Cách làm ngưng chảy nước mũi khi giao mùa

Mỗi khi giao mùa có rất nhiều người xuất hiện biểu hiện chảy nước mũi, nhất là với trẻ em khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân bệnh gây ra. Khi bị chảy nước mũi trong có thể sử dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà giúp giảm triệu chứng bệnh hiệu quả.

1. Chảy nước mũi trong do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng chảy nước mũi khi giao mùa, dưới đây là những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này:

  • Cảm lạnh: Thường gặp khi gặp lạnh đột ngột hay thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh. Nguyên nhân gây ra cảm lạnh được cho là do nhiễm virus ở mũi và họng. Có hàng trăm loại virus khác nhau có thể gây ra tình trạng này. Khi mắc bệnh thì thường có biểu hiện ban đầu là chảy nước mũi trong như nước rồi sau đó nước mũi có thể đặc hơn, đôi khi có thể sốt nhẹ, ngạt mũi, đau họng, khàn giọng...với một số biện pháp chăm sóc phù hợp người bệnh thường tự khỏi sau vài ngày.
  • Cảm cúm: Tình trạng này là do vi rút cúm gây ra, nó có thể tấn công ở niêm mạc mũi, họng và phổi. Biểu hiện khi mắc cúm bao gồm sốt cao, chảy nước mũi, đau họng, ho, ngạt mũi...Cúm có thể gây nguy hiểm cho một số đối tượng như trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có hệ thống miễn dịch kém. Virus cúm luôn thay đổi nên để phòng cúm việc tốt nhất là tiêm chủng cúm hàng năm.
  • Dị ứng: Bạn có hay bị chảy nước mũi nếu hít, ăn hoặc chạm vào một số chất mà bị dị ứng hay người ta gọi những chất này là dị nguyên. Các chất gây dị ứng phổ biến bao gồm bụi, lông vật nuôi và cỏ, nhất là phấn hoa cho nên nhiều người bị dị ứng khi thay đổi mùa. Cơ thể phản ứng với các dị nguyên theo cách tương tự như là vi khuẩn có hại, khiến bạn bị chảy nước mũi và thường kèm theo hắt hơi, chảy nước mắt.
  • Viêm mũi xoang: Viêm mũi xoang xảy ra khi niêm mạc mũi, xoang bị viêm, đau và sưng có thể do nhiều tác nhân vi sinh. Điều này có thể thu hẹp đường mũi, gây nghẹt mũi và tích tụ chất nhầy, dịch nhầy này có thể chảy ra khỏi mũi. Trong một số trường hợp, có thể cảm thấy dịch nhầy cổ họng, bạn thường kèm theo đau vùng trán, nhức đầu...
  • Viêm mũi vận mạch: Mũi có thể tạo ra quá nhiều dịch nhầy do phản ứng của mũi với các tác nhân kích thích, như chất ô nhiễm, khói hoặc đồ ăn cay...
  • Viêm amidan: Chảy dịch ở mũi cũng là một tình trạng thường gặp do bệnh viêm amidan và nhất là thường xảy ra ở trẻ em.
  • Polyp mũi: Trên niêm mạc mũi có thể hình thành các tổ chức dạng polyp. Cơ thể có thể coi những polyp đó là dị vật và sẽ kích hoạt hệ miễn dịch chống lại tác nhân này, từ đó gây tăng tiết dịch nhầy quá mức.
  • Dị vật bên trong mũi: Sự xâm nhập của các dị vật vào mũi thường xảy ra nhất là ở trẻ em, bao gồm các loại hạt hoặc các vật thể nhỏ khác. Khi đó, cơ thể sẽ phản ứng thông qua đáp ứng miễn dịch và có thể sản sinh dịch nhầy và thường có mùi hôi, có thể xuất hiện chỉ một bên mũi.
  • U nang mũi: Có thể là các u lành tính hoặc ác tính trong hốc mũi hiếm gặp, nhưng nó vẫn có thể xuất hiện ở một số bệnh nhân. Trong đó, người mắc bệnh thường chỉ thấy dịch mũi ở một bên.
  • Nguyên nhân khác: Nguwoif bệnh bị lệch vách ngăn, thủy đậu, mang thai...
chảy nước mũi
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây chảy nước mũi

2. Những biện pháp giúp ngưng chảy nước mũi khi giao mùa

Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây chảy nước mũi và việc điều trị theo nguyên nhân gây bệnh sẽ hiệu quả hơn. Nhưng người ta nhận thấy nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh đó là do nhiễm virus và dị ứng. Cho nên bạn có thế áp dụng một số biện pháp dưới đây giúp giảm tình trạng hay chảy nước mũi và giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Uống đủ nước: Việc uống đủ nước giúp cho dịch nhầy loãng hơn và dễ dàng tống ra khỏi cơ thể. Nếu bị mất nước, dịch nhầy có thể trở nên dính và đặc, dẫn đến tắc nghẽn và tăng nguy cơ tiến triển nặng. Nên dùng nước lọc, nước ép hoa quả và nên tránh dùng đồ uống có thể gây mất nước, như đồ uống chứa cồn và cà phê.
  • Uống các loại trà ấm: Những loại đồ uống ấm, như trà, có thể giúp trị chảy nước mũi tốt hơn đồ uống lạnh. Hơi nước ấm sẽ giúp thông mũi, do đó bạn sẽ dễ thở hơn. Một số loại trà có các thành phần chống viêm giúp giảm chảy nước mũi nên dùng như trà gừng, trà bạc hà...
  • Xông mũi mặt: Theo các nghiên cứu nhận thấy việc xông vùng mặt bằng nước nóng có thể giúp giảm chảy nước mũi và rút ngắn thời gian hồi phục bệnh khoảng 1 tuần. Bạn có thể xông xông bằng cách cho nước nóng với gừng, sả, vỏ bưởi, bạc hà, húng...vào cùng một bát ô tô lớn. Rồi để mặt cách cách xa bát nước khoảng 30cm và hít thở sâu bằng mũi, điều này giúp mũi được thông thoáng hơn và khiến cho dịch mũi loãng dễ loại bỏ hơn.
  • Tắm bằng nước ấm: Nước ấm giúp các cuốn mũi co lại, khiến dịch trong mũi dễ dàng thoát ra ngoài hơn.
  • Rửa mũi: Bạn có thể dùng bình xịt nước muối biển hoặc nước vô trùng để rửa mũi. Giúp làm sạch chất nhầy và loại bỏ bớt vi sinh vật gây bệnh trong mũi.
  • Máy tạo ẩm không khí: Có thể kết hợp với một số loại tinh dầu như tràm, sả chanh...để vừa giúp làm loãng dịch nhầy, giúp dễ dàng tống ra khỏi cơ thể, giữ ẩm hốc mũi và tinh dầu còn có thể diệt khuẩn.
  • Ngâm chân: Ngâm chân bằng nước ấm và cho thêm một số loại thảo dược như gừng, vỏ bưởi, sả, muối...cũng là một biện pháp hết sức hiệu quả giúp làm ấm cơ thể và giảm chảy nước mũi.
  • Chế độ ăn uống: Nên ăn đầy đủ dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất để giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, hạn chế sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh vào đường hô hấp dưới.
  • Tránh tiếp xúc với dị nguyên: Đây là biện pháp quan trọng nhất để điều trị đối với những người bị viêm mũi dị ứng, nếu như bạn biết trước tiền sử dị ứng hoặc các tác nhân dị ứng của mình thì nên tránh tiếp xúc với nó.

Ngoài những biện pháp kể trên bạn có thể đến thăm khám để được kê một số loại thuốc giúp giảm các triệu chứng của bệnh như nghẹt mũi bằng nhỏ thuốc co cuốn mũi, nếu có dấu hiệu nhiễm vi khuẩn cần dùng kháng sinh...

hay chảy nước mũi
Người hay chảy nước mũi nên sử dụng máy tạo ẩm không khí

3. Khi nào cần tới thăm khám bác sĩ?

Bên cạnh những biện pháp giúp các triệu chứng bệnh thuyên giảm thì việc theo dõi những biểu hiện bất thường rất quan trọng để phát hiện sớm khi bệnh diễn biến nặng. Một số biểu hiện cần lưu ý khi bị chảy nước mũi bao gồm:

  • Sử dụng các biện pháp 7 ngày mà các dấu hiệu không thuyên giảm.
  • Trẻ em sốt cao trên 39 độ C hoặc sốt 3 ngày liên tiếp không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Khi nghi ngờ trẻ bị dị vật trong mũi như có biểu hiện như lúc đầu chảy mũi trong, sau đó dịch mũi đặc dần và có thể kèm theo chảy máu mũi. Thông thường các dấu hiệu thường bị ở một bên và đặc biệt ở trẻ em thì luôn nghĩ tới dị vật mũi.
  • Các dấu hiệu bệnh không thuyên giảm mà có thể gây ra một số biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi...gây ra một số biểu hiện như đau tai, chảy mủ tai, thở khò khè, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực.

Chảy nước mũi trong khi giao mùa rất thường gặp và hầu hết các trường hợp có thể cải thiện sau khi chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cũng luôn theo dõi các dấu hiệu bất thường để có thể phát hiện và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan