngơi, đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhồi máu cơ tim đang đến gần. Thời gian quý báu để can thiệp trong trường hợp nhồi máu cơ tim chỉ khoảng 1-2 giờ, tính từ khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu. Mọi sự chậm trễ hoặc trì hoãn đều có thể gây tổn thương cho trái tim và đe dọa tính mạng của bệnh nhân trong thời gian ngắn.

Phòng ngừa bệnh Đau thắt ngực (thắt tim)

Cơn đau thắt ngực thường là dấu hiệu đầu tiên của các vấn đề về tim mạch. Chuyên gia về tim mạch cho rằng việc thay đổi lối sống là một bước quan trọng để ngăn chặn sự xuất hiện của cơn đau thắt ngực trong tương lai. Dưới đây là các biện pháp lành mạnh mà bạn nên thực hiện hàng ngày:

  • Bỏ thuốc lá
  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Khi xuất hiện các triệu chứng cơn đau thắt ngực, có khả năng cơ thể của bệnh đang mắc các vấn đề về tim, phổi, đặc biệt là nhồi máu cơ tim. Hãy tìm đến sự tư vấn và giúp đỡ của các trung tâm y tế bản thân có dấu hiệu bị đau thắt ngực, nhằm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tim mạch hiệu quả

  • Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần
  • Chế độ ăn lành mạnh: nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế mỡ động vật thay bằng dầu thực vật, hạn chế phủ tạng động vật, giảm muối trong thức ăn, không ăn các đồ muối như dưa chua, cà muối…
  • Kiểm soát huyết áp bằng thay đổi chế độ ăn kèm uống thuốc đều đặn
  • Kiểm soát đường máu, lipid máu

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Đau thắt ngực (thắt tim)

Quá trình chẩn đoán các cơn đau thắt ngực thường bao gồm các phương pháp sau:

  • Điện tâm đồ (ECG): Đây là bước đầu tiên và bắt buộc để chẩn đoán. Trên ECG, ta có thể quan sát các biến đổi như ST chênh xuống đi ngang, sóng T âm, và sóng Q (dấu hiệu hoạt tử từ nhồi máu cơ tim cũ). Nếu điện tâm đồ bị biến đổi khi bệnh nhân đang trải qua cơn đau thắt ngực, đó càng là một dấu hiệu xác định bệnh tim thiếu máu.
  • Điện tâm đồ gắng sức: ghi lại điện tâm đồ xuyên suốt thời gian bệnh nhân thực hiện hoạt động vận động, thường dùng trong trường hợp nghi ngờ bệnh lý mạch vành mà điện tâm đồ lúc bình thường, không có dấu hiệu.
  • Siêu âm tim và siêu âm tim gắng sức: Trên siêu âm doppler tim, chúng ta có thể xác định các rối loạn vận động vùng, giảm hoặc mất vận động vùng cơ tim theo vùng cung cấp máu bởi động mạch vành. Nếu siêu âm tim bình thường, có thể tiến hành siêu âm tim gắng sức bằng cách truyền thuốc tăng co bóp cơ tim. Nếu có rối loạn vận động vùng trong quá trình này, nó cũng có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh tim thiếu máu.
  • Cắt lớp vi tính đa dãy (CT coronary angiography): Phương pháp này hỗ trợ quan sát hình ảnh động mạch vành, đánh giá mức độ hẹp, và vị trí mạch vành bị hẹp. Tuy nhiên, nó có thể không chính xác khi mạch vành bị vôi hóa nhiều.
  • Chụp động mạch vành qua da (Coronary Angiography): Đây là một thủ thuật xâm lấn, sử dụng kỹ thuật cao. Một ống thông sẽ được đưa qua đường mạch máu để chụp các động mạch vành. Phương pháp này cho phép xác định mức độ hẹp, dự trữ mạch vành qua siêu âm lòng mạch (IVUS), và đo chỉ số FFR.
  • Các xét nghiệm: bao gồm xét nghiệm men tim như Troponin T hoặc Troponin I, CK, CK-MB để loại trừ hội chứng mạch vành cấp. Ngoài ra, xét nghiệm chức năng gan, thận và các yếu tố nguy cơ khác như cholesterol, triglyceride, LDL-C, HDL-C, glucose, HbA1C cũng được thực hiện để đánh giá yếu tố nguy cơ và xác định bệnh lý liên quan.

Các biện pháp điều trị bệnh Đau thắt ngực (thắt tim)

Việc điều trị đau thắt ngực tương đương với việc điều trị bệnh thiếu máu cơ tim, gồm có điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) hoặc can thiệp tái thông mạch vành.

Điều trị nội khoa:

  • Sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu: Thường bắt đầu với việc sử dụng aspirin liều thấp, nhưng có thể sử dụng clopidogrel nếu bệnh nhân không dung nạp aspirin.
  • Liệu pháp statin: Các loại thuốc statin có khả năng ổn định các mảng xơ vữa, đóng một vai trò quan trọng. Các sự lựa chọn bao gồm rosuvastatin, atorvastatin.
  • Chẹn beta giao cảm: Các thuốc nhóm: metoprolol, bisoprolol… được sử dụng để giảm tần số tim, tăng khả năng gắng sức, và cải thiện triệu chứng đau ngực.
  • Thuốc nhóm nitrat: Nitroglycerin có tác dụng giãn mạch vành nhanh chóng và ngắn hạn, có thể sử dụng để giảm ngay cơn đau khi nó xuất hiện. Có các dạng uống, ngậm, xịt dưới lưỡi hoặc được truyền tĩnh mạch. Các loại thuốc giãn mạch có tác dụng kéo dài như Nicorandil và ranolazine cũng có thể được sử dụng.
  • Nhóm ức chế men chuyển/ ức chế thụ thể AT1: Thường được ưu tiên sử dụng khi bệnh nhân bị suy tim, tăng huyết áp, hoặc đái tháo đường kèm theo.

Chỉ định can thiệp tái thông mạch vành:

Ở những bệnh nhân chỉ điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả tốt nhất, bác sĩ có thể xem xét chỉ định can thiệp tái thông mạch vành qua da (nong bóng, đặt stent) hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Ngoài ra, tái thông mạch vành cũng có thể được thực hiện ở những bệnh nhân có bệnh lý 2-3 mạch vành, hẹp thân chung động mạch vành trái >50%, hoặc có suy tim kèm theo để cải thiện tiên lượng.

Để đặt lịch khám tại bệnh viện, Quý khách vui lòng đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp