Thuốc sổ mũi có gây buồn ngủ không?

Thuốc sổ mũi được dùng phổ biến ở người lớn và trẻ em trong các trường hợp cảm cúm, viêm mũi dị ứng, ... Tuy nhiên, một số thuốc khi sử dụng sẽ có tác dụng không mong muốn như mệt mỏi, chóng mặt, ... đặc biệt một số thuốc gây buồn ngủ. Hãy cùng tìm hiểu thuốc sổ mũi có gây buồn ngủ không trong bài viết dưới đây nhé.

1. Các loại thuốc sổ mũi phổ biến

Sổ mũi hay còn gọi là chảy nước mũi, là triệu chứng thường gặp trong các tình trạng dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp như viêm kết mạc dị ứng, viêm mũi dị ứng, dị ứng thời tiết, cảm cúm và cảm lạnh, ...Sổ mũi là triệu chứng nhẹ và hiếm khi gây nguy hiểm sức khỏe, tuy nhiên sổ mũi liên tục khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc sổ mũi không gây buồn ngủ hoặc gây buồn ngủ để điều trị triệu chứng này. Có 4 nhóm thuốc sổ mũi phổ biến bao gồm:

  • Thuốc sổ mũi dạng uống: Khi uống, thuốc sẽ được hấp thu vào máu rồi phân bố khắp cơ thể. Khi các thành phần hoạt chất của thuốc được lưu chuyển lên niêm mạc mũi thì thuốc sẽ phát huy công dụng. Do đó, nhược điểm của thuốc sổ mũi dạng uống là tác dụng lâu, người bệnh cần dùng nhiều thuốc hơn và dễ xuất hiện tác dụng không mong muốn hơn.
  • Thuốc sổ mũi dạng xịt: Thuốc này được xịt trực tiếp và mũi đang bị bệnh. Vì vậy, ưu điểm của thuốc sổ mũi dạng xịt là tác dụng nhanh, lượng thuốc cần hấp thụ ít hơn. Tuy nhiên, vẫn có một lượng nhỏ thuốc bị nuốt xuống miệng và vào hệ tuần hoàn.
  • Thuốc nhỏ mũi: Thuốc được nhỏ trực tiếp vào mũi bị bệnh nên có nguy cơ tác dụng phụ thấp hơn thuốc sổ mũi đường uống. Tuy nhiên, thuốc dễ dàng bị nuốt xuống miệng nhiều hơn dạng xịt.
  • Thuốc rửa mũi: Với trẻ em dưới 5 tuổi, nên sử dụng thuốc rửa mũi như nước muối sinh lý. Loại này an toàn cho mọi đối tượng, có công dụng làm thông thoáng đường mũi và giảm nghẹt mũi, chảy nước mũi.

2. Thuốc sổ mũi có gây buồn ngủ không?

Nhiều người thắc mắc tại sao khi uống thuốc sổ mũi lại rất hay buồn ngủ. Tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại có các quảng cáo về thuốc sổ mũi không gây buồn ngủ. Tuy nhiên, trên thực tế, để giải đáp “thuốc sổ mũi có gây buồn ngủ không?” thì còn tùy vào từng loại thuốc cụ thể.

Có 1 số loại thuốc sổ mũi gây buồn ngủ là do trong thành phần có chứa hoạt chất chống dị ứng là Clorpheniramin, thuốc nhóm kháng histamin. Clorpheniramin cũng được sử dụng dưới dạng đơn chất để điều trị viêm mũi dị ứng, mày đay, dị ứng thức ăn, côn trùng đốt, phản ứng huyết thanh, ngứa ở người bị sởi hoặc thủy đậu, ... Hiện nay, có dạng viên Clorpheniramin với nhiều hàm lượng khác nhau dành cho nhiều đối tượng. Tác dụng an thần của Clorpheniramin rất khác nhau từ ngủ gà đến ngủ sâu, chóng mặt, khô miệng, kích thích, ... Clorpheniramin maleat 4mg được sử dụng để điều trị dị ứng và có thể làm cho người bệnh bị tiêu chảy. Trong trường hợp này, người bệnh cần ngưng thuốc và đi khám để được thay thế loại thuốc kháng histamin khác. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng thuốc thuốc sổ mũi gây buồn ngủ nói riêng hay các thuốc có thành phần Clorpheniramin nói chung.

Để tránh tác dụng phụ không mong muốn là buồn ngủ, hiện nay đã có các loại thuốc sổ mũi không gây buồn ngủ, trong thành phần các thuốc này không có chất chống dị ứng, kháng histamin nên không gây buồn ngủ. Do đó, người bệnh khi lựa chọn thuốc điều trị sổ mũi có thể hỏi bác sĩ và lựa chọn chế phẩm an toàn, phù hợp.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc sổ mũi gây buồn ngủ

Trên thực tế, Clorpheniramin có trong nhiều loại thuốc trị cảm cúm, sổ mũi dưới các tên biệt dược khác nhau. Nhiều người không chú ý đến việc thuốc sổ mũi gây buồn ngủ và có thể gây ra những sự cố đáng tiếc trong lao động, sinh hoạt, ... Vì vậy, cần cảnh báo về khả năng gây buồn ngủ trước khi người bệnh sử dụng các loại thuốc sổ mũi gây buồn ngủ để tránh xảy ra những ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng các thuốc có chứa hoạt chất Clorpheniramin:

  • Tương tự các chất kháng histamin khác, Clorpheniramin có thể gây hại cho một số trường hợp. Các chống chỉ định của Clorpheniramin bao gồm người mẫn cảm với các thành phần của thuốc, đang có cơn hen cấp, phì đại tuyến tiền liệt.
  • Dùng thuốc sổ mũi theo hướng dẫn của bác sĩ: Người bệnh cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng thuốc để tránh tác dụng phụ gây buồn ngủ không ảnh hưởng đến công việc, học tập, ...
  • Cho bác sĩ biết chính xác về nghề nghiệp trước khi kê đơn: Những nghề nghiệp đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao độ như lái xe, lái tàu, ca nô, máy xúc, máy kéo, đi xe máy, xe đạp, ... cần được lựa chọn thuốc sổ mũi không gây buồn ngủ thích hợp bởi vì buồn ngủ trong khi làm những công việc này sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
  • Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng: Đọc tất cả thành phần trên nhãn thuốc và những cảnh báo khi dùng thuốc, đặc biệt là tác dụng phụ gây buồn ngủ.
  • Thông báo với bác sĩ về tất cả các sản phẩm bảo vệ sức khỏe đang dùng: Trong một số trường hợp, sự tương tác giữa các thuốc có thể làm trầm trọng thêm tác dụng phụ gây buồn ngủ của thuốc sổ mũi gây buồn ngủ.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan